Từ khí phách loài chim, nghĩ về khí phách con người
Chọn một thời điểm thích hợp, con chim nhỏ đã kiên cường đuổi theo, cưỡi trên mình con mãnh thú và mổ liên tục vào cái đầu gian ác của nó, khiến nó phải há hốc mỏ mà la lối kinh hoàng!
Từ xa xưa, trong truyền thống nghiên cứu khoa học về sinh-tâm-lý, người ta đã nghiệm thấy rằng, cái gì đúng với con vật thì cũng tương ứng với con người. Nhờ vậy mới có những ứng dụng thích hợp vào người sau khi đã thí nghiệm qua chim, chuột, thỏ, khỉ…
Mới đây là một xét nghiệm trực giác qua loài chim.
Một “phó nhòm” nghiệp dư tên là Pat Gaines sống ở Denver (Mỹ) đã ghi hình được một cảnh tượng hết sức độc đáo, đầy thú vị. Đó là: một con chim bé nhỏ đã dám đè đầu cưỡi cổ và mổ liên tục vào sọ một con diều hâu lớn xác… định lăm le xâm phạm tổ của nó.
Hiện trường ở ngay tại công viên Bonny Lake gần nhà anh Pat. Hình chụp rất rõ nét: con diều hâu to khỏe hơn con chim nhỏ đó đến mấy chục lần… vậy mà phải vùng vẫy thục mạng và há mỏ kêu thét trước sức tấn công mãnh liệt của con chim nhỏ.
Diều hâu đã cố trốn thoát, bay thục mạng chí chết… cho đến khi bị vướng vào cành cây và không thoát khỏi sự trừng phạt đích đáng của con chim nhỏ đang dạy cho nó một bài học nhớ đời. (Ảnh Daily Mail)
Loài chim nhỏ này có tên khoa học là TYRANNUS. Nó có truyền thống canh giữ vùng trời và vùng đất (tổ ấm thiêng liêng) của nó. Nó sẵn sàng bằng mọi cách tấn công những kẻ (dù mạnh và ác tới đâu) dám xâm phạm biên cương của nó. Đó là uy thế của một loài chim nhỏ, mà khí phách không nhỏ chút nào.
“Trông chim lại nghĩ tới người, cả người xưa và người nay.
Lẽ nào con người lại thua loài chim về mặt khí phách!?”
Có thể lắm. Cho nên, câu trả lời không chung cho tất cả, mà còn tùy người.
Lịch sử lập quốc và giữ nước của VN đã từng có những mốc son chói lọi ghi dấu anh hùng khí phách của nòi giống RỒNG TIÊN, nhất là khi kẻ thù chạm đến giang sơn bờ cõi và hiếp đáp dân lành. Tuy bé mọn, nhưng dân Việt đã có truyền thống hơn 4.000 năm quật khởi trước bạo cường của những đế quốc to lớn ở phương Tây lẫn phương Bắc.
“Lớn” có thể cậy sức hiếp đáp “nhỏ”, nhưng không hề có quy luật là “nhỏ phải chịu nhục và chịu hèn trước lớn”.
Mặt khác, có một quy luật khách quan của sự tồn tại và phát triển, của sự dấn thân và tiến bước. Đó là, hễ ai dù nhỏ yếu, dù nghèo nàn nhưng nếu có chí cao, có khí phách kiên cường thì người đó vẫn có được sức bật để tự vực dậy, tự đứng vững trước mọi thử thách chông gai.
Có nhiều dân tộc nhược tiểu, nhưng họ không chịu sống dựa, sống hèn, vẫn hiên ngang khí phách và phát triển ngoạn mục cùng thế giới văn minh. Cũng như, xét riêng từng người, có rất nhiều học sinh tuổi nhỏ nhưng đã nuôi chí lớn, rằng họ không chịu ẩn mình dưới “cây cao bóng cả” để che thân, mà tự mình nuôi dũng khí mãnh liệt để lập thân.
Những tấm gương ngoạn mục của hàng nghìn hàng vạn học sinh nghèo khó đã kiên trì vượt khó để học hành đỗ đạt trong thời gian qua đã chứng minh khí phách của họ. Họ đã phát huy truyền thống không chịu hèn, không chịu nhục mà tổ tiên Lạc Hồng đã truyền cho.
Tại buổi lễ tôn vinh mới đây về các thủ khoa vươn lên từ “ổ chuột”, từ đói rách cơ hàn…, có vị quan chức nước ngoài đã ca ngợi khí phách của họ bằng câu ẩn dụ : “Đó là những mầm non giàu tiềm năng và đầy mãnh lực trên đỉnh phong ba, trên đầu sóng dữ”.
Khí phách ấy còn có thể được mô tả như lời của một vị phụ huynh bình dị nói trong buổi lễ ấy: “Đó là những hạt mầm tuy nhỏ nhưng chắc mẫm trong vườn ươm giống của trí tuệ và tâm hồn đất Việt”.
Vâng, khí phách của một sinh vật nhỏ, hay một cơ thể còn đang yếu, dù chỉ là nhược tiểu, nhưng đó là báu vật - một thứ của để dành cho sự trường tồn của nòi giống, của sinh khí quốc gia, của toàn vẹn lãnh thổ.
LTS Dân trí Thật là lý thú được ngắm nhìn hình ảnh một con chim nhỏ thó so với thân mình vạm vỡ uy nghi của con diều hâu, vậy mà con chim nhỏ đó dám dũng mãnh cưỡi lên lưng con chim lớn hơn mình gấp bội để dùng mỏ bổ vào đầu đối phương, làm cho kẻ thù cuống quít, hoảng loạn, vừa tháo chạy vừa há hốc mồm ra mà chịu đòn!
Cảnh tượng đó nói lên quy luật vốn có của tự nhiên: dù là nhỏ hơn, yếu hơn nhiều so với đối phương, nhưng nếu có sự dũng cảm, kiên cường và biết cách đánh vào chỗ yếu của địch thì vẫn có thể giành chiến thắng rất ngoạn mục!
Tác giả bài viết trên đã có sự so sánh và liên tưởng rất hay về “khí phách” của loài chim và con người:
“Trông chim lại nghĩ tới người, cả người xưa và người nay
Lẽ nào con người lại thua loài chim về mặt khí phách ?!”
Chắc rằng khi nhìn những bức ảnh nói lên “khí phách” của loài chim nhỏ trên đây, nhiều độc giả cũng muốn phát biểu những cảm nghĩ của mình, xin hãy gửi về Diễn đàn Dân trí.
Nhà giáo hưu trí Quang Dương
Dantri.com