• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Biệt mù tê giác

Hoangminh

Member
Biệt mù tê giác

Tác giả: Hoàng Xuân
Bài đã được xuất bản.: 5 giờ trước
javascript:void(0)

Nhiều năm nay, rất nhiều đoàn nghiên cứu (thường là quốc tế) đến Cát Lộc "nằm vùng" hy vọng được nhìn thấy tê giác. Thế nhưng...
Rừng quốc gia giá bao nhiêu?
Thủy điện đắt hay rẻ?

Chuyện của nhiều năm trước
Chúng tôi theo anh Vũ Bá Ngọc, trạm phó trạm kiểm lâm Phước Sơn (xã Phước Cát 2 huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) lội rừng vào Bàu Chim, khu vực được các nhà khoa học xác định là nơi sinh sống của loài tê giác một sừng ở Cát Lộc. Cát Lộc là phần phía Bắc của Vườn quốc gia Cát Tiên, nhưng bị cắt rời bởi diện tích rộng lớn dân cư và đất nông nghiệp của các huyện Đạ Tẻh và thị trấn Cát Tiên (Lâm Đồng).
Chúng tôi theo con đường mòn nhỏ đi sâu dần vào rừng. Thung lũng Bàu Chim ăn thông ra sông Đồng Nai về phía tây. Đây là sinh cảnh ưa thích nhất của tê giác một sừng, đã được nhiều đoàn nghiên cứu của Việt Nam lẫn quốc tế khảo sát. Từ cách đây hơn 10 năm, Dự án bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên đã lập đoàn khảo sát vùng hoạt động của tê giác ở Cát Lộc dựa trên những cây thức ăn của chúng, mang lại những kết quả nghiên cứu tỉ mỉ và giá trị đến tận giờ.
Theo kết quả điều tra năm 1998-1999 của các nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đặng (chuyên gia nghiên cứu tê giác, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật), Hà Văn Tuế (chuyên gia nghiên cứu thực vật Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật) và Đỗ Văn Đạt (cán bộ kỹ thuật Vườn quốc gia Cát Tiên) và ông K'Giang, người dân sinh sống trong vùng, phía Nam Cát Lộc là vùng hoạt động thường xuyên của tê giác.
Nơi tìm thấy dấu chân tê giác.
Địa hình có hình bậc thềm bình nguyên cổ và bán bình nguyên cổ, thấp dần về phía tây nam, độ cao trung bình so với mặt nước biển 150-500 m, độ dốc 10o-20o. Khu vực này tiếp giáp với sông Đồng Nai trên chiều dài khoảng 16 km về phía tây, bên trong có 3 hệ thống suối lớn là suối Đa Dimbo, suối Đa Thai và suối Đa Xena. Ngoài ra có một số suối nhỏ chảy theo mùa và bàu sình. Vào mùa khô hầu hết các bàu sình đều cạn nước nhưng nước suối vẫn đủ cho tê giác và các loài thú khác sinh sống.
Lối mòn ven những vườn điều rồi qua những rẫy mì khô khốc. Năm nay hạn nặng, chẳng mầm xanh nào nhú nổi lên trên màu rẫy vàng cháy. Nhưng sâu trong Bàu Chim, trảng cỏ vẫn xanh ngắt, cao tới đầu gối, òm ọp sình. Cây bụi và lồ ô gai góc, rậm ken kít. Đi thật sâu vào mé phải, bất ngờ anh Ngọc chui nhanh vào một lùm lồ ô rậm rịt bùm xùm từ tận gốc. Nhanh như sóc, anh phạt qua lớp cỏ mặt, vạch ra một rãnh nước nhỏ luồn giữa những bụi lồ ô rậm: "Dấu chân tê giác đây này!".
Dấu chân tê giác, tuy đã bị sình phủ lâu ngày nhưng vẫn còn khá rõ thành hai hàng hai bên rãnh. Phía trên, những bụi lồ ô rậm bị hống lên thành đường luồn, vòm cao cách mặt đất chừng hơn một mét. Anh Ngọc giải thích, tê giác ở đây xuất thân từ tê giác Java nhưng nhiều thế hệ sinh sống vùng rừng có địa hình phức tạp này, cơ thể chúng đã thích ứng bằng cách thấp nhỏ lại để dễ luồn rừng. Mấy rãnh nước trên đường đi phát hiện có dấu chân tê giác đều sát mấy lung sình, trên bờ toàn lồ ô kín rậm, con người khó mà chui vô. Theo nghiên cứu đã dẫn, lung sình trong Bàu Chim giàu muối khoáng nên tê giác thường xuyên ghé vô để đằm mình, uống nước bổ sung chất khoáng. Năm đó (1998-1999), đoàn khảo sát còn nhặt được nhiều phân và chụp được nhiều hình cây bị tê giác vặt lá ăn.
Nhưng đó là chuyện nhiều năm trước.
Con người xâm lấn, tê giác diệt chủng?
Nhiều năm nay, rất nhiều đoàn nghiên cứu (thường là quốc tế) đến Cát Lộc "nằm vùng" hy vọng được nhìn thấy tê giác. Bởi đây là loài thú có vú đang gặp nguy hiểm nhất trên thế giới. Hiện chúng chỉ còn trên dưới 100 con trên toàn thế giới, chỉ sống ở hai vùng: vườn quốc gia Ujung Kulon trên đảo Java của Indonesia và ở đây: Cát Lộc, Vườn quốc gia Cát Tiên của Việt Nam.
Nhưng, từ bức ảnh cuối cùng chụp được một phần cơ thể tê giác trong Vườn quốc gia Cát Tiên từ tháng 12-2005, các nhà nghiên cứu đều thất vọng. Ngày hôm sau, khi chúng tôi rời Phước Sơn để lên một thôn người dân tộc Châu Mạ nằm biệt lập giữa rừng đã gặp trên đường đoàn khảo sát của WWF. Họ nhiều lần lên đây nghiên cứu tê giác, lần này cũng luồn rừng cả tuần, nhưng về tay không. Thậm chí một bãi phân tê giác cũng không tìm được.
Các nhà khoa học đang hết sức lo lắng trước nguy cơ tuyệt chủng của tê giác Việt Nam. Năm 1989, họ phát hiện có ít nhất 15 con tê giác ở vùng dọc sông Đồng Nai. Đến năm 1999, dự đoán chỉ còn 5-8 con. Giờ, số lượng trên rút xuống chỉ còn khoảng 3-8 con, và có thể không còn con đực nào trong quần thể.
Một nhà nghiên cứu tê giác cho biết đoàn hy vọng qua nghiên cứu sẽ biết được số lượng con đực, cái, tuổi, trọng lượng, tập tính... của chúng để có cách bảo tồn phù hợp, nhưng từ lâu rồi không tìm ra dấu vết nào mới. Nghĩa là các cơ sở để xác định quần thể tê giác Cát Lộc vẫn còn mờ mịt.
Mà không mờ mịt sao được, khi sinh cảnh của tê giác ở đây bị con người phá hoại từ lâu và không có dấu hiệu thuyên giảm, bất kể khu Cát Lộc đã trở thành vùng bảo tồn tê giác từ năm 1992.
Theo các nghiên cứu khoa học, tê giác là loài động vật sống đơn độc và nhạy cảm với con người. Thế nhưng, do vài nguyên nhân lịch sử mà đặc biệt là sự thờ ơ một cách... tuyệt đối với yêu cầu bảo tồn thiên nhiên, sinh cảnh của tê giác ngày càng bị thu hẹp và xâm lấn.
Theo kết luận của hội thảo bảo tồn tê giác Việt Nam tại Vườn quốc gia Cát Tiên tháng 5-2007, tê giác chỉ còn sinh sống trong một diện tích nhỏ hẹp 5000 ha tại đây. Diện tích đó ngày càng bị xâm lấn, phá hoại bởi con người.
Anh Vũ Bá Ngọc, trạm phó trạm kiểm lâm Phước Sơn
Bàu Chim là nơi sinh sống ưa thích nhất của tê giác, nhưng gần sát một cách đáng sợ với nơi sinh sống của người. Dân phá rẫy trồng mì, bắp, lúa nước (vào mùa mưa) sát tận chân hàng rào ngăn cách vùng bảo tồn. Chỉ cách một hàng thép gai mảnh, ai cũng có thể nhảy vào rừng bảo tồn mà săn bắt. Tuy kiểm lâm thường xuyên đi tuần tra, nhưng lực lượng 6 kiểm lâm viên cho trên 6.000 ha rừng bảo tồn, địa hình rừng núi phức tạp thì...
Nên sâu trong Bàu Chim, ngay bên cạnh một lung sình, anh Ngọc đã phát hiện một cái lưới chim còn mới tinh. Người ta mò vào tận đây để đặt lưới bẫy chim, dù chắc chắn chẳng được mấy bao nhiêu vì cái tấm lưới cũng chỉ bằng nửa tấm chiếu đôi. Hèn gì lông chim trắng xác vật vờ đậu đầy trên cỏ, suốt từ ngoài hàng rào vô, ban đầu chúng tôi cứ tưởng là bông một loài cỏ nào.
Ruộng rẫy ăn liền tới chân hàng rào khu bảo tồn, người làm ruộng rẫy hàng ngày tới làm đây, đó đã là cản ngại cho đời sống hoang dã của tê giác.
Ngặt hơn nữa, những ruộng rẫy này lại hợp pháp, được cấp sổ đỏ. Dân địa phương hầu hết xuất thân Bình Định, đi diện kinh tế mới sau giải phóng, hàng chục năm cắm rễ xứ Lâm Đồng nhưng giọng nói còn đặc sệt Phù Cát.
"Hồi đó vô, nhà nước chỉ lên núi nói ai phát được nhiêu thì phát. Phát rồi trồng mì, trồng điều. Cực khổ bao nhiêu năm mới có điều, đỡ đỡ được một chút thì nhà nước lại cấm phát, kêu bảo tồn" - anh X, cư dân mấy chục năm ở gần trạm kiểm lâm Phước Sơn nói.
Tuy chỉ trong sâu hơn chục km với thị trấn Phước Cát 1, nhưng đường vô xã Phước Cát 2 hầu như vẫn chỉ là một con đường mòn rộng, trải đá dăm lổn nhổn, xe chạy nhấp nhổm như ngựa. Đây là một thung lũng nhỏ, dân sống chủ yếu bằng điều. Điều đã trồng ít nhất hai chục năm. Trên tất cả các ngọn đồi quanh thung lũng (thôn Phước Sơn, Phước Thái, thôn 3, thôn 4 thuộc xã Phước Cát 2, thôn K'Lo K'Ích xã Gia Viễn), rừng bị cạo trọc lóc từ lâu, tất cả thay bằng điều. Nhưng, nhìn thì có màu xanh đó song tê giác không hề thích sinh cảnh này. Thỉnh thoảng, chúng chỉ đi qua để đến ăn những loài cây mọc nơi tiếp giáp giữa vườn điều và rừng.
Từ Bàu Chim nhìn lên xung quanh đâu cũng thấy những sườn đồi trơ trọi ánh cháy màu đất trụi, giữa là một vệt đen thui lổn nhổn: người ta đốt rẫy. Tuy không được phát thêm nữa nhưng nhà nước vẫn giữ nguyên diện tích đất trồng điều cũ của dân, nên dù nó cách ranh giới vườn (trên đỉnh đồi) có vài chục mét, bà con vẫn được tha hồ đốt, chặt.. Trái ươi mấy năm nay được giá, bà con đổ vào rừng nhặt trái, thậm chí đốn cả cây để hái bằng hết. Hạt ươi bị nhặt sạch, chẳng còn cây con nào mọc lên cho tê giác ăn, mà đây là một trong những thứ ưa thích của chúng...
Từ lâu, các nhà khoa học kiến nghị nên phục hồi lại thảm rừng tự nhiên và đảm bảo an toàn cho tê giác sinh sống. Vì tê giác chỉ ăn lá, cành cây thân gỗ và cây bụi, thích nhất lá bép (lá nhíp), sâm cau, đước núi, xăng mã trâm v.v. Những loài cây không thích, chúng hoàn toàn không ăn. Nghĩa là, chỉ thảm rừng thường xanh cây gỗ mới là sinh cảnh tốt nhất cho tê giác sinh sống.
Nhưng, dự án thủy điện Đồng Nai 5 chỉ cách vùng này có 20 km. Đồng Nai 6 cách 6 km và cách khu đất nông nghiệp xã Đồng Nai thượng chưa tới 300m.
Năm 2004, nhờ nguồn vốn 30 tỷ đồng của chính phủ Việt Nam và chính phủ Hà Lan, hai thôn K'Lo K'Ích và Thung Cọ đã được tái định cư ra ngoài vùng nguy cấp của tê giác, nhưng sau đó vốn hết, hai thôn còn lại là thôn 3 và 4 được chính phủ Việt Nam cho định canh định cư tại chỗ ngay trong vùng sống của tê giác.
Tê giác đâu? Biệt mù tê giác.
 
Top