• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

"Cơn sốt" uống nọc rắn hổ mây

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Dân chơi thành phố đang đổ xô về quê hương dãy Thiên Cấm Sơn để uống máu, nuốt mật loài mãng xà được mệnh danh là "tổ sư của các loài rắn độc". Bất chấp nọc độc chết người của con mãng xà, vì được trả giá cao nên cánh sơn tràng liều lĩnh đánh bạc với sơn thần. "Tổ sư" đổ lệ và núi rừng không một ngày bình yên với đội quân này!


"Đại ca của các đại ca"​

Trải dài trên địa bàn huyện Tịnh Biên (An Giang), cụm núi Phú Cường có 13 ngọn núi, gồm núi Rô, núi Két, núi Trà Sư, núi Bà Vải, núi Cậu, núi Tà Nung… Thuộc địa bàn xã An Cư, tọa lạc dưới chân núi, rừng Sóc Rè. Theo ông Chính Hoảnh, cư dân cố cựu của vùng còn có biệt danh "Thung lũng chết" vì hơn 30 năm trước (1978), quân diệt chủng Pôn Pốt đã tràn qua đây tàn sát nhiều làng mạc với cảnh giết chóc dã man.

Hướng ánh mắt về phía núi, ông Chín tặc lưỡi: "Thiên hạ, toàn mấy ông đực rựa lắm tiền ưa về đây không chỉ vì muốn xem sự hồi sinh sau những năm tháng đau thương mà còn để thưởng thức món ẩm thực kinh thiên động địa từ rắn hổ mây, chúa tể của các loài chúa tể". Ngoài chim chuột, món khoái khẩu của rắn hổ mây là nhồng đất. Nhồng đất ăn các loại trái rừng, côn trùng nên toàn thân nó là kho dược liệu khổng lồ....

Sáu Tèo, thợ săn lúc đang tầm nã hổ mây trên đỉnh núi Trà Sư, ra chiều bí mật: "Vùng này không có rắn hổ đất hay các loài rắn hổ khác. Chỉ có hổ mây thống lãnh quần thoa thôi. Do có nọc độc kinh người nên loài bò sát máu lạnh này mới được dân địa phương ám chỉ là "hung thần", là "đại ca của các đại ca" rắn độc. Sáu tặc lưỡi: "Khi đói, hổ mây còn ăn thịt cả đồng loại của nó nữa đấy. Ngay cả rắn hổ đất là loài cực độc cũng còn bị lãnh chúa nuốt gọn nữa là. Loài này kinh khủng lắm!".

Ông Bảy Thọ, chuyên trị các ca bệnh thập tử nhất sinh vì rắn độc cắn ở lưng chừng núi, cho biết: "Bị hổ mây táp dễ tiêu tán đường lắm. Đứa nào vô phúc bị nó cắn sau 5 phút kể như toi. Tao từng ôm nhiều đứa bị chạy nọc mà toàn thân sưng vù, miệng sùi bọt mép, co giật liên tục thấy mà thương. Tay nào hô chữa được tao bái sư liền".

Trong cơn lốc tráng dương bổ thận

Ông Chín thốt nốt (thứ chín, nấu đường thốt nốt nên gọi là Chín thốt nốt), cư dân cố cựu của vùng, thợ săn rắn nay đã giải nghệ, lý giải: "Có người nói do nó có thân hình dài ngoẵng như cây mây nên mới chết tên hổ mây. Nói vậy trật lất bởi đất đồng bằng làm gì có dây mây mà lấy đặt tên. Gọi là hổ mây vì thằng này có cú lướt vù vù trên những cành cây ngọn cỏ. Nói chung thân pháp của nó cực kỳ lanh lẹ như Tề Thiên đi mây về gió".

Hướng ánh mắt về phía rừng, ông Chín tiếp tục nhấn giọng: "To như trăn, lanh như gió nên hổ mây còn được gọi là rắn gió. Thằng này còn có cú quăng mình lao vun vút ớn lắm. Ở khoảng cách 3-4m, nếu cảm giác bị nguy hiểm, nó sẽ phóng mình lao tới gắm răng vào đối phương. Dân Xì Gòn kết nó cũng vì tuyệt chiêu này. Mấy ổng nói quất hổ mây rồi, tối về quăng mình dũng mãnh, "tác nghiệp" sung như hổ cho bà xã sợ".


Mần thịt "hung thần"

Bảy Sẹo, chủ một quán nhậu đặc sản xác nhận, không ít chủ doanh nghiệp, đại gia ở thành phố không quản ngại đường xa, vung tiền xả láng để được nuốt mật, uống máu, nhai thịt, gặm xương hổ mây.

Theo hướng dẫn của Sáu, tôi lượn qua một quán nhậu lụp xụp ở gần đấy. Vừa vào đã thấy gã bếp thủ lỉa dao vào bụng con hổ mây cuối cùng, nặng chưa đầy nửa ký lô. Cái mật cỡ bằng ngón tay út được gã trao cho 1 trong 3 người đàn ông luống tuổi, khí tướng phương phi. Để có bữa nhậu mãng xà hoành tráng kia, chỉ riêng con rắn nặng bé xíu ấy mấy ông khách phải chi gần 1,5 triệu đồng, đắt gấp đôi giá rắn hổ đất tại những quán chuyên rừng ở thành phố.

Tàn lụi do bị lạm sát

Ngày trước, dân săn rắn chỉ trổ nghề vào mùa mưa bởi khi đó, chuột cá sinh sôi nảy nở nhiều, rắn sinh trưởng nhanh, béo mập... Không chỉ "bụp" đám "hung thần" bé tẻo teo, những thợ săn như Sáu Tèo còn tác nghiệp bất kể mùa vụ, bất kể thời điểm rắn không còn nhiều nữa, muốn bắt phải lên tít đỉnh núi, len lỏi qua những tán rừng um tùm đầy hiểm nguy.

Một thợ săn tên Tình sau khi triết lý "Bạc triệu phải có giá của bạc triệu chứ! Sống chết có số cả rồi", thở than: "Bị nhiều người bắt quá nên hổ mây giờ hiếm lắm. Cả tuần nay tui chưa dứt được con nào. Oải quá nên đành chuyển sang săn bọ cạp, mối chúa sống qua ngày".

Hung thần hổ mây lên đời đã khiến kẻ săn, người bán ai nấy đều hân hoan vì kiếm được nguồn thu không nhỏ. Vấn đề ở chỗ rắn hổ mây là sát thủ của lũ chuột chuyên phá hoại mùa màng của nhà nông. Trước cảnh khắc tinh bị truy sát và phơi mình thê thảm trong quán nhậu, mấy anh chuột ắt mừng lắm?!

Tin tức
 
Top