Săn cá voi ở Nam Phi
Nếu cá voi xuất hiện thường xuyên tại VN là 1 điều quí hiếm và may mắn , xin được phép giới thiệu lại bài viết này, trong chuyến đi Nam phi vừa qua đăng trên TTCN , Người Nam phi khai thác điều này để phục vụ cho du lịch sinh thái .
Săn cá voi ở Nam Phi
Thứ Năm, 04/12/2008, 08:38 (GMT+7)
Chiếc tàu du lịch đưa khách lao vút vào vùng biển Hermanus rộng mênh mông để đi tìm cá voi.
Chuyện chim trời cá nước biết đâu mà tìm khiến chúng tôi do dự khi mua vé đi tour này. Giá vé là 500 rand/người (tương đương 1 triệu đồng). Trên tàu có khoảng 40 người, hầu hết đến từ châu Âu.
Hằng năm, từ tháng 9-11, theo những dòng nước ấm từ Ấn Độ Dương đổ về là mùa trở về quê hương của cá voi từ khắp xứ. Chúng trở về đây tìm bạn tình, có con trở về để sinh sản. Ven bờ biển Nam Phi, những vực núi nhô ra biển, những vịnh sâu chạy dài từ Durban đến mũi Cap Town trên 1.200 dặm, là chốn lý tưởng cho chúng yêu đương và sinh con.
Nghề săn cá voi đã xuất hiện tại Nam Phi từ những năm 1785. Ngày ấy, với các phương tiện thô sơ, ngư dân chỉ dùng những cây giáo để săn bắt. Họ đứng trên những chiếc thuyền mong manh, phóng giáo để đâm cá voi. Từ năm 1790-1825 ước tính có khoảng 12.000 cá voi đã bị giết.
Hồi đó, sau khi đâm, người ta kéo cá voi vào gần bờ xẻ lấy thịt, còn lớp mỡ dày dưới da cá voi sau khi chế biến được dùng làm dầu đốt đèn. Nhóm cá sperm whale trong cơ thể còn chứa một túi hương được gọi là long diên hương, có khi nặng đến 100kg, đặc gần như sáp ong. Khi xát nhẹ, long diên hương toát lên mùi thơm dịu ngọt, người ta dùng long diên hương làm các phụ gia trong kỹ nghệ chế biến hương liệu.
Do xương cá voi xốp và nhẹ, thời xa xưa người ta còn sử dụng làm chòi để ở.
Khi tàu đánh cá hiện đại phát triển, người ta dùng súng phóng mũi tên bắt cá voi từ xa. Lợi nhuận khai thác từ cá voi đã kích thích sự phát triển của ngành đánh bắt này, từ đó đẩy cá voi đến bên bờ tuyệt chủng. Năm 1931, Chính phủ Nam Phi ra quyết định cấm săn bắt cá voi để bảo tồn chúng. Số lượng cá voi gia tăng trở lại chừng 7%/năm, ước lượng hằng năm có 3.000-4.000 cá voi các loại quay về bờ biển Nam Phi.
Gần một giờ vượt qua những cơn sóng lớn trên biển, khi những người lớn tuổi trong đoàn bắt đầu mệt mỏi thì bỗng có giọng nói vang lên: “Xin chú ý góc 14 giờ”. Bác tài công dùng vị trí giờ trên đồng hồ để giúp du khách quan sát về hướng đó. Giọng bác tài công lại tiếp tục vang lên: “Xin quan sát góc 10 giờ”. Cả đoàn reo lên khi thấy từ xa dăm con cá voi đang phun nước và nhảy lên khỏi mặt biển.
Người hướng dẫn lại nhắc nhở du khách giữ yên lặng, không được ném thức ăn hoặc bất cứ vật dụng gì xuống biển... Chiếc tàu tắt máy dập dềnh trôi theo sóng biển dần dần tiếp cận đàn cá voi. Nhóm cá voi này có tên gọi là southern right whale, chúng rất hiền và thân thiện với con người, dài xấp xỉ con tàu. Chúng nhởn nhơ tiếp cận sát thân tàu và phun những vòi nước lên cao để đùa giỡn.
Mỗi năm từ tháng 9-11, hàng ngàn du khách từ các nơi đổ về vùng Hermanus, Nam Phi để xem cá voi “hội”. Trong làn nước xanh biếc của đại dương, những chú cá voi vô tư biểu diễn các cú nhào lộn, phun nước như một lời nhắn nhủ chúng ta hãy cùng nhau sống hạnh phúc trong thế giới xinh đẹp này.
VƯƠNG VĂN SỰ