• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bồ câu đua lên báo đời sống và pháp luật xuân tân mão.

Vì không có báo trực tuyến mà chỉ có báo thường nên mình xin bài viết của phóng viên để đăng diễn đàn.
số 4 - 5 - 6 trang 18.
Nghệ thuật huấn luyện Bồ Câu đua.
Ngọc Thân
Hiện nay, nhiều phương tiện thông tin liên lạc phát triển rất mạnh mẽ, đẩy con người tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chính xác hơn. Chính vì vậy, việc dùng bồ câu đưa thư giữ thông tin liên lạc không còn thông dụng như xưa nữa. Người ta “lợi dụng” những tính năng của loại chim này vào những niềm đam mê, những thú vui tao nhã – đó là đua bồ câu và có khi nhờ đó mà nhiều người trở thành tỷ phú. Nhưng để có một chú Bồ Câu đua “chất lượng” thì người nuôi phải thành thạo và có một tầm hiểu biết nhất định về môn này.
Đặc điểm của loại Bồ Câu đua.
Bồ câu đưa thư (bồ câu đua) biết định vị và bay ở một khoảng cách khá xa từ hàng trăm, có khi lên đến cả hàng ngàn km nhưng vẫn tìm đến đúng chủ nhân của mình. Ở sài gòn có một nhóm người nuôi bồ câu đua, chủ yếu sinh sống ở quanh khu vực chợ lớn. Ban đầu là một số người Hoa nuôi, sau đó một số người Kinh cũng thấy hay nên nuôi theo. Họ thường đem chim đi tập huấn các mốc như: Biên Hòa, Dầu Dây, Lonh Khánh, Xuân Lộc, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Con Tum, Quy Nhơn, Đà Nẵng. Nhưng hiện nay thì chủ yếu hay tập huấn ở khu vực Nha Trang, còn khu vực Đà nẵng thì thành công không cao, vì xa quá.
Tôi tìm đến nhà Ông Lê Hữu, tại đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh, là người không trực tiếp nuôi chim để đua nhưng đã có đến 17 năm kinh nghiệm đối với những loại chim này. Ông cho biết, bồ câu đua sẽ có những đặc điểm khác với những loại bồ câu bình thường.
Để xác định, người ta nhìn qua cái mũi của con chim và cặp mắt của nó. Loại chim bồ câu đua thường có lỗ mũi to, có 2 cục trắng. Và để nhận biết dễ hơn, người ta thường đeo một cái vòng mà dân trong nghề gọi là kiềng tuỳ thuộc vào (số ghi) kích cỡ và màu của vòng. Trên đó có ghi ngày sinh, mã số, năm bao nhiêu, có khi người ta còn ghi cả tên, số điện thoại của chủ nhân để lỡ may chim có thất lạc, hoặc có người nhầm sẽ gọi điện lại vào số máy đã ghi. Mắt của bồ câu đua thường có màu vàng hoặc đỏ và có vành trắng, và được phân biệt bằng sải cánh của nó nữa.
Người huấn luyện quyết định… đường đua
Để đào tạo một con chim đua thành thạo, người nuôi phải có nhưng bí kíp riêng và có được sự đam mê thực sự với nó. Theo ông Hữu, người đã có nhiều năm kinh nghiệm cho biết, một con chim để nuôi cho nó đua được là ăn thua do chủ của nó. Chủ nó có tài như thế nào. Dụ nó, cho nó ăn uống như thế nào. Loại chim bồ câu rất chung tình, nó đi thì nó về chứ không bao giờ bỏ chủ.
Để chim bay được xa và nhanh thì đòi hỏi chim đua phải khoẻ. Tức là cả chim đực và cái đều đua tốt. Người nuôi mua chim con tầm từ 4 đến 8 tuần tuổi, nuôi chúng lớn khoảng 3 tháng thì bắt đầu tập cho nó bay với khoảng cách tăng dần, bắt đầu từ 1km, 5km, 10km, đến 20km ...rồi mới lên xa chứ không được thả liên tục.
Một con chim nuôi khoảng tháng thứ 2 nó cũng có thể bay được nhưng mình thả với tốc độ gần chừng 5 đến 10 cây số thôi. Lên đến tháng thứ tư đến tháng thứ năm là nó có thể đi xa. Sang tháng thứ 6 là thời kỳ nó bắt đầu sinh sản, nhưng trong thời gian tập huấn thì họ thả xa chứ hạn chế cho nó ấp và nuôi con, nếu không nó sẽ mất sức.
Để có chim bồ câu chim đua tốt thì phải từ tháng thứ 6 trở lên, vì lúc đó chim đã trưởng thành và đã được chủ huấn luyện thành thạo. Khi được 3 tháng tuổi người nuôi bắt đầu tập cho nó có những thói quen nhận diện đúng chỗ ăn, chỗ ở của nó thì bồ câu đi đâu nó cũng nhớ và tìm đến đúng chủ của mình. Mỗi người đều có cách huấn luyện riêng. Chính vì vậy, người nuôi chim thì cần phải có những kinh nghiệm khá cao, đòi hỏi cần phải có sự hiểu biết cũng như sự đam mê loại chim này mới có thể thành công được.
Anh Phạm Ngọc Danh, ngụ đường Vườn Lài, Q.12 nuôi 12 con cho biết, loại chim này nó định hướng theo khứu giác khi bay trên chặng đường đua và khi bay lên cao. Chẳng hạn như, mình chuyển nhà đi đến chỗ khác thì mình phải nhốt những con chim lớn trong chuồng và chỉ cho sinh sản lấy chim con thả. Đến một thời gian nào đó mình có thể thả chúng ra, chúng sẽ bay về nhà cũ, nhưng không thấy chuồng trại thì nó có thể bay quay lại nhà mới, cứ vài lần như thế thì nó sẽ quyết định là ở lại nhà mới. Nhưng cũng có con nó sẽ đi mất không rõ tung tích.
Nuôi bồ câu đua cũng dễ như nuôi bồ câu khác, có thể nuôi theo kiểu chuồng gỗ treo trước hiên nhà. Sáng sáng đàn chim bay tập thể dục vòng vòng trên trời rất đẹp. Nếu nuôi kiểu này thì trong đàn nên có đủ màu, như là màu xám hai vạch trên cánh, màu xitỉm (giọt mưa rơi trên cánh), màu pho đỏ, màu trắng; và nếu có vài con xitỉm có điểm thêm vài cọng lông trắng ở cánh thì rất hay, vì khi nhìn theo đàn chim bay đủ màu sắc sẽ rất đẹp.
Thức ăn của những chú bồ câu đua chủ yếu là lúa; gạo lứt; đậu xanh; đậu phộng; lúa mỳ; bắp … và có thể thêm cám bồ câu trộn lại, nhưng không cho ăn cám nhiều quá, nó mập quá bay không được xa hoặc bay về chậm hơn những con. Có người còn cho ăn cả gạo lức, bởi họ quan niệm gạo lức là huyết rồng là máu của con rồng. Trong gạo có chất cám, thành phần các chất canxi rất cao nên khi Bồ Câu ăn vào xương của nó khoẻ hơn, thịt chắc hơn, bay được tốt hơn.
Một điều đặc biệt là chim bồ câu rất thích tắm, ta để một chậu nước sạch, nó sẽ tự nhảy vào vẫy cánh, rỉa lông, một lúc là thấy nó sạch sẽ. Một cặp bồ câu đua giống bán khoảng 350 ngàn cũng có khi lên đến cả triệu đồng, tuỳ thuộc vào thành tích mà con chim bố mẹ nó đạt được như thế nào. Người mua có thể biết con chim đó có giá trị như thế nào.
Không biết trên đường đua thế nào..
Anh Danh cho biết, người nuôi chúng tôi cũng không biết được trên chặng đường đua chim đua có nghỉ hay không. Khi thả ra, nó thường bay đánh vòng mấy vòng rồi định hướng và bay về. Có những lúc chim bay xuyên mưa gió để về đến nhà, những con chim này thường được chủ đánh giá rất cao và thường là những con chim hay. Tuy nhiên những ngày đua thì lại không chọn ngày đẹp trời.
Một chặng đường đua người ta có thể ước lượng được thời gian chim về, nhưng cái gì cũng thế, không thể chắc chắn 100%. Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng nếu tôi cho chim về Bến Tre chẳng hạn, khi về đến nhà nó đã về tơi nơi, nhưng có con thì khoảng mấy ngày sau, hoặc 1 tuần có khi cả tháng thì nó mới về được. Có những chú chim khi về đến nhà thì thương tích đầy mình, có khi toác cả một miếng thịt lớn. Điều đó chứng tỏ rằng trên đường đi nó đã gặp phải kẻ thù là những chú chim cắt, nhưng nó đã may mắn thoát khỏi nanh vuốt tử thần mà về với chủ.
Bước vào cuộc chơi thì thật vui, nhất là khi thả con chim nó cứ bay lòng vòng rồi nó bay thẳng hướng về nhà. Nó giống như một thú vui thôi. Trong chặng đường đua chúng tôi cũng không lo là chim mình bị bắt hay bị người ta bắn mất. Vì khi đua chim bay rất cao nên người săn có muốn bắn cũng không được. Mỗi lần thả như vậy thì những con chim hay sẽ về nhà, còn những con chim chưa hay thì có khi thất. Thất lạc cũng do nhiều nguyên nhân, có khi do chim cắt bắt, có khi bay đường xa rồi nó tá túc qua đêm ở một nơi nào đó bị mèo bắt, hay bị người bắt…
Anh Hoàng Dương nói rằng thả chim thì phải chấp nhận thất lạc, vì thế trước lúc thả thường chụp hình chúng lại để lỡ chúng không về mà có nhớ chúng thì lại lôi hình ra ngắm. Nhưng cũng có những con chim thất lạc hàng tháng trời vẫn bay về đến nhà chủ cũ. Vì thế cái cảm giác ngồi chờ con chim bay về thật khó tả, nhìn từ đằng xa xa một cánh chim mỏng manh hối hả lướt trong gió, rồi bong chim lớn dần, lớn dần và đáp xuống chuồng, tìm nước uống và tìm chỗ nghỉ ngơi, cái cảm xúc đó chỉ có người nuôi chim mới có được mà thôi, nên ai đã biết đến giống chim này đều yêu thương chúng. Nói rồi anh có chỉ cho tôi 4 chú chim cưng của anh ấy đã vượt mốc Phan Rang, và sắp tới sẽ cho chinh phục địa danh Dốc Lếch – Khánh Hoà.
Anh Danh kể lại, một lần đua chúng tôi thả cả thảy 10 con nhưng chỉ có 9 con về, còn một con nó đang còn non quá tui cũng tưởng bị mất, ai ngờ sau gần tháng trời tôi lại thấy nó về, tôi cũng không hiểu nổi luôn. Hình như nó bay không nổi hay sao ấy, chứ lúc tôi thả nó đi nó mập nhưng khi về đến nhà thì nó ốm nhom. Trên một đoàn đua như vậy thì không phải chúng bay về cùng lúc mà có con về trước con về sau, những con nào yếu thì bị lại phía sau, những con giỏi sẽ bứt phá lên trước và rồi chúng bay một mạch về đến nhà.
Trong mỗi cuộc đua thường theo những quy định riêng đặt ra trong cuộc đua đó. Như trong cuộc đua vừa rồi từ Bình Định về sài gòn của hội bồ câu sài gòn, những chú chim thắng cuộc được đưa ra đấu giá và con giải nhất được đấu giá lên đến trên 30 triệu đồng. Số tiền đấu giá được trả lại cho chủ chim và trích một phần vào quỹ của hội.
Tại vì chơi thú chơi này thấy nó hay hay, thấy loại chim này thông minh quá, do nguồn đam mê thôi, có nhiều người đam mê nhưng lại không biết chọn chim. Mình chăm con chim thường xuyên và qua huấn luyện thì mình biết được đâu là con chim đua tốt con nào là con đua dở.
Ông Lê Hữu cho biết, hiện nay đang trong giai đoạn dịch cúm gia cầm nhưng chỉ mấy con gà, con vịt bị còn mấy con chim Bồ Câu rất ít bị. Theo kinh nghiệm của ông trong quá trình 17 năm tiếp xúc với loại chim bồ câu “nó không có chết toi như gà, vịt gì đó mà lâu nó có thể tự chết là do nó già quá, nó ăn uống không được thì nó mới chết chứ tôi chưa thấy nó bị bệnh bao giờ.
Ai cũng có thú chơi riêng, niềm đam mê riêng nhưng thú chơi bồ câu kiểng có thể nói là thú chơi rất đặc biệt, nó làm cho con người gần gũi với thiên nhiên hơn, và hi vọng rằng phong trào nuôi bồ câu đua nói riêng và nuôi bồ câu nói chung sẽ phát triển ngày càng mạnh ở TP HCM và trên cả nước.



 
Top