• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chuyện về những bác sĩ của thú rừng

amifidele

Member
Hai năm trước, một con khỉ bị sập bẫy giập nát hai bàn tay phải phẫu thuật cắt bỏ cả hai tay. Một cụ già đã quay lại hình ảnh con khỉ đáng thương giãy giụa trong bẫy, cảnh bác sĩ Hiến phẫu thuật và chiếu lại cho người đặt bẫy khỉ xem. Người săn thú đã rơi lệ và hối lỗi.

Vườn Quốc gia Cát Tiên nằm ở ngay đoạn uốn khúc của sông Đồng Nai, trải rộng trên ranh giới của 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển” do có hàng ngàn loài gỗ quý, dược liệu, phong lan, hàng trăm loài thú với 40 loài nằm trong sách Đỏ thế giới (tê giác, bò tót, báo hoa mai...). Chính vì sự phong phú ấy mà Cát Tiên luôn bị những người săn trộm dòm ngó. Đã có một Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp được thành lập để đối phó với tình trạng này.


Bác sĩ Hiến đang phẫu thuật cắt chân cho con gấu bị thương nặng do sập bẫy của người săn thú trái phép.
Ảnh: SGGP.

Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp có 3 cán bộ: bác sĩ Lê Văn Hiến, bác sĩ thú y Nguyễn Văn Cường và kỹ thuật viên Hà Khánh Châu. Anh Hiến bùi ngùi nhớ lại: “Khi chúng tôi mới đến, nơi đây chỉ là một vùng rừng hoang sơ, heo hút, lầy lội. Cả khu bảo tồn chỉ có một ngôi nhà cũ, không đủ sức che chắn cho con người trước sự đe dọa của thú dữ, rắn rết, muỗi vắt…”.

Thế nhưng, hiện nay mỗi năm, trung tâm đã có thể tiếp nhận và chữa trị thương tật cho hàng trăm thú hoang dã: nào là gấu chó, gấu ngựa, tê tê, kỳ đà, khỉ, mèo rừng, rắn, chồn, heo rừng… bị những người săn bắt trái phép. Phần lớn chúng sau khi khỏe mạnh đều được trở lại rừng xanh nhưng không ít con đã bị tàn phế và các bác sĩ ở đây phải nuôi dưỡng suốt đời.

Chuyện về 2 con gấu ngựa quý hiếm được cứu sống đầu năm 2004 là một ví dụ. Do cả hai con đều bị dập nát 2 chi sau nên bác sĩ Hiến đã phải phẫu thuật cắt bỏ hai chân bị thương của 2 chú gấu này và nuôi chúng cho đến ngày nay. Ngoài việc khám chữa bệnh và chăm sóc vết thương, các bác sĩ, nhân viên kỹ thuật ở đây còn phải huấn luyện bản năng hoang dã, kỹ năng săn mồi... để chúng có thể quay trở lại rừng xanh.

Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, trung tâm đã cứu sống, chăm sóc được 15 con gấu ngựa, 2 con gấu chó quý hiếm, hàng chục con khỉ, hàng trăm con bò sát, rồi lần lượt đưa chúng trở về với rừng.

Mồ hôi trộn mưa rừng
Hầu hết ở các xã ven Vườn quốc gia Cát Tiên như Đaklua, Tà Lài, Núi Tượng, Nam Cát Tiên, Đakho, Thanh Sơn, Đông Hà… đều có người săn bắt thú trái phép. Có tháng, lực lượng kiểm lâm phải tháo dỡ tới 700 loại bẫy thú lớn nhỏ do dân ở đây đặt.

Chăm sóc, chữa trị bệnh cho thú hoang dã đã khó vì chúng rất hung dữ nhưng việc thả chúng về môi trường tự nhiên càng khiến các anh khổ sở hơn. Những thú hoang được đưa lên xe phủ kín bạt chở vào rừng. Tuy nhiên, xe chỉ đi được ở những nơi có đường.

Hết đoạn có đường, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật phải dùng cáng khiêng thú vào sâu trong rừng, tìm những khu vực thích hợp, gần nguồn nước mới dám thả chúng ra. “Tất cả để đảm bảo cho chúng nhanh chóng tìm được về môi trường sống thích hợp”, anh Hiến nói. Tuy nhiên, tất cả những cực nhọc này không hề sánh được với niềm vui nhìn thấy những con thú sau khi chữa trị, mạnh khỏe trở về rừng.

Trước khi chúng tôi đến, vài tuần trước, các anh ở đây đã rất sung sướng khi gặp lại con gấu chó mà mình đã thả cách nay 3 tháng, xung quanh vị trí thả khoảng 15 km.

Tình yêu thiên nhiên không phân biệt quốc gia, lứa tuổi
Anh Hiến ngậm ngùi: “Năm 2005, tiến sĩ Jim Cronin người Anh dự định hỗ trợ kinh phí và trang thiết bị hoạt động cho trung tâm nhưng công việc chưa kịp tiến hành thì ông qua đời”. Tuy nhiên, vợ của tiến sĩ, bà Alison Cronin đã tiếp tục thực hiện dự án của chồng. Bà đang hỗ trợ xây dựng một trung tâm cứu hộ linh trưởng, dự kiến tháng 11/2007 bắt đầu xây dựng.

Đến và gắn bó với núi rừng, muông thú từ khi còn là chàng trai ngoài 20 tuổi, anh Hiến luôn nhớ và cảm động trước việc làm của một ông già tuổi 70. Hai năm trước, một con khỉ bị sập bẫy giập nát hai bàn tay phải phẫu thuật cắt bỏ cả hai tay. Ông già đã quay lại hình ảnh con khỉ đáng thương giãy giụa trong bẫy, cảnh anh Hiến phẫu thuật cắt hai bàn tay của khỉ và chiếu lại cho người đặt bẫy khỉ xem. Người săn thú đã rơi lệ và hối lỗi.

Ông lão ấy tâm sự: “Tôi không còn đủ sức khỏe để vào rừng cứu chữa cho các con thú. Một hành động nhỏ, mong rằng sẽ giúp mọi người có ý thức trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ động vật hoang dã”.

Vườn quốc gia Cát Tiên cuối mùa mưa dường như lạnh hơn với những cơn mưa tầm tã. Từng đoàn du khách đội mưa vào rừng xem thú đêm, thích thú với những đôi mắt sáng quắc của đàn nai trên đồng cỏ, những chú khỉ tinh nghịch leo trèo trên những tán cây. Ai biết được rằng, để bảo vệ, gìn giữ sự đa dạng sinh học cho khu rừng, những người như anh Hiến, anh Cường, anh Châu… đã phải hi sinh rất nhiều trong cuộc sống riêng tư của mình.

Nửa khuya, khi du khách trở về nhà nghỉ, anh Cường vẫn đang chịu cái lạnh thấu xương của những cơn mưa rừng dai dẳng, trước những đe doạ của rừng đêm… lặn lội kiểm tra quá trình thích nghi của những con thú mới được thả. Trang thiết bị chữa trị thiếu thốn, hệ thống chuồng trại kém chất lượng, nguy cơ anh em bị lây bệnh từ thú hoang trong quá trình chăm sóc, huấn luyện là rất lớn. Đó chính là mối bận tâm duy nhất của những người nguyện sống chết với Vườn quốc gia Cát Tiên.

(Theo Sài Gòn giải phóng)​
 
Top