• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bảo Vệ Rùa Biển

Rùa biển có khả năng bơi rất lâu dưới nước nhưng chúng vẫn phải ngoi lên mặt nước để hít thở không khí. Khi va phải các lưới bắt tôm, hàng nghìn rùa con có thể bị mắc lưới cùng lúc.
Mặc dù các thiết bị đánh bắt thông minh ngày nay có thế giúp rùa biển mắc bẫy thoát ra, góp phần giảm bớt tình trạng này. Song chúng vẫn phải đối mặt với vô vàn những nguy cơ khác như: việc khai thác quá mức trứng và thịt (cả hợp pháp lẫn trái phép), các động vật ăn thịt ăn trứng rùa, rùa cái trong khi tìm nơi đẻ trứng và các rùa con mới nở bị mất phương hướng, sự suy giảm môi trường sống thiết yếu của chúng, bao gồm thảm cỏ biển và rạn san hô.
Ngoài ra, việc câu trộm rùa cũng là một mối đe doạ tiềm ẩn. Tháng 9 năm 2007, Hiệp hội Thủy sản và Động vật hoang dã Hoa Kỳ phối hợp với các nhà chức trách ở Mexico đã bắt giữ 12 người có liên quan đến việc buôn bán trái phép rùa biển. Người ta cũng đã tiến hành một cuộc điều tra bí mật kéo dài 3 năm để thâm nhập vào mạng lưới các nhà cung cấp, các nhà sản xuất, các nhà bán buôn, bán lẻ và bọn buôn lậu – những kẻ đã buôn bán các sản phẩm làm từ hàng trăm bộ da rùa và mai rùa.
Đặc điểm sinh thái của rùa biển hạn chế khả năng phục hồi số lượng của chúng. Đồi mồi chỉ đạt được sự trưởng thành về giới tính khi chúng 30 “tuổi”, khoảng thời gian này đối với quản đồng kéo dài từ 12 đến 30 năm, còn với vích (rùa xanh) khoảng từ 20 đến 50 năm cho tới khi chúng có thể sinh sản.
Hiện nay, một số loài, trong đó có rùa da ở khu vực Thái Bình Dương đang bên bờ vực tuyệt chủng. Vùng Đông Thái Bình Dương trước đây là nơi cư trú lớn nhất của rùa da vào những năm 1980, nay chỉ còn dưới 500 con cái, làm tổ hàng năm trên bờ biển Mê-hi-cô và Cốt-xta-ri-ca.
Trong số 7 loài rùa biển còn lại trên trái đất thì 6 loài đang trong tình trạng bị đe dọa, riêng loài rùa mai phẳng được tìm thấy ở vùng nước ngoài khơi châu Úc hiện chưa có dữ liệu chính xác.
Việt Nam có 5 trong số 7 loài rùa biển trên thế giới, gồm các loài quản đồng (Caretta caretta), rùa da (Dermochelys coriacea), đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), đồi mồi (Eretmochelys imbricate), vích/rùa xanh (Chelonia mydas). Cả 5 loài đều là những loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Riêng loài đồi mồi được xếp trong danh sách các loài nguy cấp của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN).
Hai loài còn lại không có ở Việt Nam là Rùa biển Kemp’s Ridley (Lepidochelys kempii) và Rùa mai phẳng (Natator depressus).
Chương trình hành động bảo vệ rùa biển 2004 đã thành lập Quỹ bảo vệ rùa biển và giao cho Hiệp hội thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ quản lý. Quỹ tài trợ cho các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm sự duy trì sự sống sống dài lâu của loài rùa. Chỉ tính riêng năm 2007, Hiệp hội thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ đã tài trợ gần 600.000 USD cho 22 quốc gia để bảo tồn rùa biển. Hầu hết số tiền này được sử dụng cho những nỗ lực nhằm khôi phục hoặc đảm bảo an toàn cho các bãi đẻ của rùa, chẳng hạn như bãi đẻ lớn nhất thế giới của của quản đồng ở Ô-man hay một bãi đẻ của rùa da dọc bờ biển Tây Phi.
Loài rùa biển Kemp's Ridley – loài rùa biển nhỏ nhất có thể thay đổi màu sắc tùy theo môi trường là một ví dụ cho sự thành công trong những nỗ lực bảo tồn sinh vật này. Trên bờ vực tuyệt chủng vào những năm 1980, loài rùa này chỉ còn 700 tổ vào năm 1985, giảm từ số lượng khoảng 10 nghìn tổ vào những năm 1940. Nguyên nhân là do việc thu bắt quá mức trứng rùa và con cái, cũng như tỷ lệ chết cao khi rùa mắc cạn lưới bắt tôm.
Tuy nhiên, năm 1960 chính phủ Mexico đã xúc tiến một chương trình bảo tồn, sau này nhận được sự phối hợp của Hiệp hội thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ. Chương trình đã thành công trong việc bảo vệ và nâng cao số lượng loài rùa biển Kemp’s Ridley hơn so nhiều so với trước.
Earl Possardt, chuyên gia về rùa biển quốc tế của Hiệp hội thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ cho rằng “Bảo tồn rùa biển là một công việc lâu dài. Trong kế hoạch lớn ấy, những thành công đó sẽ tích luỹ lại và thông qua mối liên kết đa quốc gia của các chính phủ, các tổ chức bảo tồn và ngành đánh bắt cá, chúng ta có thể bảo vệ loài rùa biển đồng thời tạo ra hệ sinh thái biển ổn định hơn cho loài người."
Nguồn: INFOTERRA VN ( theo Thiennhien.Net)
 

bigflowerhorn

Chuyên gia bồ câu
Bảo Tồn Rùa biển ở Côn Đảo -Việt Nam

CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN RÙA BIỂN

Chương trình cứu hộ rùa biển bắt đầu từ năm 1995 được sự tài trợ của tổ chức WWF ( Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên ) chương trình Đông Dương. Dự án được thực hiện nhằm hạn chế tối thiểu sự bất lợi của tự nhiên đối với rùa biển, nghiên cứu các đặc tính sinh thái rùa biển, nghiên cứu và thực hiện các mô hình bảo tồn rùa biển và tham gia vào mạng lưới bảo tồn rùa biển ASEAN.

Các nội dung đã và đang thực hiện: theo dõi ngẫu nhiên về hoạt động làm tổ, cứu hộ rùa biển và đeo thẻ tập trung.

Kết quả nghiên cứu: số loài làm tổ trên các bãi hàng năm là: Rùa xanh (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata). Mùa làm tổ: tháng 4 – 12, số lượng rùa mẹ lên bãi làm tổ trung bình khoảng 400 cá thể/năm, rùa mẹ đẻ trung bình 250 trứng và 3 tổ / rùa mẹ trong một mùa làm tổ.

Thời gian trứng nở: khoảng 55 ngày, thời gian rùa con nở đến lúc ngoi lên mặt bãi là 1 – 3 ngày. Tỉ lệ trứng rùa nở ở hằng năm là 80 %. Đã tiến hành đeo thẻ được 1.682 rùa mẹ lên bãi làm tổ.

Ngoài ra, còn nghiên cứu sự biến đổi của nhiệt độ nơi tổ ấp liên quan đến các thông số về thời gian nở, tỉ lệ trứng nở. Ghi nhận các tác động của du lịch sinh thái đến quần thể rùa biển ở Côn Đảo.

Trích từ: Vườn Quốc Gia Côn Đảo
 

bigflowerhorn

Chuyên gia bồ câu
Chuyện lạ về loài rùa biển

Theo Báo Việt Nam

Cùng với sóc đen, chim gầm gì trắng, dugong (bò biển), bồ câu Nicoba,… rùa biển được những người làm công tác bảo tồn và giới khoa học đánh giá là "linh hồn" của Vườn quốc gia Côn Đảo. Loài bò sát nổi tiếng chậm chạp này có nhiều đặc tính sinh học kỳ thú mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải.


Nếu không đặt chân đến đất thiêng Côn Đảo, hẳn chẳng mấy ai biết được vùng đất từng được mệnh danh "địa ngục trần gian" nay là mái nhà bình yên của nhiều loài sinh vật biển quý hiếm. Càng bất ngờ hơn khi khát vọng gần gũi tự nhiên của du khách sẽ được đáp ứng bằng các hình thức du lịch sinh thái xuyên rừng băng biển, đặc biệt là tour tham quan rùa đẻ.


Sở hữu những con số kỷ lục

"Trước đây, ngư dân gọi chung các loài rùa biển là đú. Trong tổng số năm loài rùa biển có mặt ở nước ta gồm rùa da, đồi mồi, đồi mồi dứa, vích, quản đồng thì Côn Đảo hiện hữu đến bốn loài (không có quản đồng). Thường xuất hiện duy trì nòi giống tại khu vực đảo Hòn Cau và Hòn Bảy Cạnh, các ông đú hiện diện tại Côn Đảo đều có mặt trong Sách đỏ Việt Nam và đang được bảo vệ nghiêm ngặt".

Trên đường đưa chúng tôi đi xem rùa đẻ, chị Võ Thị Bích Thùy, cán bộ Phòng Du lịch sinh thái bật mí, vì có đến 14 trong tổng số 16 hòn đảo được rùa biển chọn làm nơi đẻ trứng nên các nhà khoa học bình chọn Côn Đảo là "Bãi đẻ lớn nhất Việt Nam" (các địa phương từng xuất hiện rùa đẻ gồm vịnh Nha Trang, vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận), huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) . Điều này cũng đồng nghĩa với việc hằng năm, Côn Đảo đón nhận được số lượng rùa biển sinh sản lớn nhất nước.

Theo các nhà khoa học, rùa biển là loài sinh vật cổ xưa, đã sống qua hàng triệu năm, rất lâu trước khi con người bắt đầu hình thành và sinh sống trên hành tinh.

Chị Thùy cho biết, qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện các "cụ đú" sở hữu những con số rất kỷ lục: "Tuổi thọ của rùa biển có thể lên đến hơn 200 năm. Vào mùa sinh sản, rùa mẹ đẻ trung bình 5 ổ trứng với số trứng lên đến 500 quả. Có trên 80% số trứng này được ấp nở con thành công. Một con rùa phải mất từ 30-50 năm mới đủ tuổi trưởng thành và chỉ có 1 trong tổng số trên 1.000 rùa con mới sống sót được tới lúc đó".


Một sinh vật đặc biệt

Hôm chúng tôi đến Côn Đảo biển động nên rùa không cập bãi sinh đẻ như thường lệ.

Để "đền bù", anh Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo khoản đãi chúng tôi đủ chuyện về rùa, một sinh vật mà theo anh có rất nhiều điều đặc biệt, trước tiên là vấn đề giới tính của rùa phụ thuộc vào nhiệt độ: "Khi nhiệt độ nóng lên thì trứng sẽ nở ra nhiều rùa cái và ngược lại. Nhờ nắm bắt được đặc tính này mà các nhà khoa học đã điều chỉnh nắng gió để cân bằng số lượng đực cái cho phù hợp điều kiện sinh thái từng vùng".

Ngay khi nở ra từ trứng, theo bản năng tự nhiên, rùa con sẽ quay đầu về phía biển, bắt đầu vòng đời lưu lạc dưới đáy đại dương hơn 3 thập kỷ.

Anh Ái say chuyện: "Điều kỳ lạ ở chỗ đến tuổi trưởng thành, rùa con sẽ quay trở lại nơi nó từng được sinh ra đặng thực hiện chức năng duy trì nòi giống. Bằng cách nào mà rùa nhớ và trở về đúng chốn xưa đến nay vẫn chưa có nhà khoa học nào lý giải thấu đáo".

"Hồi giờ mấy ông từng nghe, từng thấy có loài động vật nào biết làm tổ ngụy trang khi sinh đẻ chưa? Rùa biển đấy. Đẻ xong, rùa mẹ sẽ vun cát lấp ổ rồi dùng cả thân mình nén chặt. Tiếp đó nó dùng vây bơi cào một khoảng rộng nhằm xóa vết tích và làm thêm vài chiếc tổ giả để đánh lạc hướng những con thú chuyên săn tìm trứng", anh Ái cho biết.

- Thưa anh, rùa con khi xuống biển sống lẩn quẩn tại khu vực nó được sinh ra hay trôi theo dòng chảy? Trong vòng đời của mình, chúng đi du lịch đến những đâu?

- Vài năm trước, chuyện này vẫn còn là bí mật. Mới đây, các nhà khoa học phát hiện trong 5 năm đầu đời, rùa con lẩn sâu xuống đáy đại dương, tồn tại bằng cách ăn những loài nhuyễn thể, giáp xác. Chúng tôi có gắn chip theo dõi cho 3 "em" và hiện ghi nhận thông tin "mấy ẻm" đang du ngoạn ở Philippines đấy!

Vừa chào đời đã lao vào cuộc sinh tồn khắc nghiệt và khi trưởng thành vượt ngàn dặm xa trở lại nơi đất mẹ. Đặc tính này của rùa biển là bài học sinh động về tính tự lập và sự thủy chung với nguồn cội. Điều mà với nhiều bạn trẻ hiện đang dần trở thành khái niệm xa xỉ.


Trong tự nhiên, rùa biển phải đối diện với nhiều mối đe dọa sống còn: Các loài bò sát lớn và các loài ăn thịt dưới biển là khắc tinh của rùa khi chúng còn nhỏ. Vượt qua những mối nguy này, đến tuổi trưởng thành thì rùa bị con người bắt giết thịt và vì mục đích thương mại. Ngoài ra, nạn ô nhiễm, ánh sáng đèn, các công trình bảo vệ bờ biển cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và cản trở việc sinh sản của rùa biển.

Theo Báo CAND
 
Top