• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bảo tồn giống nhãn xuồng cơm vàng bằng ghép cải tạo.

KimCuong

Active Member
Báo cáo của ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.491 ha đất trồng nhãn, trong đó 2 giống nhãn được trồng chủ yếu là nhãn tiêu da bò và xuồng cơm vàng.

Giống nhãn tiêu da bò trước đây được nông dân trồng với diện tích khá lớn, nhưng do giá cả thị trường không ổn định, nhiều vườn cây không được đầu tư chăm sóc dẫn đến bị nhiễm bệnh, trong đó có bệnh xù ngọn do vi khuẩn gây ra là một trong những loại bệnh gây hại nhiều nhất, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng vườn cây. Một khảo sát gần đây của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này cho biết, 100% chồi non của nhãn tiêu da bò đều bị nhiễm bệnh và nếu đến thời kỳ phát bệnh thì khó có khả năng chữa trị và phục hồi, trong khi đó ngay trên cùng một vùng đất, giống nhãn xuồng cơm vàng vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường, ít có triệu chứng mắc bệnh. Riêng nhãn xuồng cơm vàng, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 243 ha được trồng rải rác ở các huyện Tân Thành, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Thành phố Vũng Tàu.

Trong tài liệu Tiêu chuẩn cây trồng Việt Nam đã ghi rõ: “Giống nhãn xuồng cơm vàng là giống có nguồn gốc ở Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, được trồng bằng hạt, cùi dày, màu hanh vàng, ráo, dòn, rất ngọt, được thị trường ưa chuộng. Đặc điểm dễ nhận diện là quả có dạng hình xuồng. Quả chưa chín gần cuống có màu đỏ, quả chín vỏ quả có màu vàng da bò. Xuồng cơm vàng thích hợp trên vùng đất cát; nếu trồng trên đất thịt hoặc sét nhẹ nên ghép trên gốc ghép là giống tiêu da bò”.

Nhãn xuồng cơm vàng của Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những giống đặc sản có chất lượng vượt trội so với các giống nhãn ở các nước trong khu vực. Nhu cầu tiêu thụ Nhãn xuồng cơm vàng của thị trường rất lớn, giá bán cao, đưa lại nhiều lợi nhuận cho người trồng nhất là sau khi sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học - Công nghệ cấp giấy chứng nhận (tháng 9/2006) với thương hiệu “Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa-Vũng Tàu”. Theo cảnh báo của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, từ năm 2001 một số thương nhân Thái Lan sang Việt Nam mua giống nhãn xuồng cơm vàng với số lượng lớn với giá 0,5 USD/cây, nhưng về Thái họ bán lại với giá 12-13 USD/cây. Họ lời lớn, bà con ta cũng “kiếm” được nhưng hãy coi chừng ta đang để mất dần các giống quí. Ở phường 11, Thành phố Vũng Tàu được coi là cái nôi của loại quả đặc sản này, hiện diện tích trồng nhãn chỉ còn khoảng 20 ha và đang có nguy cơ bị thu hẹp dần do tiến trình đô thị hóa.

Với mục tiêu bảo tồn, khôi phục và phát triển giống nhãn đặc sản quí hiếm của tỉnh với thương hiệu “Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa-Vũng Tàu” trong những năm gần đây ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp với Thành phố Vũng Tàu và Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) triển khai thành công đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng qui trình ghép cải tạo thay giống nhãn xuồng cơm vàng trên các cây nhãn tiêu da bò già cỗi, sâu bệnh đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

[imgc="..."]http://www.vast.ac.vn/newsimgs/15_8_2008/h7.jpg[/imgc]

Đề tài dựa trên cơ sở khoa học là dùng mắt ghép giống nhãn xuồng cơm vàng có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp thị hiếu thị trường, có khả năng kháng được bệnh xù ngọn, ghép chuyển đổi giống trên những gốc cây nhãn tiêu da bò bằng cách cưa bỏ nhánh (với cây dưới 8 tuổi) hoặc cưa ngang thân (với những cây già trên 8 năm tuổi, bị sâu bệnh nặng) cho ra chồi mới. Theo cách làm này, sau một thời gian thử nghiệm các cành ghép (nhãn xuồng cơm vàng) không những không bị bệnh mà còn phát triển mạnh, cho năng suất, chất lượng cao, trong khi đó các nhánh chồi vượt mọc từ thân cây mẹ (tiêu da bò) vẫn bị bệnh xù ngọn gây hại.

Ông Nguyễn Xuân Dự ở xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành nhờ làm theo phương pháp ghép đổi giống nhãn long (loại nhãn nước hạt to, cơm mỏng) thành vườn nhãn xuồng cơm vàng với tên gọi nhãn xuồng Bao Công (trái to, cơm giòn, ăn ngon) tham dự hội thi trái ngon đạt giải nhì cho biết: Nếu trồng mới thì sau 3-4 năm cây mới cho trái, nhưng nếu ghép cải tạo theo phương pháp của Trung tâm thì chỉ một năm sau có thể thu hoạch lứa đầu chất lượng quả vẫn giữ nguyên mà chi phí đầu tư giảm tới trên một nửa. So với nhãn tiêu da bò tuy năng suất có thấp hơn, nhưng giá trị nhãn xuồng cơm vàng lại cao gấp 2-3 lần, lợi nhuận cao hơn, tránh được bệnh xù ngọn gây hại. Hiệu quả của mô hình đã được nông dân nhiều vùng trồng nhãn trong tỉnh đón nhận để chuyển đổi nhằm bảo tồn, và phát triển giống nhãn đặc sản của quê hương./.

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam.
 
Top