• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chim hiểu được ánh mắt người

Con người không phải là động vật duy nhất biết sử dụng mắt trong giao tiếp. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, quạ gáy xám có thể hiểu được ánh mắt của chúng ta.


Từ lâu giới khoa học đã muốn biết liệu có loài động vật nào khác ngoài con người biết dùng ánh mắt để trao đổi thông tin hay không.

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy một số động vật được coi là thông minh – như tinh tinh và chó – không thể hiểu được ánh mắt của đồng loại.

Giống như người, quạ gáy xám sở hữu cặp mắt rất dễ nhận thấy từ xa, với tròng mắt màu trắng bao quanh đồng tử.

Sự tương đồng về cấu tạo của mắt giữa người và quạ gáy xám khiến các nhà sinh vật học của Đại học Oxford (Anh) cho rằng quạ gáy xám có thể hiểu ánh mắt chúng ta. Họ tiến hành một thử nghiệm để chứng minh nhận định này.

“Nếu quạ gáy xám đọc được ánh mắt của con người thì chúng cũng có thể đọc được ánh mắt của đồng loại”, Auguste von Bayern, trưởng nhóm nghiên cứu, tuyên bố.

Von Bayern tiến hành thử nghiệm với quạ gáy xám trong thời gian làm luận văn tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh). Trong một thử nghiệm, Von Bayern đo khoảng thời gian mà một con quạ gáy xám lấy thức ăn trong một khay. Hai cộng sự của bà, trong đó có một người mà con chim đã quen mặt, đứng gần khay thức ăn sao cho quạ có thể nhìn thấy.

Kết quả cho thấy khi nhìn thấy “người lạ”, con chim sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc lấy thức ăn. Tuy nhiên, khi “người quen” nhìn nghiêng hoặc nhắm mắt, quạ cũng tỏ ra chần chừ.

Điều này cho thấy quạ gáy xám đánh giá mức độ rủi ro thông qua chuyển động của mắt người chứ không phải bất cứ dấu hiệu nào khác.

Trong thử nghiệm thứ hai, Von Bayern giấu thức ăn ở nhiều vị trí để một đàn quạ gáy xám tìm. Một cộng sự của bà lần lượt nhìn về phía từng vị trí giấu thức ăn. Nhóm nghiên cứu nhận thấy lũ quạ tìm được thức ăn sau khi dõi theo ánh mắt của người cộng sự.

Các chuyên gia trong nhóm của Von Bayern cho biết, họ sẽ tiếp tục tiến hành một số thử nghiệm nữa để xem quạ gáy xám hiểu được ánh mắt của con người nhờ bản năng tự nhiên hay quá trình nuôi dưỡng của con người.
 
Top