• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bảo vệ đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu nằm phía đông nam huyện Xuyên Mộc với diện tích hơn 11 nghìn hécta. Rừng Bình Châu - Phước Bửu là một trong những khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao của miền đông Nam Bộ. Tại đây có hệ động vật gồm 205 loài có xương sống, trong đó có 49 loài thú thuộc 21 họ, 9 bộ với 36 loài quý hiếm như gấu chó, khỉ đuôi lợn, cu li lớn, cu li nhỏ, voọc xám bạc, mèo rừng. 106 loài chim, trong đó có các loài quý như gà lôi hông tía, gà lôi vằn, bồ câu nâu, yến núi và rất nhiều loài bò sát như trăn gấm, trăn đất, rắn hổ mang, tắc kè, nhông cát... Hệ thực vật gồm 732 loài thuộc 123 họ với 114 loài thực vật quý hiếm như gõ đỏ, cẩm lai Bà Rịa, xoan đào, trắc, giáng hương, huỳnh đàn, bình linh...

Xuyên Mộc

Sự đa dạng và phong phú của các loài động thực vật là nguồn gen quý phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Điều này càng đòi hỏi công tác quản lý bảo vệ rừng chặt chẽ để tài nguyên rừng không bị biến mất. Vùng lõi của khu bảo tồn này là 6 xã, người dân sống bằng nông nghiệp nhưng lại thiếu đất canh tác, đời sống phần lớn là phụ thuộc vào rừng. Một đặc điểm là khu rừng này bị cắt xé thành nhiều mảnh bởi đường lộ, đường nông thôn,... tác động tiêu cực đến nơi trú ngụ, sinh sống của các loài động vật. Giao thông cũng là điều kiện thuận tiện cho những đối tượng săn bắt động vật rừng, vận chuyển lâm sản trái phép lợi dụng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc đã phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu bắt giữ và xử lý 57 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng với hình thức khai thác, vận chuyển, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép... Tuy nhiên còn khá nhiều vụ vi phạm mà cơ quan chức năng không phát hiện được, điều này chứng tỏ áp lực đối với rừng Bình Châu - Phước Bửu là không nhỏ. Hiện vẫn còn một số diện tích nằm trong rừng đặc dụng do dân bao chiếm trước đây... nên rất khó quản lý. Những năm qua, các cấp các ngành ở địa phương đã có nhiều nỗ lực cố gắng nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực có hại đến rừng để giữ vững diện tích rừng hiện có, như làm hàng rào bảo vệ trên diện tích 7.000ha tại phân khu đặc dụng, tổ chức giao khoán, trồng mới các loài cây bản địa xen trên diện tích mà người dân đã lấn chiếm trước đây.

Rừng Bình Châu - Phước Bửu

Rừng Bình Châu - Phước Bửu là khu rừng tự nhiên hiếm còn lại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tính đa dạng sinh học cao. Về môi trường, đây là khu rừng nằm sát biển có lợi ích to lớn trong việc chắn gió bão, đảm bảo bình yên cho cuộc sống của hàng chục nghìn người dân các xã ven biển. Trước mắt, phải chấm dứt ngay việc canh tác nông nghiệp, chăn thả gia súc ở vùng lõi. Có chính sách kiểm kê, đền bù số diện tích dân lân chiếm trước đây chuyển đổi diện tích này vào quỹ đất địa phương cho dân sản xuất. Đền bù và triệt hạ toàn bộ số cây phi mục đích lâm nghiệp trên diện tích này để đưa vào khoanh nuôi, trồng mới và tái tạo lại rừng trên số đất trống. Tiếp tục đầu tư làm mới và sửa chữa hàng rào bảo vệ trên toàn bộ diện tích này. Tổ chức nghiên cứu khoa học, đánh giá một cách đầy đủ về những giá trị đích thực của rừng Bình Châu - Phước Bửu. Xây dựng những nội dung thông tin tuyên truyền có tính chiến lược, ổn định, tích cực, chủ động trong cộng đồng dân cư và qua nhiều kênh thông tin tuyên truyền có tính chiến lược, ổn định để truyền tải những nội dung mang tính giáo dục sâu, rộng, liên tục trong mọi tầng lớp dân cư. Cần có những biện pháp quản lý bảo vệ rừng hữu hiệu nhất để quản lý người ra vào rừng nhằm ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm. Giảm bớt những áp lực mà những người bảo vệ rừng đang phải gánh chịu trong công tác bảo vệ rừng. Như vậy, rất cần sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo Cục Kiểm Lâm Việt Nam
 
Top