• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

“Vua chó” và thơ.

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Ông chủ của vương quốc chó mèo ở Hà Nội là Nguyễn Bảo Sinh. Ông nổi tiếng không chỉ bởi tài nuôi chó, chọi gà mà còn là một nghệ sĩ nghiệp dư đa tài: tài thơ, tài vẽ, tài võ.



Được gọi bằng tên của... chó.

Vua chó (biệt danh của, hay còn gọi Sinh chó), dáng người thấp nhỏ, da đồi mồi, trông như một nông dân, cười toe toét phô ra chiếc răng cửa đã bị gãy một nửa:

“Nói về chó thì vô kể. Tôi có thể kể triền miên ngày qua ngày”. Bắt đầu là hai chiếc sẹo, một trên trán, một dưới cằm do ngày xưa còn bé không hiểu tính chó, cứ nghĩ lúc chó sinh con cũng hiền như bình thường nên chui vào gầm giường cho ăn, thế là bị con chó mẹ đớp cho một nhát vào mặt.

Bây giờ kể lại có người cho là mình “bịa” vì làm sao hai chiếc sẹo lại cách nhau xa thế, họ không nghĩ ra là khuôn mặt của đứa bé 5 tuổi đã khác khi là một ông già.

Một thời cả Hà Nội rộ lên phong trào nuôi chó Nhật với biết bao bi kịch. Pitơ là con chó đực giỏi “làm tiền”. Một ngày, nó có thể “nhảy” được bốn con cái mà đều cho kết quả mỹ mãn!

Ngày đó, có một cán bộ Nhà nước đã về hưu mang con chó Nhật của mình đến nhà ông phối giống, than thở: “Tôi mất đứt ba tháng lương hưu cho một lần phối giống chó của ông mà kết quả thì chưa biết thế nào”. Nguyễn Bảo Sinh cầm tiền nói: “Tôi lấy ngần này tiền của ông thì cái tâm tôi cũng phải nghĩ chứ” và ông bật ra câu thơ:

Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm.

Thơ về chó của Nguyễn Bảo Sinh không nhiều nhưng đều được người nghe rất “khoái”. Có lần, nhà thơ Đăng Trung đang công tác ở Đắk Lắk gọi điện về cho ông nói, dân ở trong này hình như ai cũng thuộc bài thơ của cậu:

Đêm qua anh đi chơi về
Hương tình men rượu bay đi ít nhiều
Vợ con chẳng nói một điều
Chỉ con chó mực vẫy liều cái đuôi.
Kinh doanh chó... siêu mệt, siêu lời

Nói về tài kinh doanh chó, mèo thì chưa ai “qua mặt” được Nguyễn Bảo Sinh. Không chỉ trong nước mà tiếng tăm của ông còn bay sang cả nước ngoài, nhất là từ vụ ông đứng lên khởi xướng cuộc thi hoa hậu chó, mèo toàn quốc vào hồi tháng 1-2004. Nuôi chó thì ai cũng nuôi được song kinh doanh chó thì:

Siêu mệt, siêu chết, siêu lời
Lạc vào làng chó ít người thoát ra.
Mới lập trại chó hôm nào
Đống xương vô địch đã cao bằng đầu.

“Mấy câu thơ đó của tôi là quá đủ khi nói về công việc này rồi”, ông nói. Tôi sống như người nghệ sĩ nhưng tỉnh táo và khôn ngoan hơn nhiều doanh nhân khác đấy.

Rồi Nguyễn Bảo Sinh cười đắc ý, mình cũng phải đối với chó thế nào thì nó mới giúp mình kiếm được nhiều tiền thế chứ. Này nhé, có ở đâu mà loài động vật bốn chân luôn chạy loăng quăng, sủa ông ổng đó được sống sung sướng như ở đây không?

Có phòng thoáng mát trong một không gian hết sức trữ tình, có nhân viên phục vụ, có bác sĩ thú y theo dõi sức khỏe định kỳ. Nếu chẳng may “lìa đời” thì cũng có nghĩa trang chôn cất tử tế, có đài hóa thân hoàn vũ, có bia tưởng niệm.

Ngày rằm và mồng một có thân chủ đến “thăm hỏi”, thắp hương, đọc kinh cho đỡ tủi thân... chó! Con người mà biết yêu thương động vật như thế thì trái đất này sẽ chẳng bao giờ có hận thù, chiến tranh...

Song, đây không phải là trại chó tình thương mà là công việc kinh doanh nghiêm túc. Không thế, làm sao đủ sức gắn bó với nghề này gần 40 năm? Giá cho một khách hàng chó ở khách sạn này từ 40.000 đến 50.000 đồng/ngày.

Có thể sẽ có người thắc mắc: “Nghe có vẻ kỳ, ai lại mang chó vào đây gửi làm chi cho mệt?”. Đấy là những người yêu chó như con, có việc đi công tác xa muốn yên tâm về “cục cưng” của mình thì đem gửi vào đây.

Giá trị của chú khuyển không quan trọng bằng tình cảm mà chủ nhân dành cho nó. Gửi một tháng thì tiền thanh toán cho khách sạn có thể mua được cả chục con. Còn nếu muốn chăm sóc tại gia, chỉ cần “a lô”, các nhân viên của khách sạn sẽ đến ngay.

Một mình một cõi vô vi

Nguyễn Bảo Sinh luôn tự nhận mình là dân giang hồ nhưng cả đời ông gần như chỉ quanh quẩn với chó, mèo và ngự trị một giang sơn mà ông gọi là Vô vi quán:

Vô vi quán, quán vô vi
Vào trong xem thử có gì mua chơi
Ở đây bày cả đất trời
Vô vi quán chỉ mời người chân không.

Nhiều văn nghệ sĩ Hà thành có sở thích vào Vô vi quán tận hưởng sự thanh bình của chốn “bồng lai tiên cảnh” và có dịp thưởng thức những thú chơi khác người của ông vua chó.

Trên mặt hồ thả đầy cá vàng là tượng bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, tượng Bồ tát, Tiên đồng, Ngọc nữ và Nguyễn Bảo Sinh chắp tay A-di-đà theo sau do chính Nguyễn Bảo Sinh tự tay đắp. Ông còn xây cả Cửu trùng đài, đắp tượng 18 vị La hán xếp thành hàng bên tường rào, trước mỗi vị là một bát hương.

Trên cổng, các bức tường dù cao hoặc thấp và ở bất cứ chỗ nào có thể “trưng bày” chữ được là có những câu thơ Huyền thi của Nguyễn Bảo Sinh. Thơ ông là loại thơ không giống ai, khó khen mà cũng khó chê nhưng đã đọc một lần thì rất khó quên:

Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
Cho nên được gọi là khôn hơn người
Em xinh đâu bởi nụ cười
Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn.

Hoặc “Vợ là thánh chỉ vua ban / Có sao dùng vậy không bàn đúng sai”. “Tự nhiên buồn đến với ta/Tự nhiên buồn sẽ đi ra khỏi mình”. Nhà văn Tô Hoài từng thốt lên: “Đây là cách chơi siêu rồi!”.

Thế nhưng, nghề truyền thống của ông lại là vẽ tranh truyền thần. Ông và anh trai Nguyễn Bảo Nguyên được coi là cặp họa sĩ vẽ truyền thần vào bậc nhất miền Bắc.

Tranh của ông được treo ngay trong phòng khách của Vô vi quán. Những ngày cuối năm 2005, Nguyễn Bảo Sinh đang cho tiến hành xây một gallery bên trên phòng khách để có thể tự triển lãm những tác phẩm của mình.

Thu Huyền ( Người lao động)
 
Top