• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Chè Shan tuyết Hà Giang

TaiVenh

Active Member
Chè Shan tuyết Hà Giang (HGĐT)- Hà Giang là một trong những tỉnh có vùng chè Shan lâu đời nhất nước ta. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tiến hành điều tra chè ở Hà Giang và đặc biệt chú ý những cây chè cổ thụ vùng cao. Đó là thứ chè Shan lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Vì vậy, người ta còn gọi là chè Shan tuyết.

Rừng chè cổ thụ ở Thượng Sơn - Vị Xuyên. (Ảnh: Sơn Hải)

Trong các khu rừng tự nhiên của Hà Giang, cây chè Shan mọc lẫn với các loại cây rừng khác. Quá trình du cư đến sinh sống, đồng bào phá rừng làm nương và giữ lại các cây chè, tiếp tục khai thác. Có những nơi, đồng bào còn trồng bổ sungbằng hạt, tạo nên những nương chè hỗn giao theo dạng chè rừng.


Ở Hà Giang, chè shan phân bố hầu khắp các huyện, trong đó các vùng chè cổ thụ đều có độ cao từ 300-1000m. Cho đến nay, một số vùng trong tỉnh có tính đặc trưng cao cho các tiểu vùng sinh thái có chè shan như: Lũng Phìn- Đồng Văn đại diện cho vùng cao núi đá vôi; Phìn Hồ- Hoàng Su Phì đại diện cho vùng cao núi đất; Tham Vè, Bó Đướt- Vị Xuyên đại diện cho vùng chè cổ nhất Việt Nam. Đây cũng chính là những địa phương có sản phẩm chè shan tuyết thơm ngon nổi tiếng. Danh tiếng của chè shan tuyết Lũng Phìn hay Phìn Hồ, Cao bồ, Thượng Sơn… không chỉ chinh phục được người tiêu dùng mà cả với những người sành thưởng thức trà.

Về giống chè Shan Hà Giang có thể chia thành 2 dạng chính đó là chè shan lá nhỏ, tiêu biểu chè Lũng Phìn với đặc điểm dạng tán hình mâm xôi hoặc dạng nến. Chè tán dạng mâm xôi là chè shan lá nhỏ chiếm tỷ lệ lớn hơn chè tán dạng nến chè shan lá to. Dài búp biến động từ 2,3-4,5 cm, trọng lượng búp biến động từ 0,4-1,09g/búp, thuận lợi cho chế biến chè xanh có ngoại hình đẹp. Hàm lượng tanin biến động từ 32,25- 37,32%, chất hoà tan 43,24-47,82%, đường khử 2,00-2,95%, cafein 3,05-3,45%, nhất là chất lượng thử nếm cảm quan điểm cao từ 16-18,2 điểm trên nhiều mẫu chè.

Dạng chè shan thứ 2 với tiêu biểu vùng chè cổ Bó Đướt, Thượng Sơn- Vị Xuyên. Loại chè này đặc biệt nhiều về mức độ lông tuyết ở cả búp lá 1 và một phần lá 2. Trọng lượng búp chè từ 0,92-1,02g, năng suất 1600-1850g/cây/lứa hái. Về thành phần sinh hoá cho thấy tanin biến động từ 27,96-32,98%, chất hoà tan từ 35,81- 40,56%, đường khử từ 1,22-1,90%, cafein từ 2,85-3,00%...

Ngoài những chỉ tiêu sinh hoá ở mức rất có lợi cho chế biến chè chất lượng cao, chè shan Hà Giang là nguồn nguyên liệu sạch. Bởi vì, cho đến tận bây giờ, ở các vùng chè shan lâu đời của Hà Giang, đồng bào vẫn không sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu là khai thác tự nhiên. Người ta thường đốn chè vào vụ Đông, đồng thời với việc phát cỏ, vun gốc… Sang xuân, vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, người ta bắt đầu thu hái chè vụ đầu tiên (đây là thời điểm chè cho chất lượng cao nhất). Tiếp tục thu háI vụ chè thứ 2 vào tháng 5 và tháng 6 (là vụ có năng suất cao nhất trong năm). Vụ 3 vào tháng 8 và vụ 4 vào tháng 10, tháng 11. Vì vậy, có thể khẳng định chè shan Hà Giang là vùng nguyên liệu có giá trịđể sản xuất chè an toàn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay.

Ngoài những vùng chè lâu đời trên, Hà Giang còn trồng nhiều chè ở vùng thấp. Nhận thấy giá trị của cây chè shan vùng cao, nhiều lâm trường đã lấy hạt chè shan vùng cao xuống trồng tại các vùng thấp như Hùng An, Việt Lâm… tạo thành những vùng chè shan tập trung cho chất lượng tốt, năng suất cao.

Với những nỗ lực giữ gìn và chăm sóc tốt vùng chè shan cổ thụ, đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích chè shan trên những vùng đất có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp. Riêng năm nay, tỉnh ta đã trồng mới 778 ha. Đến nay, tổng diện tích chè của Hà Giang lên tới 15.323 ha với tổng sản lượng chè búp tươi năm 2007 lên tới 41.731 tấn, trong đó chè xuất khẩu các loại đạt 3.787 tấn.

Chè shan Hà Giang là nguồn nguyên liệu sạch cho sản xuất chè chất lượng cao đã được các nhà sản xuất trong nước và thế giới công nhận. Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng cho thương hiệu chè shan tuyết Hà Giang thì công nghệ chế biến phải được đặt lên hàng đầu. Với nguồn nguyên liệu tuyệt vời như chè shan Hà Giang cộng với công nghệ chế biến hiện đại đảm bảo sẽ cho ra đời những sản phẩm chè không thua kém bất cứ danh trà nào trên thế giới.


Theo Hà Giang điện tử.

 

TaiVenh

Active Member
Nằm ở vùng núi cao hơn 1.000 m và chỉ có ở một số nơi thuộc các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, chè Shan Tuyết là thứ chè quý hiếm, nhiều người chưa từng được nếm thử. Người Yên Bái, Hà Giang đang cố gắng đưa hương vị độc đáo của thứ chè này cho những người sành chè khắp nơi thưởng thức. Ở miền bắc, chè (trà) ở vùng Ðại Từ, Tân Cương (tỉnh Thái Nguyên) rất nổi tiếng. Loại chè này được bà cụ Từ ở phố Hàng Bồ, bà cụ Nghĩa ở Ngõ Gạch (Hà Nội) ướp sen sao tẩm qua 4 lửa, khách muốn mua với giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg cũng phải chờ. Thế giới đã có loại chè bán với giá 1.000 USD/kg ở Nhật. Gần đây ở Hà Nội xuất hiện chè Shan Tuyết với giá 500.000 - 700.000 đồng/kg.

Nói đến chè người ta thường nghĩ đến những đồi chè, nương chè trồng đại trà, trồng thành hàng thành luống. Nhưng có một loại chè không có hàng có luống mà là những cây cổ thụ hàng trăm tuổi đứng trên các đỉnh núi cao quanh năm ẩn trong sương mù. Ðó là chè Shan Tuyết, chỉ có ở hai nơi, vùng suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) và các vùng Sa Lì, Tùng Vài, Phìn Hồ (tỉnh Hà Giang). Chè Shan Tuyết là loại chè sạch mà người Nhật Bản rất sùng bái. Ông Hideo o­nishi, chuyên gia kỹ thuật làm chè Nhật Bản từng dày công nghiên cứu cây chè Việt Nam qua các vùng Yên Bái, Hà Giang, vùng cao nguyên Mộc Châu cho biết: "Phần còn lại của đời tôi, tôi sẽ dành cho cây chè Việt Nam. Tôi sẽ tiếp thị chè Việt Nam tại Nhật Bản". Khi tôi theo chị A Sua và con ngựa thồ chè từ đỉnh núi xuống hợp tác xã (HTX) Sa Lì (huyện Yên Minh, cách thị xã Hà Giang 124km) mới thấy nhận xét của ông o­nishi thật xác đáng. Có một cuốn Trà Ðiển viết vào năm 760 trong đó có nói rằng 2.700 năm trước công nguyên, ở Trung Quốc đã tìm ra cây chè làm thuốc giải độc cứu người, nhưng ông o­nishi lại tin rằng cây chè ấy có ở vùng Suối Giàng (Việt Nam) từ trước đó rồi mới lan sang Trung Quốc.

Chè từ trên đỉnh núi được ngựa thồ về bản là được đưa ngay vào sao tẩm. Không khí trong bản thơm ngát mùi chè sao. Bà con người Mông ở HTX Sa Lì vẫn sao tẩm chè hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Những cánh chè Shan Tuyết to và cong như lưỡi câu, bên ngoài phủ một lớp tuyết trắng đục, óng ánh tự nó đã thơm ngan ngát, ngửi một lần là muốn hít hà mãi cho đã hương thơm. Chị A Sua khoe rằng ở HTX Sa Lì, người ta còn huấn luyện được cả khỉ đi hái chè ở các đỉnh núi cao cheo leo. Loại chè ấy uống vào cả đời không lo bị bệnh ngoài da và bệnh đường ruột. Chị còn dặn tôi: Nếu bị ngứa mẩn ở chỗ nào chỉ cần lấy một nhúm bã chè Shan Tuyết xát vào là khỏi ngay.

Nhưng chè Shan Tuyết rất kén chọn ấm chén, phải chọn loại ấm sứ nung thật già lửa, không được dính mùi bất cứ loại chè nào khác, cũng không được dính cặn, phải thật sạch và tráng nước sôi. Ðể có bộ ấm chén dùng cho chè Shan Tuyết, người Yên Bái, Hà Giang phải xuống Hải Dương, Bát Tràng (Hà Nội) để đặt. Có người còn sang tận Hàn Quốc mới kiếm được bộ đồ pha chè độc ẩm vừa ý. Nếu có nước giếng đá o­ng hoặc nước mưa đun sôi để pha chè Shan Tuyết thì mới đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thưởng trà. Những người sành chè ở Hà Giang, Yên Bái muốn cho người Hà Nội thưởng thức hết hương vị độc đáo của chè Shan Tuyết, thường phải kỳ công xách theo can nước từ chính vùng núi đó về để pha chè "tiếp thị", chứ dùng nước máy pha chè Shan Tuyết thì không đạt yêu cầu.

Chè Shan Tuyết quý thế, nhưng vì chưa "công nghiệp hóa" được khâu sản xuất nên hiện còn ít người biết đến. Mãi gần đây ngành chè ở Hà Giang, Yên Bái mới tìm được đường đưa chè Shan Tuyết về xuôi. Ông Ngô Viết Thành - Giám đốc Xí nghiệp 66 (Hà Giang) cho biết: "Trong tương lai gần, chè Shan Tuyết ở vùng núi cao từ 1.050m đến 1.500m sẽ tiến vào thị trường miền trung, miền nam để những người sành trà thưởng thức".

(Báo Thanh niên)
 

TaiVenh

Active Member
Chùm ảnh chè Tuyết Suối Giàng

Chè Shan Tuyết Suối Giàng là sản phẩm từ cây lâu năm, rất to to so với cây chè xanh bình thường.


Suối Giàng là một xã thung lũng nhỏ nằm trên độ cao 1.371m, cách thị trấn Văn Chấn - Yên Bái 12 km. Nơi đây tập trung chủ yếu là làng bản người Mông. Họ sống trong những ngôi nhà gỗ và nguồn thu kinh tế chủ yếu của mỗi gia đình là đồi chè, những cây chè được trồng từ rất lâu.


Sự lâu đời đó khiên chè Suối giàng trở thành một trong những thương hiệu của ngành chè Việt Nam.

Đến với Suối Giàng Du khách sẽ được trải qua đoạn đường đèo với nhiều khúc cua tay áo ngớp hồn. Cái thung lũng nhỏ bé này được thiên nhiên hết sức ưu đãi, không khí nơi đây rất trong lành và cũng bởi thế mà nó quyết định lớn đến chất lượng chè.
Hình ảnh những cây chè lớn nhỏ mọc hai bên đường, hay cô gái Mông rực rỡ trong trang phục truyền thống thoăn thoắt hái những búp chè non xanh mơn mởn đã gây ấn tượng mạnh với khách du lịch khi tới miền đất này. Phía xa xa nhấp nhô những ngôi nhà gỗ của gia đình dân tộc Mông ẩn hiện trong đồi che xanh ngát, xen lẫn trong đó có hàng vạn cây chè cổ thụ 100 tuổi và cả những gốc chè thủy tổ 300 năm tuổi.

Những cây chè mang dáng dấp đào thế Nhật Tân.​
Hoa chè.​
Lá và búp chè Suối Giàng lớn hơn so với chè thông thường.​
Gốc chè hàng trăm năm tuổi.​
Búp chè được bán cho những cơ sở để chế biến thành chè khô.​
Lá già được pha với nước để uống hằng ngày.​
Du khách mua chè Suối Giàng về làm quà.​

Theo Tổ Quốc
 

TaiVenh

Active Member
Thưởng thức trà nơi xứ sở mù sương



Khách du lịch thăm vườn chè Shan tuyết Suối Giàng 300 tuổi.

KTNT - Ai đã từng một lần được thưởng thức trà Shan tuyết Suối Giàng của huyện Văn Chấn (Yên Bái) đều trầm trồ thán phục trước hương vị thơm ngon đặc biệt không giống với chè của bất kỳ nơi nào. Suối Giàng ở độ cao 1.500-1.800m so với mặt nước biển, khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình cả năm 20 độ C, mát như ở Sa Pa, Tam Đảo. Chè Shan hợp với khí hậu, đất đai và nguồn nước ở đây nên xanh tốt. Đồng bào Mông không bao giờ phải bón phân hay phun thuốc trừ sâu. Bởi vậy chè Shan Suối Giàng được thị trường ưa chuộng, vì ngoài chất lượng tuyệt hảo, còn là chè sạch tuyệt đối.

Xứ sở sương mù

Đứng trước những thân chè vòng gốc to cả người ôm chưa xuể, những búp chè xanh non, bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của đất trời, sự bao la của vạn vật xung quanh. Người dân Suối Giàng không thể trèo lên cây chè cổ thụ để hái búp, vì quá cao, quá khó, họ phải huấn luyện khỉ leo cây hái thay. Đó là lời kể đầu tiên của những người dân nơi đây về cây chè cổ thụ. Chúng tôi cùng họ đi trên miền chè Shan Suối Giàng như bước vào huyền thoại. Bởi những cây chè cổ thụ sống ở trên núi cao, quanh năm sương mù bao phủ. Chỉ quá trưa, trời mới quang hơn một chút, khi ấy, phóng tầm mắt nhìn xuống phía thị xã Nghĩa Lộ, những ngôi nhà, con suối như những mô hình nhỏ xinh, cảnh sắc khiến ai cũng ngẩn ngơ lòng. Trên lá và búp chè, những giọt sương đọng lại, mong manh. Những cây chè cổ thụ Shan tuyết không chỉ ở xã Suối Giàng mà còn trải rộng sang Suối Bu, ngược Sùng Đô, đến rẻo cao ngút mắt mây mờ như Tả Si Láng, Làng Nhì (Trạm Tấu - Yên Bái). Cây chè cổ thụ giờ tập trung nhiều ở các bản Tập Lăng 1, Tập Lăng 2, Giàng Cao, khu vực gần đỉnh Chông Páo Mùa, đỉnh núi cao nhất của Suối Giàng.

Lạc vào rừng chè ở Suối Giàng, bạn sẽ ngỡ ngàng khi thấy những búp chè to, mập mạp, nhiều búp nhú lên như đọt măng lách dưới đốt nách vạm vỡ của thân tre. Chè xoè tán rộng bao nhiêu thì rễ cây lan trong đất bấy nhiêu. Nhiều rễ, thân cây chè bị rêu bao phủ như được gắn một lớp áo lông xanh kỳ bí. Sự rêu phong đó nói lên nhiều điều, sự cổ kính, lâu đời và cả những truyền tích.


Bí quyết để có chè ngon


Xã Suối Giàng có hơn 2.000 hộ dân, chủ yếu là người Mông. Sống ở vùng chè, nên người Mông có những bí quyết để tạo cho chè Shan tuyết một hương vị riêng, cũng huyền thoại như chính sự cổ thụ của nó vậy.


Ông Giàng A Đằng, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cho biết, chè Shan Suối Giàng có ở cả 8 thôn với 84.000 cây chè cổ. Người Mông trồng chè Shan tuyết như trồng cây thuốc, như một thứ tín ngưỡng đối với loại nước uống mà cha ông họ thường dùng. Người Mông nơi đây có truyền thống tạo tán chè Shan tuyết cực kỳ nguyên thuỷ: khi cây chè đủ lớn, gốc sần sùi u mấu, người ta chọn các khe hoặc thậm chí tách thân chè ra rồi nhét vào đó một... tảng đá vôi lớn. Thân chè bị xẻ dần thành vô số cành, nhánh, vươn ra bốn phương, tám hướng. Chính điều này đã khiến số lượng búp chè nảy ra nhiều gấp bội. Người ta cứ để chè phát triển tự nhiên, không tỉa, không gọt, không hãm. Khi thu hoạch, đem búp về chế biến theo “công nghệ” thủ công truyền thống của người Mông. Nếu chén trà rót ra, thấy nước chỉ phơn phớt vàng, nhấp một ngụm, người tinh ý có thể nhận thấy đủ các vị: chát, ngọt, ngậy lưu mãi nơi đầu lưỡi; đến lúc trà đậm hương nồng nước thì thấy nước vàng sậm hơn. Và, ai đó đã nhận ra ở khúc thưởng trà này mùi vị ngọt ngào của mật ong rừng. Đó là sự phối vị huyền diệu và cũng là bí quyết của người Mông. Nhìn búp chè sau chế biến vẫn còn nguyên lớp lông tơ trắng mỏng manh thì mới là chè Suối Giàng chính hiệu. Tuyết bám vào chè, nhưng khi pha chè vào nước, nó lại trong, chứ không bám thành mảng vàng khè. Đó cũng là đặc trưng của chè shan tuyết Suối Giàng.


Theo ông Đằng, chè ở đây ngon là vì có sương mù. Chè ngậm sương mù thành tuyết, nên mới gọi là chè tuyết. Ngon cũng là vì người Mông biết chế biến... Nhưng ông Đằng cũng ngậm ngùi phân trần: “Chẳng biết bao giờ người dân quê tôi mới khá lên nhờ chè, dù đang giữ một báu vật của đất trời đấy. Giá mà tỉnh và các ngành chức năng quan tâm hơn nữa, thì có lẽ chè Suối Giàng không chỉ nổi tiếng mà còn trở thành nét văn hoá độc đáo rồi. Khi ấy, Suối Giàng sẽ là điểm đến đầy tiềm năng, thu hút du khách trong và ngoài nước, và chắc chắn, người dân quê tôi sẽ giàu có hơn...”.
Huyền Anh
 

TaiVenh

Active Member
Để chè Shan tuyết Hà Giang vươn xa

Để chè Shan tuyết Hà Giang vươn xa



Người dân bản địa gọi là chè Tuyết (hoặc chè Shan tuyết) vì mùa đông tuyết phủ trắng ngọn cây, ấp ủ tinh hoa trời đất đợi đến mùa Xuân nảy lộc, đâm chồi, người dân hái lượm tự nhiên tạo ra sản phẩm chè sạch, nước mang hương vị đặc biệt thơm ngon. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chè Shan tuyết Hà Giang vẫn chưa thực sự chiếm lĩnh được cảm tình người tiêu dùng. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Shan tuyết Hà Giang

Từ lâu, sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang đã nổi tiếng trong và ngoài nước là sản phẩm chè sạch, an toàn cho người sử dụng, điều đó đã được nhiều tổ chức môi trường trong nước và quốc tế thừa nhận. Bên cạnh đó, chè Shan tuyết Hà Giang có vị đậm, ngon, có tác dụng tốt về sức khoẻ cho người sử dụng, đối với nhiều người sành chè thì đây là loại chè có chất lượng đặc biệt không nơi nào trong nước có được. Tuy nhiên, để có thể hoà nhập với sự phát triển của dòng sản phẩm này theo xu thế chung của thị trường tiêu thụ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, ngành chè Hà Giang còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của các sản phẩm chè.

Hiện, toàn tỉnh có 15.064 ha chè, trong đó diện tích chè cho thu hoạch 12.536 ha, so với năm 2001 diện tích chè tăng 2.541 ha. Chè được trồng chủ yếu tại các huyện: Bắc Quang 3.514,6 ha; Vị Xuyên 3.780,5 ha; Hoàng Su Phì 3.328,9 ha; Xín Mần 1.954,3 ha; Quang Bình 1.815 ha, diện tích chè Shan chiếm hơn 90% trong tổng diện tích... Năm 2008, năng suất chè búp tươi ước đạt trên 34 tạ/ha, sản lượng ước 4.262 tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh việc chế biến chè chủ yếu được thực hiện do 1 Công ty Cổ phần, 12 doanh nghiệp, 5 HTX và gần 400 hộ kinh doanh và chế biến chè. Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm nên tạo được thị trường tiêu thụ, xuất khẩu ổn định. Năm 2007, sản lượng chè khô xuất khẩu ước đạt trên 8.000 tấn, sản phẩm chủ yếu là chè vàng, chè đen và chè xanh. Công ty TNHH Hùng Cường đã chế biến được 2.174 tấn chè khô các loại; Công ty Cổ phần chè Hùng An sản xuất, chế biến được 430 tấn chè xanh; Công ty TNHH Thành Sơn 57,7 tấn, chủ yếu là chè vàng; HTX Nam Hải 130 tấn, HTX Xuân Mai chế biến được 70 tấn chè vàng, với giá bình quân gần 20.000đ/kg. Đây là mức xuất khẩu kỷ lục nhất từ trước tới nay của ngành chè Hà Giang cả ở số lượng và giá trị kinh tế. Riêng 10 tháng đầu năm 2008, giá thu mua nguyên liệu bình quân từ 2.400 đồng đến 3.000 đồng/kg chè búp tươi, cao hơn 300 đồng đến 500 đồng/kg so với năm trước, nên càng khuyến khích các hộ dân chú trọng khâu chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Chè đã trở thành mặt hàng đứng thứ nhất toàn tỉnh về số lượng xuất khẩu trong cơ cấu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Sản phẩm chè xuất khẩu đi các nước được thực hiện qua Công ty TNHH Hùng Cường, sản phẩm chè Hà Giang đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới. Trong 10 tháng đầu năm 2008, Công ty TNHH Hùng Cường đã chế biến được 2.200 tấn chè, trong đó, chè xuất khẩu được 1.360 tấn và nội tiêu trong nước 700 tấn. Thị trường tiêu thụ chè ngày càng được mở rộng, giá thu mua chè được đẩy lên qua các năm đã tạo cho nông dân tâm lý phấn khởi yên tâm đầu tư sản xuất, đây là dấu hiệu tốt cho ngành chè Hà Giang phát triển hơn nữa trong những năm tới. Kết quả này một lần nữa khẳng định sự trưởng thành của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong tỉnh, đồng thời góp phần nâng cao vị thế sản phẩm chè Hà Giang trên thị trường trong và ngoài nước.

Có thể nói, cùng với việc khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh, chế biến chè, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích chè trồng mới bằng giống Shan tuyết, phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh có 17.500 ha chè Shan, tập trung ở một số huyện trọng điểm như: Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất các hộ trồng chè thông qua nguồn vốn ADB và các nguồn vốn vay từ các ngân hàng địa phương; vận động nhân dân đẩy lùi nạn chè vàng, làm ảnh hưởng xấu đến danh tiếng và giá trị kinh tế của chè Shan tuyết Hà Giang.

Trước tiềm năng và thế mạnh của chè Hà Giang, trong những năm qua, nhiều đơn vị, cá nhân đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm chè. Hiện tại, các doanh nghiệp trong tỉnh đã sản xuất được nhiều sản phẩm khá đa dạng, từ loại có giá bình dân như chè đen, chè xanh với giá khoảng vài chục nghìn đồng/1 kg, tới các loại chè cao cấp với giá hàng trăm nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn của Hiệp hội Chè Việt Nam và đông đảo người tiêu dùng trong nước, quốc tế: Nếu đem sản phẩm chè Hà Giang so sánh với các sản phẩm chè của các địa phương khác như: Chè Ô Long, Ngọc Thuý, Tứ Quý (Lâm Đồng), chè Suối Giàng (Lào Cai), chè Tân Cương (Thái Nguyên)… thì sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang còn phải học tập nhiều về mẫu mã, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Đâu là nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến người tiêu dùng chưa biết đến chè Shan tuyết Hà Giang, một nguyên nhân chính là do chưa chú trọng cải tiến thiết bị chế biến nên sản phẩm chè của Hà Giang chưa có hương vị độc đáo, hấp dẫn người tiêu dùng, đồng thời bao bì sản phẩm của chè Hà Giang còn đơn giản, chưa đẹp, chưa tiện lợi cho người sử dụng và không mang nét đặc trưng riêng. Chính vì vậy, theo các nhà chuyên môn, để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm chè Hà Giang, các đơn vị kinh doanh chè trong tỉnh cần chú trọng vào các vấn đề chính đó là hương vị, bao bì sản phẩm và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đồng chí ĐàoKim Chúc, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT, khẳng định: Để có sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới, ngoài việc tăng cường quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp chè chủ động tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, cắt giảm những khâu trung gian và giảm chi phí giao dịch xuống mức thấp nhất. Ngành chè Hà Giang tiếp tục đầu tư công nghệ và các yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng các sản phẩm chè, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế, nâng cao giá trị kinh tế của cây chè và các sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang. Người dân cũng cần phải chủ động bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình. Để giữ được bạn hàng, yếu tố quan trọng là duy trì chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chè cũng áp dụng chính sách khuyến khích các hộ thu hái phân loại chè A, B nhằm bảo đảm giá thu mua công bằng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến. Có như vậy, sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang mới thực sự đứng vững trên thị trường trong, ngoài nước và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo báo HG
 

TaiVenh

Active Member
Chặt phá chè cổ thụ shan tuyết trên 100 năm tuổi


Một cây chè cổ thụ. Ảnh minh họa.

(LĐĐT) - Hàng chục cây chè shan tuyết trên 100 tuổi tại Hà Giang bị đốn ngã, được chặt rồi đem bán gỗ.

Theo ông Hoàng Đức Đông, Đội trưởng đội điều tra kinh tế công an huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang: Từ ngày 31.3.2008 đến nay, trên địa bàn xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, xảy ra tình trạng một số người dân tự ý chặt hàng chục cây chè cổ thụ trên 100 năm tuổi lấy gỗ đem bán với giá từ: 150 – 200 nghìn đồng/ khúc gỗ có đường kính trên 80cm, dài 1m.

Với mỗi cây chè cổ thụ cao từ 3-4m, người chặt lấy gỗ bán được từ: 700.000đ – 800.000đ. Hiện tượng người dân lén lút chặt phá chè cổ thụ lấy gỗ bán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn giống chè quý shan tuyết cổ thụ có từ hàng trăm năm nay của Hà Giang.

Được biết, cuối năm 2007, Hà Giang tổ chức lễ hội văn hoá trà nhằm tôn vinh cây chè đặc sản shan tuyết, trong đó chủ yếu là giống chè cổ thụ xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên. Hiện, Cao Bồ là xã có diện tích chè cổ thụ lớn nhất huyện, gồm trên 700ha, trong đó đa phần là những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang là một địa chỉ bảo tồn nguồn gen quý của giống chè đặc sản.

Hiện tượng người dân chặt bán gỗ cây chè cổ thụ shan tuyết, đang báo động tình trạng buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương về bảo vệ những cây chè cổ thụ một biểu tuợng văn hoá du lịch của tỉnh Hà Giang. Công an huyện Vị Xuyên đang khẩn trương điều tra làm rõ kẻ chủ mưu trong việc chặt phá những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi này đưa ra xử lý trước pháp luật.

P.V (Theo TTXVN)
 
Top