nguyenhong
Member
Ở đồng bằng sông Cửu Long, có nơi chỉ sau bốn năm hạn chế khách du lịch và quyết liệt chống săn bắt trộm đã thành nơi trú ngụ của hàng ngàn chim cò hoang dã. Có nơi, không ngăn được nạn khai thác ồ ạt để phục vụ các quán nhậu quanh vùng, chủ vườn chim phải bán quách cả vườn.
Sân chim Vàm Hồ mở rộng
Sân chim Vàm Hồ ở xã Tân Mỹ (Ba Tri, Bến Tre) đang được mở rộng thêm 20 ha để nâng diện tích lên khoảng 63 ha. Việc mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh nở cho lượng chim, cò về ngày một nhiều. Diện tích mở rộng được Chi cục Kiểm lâm tỉnh trồng các loại cây chà là gai, tràm bông vàng, dừa nước, đước.
Sân chim Vàm Hồ là sân chim lớn nhất tỉnh Bến Tre, với gần một triệu con chim các loại. Khu một rộng hơn 43ha, chim đã về dày đặc. Còn khu hai đang mở rộng thêm.
Leo lên một trong sáu chòi canh lửa quanh khu một, có thể thấy vẻ đẹp của rừng biến đổi theo từng thời khắc. Chim, cò, vô cùng nhiều. Tinh mắt còn thấy chồn, sóc, kỳ đà. Thỉnh thoảng bắt gặp cả rắn hổ mây trườn trên nhánh cây.
Anh Bùi Văn Vui, đội phó đội bảo vệ sân chim, cho biết, chim hiện có 35 họ với trên 80 loài. Hàng năm vào đầu mùa mưa, khoảng tháng tư, chim bắt đầu về sinh sản. Khoảng tháng 8, các loài chim sẽ di cư sang nơi khác.
Năm nay, lượng chim về ước tăng khoảng 10 phần trăm so với năm ngoái, nhiều nhất là cò trắng, vạc, chim diệc lông vàng, cồng cộc. Đặc biệt, có cả chim cổ đầu rắn, loại chim tương đối hiếm tại sân chim, nhưng năm nay, tập trung về với số lượng khá lớn, bay rợp trời.
Từ thành phố Bến Tre đến sân chim Vàm Hồ theo đường tỉnh 885, ngang qua những rừng dừa bạt ngàn, đoạn đường dài khoảng 55 km. Hôm giữa tháng Chín, khi cơn mưa rào vừa dứt, tôi được anh Vui hướng dẫn đi vào sâu bên trong, một căn chòi lá trú mưa trú nắng của anh em bảo vệ.
Tất cả ưu tiên dành cho chim nên cơ ngơi của người, có phần hoang sơ, thiếu thốn. Anh Vui loay hoay lau cái bàn tròn nhỏ bằng gỗ còn ướt nước mưa để đặt bình trà và mấy cái ly, cười sảng khoái.
Cơ ngơi đơn sơ vậy nhưng công tác bảo vệ sân chim lại được triển khai chặt chẽ. Các năm trước, tình trạng bắt trộm chim thường xảy ra. Năm nay cả tám tháng đầu năm chỉ xảy ra một vụ.
Anh Vui kể, năm nay anh em bảo vệ kết hợp với công an xã và dân quân tự vệ tuần tra 24/24 giờ mỗi ngày. Tuần tra ban đêm trong sân chim khá vất vả. Muỗi nhiều và rơi xuống đầu là sương dày đặc lẫn với phân chim.
Về công tác phòng cháy chữa cháy, UBND huyện Ba Tri cung cấp máy bơm, đường ống theo nhu cầu, tất cả sẵn sàng cao độ.
Đi sâu vào sân chim càng thấy cảnh hoang dã kỳ thú và, vì vậy, đi lại rất khó khăn. Tôi phải xắn quần tận đầu gối, bước chân trên những lối mòn lép nhép bùn nước.
Ở đây, thực vật phong phú với nhiều loại cây chen chúc nhau, chiếm đa số là dừa nước, chà là, tra, bạch đàn; các loại cây hoang dại như nhãn lòng, quao nước, sậy, ô rô; có cả mãng cầu xiêm, khoai mì, đậu ván, mía, ổi, so đũa.
Lại còn hệ thống chằng chịt kênh rạch như mạng nhện, nên tôm, cá khá nhiều, chủ yếu là cua, tôm đất, cá bống kèo, v.v. Đấy là nguồn thức ăn phong phú cho các loài chim cò.
Mỗi khi tôi sơ ý giẫm phải những cành cây khô, phát ra tiếng kêu răng rắc, thì từng đàn chim vỗ cánh vù lên không trung, kèm theo những tiếng kêu chíu chít, tạo ra một âm thanh náo nhiệt, sinh động lạ thường. Ngồi lại để nghỉ chân, tôi nghe trong tiếng chim ríu rít còn có tiếng ong xè xè bay đâu đó trong bụi rậm.
Ông Phạm Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, cho biết, bắt trộm chim trong sân chim thế chứ cũng khó. Mỗi khi có tiếng động, đàn chim đồng loạt chí chóe bay lên, bảo vệ trực phát hiện ra liền.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận, giữ được vườn chim như bây giờ là nhờ kiên quyết hạn chế khách du lịch. Ông nói “cách đây bốn năm, tỉnh Bến Tre quyết định ngừng khai thác các dịch vụ du lịch ở đây. Đó là một quyết định sáng suốt”.
Chủ tịch Thắng giới thiệu thêm dự án “đang triển khai từng bước”. Đó là làm hàng rào bảo vệ, nạo vét kinh và các hạng mục khác, giữ cho vườn chim thật sự là thế giới của loài chim. “Thì cũng là giữ nguyên vẹn một khu rừng ở cửa sông Mekong cho các thế hệ đời sau”, Chủ tịch Thắng vui vẻ.
Vườn cò Bằng Lăng kêu cứu
Ông Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ cũ vườn cò Bằng Lăng (Thốt Nốt, Cần Thơ), gắn bó với cò trên 50 năm, bức xúc, mỗi năm có hàng vạn con chết do bị thuốc, bị câu, đánh bẫy. Nhất là mùa nước lên, ruộng lúa đã thu hoạch xong. Chim, cò tìm thức ăn trên đồng, thế là chết hàng xâu.
Bảng thực đơn món ăn chim, cò, ở một quán ăn tại quận Thốt Nốt - Ảnh: Lê Phương Chăm
Vườn cò Bằng Lăng ở phường Thới Thuận (Thốt nốt, Cần Thơ), rộng gần 3,4 ha, tập trung 600.000 con chim, cò, mỗi ngày thu hút hơn 100 du khách. Xung quanh vườn cò trăm mét, giăng đầy cạm bẫy sát hại chim: lưới, câu, thuốc độc, gần đây còn dùng băng casette phát ra tiếng chim kêu để dẫn dụ cả đàn.
Chim cồng cộc dính lưới - Ảnh: Lê Phương Chăm
Tôi làm quen được một sát thủ chim cò tên T.V.T ở quận Thốt Nốt, vừa giải nghệ sang chạy xe ôm. Anh T săn bắt chim, cò đã hơn 10 năm. Vào mùa nước lũ, đem lưới ra ruộng gần vườn cò giăng, mỗi ngày được vài chục con. Hôm nào nguyên đàn đáp xuống có thể dính cả trăm con. Giá một con cồng cộcc 30 - 40 ngàn đồng, cò lớn 24 - 30 ngàn đồng. Bắt riết vẫn không khá mà thấy tội lỗi nên mới bỏ nghề.
Tôi đi dọc các quán ăn có tiếng ở quận Thốt Nốt, thấy không thiếu món chim, cò. Bảng giá lớn trương hẳn hoi, tính theo con, cồng cộc rô ti 120 ngàn đồng, cò nấu cháo lòng 100 ngàn đồng, lẩu cò 85 ngàn đồng, cò nướng 80 ngàn đồng, cò khìa 80 ngàn đồng. Trứng chim mỗi quả 4-5 ngàn đồng.
Ông Võ Văn Phú, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin & Thể thao Quận Thốt Nốt, khi nghe tôi hỏi chuyện vườn cò, mượn xuồng đưa tôi ra bãi lưới quanh vườn cò.
Trên mặt nước khoảng vài héc - ta, có gần 100 tay lưới giăng ngầm và khoảng 200 con chim mồi (loại cồng cộc lông đen) đang chấp chới trên các đầu cọc để dụ đồng loại.
Cồng cộc là loài chim chuyên lặn dưới nước để bắt mồi, do đó con nào sà xuống là coi như lọt cửa tử. Tôi thử kéo lên một vài tay lưới, chỗ nào cũng có chim vướng.
Ông Phú nói, chưa bao giờ tình trạng săn bắt quanh vườn cò công khai và thách thức như hiện nay. Vì chim trời cá nước nên địa phương chỉ động viên bỏ nghề chứ không có quyền cấm.
Săn bắt chim còn nhắm vào các tổ chim non, đặc biệt là những loại hót hay như họa mi, khướu, sơn ca, chích chòe, sáo, cưỡng. Việc bắt chim cả đàn, cả tổ đe dọa nghiêm trọng vườn cò Bằng Lăng. Đó cũng là một lý do chính để ông chủ vườn cò gắn bó gần cả đời, quẹt nước mắt bán cho người khác.
Tiền phong
Sân chim Vàm Hồ mở rộng
Sân chim Vàm Hồ ở xã Tân Mỹ (Ba Tri, Bến Tre) đang được mở rộng thêm 20 ha để nâng diện tích lên khoảng 63 ha. Việc mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh nở cho lượng chim, cò về ngày một nhiều. Diện tích mở rộng được Chi cục Kiểm lâm tỉnh trồng các loại cây chà là gai, tràm bông vàng, dừa nước, đước.
Sân chim Vàm Hồ là sân chim lớn nhất tỉnh Bến Tre, với gần một triệu con chim các loại. Khu một rộng hơn 43ha, chim đã về dày đặc. Còn khu hai đang mở rộng thêm.
Leo lên một trong sáu chòi canh lửa quanh khu một, có thể thấy vẻ đẹp của rừng biến đổi theo từng thời khắc. Chim, cò, vô cùng nhiều. Tinh mắt còn thấy chồn, sóc, kỳ đà. Thỉnh thoảng bắt gặp cả rắn hổ mây trườn trên nhánh cây.
Anh Bùi Văn Vui, đội phó đội bảo vệ sân chim, cho biết, chim hiện có 35 họ với trên 80 loài. Hàng năm vào đầu mùa mưa, khoảng tháng tư, chim bắt đầu về sinh sản. Khoảng tháng 8, các loài chim sẽ di cư sang nơi khác.
Năm nay, lượng chim về ước tăng khoảng 10 phần trăm so với năm ngoái, nhiều nhất là cò trắng, vạc, chim diệc lông vàng, cồng cộc. Đặc biệt, có cả chim cổ đầu rắn, loại chim tương đối hiếm tại sân chim, nhưng năm nay, tập trung về với số lượng khá lớn, bay rợp trời.
Từ thành phố Bến Tre đến sân chim Vàm Hồ theo đường tỉnh 885, ngang qua những rừng dừa bạt ngàn, đoạn đường dài khoảng 55 km. Hôm giữa tháng Chín, khi cơn mưa rào vừa dứt, tôi được anh Vui hướng dẫn đi vào sâu bên trong, một căn chòi lá trú mưa trú nắng của anh em bảo vệ.
Tất cả ưu tiên dành cho chim nên cơ ngơi của người, có phần hoang sơ, thiếu thốn. Anh Vui loay hoay lau cái bàn tròn nhỏ bằng gỗ còn ướt nước mưa để đặt bình trà và mấy cái ly, cười sảng khoái.
Cơ ngơi đơn sơ vậy nhưng công tác bảo vệ sân chim lại được triển khai chặt chẽ. Các năm trước, tình trạng bắt trộm chim thường xảy ra. Năm nay cả tám tháng đầu năm chỉ xảy ra một vụ.
Anh Vui kể, năm nay anh em bảo vệ kết hợp với công an xã và dân quân tự vệ tuần tra 24/24 giờ mỗi ngày. Tuần tra ban đêm trong sân chim khá vất vả. Muỗi nhiều và rơi xuống đầu là sương dày đặc lẫn với phân chim.
Về công tác phòng cháy chữa cháy, UBND huyện Ba Tri cung cấp máy bơm, đường ống theo nhu cầu, tất cả sẵn sàng cao độ.
Đi sâu vào sân chim càng thấy cảnh hoang dã kỳ thú và, vì vậy, đi lại rất khó khăn. Tôi phải xắn quần tận đầu gối, bước chân trên những lối mòn lép nhép bùn nước.
Ở đây, thực vật phong phú với nhiều loại cây chen chúc nhau, chiếm đa số là dừa nước, chà là, tra, bạch đàn; các loại cây hoang dại như nhãn lòng, quao nước, sậy, ô rô; có cả mãng cầu xiêm, khoai mì, đậu ván, mía, ổi, so đũa.
Lại còn hệ thống chằng chịt kênh rạch như mạng nhện, nên tôm, cá khá nhiều, chủ yếu là cua, tôm đất, cá bống kèo, v.v. Đấy là nguồn thức ăn phong phú cho các loài chim cò.
Mỗi khi tôi sơ ý giẫm phải những cành cây khô, phát ra tiếng kêu răng rắc, thì từng đàn chim vỗ cánh vù lên không trung, kèm theo những tiếng kêu chíu chít, tạo ra một âm thanh náo nhiệt, sinh động lạ thường. Ngồi lại để nghỉ chân, tôi nghe trong tiếng chim ríu rít còn có tiếng ong xè xè bay đâu đó trong bụi rậm.
Ông Phạm Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, cho biết, bắt trộm chim trong sân chim thế chứ cũng khó. Mỗi khi có tiếng động, đàn chim đồng loạt chí chóe bay lên, bảo vệ trực phát hiện ra liền.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận, giữ được vườn chim như bây giờ là nhờ kiên quyết hạn chế khách du lịch. Ông nói “cách đây bốn năm, tỉnh Bến Tre quyết định ngừng khai thác các dịch vụ du lịch ở đây. Đó là một quyết định sáng suốt”.
Chủ tịch Thắng giới thiệu thêm dự án “đang triển khai từng bước”. Đó là làm hàng rào bảo vệ, nạo vét kinh và các hạng mục khác, giữ cho vườn chim thật sự là thế giới của loài chim. “Thì cũng là giữ nguyên vẹn một khu rừng ở cửa sông Mekong cho các thế hệ đời sau”, Chủ tịch Thắng vui vẻ.
Vườn cò Bằng Lăng kêu cứu
Ông Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ cũ vườn cò Bằng Lăng (Thốt Nốt, Cần Thơ), gắn bó với cò trên 50 năm, bức xúc, mỗi năm có hàng vạn con chết do bị thuốc, bị câu, đánh bẫy. Nhất là mùa nước lên, ruộng lúa đã thu hoạch xong. Chim, cò tìm thức ăn trên đồng, thế là chết hàng xâu.
Bảng thực đơn món ăn chim, cò, ở một quán ăn tại quận Thốt Nốt - Ảnh: Lê Phương Chăm
Vườn cò Bằng Lăng ở phường Thới Thuận (Thốt nốt, Cần Thơ), rộng gần 3,4 ha, tập trung 600.000 con chim, cò, mỗi ngày thu hút hơn 100 du khách. Xung quanh vườn cò trăm mét, giăng đầy cạm bẫy sát hại chim: lưới, câu, thuốc độc, gần đây còn dùng băng casette phát ra tiếng chim kêu để dẫn dụ cả đàn.
Chim cồng cộc dính lưới - Ảnh: Lê Phương Chăm
Tôi làm quen được một sát thủ chim cò tên T.V.T ở quận Thốt Nốt, vừa giải nghệ sang chạy xe ôm. Anh T săn bắt chim, cò đã hơn 10 năm. Vào mùa nước lũ, đem lưới ra ruộng gần vườn cò giăng, mỗi ngày được vài chục con. Hôm nào nguyên đàn đáp xuống có thể dính cả trăm con. Giá một con cồng cộcc 30 - 40 ngàn đồng, cò lớn 24 - 30 ngàn đồng. Bắt riết vẫn không khá mà thấy tội lỗi nên mới bỏ nghề.
Tôi đi dọc các quán ăn có tiếng ở quận Thốt Nốt, thấy không thiếu món chim, cò. Bảng giá lớn trương hẳn hoi, tính theo con, cồng cộc rô ti 120 ngàn đồng, cò nấu cháo lòng 100 ngàn đồng, lẩu cò 85 ngàn đồng, cò nướng 80 ngàn đồng, cò khìa 80 ngàn đồng. Trứng chim mỗi quả 4-5 ngàn đồng.
Ông Võ Văn Phú, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin & Thể thao Quận Thốt Nốt, khi nghe tôi hỏi chuyện vườn cò, mượn xuồng đưa tôi ra bãi lưới quanh vườn cò.
Trên mặt nước khoảng vài héc - ta, có gần 100 tay lưới giăng ngầm và khoảng 200 con chim mồi (loại cồng cộc lông đen) đang chấp chới trên các đầu cọc để dụ đồng loại.
Cồng cộc là loài chim chuyên lặn dưới nước để bắt mồi, do đó con nào sà xuống là coi như lọt cửa tử. Tôi thử kéo lên một vài tay lưới, chỗ nào cũng có chim vướng.
Ông Phú nói, chưa bao giờ tình trạng săn bắt quanh vườn cò công khai và thách thức như hiện nay. Vì chim trời cá nước nên địa phương chỉ động viên bỏ nghề chứ không có quyền cấm.
Săn bắt chim còn nhắm vào các tổ chim non, đặc biệt là những loại hót hay như họa mi, khướu, sơn ca, chích chòe, sáo, cưỡng. Việc bắt chim cả đàn, cả tổ đe dọa nghiêm trọng vườn cò Bằng Lăng. Đó cũng là một lý do chính để ông chủ vườn cò gắn bó gần cả đời, quẹt nước mắt bán cho người khác.
Tiền phong