• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

“Bà ngoại” của mèo

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Sinh năm 1951, qua năm Tân Mão (2011), bà Dương Thị Kim Chi bước qua tuổi 60, cái tuổi mà người đời cho rằng “đi hết một vòng can chi”. Điều đặc biệt, người phụ nữ tuổi Mão này đang nuôi dưỡng đàn mèo 20 con. Mọi người xung quanh thường gọi bà Chi bằng một biệt danh trìu mến: “Bà Ngoại mèo”.



1. Dù nhà bà nằm khuất sâu trong con hẻm trên đường Lý Đạo Thành (phường 16, quận 8, TP.HCM) nhưng nhắc đến “Bà Ngoại mèo” là hàng xóm láng giềng đều biết. Họ thường nói đùa: “Nuôi đàn mèo cứ như nuôi con mọn”.

Lấy những cuốn album ảnh trong ngăn tủ ra, bà Chi kể tỉ mỉ cho chúng tôi nghe về “xuất thân” của từng chú mèo.

Chăm sóc đàn mèo là niềm vui hàng ngày của bà Chi Chỉ tay vào tấm hình của con mèo tam thể, bà Chi kể lại: “Cách đây hơn 15 năm, bà có nuôi một con mèo tam thể được 7 tuổi. Do sơ suất, con mèo này đi lạc đã khiến bà phải ân hận mãi. Nó là “cụ” của một số con trong đàn mèo hiện tại. Một buổi chiều cuối tuần, cụ mèo tam thể đi lạc sang chung cư gần đó và không biết đường về nhà. Suốt buổi chiều, cả nhà của bà túa nhau đi tìm nhưng vô vọng. Vài hôm sau, người ta phát hiện nó đã chết trong góc tường chung cư từ lúc nào. Từ đó, bà không bao giờ có ý nghĩ sẽ thả chúng ra chỉ sợ đám mèo lại đi lạc, đói và chết như con mèo tam thể ngày trước”.

Theo chân bà lên tầng thượng, nơi các “cô cậu” mèo sinh sống, bà gọi từng con với cái tên khá ngộ nghĩnh. Dựa theo màu lông và đặc tính của từng con, thế là bà đặt cho mỗi đứa một cái tên như: thằng “Bạc Sỉu” do màu lông của nó có màu cà phê sữa nhạt, con “Nhọ” bởi nó có vết đen ở mũi, con “Quỷ Nhỏ” vì dáng thì bé xíu nhưng nghịch ngợm vô cùng.

Chỉ chú mèo có tên “Xinh Đẹp”, bà Chi tươi cười nói: “Từ bé nó là đứa xinh nhất đàn nên đặt cho nó cái tên như thế. Nay đã 10 tuổi rồi mà chẳng thấy nó già đi chút nào”. Bà lại chỉ một cô mèo dáng đi đỏng đảnh chợt lướt qua, bà Chi nói: “Đây là bé Điêu Thuyền, cho nó sở hữu tên đó vì nó dạn dĩ, dáng đẹp, lông trắng muốt”. Cách đây mấy năm, bà Chi nhặt về khi “Điêu Thuyền” còn chỉ là con mèo con gần 1 tháng tuổi lạc đàn, đang đứng nép bên vệ đường, 4 chân sưng tấy vì ngâm nước quá lâu.

Bầy mèo bà Chi đang nuôi dưỡng2. Việc chăm sóc đàn mèo khá vất vả, trời tờ mờ sáng, bà Chi lên tầng thượng làm vệ sinh chuồng cho chúng sạch sẽ. Mỗi một chú mèo về “nhập gia”, bà dạy cho chúng phải... “tùy tục”. Chỗ đi vệ sinh là một góc sân thượng trên lầu 3 của căn nhà. Hằng ngày, bà mất 15 phút cho công việc dọn dẹp vệ sinh chỗ ở của mèo vào buổi sáng. Khi chuồng trại đã sạch sẽ, bà mới bắt đầu lấy chén cho chúng ăn. Cứ mỗi con là 1 cái chén, 20 cái chén khác nhau được sắp ra và từng con mèo sẽ được phân phát thức ăn đến tận nơi. Chẳng hề thấy bọn chúng chen đến giành lấy đồ ăn của nhau.

Bà Chi cho biết: “Những con đầu đàn, thuộc hạng “lão làng” rất kén kị chung chén với những con khác. Chỉ có mấy con mèo nhóc hay chọc phá nhau nên mới thỉnh thoảng giành ăn của những con bên cạnh”. Trong đàn mèo của bà, con già nhất cả chục tuổi, con trẻ nhất cũng ngót nghét 2 tuổi. Để đảm bảo vệ sinh cho đám mèo, bà mua thức ăn được bán sẵn ở các cửa hàng rồi cho người chở về tận nhà.

* * *

Quả thực, chỉ với tình yêu thương thực sự mới có thể hy sinh thời gian và công sức để nuôi bọn chúng. Đơn giản, trong thâm tâm bà Chi không muốn đàn mèo bỗng chốc trở thành: “Lũ mèo hoang”.

Điền Minh - Hoài Vy
 
Top