BỆNH DẠI
(Rabies)
(Rabies)
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nói chung của chó mèo và nhiều loài thú nuôi khác, kể cả người. Bệnh do loại virut dại gây ra trạng thái điện loạn, bại liệt và tử vong cao (100%) cho súc vật và người bệnh.
Bệnh dại phân bố ở hầu hết các nước trên thế giới, hiện còn phổ biến ở các nước nhiệt đới châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Một số nước ở Tây Âu và Bắc Mỹ đã cơ bản thanh toán được bệnh dại ở động vật và người.
Ở nước ta hiện nay bệnh dại vẫn còn là mối đe dọa đến tính mạng con người, bệnh xảy ra quanh năm, nhưng tập trung cao vào các tháng nóng ẩm từ mùa hè đến mùa thu và bệnh còn lưu hành ở những vùng xa xôi hẻo lánh do công tác tiêm phòng chưa triệt để, chưa chu đáo.
I. NGUYÊN NHÂN
Bệnh dại là một bệnh viêm não tủy cấp tính do một loại virut dại (Rhabdovirut) gây ra ở chó mèo và các động vật máu nóng. Bệnh có trên khắp thế giới, lúc âm ỉ, lúc bột phát thành dịch.
Bệnh dại được lây truyền chủ yếu do các vết cắn của con vật bị dại có chứa virut dại trong nước bọt, nước dãi.
Sau khi bị chó cắn, virut có trong nước bọt đầu tiên tìm đến dây thần kinh vận động gần vết thương (virut hướng thần kinh), virut theo các dây thần kinh vào hệ thần kinh trung ương, vào tủy sống, lên não phá hoại đại não, sừng amon (ở trong tam giác não) và tủy sống gây viêm não tủy cấp làm tử vong vật bệnh và người bệnh. Sau đó virut dại lại từ hệ thần kinh trung ương đi ra tuyến nước bọt của súc vật bệnh.
Thời gian nung bệnh thay đổi và phụ thuộc vào vị trí vết cắn (vết cắn càng xa trung ương thần kinh thì thời gain phát bệnh càng lâu và ngược lại) và độc lực của virut, thường thì thời gian nung bệnh của chó từ 20-25 ngày, ở người có thể dài hơn 40-50 ngày.
II. TRIỆU CHỨNG
Thời gian nung bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào vết cắn (từ chó mèo dại) gần hay xa trung ương thần kinh, thời gian nung bệnh là thời gian virut dại sẽ di chuyển từ vết cắn về thần kinh trung ương.
Ở chó: Vết cắn ở chân sau và đùi sau, thời gian nung bệnh từ 12-15 ngày. Vết cắn ở chân và đùi trước thời gian nung bệnh từ 6-8 ngày.
Ở người: Vết thương ở chân, thời gain nung bệnh từ 45-60 ngày, vết cắn ở tay, ngang thắt lưng, thời gian nung bệnh từ 15-20 ngày. 15 ngày trước khi chó biểu hiện triệu chứng lâm sàng thì nước dãi của chó đã có virut và có thể truyền sang chó khỏe hay người khỏe nếu bị chó này cắn.
Có 2 thể bệnh điển hình:
+ Thể điên cuồng
Thể bệnh hay gặp ở chó và mèo sau khi bị nhiễm virut dại là sau thời gian, ủ bệnh chó có hành động khác thường như: bồn chồn, đi lại không yên, ngơ ngác, sợ ánh sáng, bỏ ăn, chảy dãi nhiều, ban đêm kêu hú không ngủ, sau đó chó mất phản xạ quen chủ, lên cơn điên dại, tấn công dữ dội vào mọi người kể cả chủ, chạy rông trên đường phố, mắt đỏ ngầu, đồng tử dãn rộng, chui vào bờ bụi: xó tối, chó gầy rạc, lên cơn co giật và chết trong vài ngày.
+ Thể bại liệt
Khác hẳn với thể điên cuồng, chó buồn bã, bỏ ăn, thường thích xó tối nằm im lặng “Thể dại im lặng”. Cơ nhai và họng bị liệt không ăn, không nuốt được, hàm dưới chó thường trễ xuống, chảy nhiều nhớt dãi quanh mép, ở thể này chó không cắn, nhưng nước bọt và nhớt dãi chứa virut có thể truyền bệnh cho người và động vật khác qua các vết thương ngoài ra có chảy máu.
Chó chết trong trạng thái bại liệt hoàn toàn 3-5 ngày phát bệnh. Thể bệnh này rất nguy hiểm vì người ta không nghĩ đến bệnh dại nên gia chủ vẫn có thể chăm sóc và vuốt ve chó.
Triệu chứng dại ở người
Người bị chó dại cắn nếu không tiêm huyết thanh hay vacxin phòng dại sớm sẽ lên cơn dại và tử vong 100%.Với người bị bệnh dại, triệu chứng chủ yếu là thể điên cuồng, còn thể bại liệt chiếm tỷ lệ rất thấp. Sau khi bị chó dại cắn, tùy vị trí cắn xa hay gần trung ương thần kinh mà người lên cơn dại nhanh hay chậm.
Thời kỳ ủ bệnh (trước khi lên cơn điên 7-10 ngày), người bệnh biểu hiện các trạng thái bất thường: bồn chồn lo lắng, đi lại không yên, kém ăn, không ngủ được, sợ ánh sáng và tiếng động. Tiếp theo là thời kỳ điên loạn: đập phá, mất hết tri giác, la hét dữ dội, điên cuồng cắn xé những người xung quanh và tự cắn xe mình, các cơ họng, thực quản, cơ hàm dưới bị liệt và cuối cùng người bệnh chết sau 5-7 ngày trong đau đớn quằn quại, sợ hãi và liệt cơ thể.
III. CHẨN ĐOÁN
Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng
Căn cứ vào chẩn đoán vi sinh vật, chẩn đoán vi thể và chẩn đoán huyết thanh học trong các phòng thí nghiệm.
IV. PHÒNG VÀ CHỐNG BỆNH DẠI
1. Phòng chống bệnh dại cho chó và mèo
a) Phòng bằng vacxin
Quan trọng bậc nhất là phải định kỳ tiêm phòng dại cho chó, mèo mỗi năm một lần, sau đó thường có những đợt tiêm bổ sung để tạo được miễn dịch chủ động cho đàn chó chống lại sự xâm nhiễm của virut dại: Vacxin tiêm cho mèo bằng 1/2 liều cho chó.
+ Hiện nay vacxin đang được sử dụng ở nước ta là vacxin phòng bệnh dại vô hoạt (có màu trắng đục), là vacxin chế tạo từ não bộ đã nuôi cấy virut dại cường độc, giết chết bằng foocmol. Vacxin được sử dụng tiêm phòng bệnh dại cho chó từ 2 tháng tuổi, tiêm dưới da với liều 2ml/con. Sau 6 tháng tiêm lại lần 2 và định kỳ 1 năm tiêm 1 lần.
Vacxin ít gây ra phản ứng phụ với chó, sau khi sử dụng vacxin từ 2-3 tuần, chó có miễn dịch với virut dại và miễn dịch kéo dài 9-10 tháng.
+ Vacxin nhược đọc FEP Flury được chế tạo từ chủng virut dại nhược độc LEP Flury của Hungari, nuôi cấy trên phôi trứng gà, có màu đỏ hồng hoặc đỏ nâu. Vacxin dùng để tiêm dưới da cho chó 3 tháng tuổi, liều 3ml/con, sau 2 tháng tiêm nhắc lại lần 2 và định kỳ mỗi năm tiêm 1 lần. Sau khi tiêm 8-10 ngày chó có miễn dịch với virut dại và miễn dịch kéo dài được 12 tháng. Đôi khi vacxin này có thể gây phản ứng phụ cho chó ở 3-4 tháng tuổi (run rẩy, thở gấp, chảy rãi…) nhưng chỉ thoảng qua trong vài giờ, sau đó các triệu chứng trên hết hẳn, chó trở lại bình thường.
+ Vacxin LEP Flury có loại ở dạng khô, khi dùng pha mỗi liều với 3ml nước cất hay nước sinh lý vô trùng và sử dụng như vacxin LEP Flury dạng tươi.
+ Vacxin Rabisin: Đây là loại vacxin chế từ virut dại cường độc, nuôi cấy trên môi trường tế bào, virut đã được giết chết bằng hóa chất, có màu trắng hơi đục. Vacxin được nhập ngoại và đang sử dụng rộng rãi để phòng bệnh cho chó. Vacxin được tiêm dưới da với liều 1ml/con cho chó 2 tháng tuổi trở lên. Vacxin tạo miễn dịch mạnh và ổn định nhưng thường tiêm mỗi năm một lần để tạo miễn dịch chắc chắn.
b) Quản lý và chăm sóc chó
+ Đảm bảo chó ăn uống sạch, chuồng nhốt chó luôn thoáng mát và ấm áp. Định kỳ tẩy uế vệ sinh chuồng chó, dụng cụ và môi trường xung quanh để chó có sức đề kháng phòng chống bệnh.
+ Chó luôn luôn phải được nhốt, không thả rông, khi dắt chó ra đường phải có rọ mõm để phòng cắn người qua lại.
+ Chó mèo hay thú cảnh khác khi thấy có biểu hiện bất thường về tâm sinh lý, nghi bị bệnh dại thì phải theo dõi và xử lý kịp thời.
2. Phòng và chống bệnh dại cho người
Nếu chó hay mèo biểu hiện vẫn khỏe mạnh bình thường, khi cắn người phải hết sức chú ý (có thể chó mèo đang ở thời kỳ nung bệnh), trong trường hợp này phải nhốt chó, mèo và theo dõi trong thời gian từ 7-10 ngày. Nếu chó mèo vẫn khỏe mạnh thì yên tâm. Nếu con vật có biểu hiện nghi ngờ bị bệnh dại thì người bị cắn phải kịp thời đến trạm vệ sinh phòng dịch gần nhất xin tiêm huyết thanh và vacxin chống dại, đối với chó nghi bệnh dại phải đập chết và đốt xác theo quy định luật thú y.
Nếu chó hay mèo đang chạy rông ngoài đường hay đã đi mất không rõ lai lịch mà cắn người, hoặc chó mèo có biểu hiện khác thường, nghi bị mắc bệnh dại mà cắn người thì ngay lập tức càng sớm càng tốt người bị cắn phải đến trạm vệ sinh phòng dịch gần nhất xin tiêm kháng huyết thanh chống dại kết hợp với xử lý vết thương để diệt virut dại. Sau đó tiêm vacxin phòng dại để tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể chống lại virut dại.
Hiện nay vacxin phòng chống bệnh dại được sản xuất tại Viện vệ sinh dịch tễ. Vacxin chế tạo từ não chuột bạch sơ sinh, tiêm dưới da với liều 0,2ml/ngày. Tiêm cách ngày và tiêm liên tiếp như vậy cho đủ 6 liều. Thời gian miễn dịch được 4-6 tháng.
BỆNH CARE (BỆNH SÀI SỐT CHÓ)
(Fibris catarrhalis infectionsa canium)
(Fibris catarrhalis infectionsa canium)
Bệnh carê là bệnh truyền nhiễm lây lan rất dữ dội, chủ yếu ở chó non với các hội chứng sốt, viêm phổi viêm ruột và xuất hiện các nốt sài ở bẹn. Cuối cùng thường có hội chứng thần kinh
I. NGUYÊN NHÂN
Bệnh do virut carê thuộc nhóm paramyxon gây nên. Tất cả các giống chó đều mắc bệnh. Bệnh thường xảy ra ở chó 2-12 tháng tuổi, đặc biệt chó con 3-4 tháng tuổi dễ nhiễm bệnh hơn cả và tỷ lệ chết 90-100%, tuy nhiên những chó đang bú mẹ ít gặp bệnh carê, vì chó con thu được miễn dịch thụ động qua sữa mẹ. Chó mẹ có miễn dịch chống được bệnh do tiêm phòng hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh trong tự nhiên.
Chó bệnh là nguồn lây lan chủ yếu, chó thải virut ra ngoài theo dịch mũi, nước mắt, nước bọt, nước tiểu và phân, thức ăn, nước uống là nguồn tàng trữ virut. Người, chuột và động vật khác là môi giới trung gian truyền bệnh. Chó trưởng thành nhiễm virut nhưng không phát bệnh, mà trở thành nguồn tàng trữ virut nguy hiểm nhất.
II. TRIỆU CHỨNG
Biểu hiện bệnh carê rất đa dạng, tùy thuộc vào tuổi chó, giống chó, tình trạng sức khỏe, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng và độc lực của mầm bệnh.
+ Thời gian nung bệnh của chó từ 4-6 ngày.
+ Đầu tiên ở chó xuất hiện các triệu chứng chung: chó buồn bã, ủ rũ, ăn ít, không thích vận động.
+ Sốt cao 40-41,50C trong 24-46 giờ. Mắt chó bị sưng húp nhiều dử, chảy nước mắt liên tục và khi sốt chó bỏ ăn, mắt đỏ, sau đó cơn sốt giảm xuống, thân nhiệt trở lại bình thường 38,5-29,50C lúc này chó ăn ít, mệt mỏi.
+ Tiếp theo đợt sốt thứ hai lại xuất hiện, cơn sốt kéo dài 3-4 ngày, giai đoạn này bệnh thường nặng lên do bội nhiễm của vi khuẩn kế phát, một số vi khuẩn đang sẵn có trong cơ thể (Staphylococcus, Streptococcus, E.coli, Salmonella, Bordetella, bronchiseptica…) có điều kiện tăng sinh và gây bệnh. Chó xuất hiện bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp, mũi chảy mủ xanh và dịch nhầy, có khi xuất huyết ở mũi, nhịp thở tăng, thờ khò khè có tiếng ran.
+ Nôn là triệu chứng thường gặp của bệnh carê, các niêm mạc tiêu hóa từ dạ dày đến ruột đều bị virut carê tác động và gây viêm rất nặng. Lúc đầu nôn khan hoặc nôn ra bọt có màu vàng, uống nước nhiều.
+ Tiếp theo là xuất hiện tiêu chảy, lúc đầu phân táo bón sau phân loãng có màu xám vàng, tanh khẳm, trong phân có lẫn niêm mạc dạ dày, ruột lầy nhầy, chó có thể đi ỉa lỏng 5-10 lần mỗi ngày, chó kiệt sức mệt mỏi, da nhăn nheo, tiếp sau phân có lẫn máu màu cà phê nhạt. Giai đoạn cuối phân loãng lẫn máu tươi, kèm niêm mạc ruột bị long ra tanh khẳm, hậu môn bẩn.
+ Chó gầy sút nhanh chóng do không ăn và tiêu chảy, mắt trũng, bụng hóp, đi không vững, nằm bệt, nhiệt độ hạ, loạn nhịp tim và chết trong vòng 5-7 ngày.
+ Một triệu chứng đặc trưng của bệnh đôi khi gặp là xuất hiện những nốt sài ở bụng, ngực, háng, trong đùi. Các nốt sài đỏ thường bằng hạt đỗ xanh, nếu bội nhiễm vi khuẩn sẽ sưng có mủ, khi vỡ ra làm lông bết lại hôi hám.
+ Nếu bệnh kéo dài chó thể hiện triệu chứng thần kinh: chó co giật, điên loạn, quay cuồng, sùi bọt mép, đâm sầm vào tường. Chó chết nhanh với tỷ lệ cao.
III. CHẨN ĐOÁN
* Chẩn đoán phân biệt
Ở chó non, chó chưa tiêm phòng vacxin carê, bệnh phát ra điển hình thường dễ nhận: sốt, có triệu chứng hô hấp, tiêu hoá và nốt sài ở bẹn bụng. Tuy nhiên cần phân biệt với các bệnh sau đây:
- Bệnh viêm phổi: Chó thường mắc khi thời tiết thay đổi, gió mùa đông lạnh, mắc ở tất cả các lứa tuổi, chó sốt cao, khó thở, khò khè. Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu với bệnh hô hấp trong thời gian 5-7 ngày bệnh sẽ giảm và chó trở lại bình thường.
- Bệnh tiêu chảy: Tiêu chảy do nguyên nhân nhiễm khuẩn hay do thức ăn không vệ sinh, chó có thể có sốt hoặc không sốt, tiêu chảy phân loãng nhưng không có máu. Điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu kết hợp với dung dịch điện giải, bệnh thuyên giảm dần và sau 7-10 ngày điều trị chó sẽ trở lại bình thường.
- Bệnh tiêu chảy do virut parvo: Nếu chỉ bằng triệu chứng lâm sàng rất khó nhận biết là chó bị bệnh carê hay parvo, nếu bị bệnh parvo phân chó thườn có màu hồng.
* Chẩn đoán huyết thanh học và virut học
Phương pháp này chỉ thực hiện trong các phòng thí nghiệm thú y nhưng là kỹ thuật chính xác.
IV. PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH
1. Phòng bệnh bằng chăm sóc nuôi dưỡng
- Như tất cả các bệnh truyền nhiễm của chó, việc chăm sóc nuôi dưỡng cẩn thận, vệ sinh chu đáo có vai trò quan trọng trong phòng bệnh.
- Khi phát hiện chó bị bệnh carê phải cách ly triệt để, các chất thải của chó bệnh phải được quét dọn, sát trùng tiêu độc.
2. Phòng bệnh bằng vacxin
Vacxin chống bệnh carê được tiêm cho chó từ 2 tháng tuổi, nên tiêm lại lần 2 vào lúc chó 3,5-4 tháng tuổi, tiêm dưới da với liều 3ml/con, sau khi tiêm vacxin từ 10-15 ngày chó có miễn dịch chống được bệnh. Miễn dịch kéo dài 8-12 tháng, định kỳ tiêm vacxin cho chó mỗi năm 1 lần.
3. Điều trị bệnh
- Hiện nay chưa có kháng sinh đặc hiệu điều trị bệnh này. Các nhà khoa học đã thành công tạo kháng huyết thanh chống bệnh carê nhưng cũng chỉ đạt hiệu quả khi mới chớm bệnh (sau 2-3 ngày nhiễm bệnh). Và chúng ta nên tiêm kháng huyết thanh cho những con khoẻ nhưng đã tiếp xúc với chó bệnh.
Kháng huyết thanh được tiêm dưới da cho chó với liều 10ml/chó dưới 10kg, 15ml/chó 10-15kg, 20ml/chó trên 15kg.
- Kết hợp với các loại thuốc chữa bệnh chứng như:
* Hội chứng viêm phổi: Dùng một trong các loại thuốc kháng sinh đặc trị sau:
+ Streptomycin: Tiêm bắp liều 20mg/kg thể trọng, chia 2 lần trong ngày.
+ Lincomicin: Liều 400-800mg/ngày, chia 2 lần trong ngày.
+ Kanamicin: Tiêm bắp liều 20mg/kg thể trọng, chia 2 lần trong ngày
+ Gentamicin: Tiêm bắp 10mg/kg thể trọng, chia 2 lần trong ngày.
Hiện nay trên thị trường thuốc thú y có một số hoá dược đặc trị viêm phổi, ta có thể dùng một trong các loại hoá dược sau:
+ Cafadox: Thành phần gồm cefalexine, Lidocaine HCl, tiêm bắp liều 1mg/5kg thể trọng, ngày tiêm 2 lần.
+ Kanacolin: Thành phần gồm Kanamycin sulfat và conlistin sulfat, tiêm bắp liều 1ml/3kg thể trọng, ngày tiêm 2 lần.
* Hội chứng tiêu hoá:
Dùng một trong các loại thuốc kháng sinh đặc hiệu sau để diệt mầm bệnh.
+ Streptomycin: Tiêm bắp liều 20mg/kg thể trọng, chia 2 lần trong ngày.
+ Gentamycin: Tiêm bắp liều 10mg/kg thể trọng, chia 2 lần trong ngày.
+ Bisepton (Trimazol): Cho uống liều 1g/10kg thể trọng ngày uống 2 lần.
+ Trimethoxazol 24%: Tiêm bắp liều 1ml/con, tiêm liên tục 7 ngày liền.
Hiện nay trên thị trường thuốc thú y có một số hoá dược đặc trị viêm ruột, ta có thể dùng một trong các hoá dược sau:
+ Enro.Amoxy: Thành phần gồm có Amoxyciline, Colistine, Enrofloxacine và vitamin B, complex. Cho chó uống với liều 1g/5kg thể trọng, ngày uống 2 lần.
+ Enroflox: Thành phần gồm Enrofloxacine, Sulphadimidin, Trimethoprime. Tiêm bắp thịt liều 1ml/5kg thể trọng, ngày tiêm 2 lần.
+ Kết hợp thuốc chống nôn: Atropin, tiêm bắp 1ml/con.
+ Vitamin K: Chống xuất huyết. Tiêm bắp 1ml/con, ngày tiêm 2 lần.
- Dung dịch điện giải: Pha theo hướng dẫn cho uống liên tục trong ngày, chống mất nước.
* Chó có biểu hiện thần kinh:
Dùng các loại thuốc an thần
+ Promix: Thành phần gồm có Promethazin, Dipyrone, Dexamethasone. Tiêm bắp liều 1ml/5kg thể trọng.
+ Anagin: Tiêm bắp liều 1ml/con.
+ Seducen hay Promethazin: Cho uống theo hướng dẫn.
* Bổ sung các thuốc trợ lực như:
+ Glucoza 30%: Tiêm mạch máu liều 5ml/con.
+ Vitamin B1 2,5%, vitamin C 5%, B.complex tiêm bắp liều 3-5ml/con.
+ Vitamin B12: Chống thiếu máu, liều 100g/ngày.
+ Truyền huyết thanh mặn ngọt đẳng trương: 150-200ml/con/ngày.
* Chế độ chăm sóc trong điều trị: Cho ăn cháo, thức ăn dễ tiêu, kiêng mỡ, chất tanh, ăn làm nhiều bữa, cho uống liên tục đường glucoza thay nước.
Nguồn: rottweiler.com.vn