• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

‘Kết duyên’ với ngựa

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Không ít “đại gia” sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để mua, chăm sóc ngựa và để được ngắm chúng tung vó trong các cuộc đua.

Vào những ngày cuối tuần, nhiều người xa lạ bỗng chốc trở nên thân thiện, bởi được hòa mình vào không khí náo nhiệt của trường đua Phú Thọ, cùng bàn luận sôi nổi về các chú ngựa đua. “Đến đây, tôi không chỉ được chứng kiến những vòng đua hấp dẫn mà còn có thể làm quen với nhiều người. Chúng tôi giờ đã thành người thân thiết”, ông Nguyễn Văn Tài, trú tại khu phố 4, phường 7, quận 11, TP.HCM, cho biết.

Đam mê không dễ bán, mua

Cũng như bóng đá, cầu lông, chạy bộ, tennis…, đua ngựa là môn thể thao có những “tín đồ” trung thành. Nhiều “đại gia” sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để mua, chăm sóc ngựa và để được ngắm chúng tung vó trong các cuộc đua.

Ngựa được dẫn diễu hành trước khi vào đua Ảnh: Ngọc Hùng.​

“Chủ ngựa đua phải đầu tư rất tốn kém, từ thuê người chăm sóc đến thức ăn, khám chữa bệnh… Trong khi đó, không phải cứ cho ngựa ra đua là giật được giải”, một chủ ngựa cho biết.

Tuy nhiên, để kiếm được một chú ngựa đua hay, ngoại hình đẹp thì không phải cứ nhiều tiền là mua được. Nhất là với những chú ngựa từng về nhất, nhì trong các cuộc đua. Các chủ ngựa vốn là những “đại gia”, họ chỉ mua thêm chứ hiếm khi bán. Với họ, tiền bạc không thành vấn đề mà chủ yếu là đam mê.

Hiện dân mê ngựa TP HCM rất “kết” hai con ngựa bất khả chiến bại trên trường đua Phú Thọ là con Lý Hồng Niên của chủ ngựa Trương Thị Thanh (chỉ tính riêng trong năm 2008 đã có 9 lần về nhì và 7 lần về nhất) và con Anh Mỹ của chủ ngựa Dương Tuấn Thanh, hầu như không có đối thủ trên trường đua, xuất trận là về nhất, nhì.

Theo một “mã sư”, giá mỗi con ngựa như vậy, tùy từng thời điểm phong độ, lúc thấp lúc cao, nhưng ít cũng phải trên 20.000 USD. “Mã sư” này nhấn mạnh: “Vả lại, mua được hay không cũng còn tùy vào cái duyên giữa người và ngựa nữa”.

Cả đời cùng ngựa

Có không ít người vì đam mê ngựa mà cả cuộc đời gắn liền với trường đua Phú Thọ. Sinh ra và lớn lên ở phường Đức Lập Hạ, tỉnh Long An, vùng đất nổi tiếng khắp miền Nam về việc huấn luyện và cung cấp nài đua cho trường đua Phú Thọ, ông Lê Văn Bảy sống cùng ngựa từ khi mới 6 tuổi. Ông nổi tiếng về kỹ thuật nài và sự am hiểu ngựa. Xấp xỉ 70 tuổi nhưng cuối tuần, người ta lại thấy ông với chiếc nón rộng vành đến cổ vũ các cuộc đua.

Đông khán giả đến trường đua Phú Thọ xem đua ngựa vào cuối tuần.​

Bước chạy trên đường đua của một con ngựa có thể là niềm vui của nhiều người. Nhưng với những nài ngựa, phu ngựa, nó thể hiện công chăm sóc, bao mồ hôi và tâm huyết.

Nài ngựa thường là những trẻ 10-15 tuổi, thất học sớm, với tuổi nghề chỉ 3 - 5 năm. Còn những phu ngựa thường có cuộc sống khốn khó, luẩn quẩn trong vòng nghèo đói. Lão phu Nguyễn Văn Bé là một ví dụ. Gần 70 tuổi, lão luôn phải làm nhiều nghề khác nhau để lo cho gia đình, nhưng vì đam mê ngựa nên bám đến cùng nghề này. “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc về những quyết định của mình. Nếu có lựa chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn ngựa làm bạn tri kỷ cho mình mà không một chút đắn đo suy nghĩ”, lão Tư Bé nói với vẻ hạnh phúc xen lẫn tự hào.

Đua ngựa du nhập vào Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ trước. Ban đầu, trường đua Phú Thọ được lập ra để phục vụ người Pháp trong thời kỳ xâm chiếm và cai trị ba nước Đông Dương. Cũng từ đó, một bộ phận tây học, tầng lớp quan lại cũ được tiếp xúc với môn thể thao “quý tộc” này.

Đất Việt
 
Top