• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Dinh dưỡng cho chó Phú Quốc (ST)

ilovedog

Member
Công thức tuyệt vời này để sau 02 tháng chó con của bạn nặng 6kg.

Để chuẩn bị cho “mẹ tròn con vuông” và mọi chuyện đều tốt đẹp như mong muốn, chúng ta hảy bắt đầu từ khi chó mẹ chuẩn bị phối giống.

Chuyện đầu tiên là chúng ta phải chọn một con “chó cha” thật vạm vỡ và “chó mẹ” cũng thật như ý. Khi phối giống chúng ta phải quan sát kiểm tra xem đường sinh dục của chó cha và chó mẹ có bị viêm nhiễm, có mũ hay xuất hiện những nốt rần lạ thường không để biết rằng chó không có bị bệnh để không ảnh hưởng đến sức khỏe và bào thai của chó mẹ.

Nếu việc kiểm tra cho thấy là bình thường thì chúng ta cho phối giống và chờ đợi mùa bội thu. Sau khi phối giống, chúng ta vẫn để cho chó mẹ đùa giỡn, chạy nhảy bình thường…vì khi được vận động thường xuyên chó lại dễ đẻ chứ không cần phải nhốt lại vì sợ xảy thai như những giống chó có nguồn gốc từ nước ngoài.

Dinh dưỡng cho chú chó bạn nên thay đổi mỗi ngày từ các loại rau củ và thịt cá, nâng cao khẩu phần đạm lên trong những tháng đầu tiên, chẳng hạn như cho chó uống thêm sữa bò và sữa đậu nành vừa có đạm động vật và đạm thực vật, thì vẫn đầy đủ hơn là chỉ uống mỗi sửa bò.

Từ lâu chúng ta vẫn cứ nghĩ rằng chỉ cần hầm đầu gà và bí đỏ cho chó ăn là đã rất đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất nhưng điều đó là hoàn toàn sai vì chỉ cần ăn như thế sau vài lứa chó con, chó mẹ của bạn sẽ mất dần sữa và thiếu khoáng chất trầm trọng. Thử phân tích xem trong đầu gà và bí đỏ có những dưỡng chất nào? Đầu gà thì có Canxi và mỡ rất nhiều, mà mỡ gà sẽ làm hại cho chó về lâu dài vì chỉ toàn là cholesterol gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch và làm chó béo phì dẫn đến khó đẻ. Bí đỏ thì chủ yếu là vitaminA mà theo Đông y đó là thức ăn nếu ăn nhiều sẽ sinh nhiệt trong người và mắt hay đổ ghèn.

Nếu vào mùa nóng mà bạn cứ vẫn cho chó mẹ ăn bí đỏ đều đều thì sẽ dẫn đến việc dễ bị mất sữa hay sữa ít. Chúng ta có thể thay đổi đầu gà bằng xương mình gà vì sẽ ít mỡ hơn nhiều và vào những ngày nóng, buổi trưa chúng ta nên chó chó uống dặm thêm nước mát giải nhiệt cho chó mẹ (có thai) được nấu từ các loại cây cỏ thuốc Nam chẳng hạn như: atisô; rể tranh; mã đề; thuốc vối…Cứ nấu 2,5lít nước thì chúng ta bỏ vào khoảng 100gram đường phèn để hơi ngọt chó sẽ dể uống.

Sau thời gian giao phối của chó cái khoảng một tháng mười ngày, nếu chó của bạn có thai thì bạn sẽ dễ dàng nhận biết do các biểu hiện bên ngoài như: bụng to; vú nở…Lúc này việc quan trọng là chuẩn bị làm sao để khi sinh con chó mẹ sẽ có thật nhiều sữa để nuôi con. Về rau củ chúng ta cần phải bổ sung thêm cho chó ăn canh bắp chuối, mỡ hành lá hoặc rau lang…thường xuyên, vì đây là những loại rau củ mang chức năng tạo sữa. Về đạm thì chúng ta bổ sung thêm cá trê vào bửa ăn vì cá trê thuộc âm tính sẽ giúp chó mẹ mát mẻ và chó con to khỏe khi được sinh ra. Trong giai đoạn này, chó mẹ rất cần Canxi và các loại khoáng chất, vitamin thiết yếu. Canxi thì chúng ta cho ăn xương gà hầm mềm và mỗi khi ăn chúng ta nên bổ sung thêm thơm trái (dứa) và củ cải trắng, chúng ta cắt hạt lựu, nấu chín rồi trộn chung vô cơm cùng với xương hầm.

Lý do phải trộn hai loại rau củ kia vào khi ăn với xương hầm là vì trong trái thơm (dứa) có chứa chất Mangan khá cao sẽ giữ vai trò điều hòa sự biến dưỡng (*) và hấp thu Canxi, phốt-pho giúp ngăn ngừa chống lại bệnh loãng xương ở chó khi phải đẻ nhiều và lúc tuổi về già, ngoài ra trong thơm còn có axít là một chất trợ tiêu hóa giúp thức ăn dễ được tiêu hóa hơn. Nhưng đối với những con chó bị bệnh loét bao tử thì nên thận trọng khi chó ăn thơm. Còn trong củ cải thì có chất Zetalin sẽ giúp cho chó khi đi phân dễ dàng hơn vì khi ăn xương chó dễ bị bón. Nếu bạn để ý khi chó đi phân sẽ thấy có một lớp màng trắng mờ bao lấy phân thì lớp màng đó chính là Zetalin và trong Đông y củ cải trắng còn được sử dụng để chống lại bệnh còi xương, thiếu khoáng chất, lọc gan thận và tiêu độc.





Rau củ khi cho chó ăn chúng ta nên chịu khó cắt hạt lựu, để khi trộn chung với cơm nó sẽ hòa quyện vào cơm để tránh tình trạng chó không lựa rau củ ra riêng mà phải ăn hết tất cả phần rau củ trộn chung trong cơm.

Khi còn một tuần nữa thì chó hạ sinh, nếu là chó đẻ lứa đầu tiên hoặc là chó mẹ đã có tiền sử là thiếu hoặc không có sữa thì chúng ta nên nấu cháo nếp với trái sung xanh thái mõng cộng với đu đủ xanh và chân giò heo. Đây là bài thuốc tuyệt vời mà dân gian ta vẫn thường sử dụng cho sản phụ bị mất sữa. Trong giai đoạn này, chúng ta không nên cho chó ăn khẩu phần đạm cao hoặc thức ăn mang tính nóng vì sẽ dẫn đến tình trạng chó mẹ bị mất sữa hay ít sữa. Chúng ta có thể bổ sung thêm thuốc bổ Obimin dành cho sản phụ hoặc viên Pet Tab của chó nếu thấy tình trạng chó mẹ hơi gầy ốm trong giai đoạn mang thai.

Sau khi chó mẹ đã hạ sinh, nếu chó con chậm bú hoặc ít bú trong một đến hai ngày đầu chúng ta nên để ổ chó trong nhà để tránh gió lạnh buổi tối và bắt thêm một bóng đèn vàng để gần ổ chó nhằm giữ nhiệt độ cho chó con. Những buổi trưa nếu trời nóng và oi bức, chúng ta sẽ thấy chó con ít bú và bò lung tung trong ổ, la lối um xùm…thì chúng ta nên lấy quạt máy và quạt vào ổ chó nhưng lưu ý để quạt ở chế độ quay. Để quạt máy hơi cách xa ổ chó và trước quạt chúng ta nên để thêm một cục nước đá lớn để làm dịu không khí xung quanh ổ chó. Một lúc sau, chó hết kêu la và bò lại để tìm vú mẹ bú…cuối cùng là lăn kền ra ngũ. Lúc đó, chúng ta có thể tắt quạt. Còn đối với những ổ chó khỏe mạnh, chúng ta vẫn cứ để ổ chó ngoài hiên nơi cao ráo, có gió thoáng mát sẽ giúp cho các chú chó con mau lớn hơn. Chúng ta đừng sợ chó con lạnh, vì nếu chúng lạnh tự động chúng sẽ bò vào bụng mẹ để sưởi ấm hoặc cuộn tròn người lại với nhau để giử thân nhiệt.

Gần hai tuần chó con sẽ mở mắt, nếu ổ chó có từ bốn con trở xuống và chó mẹ nhiều sữa chúng ta không cần cho chó con bú dặm. Nhưng nếu có năm con trở lên thì phải cho bú dặm. Bạn có thể mua sữa Bio dành cho chó hoặc các loại sữa của trẻ sơ sinh không đường pha cho chó con bú. Đối với sữa Bio của chó nên pha đúng tỉ lệ được hướng dẫn trên bao bì sữa, còn đối với sữa của em bé thì nên pha loãng hơn một chút để tránh tình trạng chó bị tiêu chảy vì lạ sữa. Cứ cách khoảng ba tiếng, bạn lại cho chó con bú một lần.

Khi chó đã mọc răng lúc gần một tháng, chúng ta bắt đầu tập cho chó con ăn dặm cháo. Cháo khi nấu xong, ta nên bỏ thêm một ít rau củ vào và đặc biệt là cà- rốt để chống tiêu chảy. Nhớ là mua loại cà-rốt của nhà vườn trồng đừng mua loại cà-rốt Trung Quốc, bề ngoài bóng đẹp nhưng lại chứa nhiều hoá chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe chó con.




Khi nấu rau củ, chúng ta nên nấu nước sôi trước và sau đó bỏ rau vào và hạ lửa nhỏ đậy nắp để tránh tình trạng rau bị bốc hơi Vitamin. Nên nấu rau củ vừa chín tới, đừng nấu mềm sẽ làm mất bớt đi Vitamin trong rau củ.

Ngoài ra, chúng ta còn phải thêm vào khẩu phần ăn của chó con: thịt; cá; sữa bột; trứng luộc…Tùy mỗi bửa mà ta linh động thay đổi thức ăn cho chó con. Chúng ta nên xay: cháo; rau củ và thịt cá bằng máy xay sinh tố rồi mới cho chó ăn khi thức ăn còn ấm. Nên cho chó ăn vừa đủ no bụng không được căng tròn, vì khi ăn quá no chó con sẽ khó tiêu hóa hơn, thức ăn sẽ hấp thụ rất chậm và thế là chó con sẽ chậm lớn.

Sau khi ăn phải lau miệng cho chó con thật kỹ để tránh tình trạng chó dơ bẩn. Vào mỗi buổi sáng nắng sớm chúng ta nên phơi nắng cho chó con khoảng năm phút. Hai việc này nếu làm đều đặn và kỹ lưỡng thì chó con và chó mẹ sẽ rất khó bị viêm da. Bệnh viêm da sẽ dễ xảy ra hơn đối với dòng chó Phú Quốc lông sát trụi, vì vậy đối với dòng chó này chúng ta sẽ càng kỹ hơn.

Khi chó được bốn mươi lăm ngày tuổi, chúng ta bắt đầu tập cho chó con ăn cháo nấu nhừ với rau củ cắt hạt lựu cùng với: thịt; cá; trứng; gan…băm nhuyễn. Ta nên lưu ý là rau củ đừng bao giờ nấu chung với cháo mà phải nấu riêng và trộn vô sau.

Còn về tiêm phòng Vaccin, thì ta nên chủng ngừa trước cho chó mẹ cách một tuần trước khi có kinh, việc này sẽ giúp cho chó con của bạn sẽ hưởng được nhiều kháng thể từ chó mẹ hơn và độ nhiễm bệnh sẽ kéo dài hơn. Còn về chó con, chúng ta có thể tiêm phòng Vaccin khoảng hai tháng tuổi trở đi, việc này cũng giúp cho chó con mau lớn hơn. Ngoài ra chúng ta cũng nên chú ý đến môi trường xung quanh ổ chó phải thật sạch sẽ và thoáng mát, nên phun thuốc diệt vi khuẩn GPC-8 định kỳ để tiêu diệt và ngăn ngừa mần bệnh cho ổ chó. Thỉnh thoảng một tuần một lần chúng ta nên cho chó mẹ và chó con ăn viên than đen Carbogast nhằm giải độc đường ruột, chống no hơi, sình bụng và tiêu chảy. Chúng ta nên tập cho chó ăn ổi trái thường xuyên, trong trái ổi chứa rất nhiều khoáng chất sẽ giúp cho đàn chó con của bạn không ăn đất cát hoặc cạp vôi quét tường…để tránh tình trạng chó nhà bạn có lãi, và việc xổ lãi nên bắt đầu lúc chó con được một tháng tuổi.

Cứ vào mùa nóng thì ta nên cho đàn chó đồ ăn và thức uống mang tính mát và vào mùa mưa thì ngược lại.

Tất cả những điều trên đây nếu được áp dụng và tuân thủ đúng cách, thì sau hai tháng các bạn sẽ có một đàn chó con tuyệt vời.

(*) biến dưỡng: hấp thu vừa đủ cho cơ thể cần thiết và đào thải khi nó dư
 
Top