• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Cá chết trắng sông Lam.

KimCuong

Active Member
Cá chết nổi trắng sông Lam tại đoạn chạy qua thị trấn Nam Đàn, Nghệ An. Ngày 31/3, người dân khu vực này nhốn nháo rủ nhau đi nhặt cá chết về cho lợn ăn.

Người dân sống hai bên bờ sông Lam khu vực thị trấn Nam Đàn (Nghệ An) cho biết, bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ ngày 31/3, người dân đã phát hiện cá chết nổi trắng cả vạt sông. Trong chốc lát, khúc sông đoạn qua cầu Nam Đàn, kín đặc người tới xem cá chết. Nhiều ngư dân chèo thuyền vợt cá về ăn và bán.



Ông Nguyễn Hùng Cường, người nuôi cá lồng trên sông Lam, đứt từng khúc ruột khi cá chết hàng loạt.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, một dân chài chuyên buông lưới trên sông Lam, cho biết: Hiện tượng cá chết trắng sông Lam là hiện tượng lạ, bà làm nghề sông nước hàng chục năm qua mà chưa từng thấy cá chết nhiều như vậy. Cũng theo lời bà Hạnh thì không ít người ở làng chài trên sông Lam đã vớt được hàng chục kg cá.

Ông Nguyễn Hùng Cường có thả mấy lồng cá trên sông Lam ủ dột: “Đầu tháng 1/2009, tôi thả hơn 400 con cá giống xuống 2 lồng, chăm sóc rất cẩn trọng bởi mùa tháng 3 này cá lớn rất nhanh. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, cá lồng của tôi trung bình mỗi con từ 8 lạng đến 1kg. Thế nhưng sáng nay khi ra cho cá ăn thì thấy cả trăm con nổi lênh bềnh trên mặt nước, một số khác chết cứng từ lúc nào, số còn lại thì lao đao lượn đi luợn lại rồi nằm bất tỉnh. Tôi như đơ người lại, đành bắt hai đứa con bỏ học ở nhà bắt nốt số cá còn lại mang ra chợ bán…”.
Ông Cường than thở thêm: “Thế là toi của gia đình tôi gần 5 triệu đồng tiền cá giống. Nếu không bị chết đột ngột như thế này, đúng vụ thu hoạch cũng được cả chục triệu đồng… Thật là, không hiểu sao nước sông lại bị ô nhiễm kinh hoàng đến thế. Hay là ai đã thuốc mình chăng?”.

Trái với tâm trạng não nề của những người nuôi cá lồng trên sông, những người đánh cá lại tỏ vẻ vui mừng. Ông Nguyễn Văn Cường, người chuyên hành nghề đánh cá trên sông Lam, hồ hởi: “Chà sướng thật, chưa lúc nào như lúc này, bầy tui đang đói thì bỗng dưng lại có cá ăn mà chẳng phải mất công gì hết. Các cháu học sinh đi học ngang qua thấy chúng tôi nhặt cá cũng kéo xuống nhặt theo…”.


Người dân chài đoạn dưới chân cầu Nam Đàn vớt được rất nhiều loại cá lớn bị chết.

Một dân chài tên Nguyễn Văn Quang cũng khoe, chính anh là người phát hiện cá chết trên sông, vào tầm 3 giờ sáng. Ngay sau đó anh đã gọi vợ dậy nhặt cá, Đến lúc trời vừa sáng thì thuyền anh cũng đầy cá, vợ anh đã mang đi chợ bán. Cũng theo anh Quang, riêng một khúc sông khoảng 1km đoạn qua cầu Nam Đàn này và có hơn 80 hộ dân chài sinh sống tại đây vớt được khoảng gần cả tấn cá, tôm các loại.

Theo người dân sinh sống hai bên dòng sông Lam, nguyên nhân ban đầu có thể được xác định là do nguồn nước thải của nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương. Theo lý giải của người dân thì nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương đã mấy năm qua, sau khi đi vào sản xuất, để lại nhiều hậu quả như cá chết ở trên sông Rào Gang, hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh khu vực nhà máy phải hứng chịu đủ mùi hôi thối…


Trẻ em cũng ra sông kiếm một ít cua về nấu ăn.

Riêng dòng sông Lam kể từ khi nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương đi vào hoạt động cũng đã có cá chết nhưng chưa lần nào nhiều như lần này. Được biết nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương nằm ở thượng nguồn sông Rào Gang và sông này lại đổ ra dòng sông Lam.

Một cán bộ huyện Nam Đàn nhận định: Cá trên sông Lam đoạn qua địa phận Nam Đàn đã bị chết mấy năm nay rồi và cá chết là do nước thải ra từ nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương. Về phía UBND huyện Nam Đàn cho biết, sau khi nhận được thông tin cá chết hàng loạt, đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử cán bộ lên nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương để xem xét cụ thể tình hình.

(Nguồn: DânTrí.)
 
Top