• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Bác sĩ... sếu đầu đỏ

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Đó là "danh hiệu" mà giới cầm máy ở đồng bằng sông Cửu Long đã phong cho bác sĩ Đoàn Hồng (Đồng Tháp), tay máy có niềm đam mê đến kỳ lạ về loài chim quý này.

Là người "ngoại đạo" và vào nghề muộn, nhưng so với hàng chục, hàng trăm phó nhòm từng bị vẻ đẹp quyến rũ cùng với sự quý hiếm của sếu đầu đỏ mê hoặc, thì ông chính là người chụp được nhiều ảnh về sếu nhất, yêu thương, trăn trở và gắn bó với sếu đến mức am hiểu loài chim có cùng thời khủng long này như một chuyên gia thực sự.

"Đỏ đầu" vì sếu đầu đỏ

Là Giám đốc Sở Y tế, suốt ngày ngập đầu với công việc giữa 4 bức tường nên bác sĩ Đoàn Hồng không có điều kiện "săn ảnh" như các tay máy chuyên nghiệp. Bù lại, lòng đam mê chụp ảnh sếu đã giúp anh vượt qua những ràng buộc của thời gian và không gian.

Nhiều năm đang đón giao thừa, nghe tin sếu về, anh lẹ làng ăn Tết với vợ con hết ngày mùng 1, rồi vọt vô Tràm Chim săn ảnh đến ngày làm việc đầu năm. Từ nhà đến Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), hơn trăm cây số đi-về, vì vậy để chụp được toàn cảnh về sinh hoạt của sếu, anh phải khăn gói lên đường từ 1h00 sáng và về đến nhà vào lúc 22h00 đêm. Vậy mà hơn 10 năm qua, đều đặn và chính xác như quả lắc đồng hồ, cứ đến mùa sếu về là anh dành trọn 2 ngày cuối tuần cho sếu và đã có ít nhất 3 lần anh sứt đầu, chảy máu vì đuối sức sau nhiều ngày thức khuya dậy sớm, suốt ngày trừng mắt theo sếu.

Anh kể: "Năm 1999, vì quá mê chụp cảnh sếu ngủ, tôi "bám" vào khu A4 bấm lia lịa đến cuốn phim thứ 30. Lúc trở ra thì đồng hồ điểm 20h00".

Trời mưa nặng, đường từ xã Tân Công Sính ra thị trấn Tràm Chim lúc đó lầy lội và đầy ổ gà, ổ voi. Sau một hồi dồn sức điều khiển chiếc Honda 50 phân khối vượt đường trơn, anh bị cơn buồn ngủ quật ngã. Khi mở mắt ra thì thấy đang nằm trạm y tế xã.

Vết thương khá nặng, máu ra nhiều đến mức y sĩ trực không nhận được mặt thủ trưởng nên nghi oan: "Nhậu say cho té bể đầu về làm khổ vợ con!". Giận vì sự bỗ bã của nhân viên, nhưng ông Giám đốc Sở vẫn phải ngậm bồ hòn "ém" thông tin để hôm sau không bị "bác sĩ vợ" giữ ở nhà điều trị thương.

Dù đầu vẫn còn ê ẩm, nhưng đồng hồ vừa điểm 1 giờ sáng là anh đã bật dậy ôm túi đồ nghề... vọt. Nhờ kiên trì mà sáng hôm sau anh chộp được nhiều ảnh đẹp. Trong đó có bức "Sếu đến bãi ăn" đoạt Huy chương Vàng trong cuộc thi ảnh nghệ thuật ở Sri lanka (năm 2000).


Tuy nhiên cũng có lần, sau pha thoát hiểm, anh chẳng còn chút tâm trí để bấm máy. Đang trầm mình trong bụi rậm ngập nước để chụp ảnh sếu tắm, bất giác anh nghe bên tai mình tiếng khè khè rợn người. Ngoái lại nhìn, con rắn hổ đang phùng mang, trợn má trên vai. Nhìn đàn sếu đồng loạt xoè cánh tắm mát... anh tức muốn... trào máu. Đến lúc con rắn bỏ đi thì toàn thân anh cũng sũng mồ hôi, các cơ co cứng nên cuốn gói ra về.

"Phiêu" theo cánh hạc bay

"Là dân Tháp Mười, từ bé tôi đã biết và mê sếu đầu đỏ qua những truyền thuyết đẹp dưới cái tên dân gian là séo", anh Hồng mở đầu câu chuyện. Thế rồi, hơn chục năm trước, khi nghe các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng của sếu, anh sợ... nên năm 2006, anh quyết định chụp ảnh để lưu giữ.

Tuy nhiên từ ý tưởng đến hiện thực là cả chặng đường chông gai. Bởi trước đó, bác sĩ ngoại khoa Đoàn Hồng chỉ biết chụp hình phẫu thuật phục vụ việc điều trị bệnh, công việc đòi hỏi ở người bấm máy sự chính xác đến tàn nhẫn. Thế nhưng, từ ngày mê sếu, "ăn với sếu, ngủ với sếu, chơi với sếu", vẻ đẹp thăng hoa từ sự quý phái, nét kiêu sa của loài hạc đã làm sự cứng nhắc trong khoé nhìn của anh trở nên mềm mại đến không ngờ.

Anh tâm tình: "Đi khoan thai, đứng quý phái và nhất là khi hót... đẹp như nữ hoàng phiêu bồng trong giao cảm của đất-trời... nên sếu đã mớm cho tôi chất lãng mạn nghệ thuật".

Từ đó, mỗi lần chạm máy, anh như "phiêu" theo men cảm xúc của người nghệ sĩ rong chơi trong thế giới ảnh. Và cũng từ đó anh đã vượt qua mặc cảm của người ngoại đạo, mạnh dạn săn tìm và khám phá thêm vẻ đẹp trải rộng theo không gian và thời gian của loài chim quý hiếm bằng những cú bấm máy chắt chiu, chăm chút đến từng đường nét.


Chính vì thế mà anh không chỉ có nhiều ảnh sếu nhất mà còn là người có ảnh sếu đẹp và đa dạng nhất. Đó là hình ảnh đàn sếu tắm mình dưới những sợi nắng vàng óng mượt của ánh bình minh đang xuyên qua sương sớm, hay hình ảnh đàn sếu xếp hình chữ V bay giữa bao la sắc vàng rượm của ánh hoàng hôn muộn, làm rực lên bộ lông xám trắng điểm vài đốm màu vàng hư ảo đến nôn nao lòng người. Nhiều người nói, anh làm đẹp cho sếu, nhưng anh chỉ cười: Sếu làm đẹp cho anh.

Mà cũng phải, sếu không chỉ đã mang lại cho anh hơn 20 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, mà còn đưa anh bước vào hàng ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tuy nhiên, khác với đồng nghiệp, với anh giải thưởng ảnh sếu chỉ là phần phụ, bởi động cơ lớn nhất của anh chính là khám phá đến tận cùng ngóc ngách đời sống sinh hoạt phong phú của loài sếu. Vì thế, anh sẵn sàng bỏ ra hàng tháng ròng, đốt hàng trăm cuốn phim để chụp động tác ăn cua, ăn ốc của sếu đầu đỏ chỉ với mục đích giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu: Sếu không chỉ ăn năn kim...

Thế nhưng suốt 10 năm qua, anh không một lần tổ chức triển lãm cá nhân bởi anh có cách làm đậm chất nghệ sĩ: "Hàng năm tôi đều đầu tư cho cuộc triển lãm toàn xã hội bằng cách gởi tặng hàng trăm bức ảnh lớn, nhỏ về sếu cho những cá nhân, tổ chức nghiên cứu và người say mê". Và anh đã tặng Hội Bảo vệ sếu quốc tế tấm ảnh liên quan đến công trình nghiên cứu mà theo họ nó đáng giá cả 1.000USD.

Theo Vapa
 
Top