• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chơi khuyên liệt truyện.

KimCuong

Active Member
Chơi chim cảnh, chim hót là thú chơi vốn có từ lâu đời của người Việt. Thời gian trước, Hoạ Mi, Sơn Ca luôn chiếm vị trí độc tôn trong “bảng xếp hạng” chim hót. Vậy mà “thời thế xoay vần”, ngôi vị “đệ nhất” giờ thuộc về họ vành khuyên.

Chuyện một lồng khuyên, một chú khuyên be bé xinh xinh chỉ nhỉnh hơn... quả cau có giá cả trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng trở thành chuyện thường ngày ở... phố.

Phân định đẳng cấp trên... sới chim cảnh

Xuất hiện lẻ tẻ cách đây gần chục năm, giờ “mốt” chơi vành khuyên đã nở rộ trong giới chơi chim cảnh. Trước đây, nếu trong nhà có vài chú hoạ mi, sơn ca, yến, khướu... là niềm tự hào của các ông chủ thì nay nếu thiếu bóng một vài lồng vành khuyên coi như người đó vẫn... “ngồi chiếu dưới”. vành khuyên đã thực sự “soán ngôi” đầu bảng!


Một chú khuyên bé bé, xinh xinh có giá vài chục triệu đồng. (Ảnh minh họa).

Mùng chín, mười chín, hai chín là những ngày phiên của chợ chim trên “phố chim, cây cảnh” Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Những chiếc lồng “khổng lồ” chứa hàng chục, hàng trăm chú khuyên được “tập kết” về đây. Người bán, kẻ mua tấp nập. Dân buôn chim chủ yếu đến từ các khu vực như Hà Tây (cũ), từ các tỉnh lân cận như Hoà Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương... thậm chí cả những tay buôn đến từ Sơn La, Lai Châu. Họ là thợ chuyên bẫy chim, ngày trước kiếm ăn bằng nghề bẫy Khướu, hoạ mi, giờ chuyển sang bẫy vành khuyên về bỏ mối cho các cửa hàng, bán lẻ cho khách chơi, khách mua chim phóng sinh. Với giá từ 10 - 20 nghìn đồng một con, mỗi phiên chợ có đến hàng trăm chú chim được mua, bán...

Những tay chuyên nghiệp, có tiếng, tuyệt đối không... chơi chim hàng chợ mà thường tậu lại khuyên đẹp của người quen, anh em. Họ mê mẩn khuyên vì nhiều lẽ... Có người chơi mãi hoạ mi, sơn ca, khướu, yểng, yến... đâm chán rồi chuyển sang khuyên. Người thì cho rằng có “duyên” với loại chim này, vừa nhìn đã thấy thích nên sắm lồng, đón chim về.

Cũng có người vốn rất... ghét nuôi chim nhưng bỗng dưng vào một ngày đẹp trời ngang qua phố, tình cờ thấy ông chủ hàng chăm sóc bầy chim, tiếng chim khiến không gian bất chợt trong veo! Lũ khuyên thì nhảy nhót nô đùa, cất tiếng líu lo như tâm tình, mời gọi. Khung cảnh sao mà thảnh thơi, tao nhã. “Kẻ ghét chim” như bị bỏ bùa, dừng xe tần ngần ngắm chim cả tiếng đồng hồ không biết chán... Ngắm xong, tiện tay tậu mấy chú về nuôi, rồi say chim “như điếu đổ”, bao nhiêu thời gian rảnh rỗi đều dành cho khuyên. Không ít ông chồng bị vợ giận vì cái tội "chăm chim hơn chăm vợ", nhưng cũng có anh khéo rủ rê khiến vợ cũng "say chim như say chồng"... Chiều chiều chồng tắm cho chim, vợ cọ rửa lồng, cả nhà cùng coi chim như bạn hiền.


Say chim “như điếu đổ”.

Nghề chơi cũng lắm công phu...

Để chọn, chăm một chú khuyên trưởng thành, có tiếng trong làng chim, nghe chừng cũng lắm gian nan. Chọn khuyên là “cửa ải” đầu tiên. Trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con chim mộc bẫy từ thiên nhiên có khi chỉ lựa được vài con.

Các “nghệ nhân” khuyên chia sẻ: Trước hết, bắt buộc phải chọn chim đực - điều tưởng đơn giản lại không mấy dễ dàng. Có các tiêu chí cơ bản để phân biệt, đó chính là giọng hót, dáng vóc, sắc lông và “mặt tiền”. Chim đực, giọng hót có âm cao, trong, đanh tiếng, như có “lửa”. Tiếng hót không đơn thuần là âm thanh phát ra từ cổ họng con chim mà còn toát lên chất “phái mạnh” trong đó. Điều này khác hẳn với giọng có âm thấp, rè, vỡ tiếng của các nàng chim. Lông của các “hoàng tử” phải tươi màu. Đặc biệt là lông yếm, lông cổ phải có màu xanh tươi, sáng. Khuôn mặt của Khuyên đực nhìn có góc cạnh, dữ dằn, không lành như chim cái. Dáng vóc phải dài, thon, nhỏ. Phải có con mắt “nhà nghề” mới nhận ra những điểm khác biệt đó.

Khi đã phân biệt được khuyên đực - cái, người chơi phải tiếp tục “lựa đá tìm châu” để có được chú khuyên hội tụ nhiều điểm quý. Đầu tiên phải loại bỏ những con mắc các dị tật như lộn cầu, ngoái, ngoái ngửa. Những tật xấu này sẽ làm cho người chơi rối mắt, khó chịu. Sau đó đến bước chọn hình dáng: Gồm mặt, mỏ, bóng bộ. Về khuôn mặt, yêu cầu mỏ dưới phải thẳng, mỏng. Đầu phải tròn, gáy dài, rộng tảng. Chọn chim có cổ to, vai to, nở hậu, bản đuôi to. Cuối cùng bàn chân phải khô, quắp, bé và đủ móng... Một khi hội tụ được những ưu điểm trên là chim đẹp, có sức khoẻ.


Tiêu chí để phân biệt chim đực chim cái, không dễ.

Thức ăn “tươi” chính của chim khuyên là sâu bọ, hoa quả và phấn hoa. Trong điều kiện nuôi nhốt, người chơi không thể đáp ứng được những nguồn thức ăn trên, chỉ có cám là nguồn thức ăn chính để nuôi khuyên. Trên thị trường có nhiều loại, nội địa có, ngoại nhập có. Giá dao động từ 140 - 250 ngàn đồng/kg. Thành phần chủ yếu là đậu xanh, trứng gà và một số các chất bổ tổng hợp khác. Ngoài ra, người chơi cũng phải bổ sung thêm sâu tươi để chim có sức. Trong nhà phải có nơi đặt lồng yên tĩnh, tránh nơi quá nắng, nhiều gió. Phải chăm chim đều tay, điều độ về thức ăn, nước uống, giờ tắm, giờ ngủ. Khi ra đường và khi chim ngủ phải khoác áo lồng để tránh gió và tránh chim khỏi giật mình...

"Đệ nhất khuyên" Hà thành

Cùng có chung niềm đam mê, nhưng mỗi người có một cách “yêu” riêng với loài chim này. Người thì “say” tiếng hót, kẻ thích ngắm vẻ đẹp vóc dáng, bóng bộ, màu sắc của khuyên. Từ đó xuất hiện các trường phái chơi vành khuyên riêng.

Nhắc đến trường phái chơi vành khuyên thi đấu, là nói tới những chú chim thể hiện được đẳng cấp về tiếng hót của mình trước các hội thi. Nếu hoạ mi, gà chọi... cuốn hút người chơi bởi những đòn đánh hiểm độc, mang phong thái của “kẻ võ biền” thì vành khuyên đấu thể hiện đẳng cấp bằng giọng hót. Thanh cao, nhẹ nhàng, vành khuyên dùng âm thanh để khuất phục đồng loại và làm đắm say tâm hồn người chơi. “Sự nghiệp” của mỗi chú khuyên đấu cũng lắm bậc thăng trầm như đời ca sĩ. Giá của “nhà vô địch khuyên đấu” theo đó tăng dần theo cấp số nhân. Từ chỗ tiền trăm lên tiền triệu, vài chục triệu đồng là chuyện thường.

Nổi danh trong “làng” chim đấu đất Bắc phải kể đến chú khuyên Líu xoè của 2 “nghệ nhân” Tuấn “Hàng Giấy”, Huy “Liên Xô”. Một tay tinh tường trong “nghề” chọn chim, một tay có "duyên" nuôi chim đấu, sự kết hợp của “cặp bài trùng” đã bao phen “làm mưa làm gió” trên sới vành khuyên đấu đất Bắc. Ngang ngửa không kém đó chính là chú “Công nông giật cánh” của anh Hùng “Nguyễn Siêu”. Chỉ trong vòng 2 năm 2007- 2008, chú khuyên này đã “rinh” về không dưới 3 giải nhất, 6 giải nhì, chục giải hàng top ten.


Chủ nhân của những chú chim này không tiếc tay xuống giá cả ngàn đô để mua lại từ tay người khác.

Cũng vì thành tích bất khả chiến bại trên mà chủ nhân của nó đã không tiếc tay xuống giá cả ngàn đô để mua lại từ tay người khác. Nguồn gốc của chú chim này cũng không kém phần “liêu trai”. Xuất xứ từ chợ chim Tăng Bạt Hổ. Chú khuyên bẩn bẩn, xấu xấu... không ai thèm mua lại lọt vào “mắt xanh” của “nghệ nhân” Hoàng Minh Quang. Sau một năm, bàn tay vàng của kẻ yêu chim (biệt danh Quang “Phố Huế”) đã “hoá phép” “biến Công thành Phượng”, đưa chú khuyên “bẩn” lên ngôi Hoàng. Điểm dị biệt của chú khuyên này chính là khả năng “líu” không biết mệt, lúc líu cả thân mình rung lên bần bật. Biệt danh “Công nông giật cánh” cũng từ đó mà ra.
Đấu khuyên không đơn thuần là cuộc thi giọng hót của hai hay nhiều con chim mà còn là thước đo về “đẳng cấp” của các chủ chim. Người nào có nhãn quan thiên lý, hiểu sâu sắc về tập tính, sở thích, sở trường, sở đoản và dành tâm huyết cho con chim của mình, cộng thêm một chút may mắn - người đó chiến thắng.

Với khuyên đấu, giá chuyển nhượng vài chục triệu đồng đã là “hàng khủng” thì với khuyên màu, giá đó chưa thấm tháp gì. Thiên sinh họ nhà vành khuyên đất Bắc chỉ mang trên mình màu xanh ánh vàng trên thân, cánh. Màu vàng tươi pha xanh ở cổ, màu trắng đục ở bụng. Nhưng cũng có chú “chơi trội” khoác trên mình chiếc áo “lạ”, người chơi chim gọi đó là khuyên màu. Dạng chim này cực hiếm, đếm được trên đầu ngón tay. Với khuyên đen giá từ chục triệu đến vài chục triệu đồng một con. Khuyên cốm cũng có giá dao động trong vòng vài ba chục triệu. Với Hoàng khuyên và khuyên đột biến gene thuộc dạng “cực độc”, cực hiếm.


Cảnh dãi chim ở cà phê 144 Triệu Việt Vương.

Chú khuyên cánh trắng của anh Cường “Hàng Đồng” là một trong những của hiếm. Chủ nhân đã phải bỏ ra 60 triệu đồng để có được chú khuyên “độc” này. Khoác trên mình toàn thân màu vàng, lông bụng trắng muốt, hai cánh có những lông trắng xen kẽ rất đều, lông đuôi cũng bị đột biến chuyển từ xanh sang trắng. Chủ nhân đầu tiên của chú chim này là anh Hà “Đốc Ngữ”, khi sở hữu chú chim “độc” này đã có vô số người đến gạ mua, có người còn mang cả “con” Attila mới cứng đến xin đổi ngang cũng không được. Sau đó, chú khuyên này được đấu giá từ 45 đến 60 triệu đồng và hiện giá trị của Hoàng khuyên đột biến gene này đạt ngưỡng trăm triệu đồng.

Sau mỗi lần chuyển nhượng đều xác lập được kỉ lục mới về giá vành khuyên. Được chiêm ngưỡng “kiệt tác của thiên nhiên” này là niềm mơ ước của hàng nghìn “tín đồ” mê khuyên. Đây được đánh giá là báu vật trong làng khuyên màu đất Bắc. Ngoài ra phải kể đến con khuyên màu của anh Tuấn “cóng” phố Huế, anh Minh “dòm”... cũng thuộc loại hàng hiếm trong bộ sưu tập chim màu

Những chiếc lồng, cóng khuyên độc nhất vô nhị

Lồng và cóng (dụng cụ đựng thức ăn cho khuyên) là hai thứ không thể thiếu. Lồng và cóng có nhiều loại. Bình dân có lồng tre, trúc đơn giản, cóng bằng nhựa, giá dưới một trăm nghìn đồng. Cao hơn một chút có lồng cầu dừa, lồng triện thường, giá trên dưới 1 triệu đồng mỗi chiếc. Cao cấp hơn có lồng triện hai mặt kĩ, lồng đục chạm. Loại đặc biệt cao cấp có lồng khung tre, trúc có khảm, chạm ngà voi, đồi mồi. Hoặc loại lồng chất liệu 100% bằng ngà voi, đồi mồi, sừng có giá từ vài chục, vài trăm đến cả tỉ đồng mỗi chiếc.


Những chiếc lồng "khủng" về độ tinh xảo cũng như giá cả.

Riêng các “đại gia” thì cho khuyên “ngự” trong những chiếc lồng “độc nhất vô nhị”. Những loại lồng phục vụ cho dân chơi chuyên nghiệp đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ở Hà Nội, cửa hàng Tuấn “cóng” (144 - Triệu Việt Vương) chuyên cung cấp các loại cóng, lồng cao cấp, lồng đặc biệt cho các đại gia.

Có những chiếc lồng “khủng” về độ tinh xảo cũng như giá cả. Trong bộ sưu tập này có đủ loại lồng có hoa văn chạm trổ dựa theo các tích trong Tam Quốc, các hình Bát Tiên, Bát Mã, phong cảnh, chim hoa... Chiếc rẻ nhất cũng ngót 1.000 USD - Đẹp nhất, đắt nhất là chiếc lồng có chạm hình theo tích Tam Quốc, khảm bằng ngà voi, đồi mồi, giá không dưới 6.000 USD.

Các loại lồng được xếp vào bảng “hàng khủng” có lồng khảm đồi mồi, ngà voi, hay lồng được làm từ nguyên chiếc ngà voi. Xếp hạng trong những chiếc lồng hàng khủng này phải kể đến chiếc lồng thấp của Nghệ sĩ ưu tú Hồng Kỳ (Chủ tịch Hội chim vành khuyên Hà Nội). Chất liệu cơ bản vẫn là tre, trúc, nhưng điểm đặc biệt ở chiếc lồng này chính là những chi tiết mà chủ nhân của nó đã bỏ tiền “độ” thêm. Đó là bộ cóng bằng xương, chiếc cầu ngang bằng ngà voi nguyên khối có giá không dưới 10 triệu đồng. Tính sơ sơ để sở hữu nó, chủ nhân phải bỏ ra không dưới 1.000 USD.

Nói về ông chủ sở hữu những chiếc lồng “độc đắc” ở Hà Nội, dân chơi vành khuyên ai cũng nhắc tới một “đại gia” ở phố Hàng Đồng. Ngoài việc vị chủ nhân này sở hữu những chú khuyên hay nhất, đẹp nhất, đắt nhất còn có những chiếc lồng “khủng” nhất về độ tinh xảo cũng như về giá cả. Trong bộ sưu tập này có đủ các loại lồng chạm trổ theo các tích trong Tam Quốc, Bát Tiên, Bát Mã, Côn Trùng cho đến Chim Hoa... Trong đó chiếc rẻ nhất cũng ngót 1.000 USD, còn chiếc đẹp nhất, đắt nhất là chiếc lồng Tam Quốc khảm ngà voi, đồi mồi, trị giá không dưới 6.000 USD.

Lồng độc, chim đẹp ắt phải đi kèm với cóng cao cấp. Cũng như lồng, cóng phân biệt “sang - hèn” bằng chất liệu và sự sắc nét của những nét vẽ trên thân hình. Với người chơi, cóng không đơn thuần là vật dụng đựng thức ăn cho chim mà còn là vật trang trí. Mỗi bộ cóng giá dao động từ vài trăm nghìn cho đến vài ba triệu đồng.


Cóng - dụng cụ đựng thức ăn cho chim.

Chơi khuyên có hội

Dân chơi vành khuyên đủ mọi thành phần, lứa tuổi, từ thanh thiếu niên, trung niên cho đến các cụ cao niên. Ban đầu chơi ít, nhà nào biết nhà ấy, dần dần phong trào nở rộ, họ hẹn nhau tại một điểm đem chim đến dãi, rồi cùng chia sẻ kinh nghiệm. Không ít tụ điểm dãi khuyên trở thành những nơi giao lưu thú vị. Vào những ngày nghỉ, các tay mê chim cùng nhau tụ họp ở quán cà phê Cây đa, Cung thiếu nhi, Bách Thảo hay dọc phố Tăng Bạt Hổ...

Nơi dãi chim phải vừa đẹp, vừa yên tĩnh, chim được thoải mái khoe giọng, còn chủ được thả hồn mà say theo tiếng hót líu lo trầm bổng nhiều cung bậc. Tại đây có hàng chục, thậm chí đến gần ngày thi có cả trăm lồng được treo lên. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều quán cà phê khuyên, người chơi vừa đem chim đi luyện giọng vừa thư thái nhâm nhi cà phê tán chuyện thế thái nhân tình - thú chơi thanh tao, nhẹ nhàng không kém phần ý vị...


Hội thi chim.

Trong vài năm trở lại đây, khi trào lưu chơi vành khuyên nở rộ cũng là lúc xuất hiện các hội khuyên: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Đông... Mỗi hội đều có cơ cấu tổ chức, quy tắc và nguồn kinh phí hoạt động. Hàng năm, giữa các hội và câu lạc bộ thường tổ chức giao lưu thi đấu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm khuyên.

Chơi vành khuyên, thú chơi gần như vượt lên tầm của một thú chơi thông thường, con người trở nên gần gụi, hoà đồng với nhau hơn. Từ chỗ không quen biết, cùng chung sở thích, gặp và giao lưu, rồi trở nên thân thiết. Cùng chia sẻ cho nhau những khó khăn trong cuộc sống... Dễ mấy thú chơi có được tính nhân văn như thế?!

Nguồn: Giađình.Net.vn
 

Hoangminh

Member
To KC: cái ông trong ảnh : say chim như điếu đổ là người tặng tôi 1 con khuyên và 1 lồng đấy KC à. Cái lồng và con khuyên trong ảnh cũng của ông ấy. Cái lồng là lồng ngũ nghĩa nghe nói giá là 12triệu nhưng ông ý vẫn không bán
Đây là clip khuyên líu ( như mình mới chơi nghe để biết thế nào là khuyên líu) con này của TQ líu khi để lồng trên tay:
Vành khuyên Trung Quốc
 
Top