• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chó bẹc giê cắn trọng thương một học sinh lớp 6

ktx1108

Member
Đồng Nai:
Thứ sáu, 27/11/2009 07:18


Sau ba ngày cấp cứu và được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành chăm sóc, đến ngày 25-11, em Huỳnh Ngọc Hải (11 tuổi, quê huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam; tạm trú ở ấp 6, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vẫn bị sốt kéo dài, thân thể còn đau nhói và thỉnh thoảng lại hoảng loạn. Em vừa trải qua lưỡi hái tử thần bởi những con chó bẹc giê hung dữ đã cắn xé em.

MÓT MỦ CAO SU BỊ CHÓ TẤN CÔNG
Người dân địa phương cho biết, Hải đang là học sinh lớp 6 Trường THCS Tân Hiệp, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ba của em là ông Huỳnh Ngọc Em, mới đưa gia đình từ Quảng Nam vào Tân Hiệp sống được ba năm. Hàng ngày vợ chồng ông Ngọc Em đi làm phụ hồ. Thấy hoàn cảnh khó khăn nên một người dân tốt bụng đã cho họ mượn một miếng đất làm tạm cái chòi lá để ở. Vì thiếu thốn, để kiếm thêm tiền phụ giúp ba mẹ đóng học phí, thỉnh thoảng vào những buổi chiều Hải ra lô cao su mót mủ còn đọng lại trong chén mang về bán kiếm tiền. Như thường lệ, khoảng 17 giờ ngày 22-11-2009, Hải cùng một nhóm bạn vào lô cao su lấy mủ. Chừng một giờ sau thì mấy đứa bạn đi chung chạy về báo với gia đình là Hải bị chó bẹc giê của Nông trường cao su Thái Hiệp Thành tấn công bất tỉnh và bị thương rất nặng. Người thân chạy vào lô cao su đã thấy Hải nằm thoi thóp bên vũng máu đầm đìa, lập tức bế em đưa đến Trung tâm y tế xã Tân Hiệp cấp cứu. Thấy con mình bị thương quá nặng, mẹ của bé Hải là chị Bùi Thị Hà đau xót đến nỗi ngất đi ngất lại nhiều lần. Sau khi sơ cứu, thấy Hải bị ra rất nhiều máu nên các bác sĩ tại trung tâm y tế xã đã chuyển em lên bệnh viện huyện Long Thành ngay trong đêm. Hải bị chó cắn nát hai đùi, sâu đến 3cm và dài hơn 10 cm tại mỗi vết cắn. Các bác sĩ đã chích ngừa dại và phẫu thuật, khâu kín các vết thương chi chít trên người em. Mông và lưng của em cũng bị vết cắn và vết cào vì móng vuốt của chó, toàn thân em bầm tím.


Em Hải với vết thương trên mình

Đến chiều 23-11, trên giường bệnh, em Hải đã dần tỉnh lại, nhưng mỗi khi nhớ đến cảnh bị chó cắn, em khóc rất nhiều, vẻ mặt sợ sệt, hoảng loạn. Hải kể lại, trong lúc em cùng các bạn gồm Linh, Phước, Quốc đang lấy mủ cao su thì phát hiện hai chú bảo vệ dẫn theo khoảng năm con chó bẹc giê rất to. Hải cùng các bạn bỏ chạy, lập tức bảo vệ suỵt chó đuổi theo. Chạy được một đoạn, Hải bị con chó lớn nhất vồ lên người khiến em té ngã. Con chó xông vào cào cắn. Em sợ quá kêu chú bảo vệ “cứu con chú ơi” nhưng không ai đến cứu mà có thêm bốn con chó khác lao tới bu quanh cắn em rất nhiều. Các em Linh, Phước và Quốc cũng cho biết sau khi chia ra nhiều ngã để chạy thoát, từ xa các em nghe tiếng Hải kêu cứu nên quay lại thì thấy chú bảo vệ đến dẫn chó đi và nói “cắn cho tụi bây chừa”. Các em đến chỗ Hải nằm rồi phụ nhau khiêng Hải về nhà.

LẬP LỜ NHẰM CHỐI TỘI
Để làm rõ sự việc này, sáng 24-10, phóng viên Báo CATP đã có buổi làm việc với ông Trần Mão - Phó giám đốc Nông trường cao su Thái Hiệp Thành. Ông Mão cho biết, do tình hình mất trộm mủ cao su phức tạp nên gần một năm nay nông trường được Công ty cao su Đồng Nai cho phép nuôi chó bẹc giê để đánh động, báo trộm vào ban đêm chứ không phải để chó tấn công người. Sự việc chó tấn công trẻ em thì ông có nghe qua lúc họp giao ban, nhưng chưa rõ sự thể thế nào. Nếu bảo vệ nào làm sai, sẽ có biện pháp kỷ luật theo quy định của nông trường. Như vậy, sự việc em Hải bị chó bẹc giê tấn công trong lô cao su, lãnh đạo nông trường đã nghe qua, nhưng lúc phóng viên làm việc với ông Chín Đen - Đội trưởng đội bảo vệ, cũng như ông Nguyễn Đình Thành - Tổ trưởng tổ bảo vệ Đội 1 (chịu trách nhiệm bảo vệ lô cao su - nơi em Hải bị chó tấn công) thì cả hai cán bộ này cho biết đến bây giờ họ không nghe xảy ra chuyện chó cắn trẻ em và còn tỏ vẻ: “Không hay, không biết, để hỏi lại anh em thử xem!”. Trong khi đó, hiện trường nơi em Hải bị chó cắn nằm ngay trong lô cao su, cách nơi có trại bảo vệ ở và nuôi chó bẹc giê chỉ chừng 200m. Ngoài ra các bảo vệ này còn lập lờ rằng “chắc là chó của người dân gây án”. Theo quan sát của chúng tôi, chỗ em Hải bị chó tấn công cách xa khu dân cư đến hơn 1km, vậy chó bẹc giê của người dân ở đâu trong lô cao su đến cả bầy? Hơn nữa nhân chứng vụ việc rành rành chính là những em học sinh cùng đi mót mủ với em Hải...



Chó bẹc giê được bảo vệ nông trường nuôi trong lô cao su

Hay tin em Hải bị chó cắn trọng thương, nhiều người hàng xóm thấy gia đình em khó khăn, không có tiền chữa trị cho con nên họ đã gom góp được ít tiền lo thuốc men cho Hải. Đông đảo người dân ở xã Tân Hiệp, các công nhân cạo mủ cao su cũng như người thân của gia đình em Hải đang rất bức xúc về sự việc này. Dư luận đang rất quan tâm, không thể nói đã có biển báo “trong lô cao su có chó dữ” rồi cứ để chó cắn người như thế, sau đó đổ thừa chó của ai không biết! Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm vào cuộc để làm rõ và có biện pháp ngăn ngừa, chấn chỉnh kịp thời nhằm tránh xảy ra những vụ đáng tiếc tương tự.

Bài, ảnh: MINH THẮNG
Trích http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=708&p=&id=40650
 
Hoàn cảnh của em này đáng thương thật,nhưng đã có biển cảnh báo rồi tức là cấm vào mà vẫn vào tức là trộm rồi chứ không phải là đi mót nữa. Và theo ý riêng của mình thì xâm phạm bất hợp pháp thì chủ nhà phải có hình thức bảo vệ của cải chứ,nếu xử phạt chủ có phải là bất công quá không? Chó của công trường đâu ra khỏi khu vực của nó mà cắn sảng đâu? Mình nhớ thời gian trước có đọc báo pháp luật về việc kiện tụng một con chó được xích ở trong phòng và trong một căn nhà có cổng rào;có một em bé do cha mẹ không canh chừng đã tự ý mở cổng rao nhà người ta,vào tận trong căn phòng có cột chó để rồi bị chó cắn,thế mà chủ chó vẫn bị buộc bồi thường,pháp luật như thế liệu có công bằng không nhỉ???
 

Shakhi Viet

Active Member
Nhân đọc topic này lại nhớ đến đoạn trích từ http://thunhan.files.wordpress.com/
Kể về một người lúc bé cũng đi nhặt cao su ở Đồng nai mà trưởng thành, nhưng may quá không bị chó cắn

Hai ca dạy lệch nau một tiếng đồng hồ, ngồi một mình trong một quán cà phê quen thuộc chờ đến giờ dạy. Nó chợt suy nghĩ về quá khứ. Trong suốt 23 năm, nó cảm thấy cuộc đời nó có nhiều điều thú vị.

Khi nó sinh ra được không lâu thì mẹ nó có bệnh, nó không đủ sữa, phải uống thêm nước cơm. Ngày đó nhà nó nghèo không có cơm trắng, hàng xóm thương tình cứ mỗi khi nấu cơm họ đổ thêm một chén nước, lúc cơm sôi họ chắt nước ra và đem qua cho nó, một phần vì vậy mà cơ thể nó nó yếu ớt, còi cọc cho tới giờ.

Khi nó bắt đầu đi học, nó bị viêm xoang, mỗi khi suy nghĩ nhiều đầu nó lại đau. Uống qua nhiều loại thuốc: thuốc tây, thuốc bắc, thuốc nam nó đều một lần thử, nhiều loại thuốc dân gian nó cũng nếm qua, thế rồi cũng khỏi bệnh mà cũng không biết nhờ vào thuốc gì.

Lúc học cấp 1 ngoài giờ đến lớp, nó cũng như bao đứa trẻ con nhà nghèo khác, phải giúp việc nhà phơi lúa, phơi cà phê, nhổ cỏ vườn….xong việc nhà nó và những đứa trẻ trong làng cũng nghĩ cách kiếm tiền. Ở quê nó, trẻ con cũng có nhiều cách kiếm tiền./Mỗi năm vào mùa khô, hạt cao su bắt đầu rụng, nó cùng trẻ con trong làng vào rừng cao su nhặt hạt về bán, cứ 200đ/kg, thỉnh thoảng cả bọn cũng cất lại những hạt đẹp và tròn chơi trò bắn bi ( chứ tụi nó cũng không có tiền mua bi thật). Hạt cao su rất nhẹ vì vậy đi một ngày nhiều lắm cũng chỉ chừng 5-7 kg, thế nhưng đối với trẻ con thì kiếm được chút tiền là vui rồi.

Hết mùa cao su thì cũng là mùa thu hoạch bắp, nó và bọn trẻ lại hăng hái đi tách bắp mướn cho những nhà giàu. Từ bắp trái ngồi tách ra hạt bằng tay và được trả 2000đ/thúng bắp hạt, Làm việc ở đó không chỉ có trẻ con mà có người già và phụ nữ, dù vất vả nhưng nó và bạn bè cảm thấy rất vui.

Bắp hết mùa thì cà phê cũng vào vụ thu hoạch, nó lại theo bạn bè đi mót cà phê. Các máy xay cà phê thường tách vỏ ra khỏi sọ cà phê, nhưng trong quá trình tách một số hạt nhẹ sẽ bị thổi ra theo vỏ, và trẻ con thì đi nhặt những hạt đó trong đám vỏ đem về bán lại.

Trẻ con miền quê có rất nhiều việc để làm, cứ học rồi chơi, chơi rồi học không có nhiều áp lực như trẻ con bây giờ. Vì vậy nó cũng có thời để bày những trò vui. Dạo đó làng nó hay bị trộm gà, thế là nó cũng nghĩ cách để bảo vệ những con gà cưng của nó, đêm xuống là nó lấy cuộn chỉ đen giăng qua cây cối xung quanh chuồng gà rồi nối sợi chỉ với những lon bia, lon sửa bò treo lũng lẳng, chỉ cần vấp phải sợi chỉ là những cái lon phát ra tiếng động. Thế nhưng hệ thống báo động của nó chưa kịp mở hàng thì đám ăn trộm đã bị công an xã tóm mất. Nó vừa tiếc và cũng vừa mừng.

Lên cấp 2 sau nhiều lần té lên té xuống nó cũng biết đi xe đạp, nhà nó có một chiếc xe đạp cũ rích cũ rang và không có thắng, người lớn mỗi khi thắng là lấy chân đạp tiếp xúc vào bánh xe từ từ, thế là nó mới mày mò chế ra cái thắng, lượm được một chiếc dép cũ cắt quai rồi lấy dây kẽm buột vào sườn xe sao cho chiếc dép là là trên mặt bánh xe, vậy là khi thắng chỉ việc giậm chân vào chiếc dép cũ đó. Ngộ nghĩnh vậy mà, cái thắng của nó cũng được dùng suốt một năm trời cho đến khi nhà nó có xe đạp mới.

Khi nó biết đi xe đạp cũng là khi nó chuyển sang công việc mới – đi bán sinh tố dạo. Lấy mối từ một cửa hàng, cột thùng sinh tố chừng 50 bịch sau xe, chạy lang thang qua từng lô cao su, nó đi bán dạo cho các công nhân cao su đang làm việc, cứ 200đ/bịch khi bán hết số đó nó được khoảng 2,3ngàn. Có hôm trời mưa vậy là bốn chị em nhà nó được một bữa no nê sinh tố trừ cơm. Thời gian đầu nó bán rất khấm khá, đến thời gian sau người ta quen mặt và bắt đầu mua thiếu, lâu dần người ta không trả tiền thì nó cụt vốn luôn, từ đó nó bỏ nghề bán sinh tố dạo. Nó lại chuyển sang làm gia công, đan rổ, đan sọt cho một số nhà giàu.

Những lần nghe tin đoàn ca nhạc hay đoàn cải lương về làng, nó và anh mừng lắm, ban ngày cả hai tranh thủ mua vài kí bắp khô về rồi chở nhau đi nổ bắp ( hay còn gọi là bung bắp), từ vài kí bắp khô có thể nổ ra cả một bao tải bắp bung, tối đến 2 anh em xách theo cái ghế ngồi trước cổng bán bắp, người xem ca nhạc rất đông nên chẳng mấy chốc bao bắp của nó được bán hết. Kiếm được một ít tiền nó và anh dành mua sách vở. Cho đến bây giờ mỗi khi thấy người ta bán bắp rang trước những rạp chiếu phim, nó chợt mỉm cười khi nghĩ về những ngày đó.

Ở làng quê của nó thì đứa trẻ nào cũng phải làm việc mới có cái ăn, chính sự vất vả như vậy khiến cho những đứa trẻ như nó rất ham con chữ, chúng chỉ được chọn giữa hai thứ cây viết hoặc là cái cuốc. Nếu họ không tốt thì ở nhà làm ruộng, làm rẫy, học tốt thì có cơ hội thoát khỏi cái nghèo.

Nó tốt nghiệp cấp hai loại giỏi, đủ điểm vào trường công ở thị xã. Nhưng ra thị xã ở trọ phải tốn tiền ăn, tiền trọ, nó đành theo học một trường dân lập của huyện, cách nhà nó 7 cây số, để giảm chi phí cho gia đình. Học ở đó nó có thể còn một buổi phụ việc nhà và chỉ tốn tiền học phí. Hằng ngày nó dậy sớm đạp xe đạp đến trường, trưa lại đạp về giúp việc nhà, có khi là làm rẫy, có khi ra lô phụ cạo mủ cao su.

Ngôi trường mà nó theo học có chất lượng giáo dục chỉ vào loại trung bình, học sinh gồm những thành phần lưu ban, con nhà giàu, thầy cô chỉ chú tâm dạy sao cho học sinh thi đậu được tốt nghiệp, ở đó người ta không nhắc đến hai từ “đại học”. Hai năm học ở đó nó cảm thấy không có tương lai, càng ngày nó cảm thấy tự ti vào lực học của bản thân. Có lúc nó nghĩ rằng tương lai của nó sẽ gắn mãi với miền quê đất đỏ ấy, không thoát ra được.

Cho đến khi bắt đầu vào năm 12, ba của nó mất việc làm, kinh tế gia đình khó khăn, em gái nó quyết định nghỉ học đi làm nuôi nó ăn học. Việc đó tác động rất lớn đến suy nghĩ của nó. Nó bắt đầu xin chuyển ra một trường dân lập khác ở thị xã, và bắt đầu cuộc sống ở trọ. Suốt một năm 12 nó chỉ chúi đầu vào việc học, ngoài giờ học ở trường nó đi học chui ở những lớp luyện thi, nhiều thầy cô biết nó học chui, nhưng thấy tội nên vẫn cho vào học. Cứ mỗi ngày nó học đến 2, 3h sáng, nó cố gắng bù đắp những lỗ hỗng kiến thức trong những năm trước, nhiều lúc nó cảm thấy rất mệt mỏi, kiệt sức nhưng nó vẫn cố gắng vì gia đình, vì em gái và vì cả tương lai.

Có những hôm ngồi trong lớp, do thiếu ngủ mắt cứ ríu lại, nó phải lấy viết đâm vào chân cho tỉnh ngủ. Năm 12, nó xếp loại giỏi và cùng với lời giới thiệu của thầy chủ nhiệm, nó nhận được học bổng của trường. Suốt năm đó nó không phải đóng học phí đồng nào.

Ngày đó ở trọ, nó cũng không có nhiều tiền, nó phải thường xuyên nhịn ăn sáng. Nó nhớ có một lần phòng trọ của nó đứa nào cũng hết tiền, túi thì rỗng, tiền dưới nhà chưa gửi lên, đói quá thằng bạn lấy ra một bịch đường cát, vậy là pha một ca nước đường thi nhau uống trừ cơm. Tối ngủ bụng đứa nào đứa nấy sôi lên rồn rột. Bây giờ gặp lại, nhắc lại chuyện xưa, đứa nào cũng cười.

Năm 12 nhanh chóng qua đi, nó đăng kí thi khốiA: sư phạm lý., khốiB: sư phạm sinh và cao đẳng: công nghiệp 4. Nó quyết tâm thi vào sư phạm chỉ vì lý do không phải đóng học phí. Rồi 3 giấy báo đậu gửi về với số điểm khá cao 25,5: 24,5 :25. Nỗi vui trong lòng nó không nhiều bằng những nỗi lo. Nó vui vì nó đã không phụ sự mong đợi của gia đình và nó lo vì không biết liệu gia đình có đủ tiền cho nó theo học hay không? Mỗi đêm nó lại nằm vắt tay lên trán suy nghĩ như một ông già, nó nhớ mãi câu nói của mẹ: dù đi làm mướn thế nào chăng nữa, bố mẹ vẫn lo cho con ăn học.

Nó nhập học được một tháng thì Hội khuyến học của tỉnh Đồng nai trao học bổng cho nó 1,2 triệu/ năm học, số tiền không nhiều đối với một năm học nhưng là nguồn động lực giúp nó học tập. Học được vài tháng thì nó kiếm việc làm thêm, nó cũng thử đi phát tờ rơi, đi tiếp thị vài hôm, nhưng nó thấy đi dạy kèm là tiện nhất, tháng lương dạy kèm đầu tiên của nó là 250 ngàn không nhiều nhưng nó rất vui, rồi sau đó nó chuyển sang dạy những lớp khác lương cao hơn. Có khi đi đêm nào cũng dạy suốt cả một tuần, Kéo dài được hai năm thì nó phải thay đổi.

Trong 2 năm đầu nó chưa quen với cách học ở bậc đại học, một phần do kiến thức nền chưa vững chắc. Kết quả học tập của nó không mấy khả quan, cũng có vài kì được loại khá nhưng điểm rất thấp. Nó không giỏi bằng những đứa bạn xuất thân từ những trường chuyên hay những đứa đã có căn bản vững chắc từ cấp 3. Nó hiểu rằng nó muốn giỏi thì phải đầu tư thời gian. Suy nghĩ một thời gian, nó gọi điện về nhà, nó xin phép không đi dạy kèm nữa, nếu thiếu tiền thì cứ vay mượn rồi khi ra trường nó sẽ trả.

Hai năm cuối đại học, nó dồn sức vào học và liên tiếp dành được điểm giỏi. Nhưng cố gắng lắm nó cũng không thể vớt được những năm đầu đại học, nó tốt nghiệp 7,72.

Khi nó bắt đầu vào năm cuối thì anh trai nó không may bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, tụ máu ngoài màng cứng, rất may được cứu chữa kịp thời, sau mấy tháng điều trị thì được xuất viện. Tai nạn làm anh nó mất một mắt và sức lao động chỉ còn 60%., kinh tế gia đình càng thêm khó khăn.

Bảo vệ luận văn tốt nghiệp xong việc đầu tiên là nó đi xin việc và kiếm lớp dạy kèm. Nó phải làm việc trả số tiền mà khi nó đi học và khi nó anh nó bị tai nạn đã vay mượn. Trong khi bạn bè ôn tập và thi vào cao học thì nó đang chạy ngược chạy xuôi dạy từ lớp này qua lớp khác. Tuy có chút buồn nhưng nó luôn dặn lòng: nó sẽ học cao học nhưng không phải là bây giờ.

Sau khi ra trường nó trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình, nó cũng có việc làm, ban đêm nó đi dạy kèm để tăng thêm thu nhập, thời khóa biểu của nó kín dần . Và đôi khi nó quên mất là có ngày chủ nhật.

Làm việc suốt một năm trời rốt cuộc nó cũng trả xong số nợ, rồi anh nó cũng lập gia đình. Anh nó ít được học hành, phải đi làm từ nhỏ nay lại chẳng may mang tật, vì vậy nó muốn bù đắp cho những bất hạnh mà anh phải gánh chịu Nó muốn dành dụm một số tiền giúp anh xây nhà riêng. Tạm thời hiện giờ chỉ xây được phòng khách và phòng ngủ. Hôm rồi má của nó gọi lên báo là đã xây xong. Đó cũng là lúc nó thi đậu cao học.

Một năm qua, đối với nó, thật sự không lãng phí chút nào. Nó lao động vất vả và nó đã làm được những điều mà nó mong muốn. Và cuộc đời có vẻ như không bạc đãi đối với nó, chương trình cao học từ năm nó thi được rút ngắn xuống còn 2 năm (trước đây là 3 năm) và nếu như nó nỗ lực thì nó sẽ đuổi kịp bạn bè.

Khi nhìn lại những gì đã qua nó cảm thấy rằng nó thật sự may mắn, trên từng bước đường nó đi luôn có sự ủng hộ từ gia đình, thầy cô, bạn bè, và cả những người tốt mà nó không hề biết mặt.

Nó biết rằng phía trước chắc chắn sẽ còn những khó khăn nhưng nó sẽ cố gắng. Dù thất bại hay thành công, nó rất vui vì nó đã sống hết mình, nó đã làm những gì mà nó có thể.

Nó không hề hối tiếc những gì đã qua và nó vui vẻ đón chờ những gì sẽ tới.

Cuộc sống thật đẹp đối với nó.

Vậy là nó đã 23 tuổi!
 
Top