• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Cây dã hương khổng lổ 1.000 tuổi

TaiVenh

Active Member


Cây dã hương nghìn tuổi này là điểm thu hút du khách. Ảnh: SGGP.

"Cụ cây" hơn 1.000 tuổi này đang ngự tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Gốc cây dã hương phải 8 người ôm.

Theo các nhà khoa học, cây này được vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) có sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (cây dã hương lớn nhất nước); được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larousse của Pháp và giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille (Pháp) năm 1932; được trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp vào loại cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam.

Năm 1989, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp cây dã hương ở Bắc Giang nằm trong quần thể cụm di tích quốc gia (gồm cây dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa...). Theo ước lượng, gốc cây dã hương to đến 8 người ôm, còn theo những người làm công tác nghiên cứu vòng đo điểm to nhất của thân cây là 11m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m.

Lớp vỏ cây trung bình dày 15cm. Tán cây dã hương xòe phủ kín mái đình Tiên Lục, tạo ra một cảnh quan đặc sắc cho một vùng quê giàu di tích văn hóa. Hoa dã hương thường nở vào cuối xuân đầu hè, màu vàng nhạt, cánh nhỏ li ti và có mùi thơm tựa hoa dạ lan.

Cây dã hương được coi như một linh vật của người dân quanh vùng với nhiều giai thoại. Người dân trong xã cho biết, nhờ có mùi hương của cây dã hương mà dân ở đây có một sức khỏe tốt, các bệnh dịch truyền nhiễm ít có cơ hội lây lan.

Bạn Thu Hường ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho biết, một người thân trong gia đình bạn có việc ghé thăm đình Tiên Lục nơi có cây dã hương nghìn tuổi, đã được người quản lý tặng một khúc gỗ của cành cây dã hương.

Khi để khúc gỗ trong phòng khách, mùi thơm tỏa ra nhè nhẹ, tạo cho người ngồi xung quanh cảm giác khoan khoái dễ chịu như một thứ thuốc an thần, đặc biệt là khả năng chống ruồi muỗi rất tốt. Đó chỉ là một số tác dụng của cây dã hương nghìn tuổi của xã Tiên Lục.

Hiện nay, cây dã hương tại xã Tiên Lục đang được chính quyền và Đảng ủy quan tâm đầu tư tiền bạc cho việc chăm sóc, gìn giữ... Hiện đây là điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi đến thăm Bắc Giang.
(Nguồn VnExpress - 11/12/2007)

Dưới đây là một số hình ảnh sưu tầm về cây dã hương nghìn tuổi:







(SGGP)
 

TaiVenh

Active Member
“Bốc thuốc” cho cây Dã hương nghìn tuổi

(Dân trí) - Năm 1998, cây Vông cổ thụ gắn liền với cụm di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng quanh Hồ Gươm tức tưởi chết đứng giữa lòng Hà Nội. Năm 2005, một huyện nghèo tỉnh Bắc Giang hoàn thành dự án tổng giá trị hơn 200 triệu đồng để “chữa bệnh” cây Dã hương nghìn tuổi. Cây Vông xấu số kia chắc cũng muốn biết “phương thuốc” kỳ diệu nào đã cứu sống người bạn của mình...

“Lai lịch” một đời cây

Trên đường đến đình Dã, xóm Dã, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, ngay từ xa chúng tôi đã thấy nổi bật lên dáng xanh mát, cao to, uy nghi của cây Dã hương ôm trùm lên mái đình làng. Tới gần, ai cũng thấy như lạc vào một khoảng không gian được thanh lọc bởi hương thơm dịu mát toả ra từ cây Dã hương nghìn tuổi.

Năm 2000, các nhà khoa học Trung tâm Đa dạng sinh học, ĐHSP Hà Nội, một số Đại học và Viện nghiên cứu đã xác định đây là cây hạt kín rất hiếm hoi còn sót lại sau trận đại hồng thuỷ biển tiến muộn. Cây cao 36m, đường kính trên 2,5m, chu vi thân chỗ lớn nhất đo được 11 mét. Trong bộ từ điển bách khoa La Rousse của Pháp có in bức ảnh cây Dã hương Tiên Lục, ghi rõ dòng chữ “Cây dã Tiên Lục - cây dã thứ 2 thế giới” (cây già nhất ở châu Phi). Tuổi của cây vào khoảng hơn 650 - nói là “khoảng” vì thân cây đã bị rỗng rất rộng nên khó mà xác định tuổi cây cho chính xác.

Cụ Kỳ, người sống trong ngôi nhà ngay dưới gốc cây hào hứng kể cho chúng tôi nghe bao giai thoại và sự kiện lịch sử của đất nước gắn bó một cách lạ lùng lên từng cành cây, đoạn rễ. Chuyện rằng cây Dã làng tôi mọc ở nước Nam mà cành sang tận trời Tây – thì toàn quyền Dume chả cưa cành mang sang là gì. Rằng cây Dã làng tôi ở đất Bắc mà rễ vươn tới tận Huế - thì có vị quan chẳng chặt một đoạn rễ tiến vua là gì. Rằng cây Dã bén rễ ở đất Bắc Giang mà hương thơm tới tận Bắc Ninh – thì dân xóm đạo chả dâng cây thánh giá gỗ Dã về nhà thờ Bắc Ninh là gì. Rằng cây Dã chẳng bao giờ gẫy cành vì gió bão. Mỗi khi cây Dã gẫy cành đều là điềm báo trước đất nước có chuyển biến lớn: năm 1945 - đất nước độc lập, 1954 – nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, 1975 - đất nước thống nhất... Cụ Kỳ kể: năm Bác Hồ mất, ngọn cây tự nhiên héo rũ và chết. Từ bao lâu rồi, hội hè, đình đám, việc nước việc làng đều chọn sân đình Dã, dưới gốc cây Dã để bàn định, tiến hành. Cây Dã đã gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân nơi đây.

“Chết đi sống lại”

Trải qua mấy trăm năm, cây Dã hương hiện rất già cỗi. Thân cây tuy còn vững chãi nhưng thân chính đã bị mục rỗng và bị một số nhóm động vật đất gây hại tấn công như mối, bọ xít, sâu cước, sâu kèn...

Cây Dã cũng đã mấy phen định “giã biệt” dân làng. Năm 1977 và 1994, đất dưới gốc cây bị rửa trôi, cây trơ hết gốc, lá úa vàng. Con trai ông Kỳ mang máy ảnh ra chụp, mong giữ lại “di ảnh” cây quý. Dân làng bảo nhau đổ đất trùm gốc, cây xanh trở lại. Vài năm trước, trẻ con tụ tập quanh gốc Dã tránh mưa, vơ củi vơ cỏ đốt lửa sưởi. Chẳng may lửa bén vào đoạn rễ khô mục, cháy âm ỉ. Đêm khuya, cả xóm thơm ngát, lửa ngún khói mù. Bà con hô hoán kéo nhau mang xô chậu ra dập lửa trong khi chờ xã cho xe cứu hoả đến, cây mới còn đến hôm nay. Vẫn chưa yên tâm, bà con còn gánh đất ruộng lên lèn chặt vào lỗ hổng trong thân cây.

Năm 2000, huyện Lạng Giang “vào cuộc”. Huyện mời các nhà khoa học Trung tâm Đa dạng sinh học, ĐHSP HN thực hiện đề tài xác định tên, tuổi, phương hướng bảo tồn cây Dã quý hiếm này. Từ đó đến nay, đủ các “vị thuốc” đã được kết hợp để “bồi bổ” cho cây quý. Các loài động vật và côn trùng có lợi cho cây như tắc kè, thạch thùng, nhái, cóc... được nuôi thả và bảo vệ. Việc phòng chống mối hại cây – nguyên nhân chính khiến cây mục ruỗng - được tiến hành đều đặn. Đất, phân được bổ sung thường xuyên. Bức tường rào bảo vệ, ngăn đất trôi và những người thiếu ý thức vào leo trèo, bẻ cành lá, khắc tên, đẽo vỏ... Trẻ con trong xóm cũng tham gia vào việc bảo vệ cây bằng cách... không bắt chim. Quả cây chỉ có thể nảy mầm khi đã qua đường tiêu hoá của chim sâu, chim sáo, chim sẻ, chào mào... và rơi xuống đất.

Cả thành hoàng làng cũng “góp một tay” bảo vệ cây Dã! Trước kia rào sắt bảo vệ cây hay bị bẻ trộm mang bán đồng nát. Từ khi làng làm lễ giao công trình cho thành hoàng, tự dưng chẳng tên trộm nào dám bén mảng tới! Trong khuôn khổ dự án bảo vệ cây Dã hương, tỉnh Bắc Giang còn tôn tạo và tu bổ đình Tiên Lục và một số di tích trong vùng, phát triển cụm du lịch văn hóa-sinh thái Tiên Lục gắn liền với cụm di tích lịch sử vùng Xương Giang và khu căn cứ địa nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Riêng số tiền chi cho cây Dã hương đã lên tới hơn 200 triệu. Với tình cảm và cả vật chất bảo vệ tích cực như thế, quả thực cây dã có muốn ra đi cũng không đành!

Lần đầu tiên, một huyện nghèo ở một tỉnh miền núi đã dám nghĩ và dám làm một dự án “mạnh tay” vì số phận của một cây quý. Ngắm nhìn cây Dã xanh tươi, uy nghi, hít căng lồng ngực mùi Dã hương thanh khiết, chúng tôi vẩn vơ nghĩ về cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường. Những phiến lá dã nhỏ xinh rì rào trong gió phải chăng đang muốn thầm thì điều gì đó?

Lan Phương
 

TaiVenh

Active Member
Giai thoại về “đại lão mộc tinh” 600 năm tuổi

Hơn 600 năm qua, ngạo nghễ và duyên dáng bén rễ tại thôn Dương Phạm (xã Yên Nhân, Ý Yên - Nam Định), cây dã hương cổ thụ - 1 trong 3 cây ít ỏi còn sót lại của cả thế giới đã là chứng nhân cho bao điều kỳ thú của một làng quê yên bình…

Giai thoại gắn liền với mỹ nữ của vua Lê

Với người dân thôn Dương Phạm, cây dã hương không chỉ là loại cây cổ thụ chứa tinh dầu quý hiếm. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, “đại lão mộc” này luôn là biểu tượng của sự uy nghiêm, một người lính canh gác giấc ngủ cho nàng quý phi xinh đẹp, đức độ của vua Lê Thánh Tông. Từ người già đến trẻ nhỏ ở thôn đều thuộc lòng sự tích của cây dã hương với niềm tự hào và thành kính.

Gần 600 năm trước, xã Yên Nhân nằm bên cửa sông tấp nập tàu bè qua lại. Trong một chuyến vi hành qua đây, vua Lê Thánh Tông đã cảm mến tiếng hát trong trẻo của nàng thôn nữ đang cắt cỏ ven sông.

Không chỉ có tiếng hát mê đắm lòng người, cô gái trẻ họ Ngô còn xinh đẹp, thông minh. Vấn vương tài, sắc của nàng thôn nữ, sau chuyến đi, vua Lê Thánh Tông đã quay lại làng Dương Phạm và đón cô về kinh thành, phong làm Nhị cung phi tần. Nhưng chỉ ở trong cung được 3 năm, Nhị cung phi tần đổ bệnh rồi mất. Chiều theo ý nguyện của bà, vua Lê Thánh Tông đã đồng ý đưa bà về quê an táng.


So với cây dã hương ở Bắc Giang, “đại lão mộc tinh” thôn Dương Phạm đẹp và quý hiếm không kém.

Nhà vua cho chở theo 9 thuyền cát ngũ sắc và đá xanh để xây mộ. Nhưng mộ chưa kịp xây, trời đất đã nổi dông bão, chỉ qua một đêm, khu đất quàn thi hài của bà đã đùn lên một đống mối to. Những người xây mộ bèn trồng bên cạnh một cây lạ, từ lá đến thân, rễ đều tỏa hương thơm. Không ai biết tên gọi chính xác của loài cây này, người dân thôn Dương Phạm đều gọi bằng cái tên cây xoan rã.

“Đại lão mộc tinh” đang lâm bệnh

Theo lời kể của các cụ già trong thôn, trước đây, không ai biết cây xoan rã ở Miếu Nhà Bà là cây quý hiếm được đưa vào Sách Đỏ, trên thế giới chỉ còn 2 cây cổ thụ hiếm hoi ở Việt Nam. Các cụ chỉ biết rằng, mỗi khi cảm cúm, hay ốm đau, người làng thường ra lấy lá hoặc vỏ cây đem về đun nước xông rất nhanh khỏi.

Một điều lạ nữa là quanh khu vực cây dã hương không hề có sự xuất hiện của ruồi muỗi. Có một cành cây bị gãy từ trận bão cách đây đã vài chục năm, người dân trong thôn giữ lại, mỗi lúc có khách phương xa về thăm lại chặt một miếng nhỏ đưa ra làm quà. Gỗ cây đã héo vì năm tháng, nhưng vẫn lưu được hương thơm đậm đặc, thanh tao.

Một người dân tên Kiên bồi hồi nhớ lại, khi còn là một cậu bé để chỏm trái đào, mỗi khi Tết đến, bác thường được bố mẹ sai đến nhặt cành cây xoan rã rụng mang về cho vào lư đốt thay trầm.

Sau khi biết thông tin về cây dã hương 600 tuổi ở Nam Định, tháng 8/2007, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học - Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội đã được mời về thôn Dương Phạm tìm hiểu và nghiên cứu. Trung tâm này đã từng có đề tài khoa học nghiên cứu về cây dã hương 1.000 tuổi tại thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang - cây đã được xếp hạng Di sản văn hóa quốc gia năm 1989.

Kết luận của các nhà khoa học cũng giống như điều người dân thôn Dương Phạm mong đợi. Đây chính là cây dã hương cổ quý hiếm còn sót lại trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phát hiện, tuy cây còn vững chãi nhưng đã có những dấu hiệu bị hư hại nghiêm trọng.

Theo PGS.TS Vũ Quang Mạnh, giảng viên Khoa Sinh học - Kỹ thuật nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh vật học (Đại học Sư phạm I Hà Nội), để bảo tồn được cây dã hương cổ thụ tại thôn Dương Phạm, tỉnh Nam Định cần có đề án nghiên cứu tổng thể về địa lý, thảm thực vật khu vực cây, trên cơ sở đó mới đưa ra được cách chăm sóc, bảo vệ hiệu quả.

Cũng theo PGS Mạnh, việc cấp bách hiện nay cần phải xử lý được cây sanh sống ký sinh trên cây dã hương, nếu không cây dã hương sẽ bị kéo lệch tâm, chết dần và có thể đổ trước gió bão. Tuy nhiên, việc xử lý cây xanh này phải được tiến hành từng bước, trên cơ sở các phân tích khoa học, vì giữa chúng đã có sự cộng sinh lâu đời.

PGS.TS Vũ Quang Mạnh cũng đồng tình, so với cây dã hương ở Bắc Giang, “đại lão mộc tinh” thôn Dương Phạm đẹp và quý hiếm không kém.

Vì thế, có được một sự công nhận chính thức bằng văn bản của các cấp, ngành có liên quan với cây quý là điều mà người dân thôn Dương Phạm đang mong ngóng, trông chờ.

Theo Ngọc Yến, Hương Sen
Công An Nhân Dân
 
Top