• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Cô "dâu Tây" lo bảo tồn loài linh trưởng quý cho Na Hang.

KimCuong

Active Member
"Tôi không muốn bất cứ một loài sinh vật nào trên trái đất bị biến mất" - Nhà sinh vật người Đức, Thạc sĩ (Th.S) Bettina Martin nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ - "Các nhà sinh vật thì nhiều mà công việc thì ít, bất cứ nơi nào có việc là tôi sẽ tới". Đến nay, chị đã có 9 năm gắn bó với Dự án bảo tồn loài voọc mũi hếch còn gọi là linh trưởng ở Việt Nam.

[imgc="Loài vọoc mũi hếch đặc hữu và quý hiếm chỉ có duy nhất ở miền Bắc Việt Nam. (Ảnh Bettina Martin)"]http://www2.vietbao.vn/images/vietnam2/phong_su/20647508_images1192573_Voocmuihech.jpg[/imgc]

Năm 1997, lần đầu tiên đến với xứ sở nhiệt đới, đội chân của Bttina đã lặn lội khắp các nẻo đường của Khu bảo tồn Na Hang - Tuyên Quang. Dáng người thon nhỏ, khuôn mặt xinh xắn, tính tình thẳng thắn, rất dễ nổi nóng nhưng cũng rất đỗi dịu dàng, sự chân tình và nhiệt huyết của Bettina khiến cho bất cứ người nào gặp chị đều có cảm giác vừa tin tưởng, vừa trân trọng, vừa gần gũi, vừa e dè...

Sinh năm 1966, Bettina Martin lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghiên cứu, bảo vệ sinh vật tại thành phố Solingen (Tây Đức). Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi khi có dịp theo cha và anh trai (đều là những nhà sinh vật) đến các vườn thú, chị thường tự ghi lại những thước phim về động vật hoang dã. Nhiệt huyết của người cha và anh trai truyền sang khiến chị quyết định lớn lên sẽ trở thành một nhà sinh vật để luôn được gần gũi, yêu thương và bảo vệ chúng.

Ấn tượng khi Bettina đặt chân đến Khu bảo tồn Na Hang - Tuyên Quang là một khu rừng không có ranh giới và rất đỗi hoang sơ. Mặc dù trước đây, cũng có một nhóm các chuyên gia thuộc Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật đã đến đây làm công tác bảo tồn trong một thời gian ngắn, hoặc một số chuyên gia đến nghiên cứu về đa dạng sinh học, nhưng chưa ai dám ở lại làm Dự án và xây dựng Ban quản lý Khu bảo tồn như chị.

[imgc="Bettina những ngày đầu đi rừng định vị khu vực bảo tồn. (Ảnh Bettina Martin.)"]http://www2.vietbao.vn/images/vietnam2/phong_su/20647508_images1192577_BvaLeXuanCanh.jpg[/imgc]

Người dân nơi đây vẫn "vô tư" ngày ngày vào rừng lấy củi và săn bắt, buôn bán thú rừng mặc dù đã có các trạm canh gác của Hạt Kiểm lâm Tuyên Quang. Loài voọc mũi hếch có đời sống rất nhạy cảm, chúng rất sợ người. Thức ăn của chúng là lá cây và một số hoa quả. Thịt của chúng không ngon lắm nhưng những người dân ở đây vẫn thường bắt về thịt hay nấu cao để bán. Theo số liệu của Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam thì loài voọc mũi hếch này hiện nay ở Nà Hang chỉ còn hơn 100 cá thể so với 130 cá thể khảo sát lúc ban đầu.

"Do bị săn bắn nhiều, từ ngày đến làm công tác bảo tồn ở Na Hang, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một con vọoc mũi hếch mỗi khi đi rừng", chị buồn rầu nói. Trước con mắt của một nhà sinh vật tình trạng này thực sự nghiêm trọng và đòi hỏi rất nhiều công lao trong buổi đầu xây dựng.

..."Tại sao cô Tây lại ở đây?"
Bằng số tiền ít ỏi lúc ban đầu do Chính phủ Singapore và một số tổ chức, cá nhân khác tài trợ cho dự án, Bettina khởi đầu bằng việc xây dựng Khu quản lý và thuê thêm người đi tuần rừng. Để tiết kiệm tiền cho dự án và mong muốn được trực tiếp trò chuyện với người dân bản địa, chỉ sau 15 ngày bắt tay vào công việc, Bettina không dùng tới phiên dịch nữa, chị tự mày mò học tiếng Việt.

[imgc="Bettina (mặc áo xanh bộ đội) mở lớp tuyên truyền ở Núi Ông cho bà con dân bản gần Khu bảo tồn Nà Hang - Tuyên Quang. Các em học sinh đứng ngoài tò mò không biết "cô Tây" làm gì trong lớp học của mình. (Ảnh Bettina Martin.)"]http://www2.vietbao.vn/images/vietnam2/phong_su/20647508_images1192579_Tuyentruyenonuiong.jpg[/imgc]

Khó khăn là thế, nhưng mỗi ngày trôi qua, chị tìm thấy niềm vui công việc trong sự khắc nghiệt của hoàn cảnh và sự khác biệt về văn hoá. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, chị xuống bản học tiếng, học văn hóa và phong cách sống của người Việt. "Sau 15 ngày, các anh kiểm lâm quyết định để tôi đi gặp dân một mình, tuyên truyền cho họ biết rằng khu bảo tồn không phải là khu du lịch, là nơi khai thác lâm sản, mà là chốn dành cho tất cả động, thực vật hoang dã phát triển".

Chị thường xuyên đi bộ một mình từ Khu bảo tồn mất hơn một giờ xuống gặp bà con dân bản. Chị mở các lớp tuyên truyền "không săn bắt thú rừng, không vào rừng lấy củi, không sống phụ thuộc vào rừng nữa". Đa số người dân ở đây hưởng ứng với lời kêu gọi của chị. Trừ những người thợ săn. Họ thường trừng mắt nhìn chị mà không thèm nói một câu!

Với nhiều người Việt Nam, công việc của Bettina thật kỳ lạ, và họ không thể hiểu nổi tại sao "cô Tây" lại có mặt ở đây. "Thời gian đầu, Bettina sống và làm việc trong một điều kiện khá thiếu thốn, lại chưa thích nghi được với thời tiết Việt Nam nên chị ấy hay bị ốm. Không có người chăm sóc và giúp đỡ nhưng chị ấy đã nghị lực vượt qua tất cả và dần dần thích nghi được với cuộc sống". Chị Phạm Kiều Nga, một thợ may ở thị trấn Nà Hang, bạn của Bettina nói.

Những cú sốc văn hóa

Học tiếng Việt và dấn thân vào đời sống cùng những người dân bản địa để tìm hiểu văn hoá, Bettina hiểu biết nhiều hơn về đời sống của người Việt. Song, sự khác biệt về văn hoá cũng đã gây cho chị những cú sốc mà đến nay, mỗi lần nhớ lại, chị vẫn còn ngậm ngùi đau xót.
Ngày đó, hàng xóm nơi chị ở nuôi một con chó con rất đẹp. Hàng ngày, chị thường xuống chơi và mang thức ăn cho nó. Dần dà, chú chó trở thành người bạn thân thiết của chị. Một buổi sáng thức dậy, chị nghe tiếng chó cắn dữ dội. Chị xuống hỏi thì người hàng xóm nói họ đã đưa con chó đi suối. Hai ngày sau, họ mới nói cho Bettina biết con chó đã bị giết thịt. Tim chị như thắt lại, chị buồn bã trở về phòng và khóc... Khóc vì thương con chó và khóc vì bị nói dối. Từ đó chị cũng bị ấn tượng là người Việt thường ngại nói thẳng và nói thiếu tính chính xác trong mỗi sự việc.

[imgc="Bettina xuống bản tuyên truyền và tìm hiểu cuộc sống của người dân. (Ảnh Bettina Martin.)"]http://www2.vietbao.vn/images/vietnam2/phong_su/20647508_images1192581_Bgban.jpg[/imgc]

Lần khác, ở một quán ăn ngay tại Hà Nội, chị "đặt hàng" một tô phở không có mì chính. Thế nhưng chị đã bị đau bụng dữ dội ngay sau khi ăn 30 phút vì ngộ độc mì chính. Chị đã không thể hiểu nổi... và chị đã thẳng thắn gặp người quản lý nhà hàng để phản ánh.

Chị khoe với tôi "Bây giờ khi xa khỏi bản người dân luôn nhớ về tôi là sự bảo vệ, yêu quý những con chó, con mèo và giúp họ tẩy giun cho những cháu nhỏ hơn là làm công tác bảo tồn con voọc mũi hếch". Rồi bao lớp sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN lên thực tập đều được chị hướng dẫn một cách chu đáo.

[imgc="Bettina đã làm thay đổi suy nghĩ của người Việt Nam bằng sự giản dị và đầy nhiệt huyết. (Ảnh Bettina Martin)"]http://www2.vietbao.vn/images/vietnam2/phong_su/20647508_images1192591_Bettinachandung.jpg[/imgc]

Kể từ năm 2003, khi mọi hoạt động ở Na Hang đi vào nề nếp, chị lại nhận thêm công việc ở Dự án "Quản lý Vườn Quốc gia Tam đảo và vùng đệm". Giám đốc Vườn Quốc gia Tam đảo Đỗ Đình Tiến cho biết: " Có thể nói chị là người mở đầu rất tích cực trong việc tuyên truyền và vận động nhân dân tự bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của mình".

Chị đi đến đâu, nói gì thì tất cả mọi người dân đều lắng nghe và suy nghĩ, họ không còn muốn sống phụ thuộc vào rừng nữa.

Mỗi lần gặp, trước khi chia tay, chị đều dặn tôi: "Không nên ăn thịt thú rừng. Người Việt Nam hãy tự tìm cách bảo tồn sinh học cho đất nước mình. Không nên để cho người nước ngoài giúp đỡ bởi họ cũng không thể làm được gì nhiều, và không phải ai cũng làm được như tôi".

Ngọc Huyền
 
Top