• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bán chim quý như bán rau

Hoangminh

Member
,


Bán chim quý như bán rau
Cập nhật lúc 10/05/2011 07:05:00 AM (GMT+7)
Thực rất khó tin rằng, ngay giữa lòng Hà Nội lại có một khối lượng chim nhiều đến kinh ngạc đang chờ làm mồi nhậu. Hàng chục chiếc xe máy, có gắn lồng sắt, chứa đủ loại chim, bị bó chân, được rao bán công khai trên nhiều tuyến đường như: Đại lộ Thăng Long, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng...



Những ngày cuối tháng tư, dạo trên một số tuyến phố trên, chúng tôi thấy rất nhiều loại chim như: Cò, sếu, chào mào, vịt trời, gà rừng, đa đa... được bày bán vô tư. Vào vai khách cần mua chim, tôi được người đàn ông tuổi trung niên trên đường Phạm Văn Đồng tiếp thị rành rẽ, đại thể như: Loại chim chào mào tuy nhỏ, nhưng rất bổ dưỡng, bởi vì nó ăn nhiều loại thức ăn hoang dã trên rừng, hay bìm bịp - loại này hiếm và quý nên thường chỉ để ngâm rượu thôi.



Loại bìm bịp có tài tìm ra một loại lá có thể chữa bách bệnh, chỉ cần bẻ gãy chân hôm trước, hôm sau chim mẹ sẽ tìm được thuốc đắp cho con khỏi ngay, loại này chủ yếu chữa bệnh đau lưng, nhức đầu...

Qua tìm hiểu, tôi được biết, nhằm “móc túi” khách với giá cao, những tay buôn chim còn như biến cò thành sếu chỉ với một phương thức đơn giản: Lấy lông cánh buộc vào mũi cò, rồi lấy ít chất dính, tết một nhúm lông dài nhất trên đầu cò để tạo thành mào, làm cho hình thù cổ quái hơn, khi cò hoá sếu thì giá từ 30.000 đồng sẽ nhảy lên 50.000 đồng/con.

Để thấy được thảm họa của loài chim có nguy cơ tuyệt chủng, chúng tôi đã xâm nhập thực tế và thật sự choáng khi biết có tới hàng chục kỹ nghệ bẫy chim, từ thô sơ, cho đến những chiêu bài bắt chim theo lối công nghiệp. Phần lớn chim được đưa đến từ các vùng như: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây cũ, Hoà Bình, Vĩnh Phúc..., gần nhất có cánh đồng làng Vẽ, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Theo tìm hiểu từ những người đánh bắt, có khoảng gần chục loại bẫy được sử dụng phổ biến bởi mỗi loại chim có cách bắt riêng. Đối với loài thích bay nhảy như khiếu thì dùng bẫy bằng vòng lon dây nhợ, có đặt quả ráy chín đỏ để làm mồi nhử, hay là dùng bẫy lưới, đối với những loài thích chạy bộ thì thường dùng bẫy vòng lon có hình số bốn và một cái cần được tạo ra làm lực kéo, hay bẫy mặt trăng hoặc bẫy kẹp (một loại phổ biến dùng để đánh chuột).

Với các loài chim như cuốc, cò, cu gáy... thường người ta sử dụng chim mồi, nhưng cách này mỗi bẫy chỉ được một con và chim thường bị chết khi dính bẫy. Vậy nên, nay cách săn chim đều chuyển sang lối bẫy công nghiệp, hiệu quả, bởi chim vẫn còn sống. Đó là sử dụng chất dính, nguyên liệu chủ yếu là nhựa thông, dùng để bôi vào cỏ và những cành cây cạnh chỗ con mồi nhất định sà xuống, đồng thời có gắn một con chim bằng gỗ, có sơn màu mè trông như thật và bật đài phát tiếng hót thay chim thật mà người thợ đã cho ghi âm sẵn.
Với công nghệ ngày càng hiện đại, mỗi ngày, những người thợ săn có thể bẫy được hàng chục, thậm chí cả trăm con, tuy nhiên đó chỉ là cái lợi trước mắt mà họ không hề thấy rằng, mình là những kẻ đang thảm sát sinh linh vô tội, trong đó có những loại được lưu trong sách Đỏ Việt Nam. Vậy mà, không hiểu sao không thấy cơ quan chức năng ra tay?
(Báo Lao động)
 
Top