• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Dồn ép voi rừng đến đường cùng

Hoangminh

Member
Đắc Lắc:
Dồn ép voi rừng đến đường cùng
Thứ Bảy, 22.1.2011 | 08:52 (GMT + 7)
(LĐ) - Hiện không phải là mùa thu hoạch nông sản, nhưng đàn voi rừng vẫn liên tiếp về quậy phá ở huyện Ea Súp, gây hoang mang cho người dân. Theo các nhà khoa học thì không nghi ngờ gì nữa, đây chính là phản ứng tiêu cực khi đàn voi rừng bị con người dồn ép đến đường cùng.

Người dân Ea Súp đốt đất đèn để xua voi. Ảnh: TRUNG KIÊN
Dân khổ vì voi
Từ 14.1 đến nay, đàn voi rừng khoảng 8 con lại liên tiếp xuất hiện tại tiểu khu 222, xã Ya T’mốt, huyện Ea Súp. Ông Cao Văn Ba - PGĐ Cty TNHH Đức Tâm - cho biết: “Khoảng 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, đàn voi này thường sục vào các lán trại của Cty, giẫm đạp và gầm rú inh ỏi khiến nhiều công nhân hoảng sợ bỏ chạy”. Hiện tượng này trái ngược với quy luật xuất hiện của voi rừng, vì thông thường chúng chỉ ra vùng canh tác của người dân vào mùa thu hoạch để tìm kiếm thức ăn.
Ngoài Ya T’mốt, các xã Ia J’lơi, Ia R’vê và Ya Lốp (huyện Ea Súp) cũng là địa bàn thường xuyên bị voi rừng về quậy phá. Năm 2008, khu vực này có 42,8ha cây trồng bị voi “thu hoạch”; năm 2009 là 48ha, năm 2010 là 40ha. Ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Ia R’vê - cho biết: “Vào mùa thu hoạch, chính quyền xã thường phải huy động hàng trăm người thức trắng đêm để xua voi. Nhưng các biện pháp cổ truyền như dùng loa phóng thanh, động cơ môtô, máy nổ, đốt đất đèn tạo tiếng nổ và ánh sáng... đều không còn tác dụng vì voi đã quá quen”. Từng có đề xuất làm hàng rào lưới điện để cản voi, song không thể thực hiện do voi rừng xâm nhập từ nhiều hướng khác nhau. Trước sự tàn phá ngày càng khốc hại, đặc biệt là dấu hiệu ngày càng hung dữ của voi, ông Nguyễn Đình Toản - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp - cũng đã từng kiến nghị... di chuyển đàn voi đi nơi khác.
Voi khổ vì... dự án caosu
Kết quả nghiên cứu do PGS-TS Bảo Huy - ĐH Tây Nguyên - chủ trì cho thấy, thảm trạng trên là hậu quả của việc di cư tự do, chặt phá rừng lấy đất canh tác, đặc biệt là các dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây caosu ở Ea Súp. Các hoạt động này làm địa bàn cư trú của voi bị thu hẹp, chia cắt, làm mất hành lang di chuyển theo mùa, tìm kiếm thức ăn và gặp gỡ giao phối của voi. Ít nhất 3 đàn voi rừng với số lượng khoảng 28 - 47 con trong lâm phần các Cty lâm nghiệp Ya Lốp, Ea H’mơ, Chư Phả không còn đường di chuyển ra ngoài. Phía bắc của khu vực này là nương rẫy bạt ngàn của người dân tỉnh Gia Lai trong khi phía đông, phía tây, phía nam cũng là vùng canh tác của người dân Ea Súp và các đơn vị quân đội. Bị cô lập trong vùng rừng chật hẹp, thiếu thức ăn, nước uống và muối khoáng nên đàn voi phải tràn ra nương rẫy, vùng khai hoang của các doanh nghiệp.
Theo PGS-TS Bảo Huy, nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương là phải chấm dứt khai thác gỗ trong lâm phần Cty lâm nghiệp Ya Lốp và Cty lâm nghiệp Ea H’mơ, không tiếp tục chuyển mục đích sử dụng rừng để duy trì môi trường sống cho voi. Ngoài ra, phải trồng chuối và các loại thức ăn ưa thích trong rừng khộp cho voi... Dù chưa phải tất cả, song các giải pháp này sẽ có tác dụng giảm thiểu xung đột người - voi. Về lâu dài, chương trình chuyển đổi rừng nghèo trồng caosu tại Đắc Lắc cần được xem xét lại, theo hướng ưu tiên dành đất rừng cho dự án bảo tồn voi.
Đặng Trung Kiên
 
Top