• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

“Tiếng khóc” chim rừng

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Hàng trăm tay săn chim ngày đêm lùng sục tìm kiếm, săn bẫy những loài chim quý để đưa về thành phố trao đổi, mua bán. Những con chim bị nhốt trong lồng nhảy đạp liên tục và cất lên những “tiếng khóc” muốn trở về với đồng loài và rừng núi. Tình trạng săn băt chim rừng đang ở mức đáng lo ngại tại Gia Lai.

Một cửa hàng bán đủ loài chim cảnh như két, cu gáy, chích chòe... trong con hẻm trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: Chí Quốc

Trong một ngôi nhà bán chim ở đường Phan Đình Phùng chỉ cỡ 30m2 nhưng treo gần 50 lồng chim các loại. Có lồng chỉ nhốt một con, nhưng có lồng nhốt 20-30 chim chào mào, chích chòe... Những chú chim tù túng trong những chiếc lồng nhỏ nhiều kiểu dáng, nhiều màu sắc đang run rẩy, lo sợ...

Giữa rừng núi bao la, cây cối nhiều tầng lớp, chim tung hoành bay lượn và theo bản năng tự nhiên, chúng thường xuyên ngân nga gọi bạn, gọi tình, gọi đàn và tìm con nhỏ mỗi khi chim mẹ đang tập bay và kiếm mồi. Nhưng một khi đã bị con người bắt về “nhốt tù” thì điều dễ thấy của chim rừng là chúng sẽ không hoặc ít hót, chủ yếu là nhảy nhót mong tìm chỗ để thoát thân, hoặc có hót thì giọng hót lạc điệu như khóc than, kêu cứu.

Chim rừng mới bắt, còn nhát và chưa biết ăn cám tổng hợp được bán với giá 30.000-50.000 đồng/con; chào mào mồng đỏ, lông mượt nuôi từ nhỏ, “đơn ca” tuyệt diệu thì 300.000-400.000 đồng/con. Nhồng, loài chim quý có thể nói được một số từ giống như tiếng người, nghe là lạ, nên giá bán trên 5 triệu đồng.

Trên đường Trần Hưng Đạo, nơi hành lang của công viên Lý Tự Trọng và phần đối diện với quảng trường 17-3, có tới ba chủ bán chim rừng và hai, ba chiếc xe máy là những chợ “di động” bán chim. Ở đây chim trời đẹp, quý hiếm được bày bán tự do.

Anh Ksor Nhiel, một người bán chim, cho biết: “Nghề săn bắt chim trời trước đây dễ lắm. Rừng nhiều, chim nhiều mà người đi săn bắt ít nên đến mùa này một ngày đi cũng kiếm được hai, ba trăm ngàn đồng. Nay thì rất khó khăn do rừng bị tàn phá nhiều, chim cũng ít đi do con người săn bắt, phải đi 4-5 ngày đường vào tận rừng sâu những nơi yên tĩnh, có suối cạn, bãi đất bằng... thích nghi với môi trường sinh sống của các loài chim mới căng bẫy rình bắt hoặc tìm tổ để bắt chim con. Nhưng chủ yếu bắt được các loài chim rẻ tiền như chích chòe, cu gáy, chào mào...”.

Thực tế trên thật đáng lo ngại. Số lượng chim rừng ngày càng giảm, một phần do con người tàn phá rừng, môi trường sinh sống của chim, phần khác do con người săn bắt cả chim con.

Để bảo vệ chim rừng khỏi họa diệt chủng thì ý thức của mỗi người trong việc thực hiện “ba không”: không săn bắt, không mua bán và không chơi chim cũng góp phần ngăn chặn việc săn bắt động vật này. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại gốc.

Nếu như phần cung (người bán chim) đáp ứng được phần cầu (người chơi chim) thì họa bắt chim rừng sẽ vẫn mãi tồn tại. Và một vài năm sau, con cháu chúng ta sẽ không còn biết vẻ đẹp của chim rừng, không được nghe chim hót những giai điệu trữ tình đầy lưu luyến, những “bản tình ca” hạnh phúc giữa con người và thiên nhiên... Mà thay vào đó là “tiếng khóc” lo sợ của những chú chim trời bé bỏng trước họa săn bắt chim rừng của loài người.

TRIỆU AN
 
Top