• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Đi tìm "quái vật" sông Đà

Hoangminh

Member
Những con cá to như cây chuối, nặng vài chục kg, thậm chí có con nặng cả tạ, thường sống ở những thác nước lớn, hang đá dưới lòng những con sông chảy xiết, là loài ăn thịt, rất hung dữ và món khoái khẩu của chúng chính là xác động vật...

Mấy năm trước, ngồi trò chuyện với GS-TSKH Đặng Vũ Khúc, chuyên gia địa chất hàng đầu Việt Nam, tại Bảo tàng Địa chất, tôi nhớ mãi lời ông nói: “Sông Đà chảy qua vùng đá gốc cổ với nhiều cấu tạo địa chất, nhiều tầng đá có tuổi khác nhau. Ở những vùng này, nền đá cứng ép lòng sông nhỏ lại, hai bên sông vách đá cao vút, con sông trở nên hung dữ như quái vật, ầm ào lao đi như tên bắn”.


Tôi ấn tượng mãi về câu nhận xét con sông Đà như quái vật của TSKH Đặng Vũ Khúc, bởi không phải là người từng bỏ lại cả tuổi thanh xuân dưới những gềnh thác sông Đà, thì không thể có được lời nhận xét chí lý đến thế. Và, nếu ai không một lần ngược sông Đà bằng những con thuyền độc mộc nhỏ xíu vượt sóng dữ, thì cũng không thể thấm thía được câu so sánh đó.



Tác giả đi thuyền ngược sông Đà.

Tuy nhiên, người mô tả kỹ càng nhất con sông này và đưa nó vào những áng văn bất hủ phải kể đến cụ Nguyễn Tuân. Cụ Nguyễn Tuân gọi sông Đà là con ngựa bất kham. Đôi lúc, cụ gọi nó là con sông “Ma-cà-rồng”.
Với cụ Tuân, hình ảnh “con sông Ma-cà-rồng” đầy chất thi ca, hình ảnh, nhưng với đồng bào Thái, Mường, Khơ-mú… sống ven sông Đà, thì con sông Đà là một con Ma-cà-rồng thực sự, khi mỗi năm nó “ăn thịt” không biết bao nhiêu mạng người.

Trong nhiều chuyến lang thang ngược lên phía đầu nguồn sông Đà, sống với đồng bào ven sông, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện rùng rợn về những con thác dữ được đồng bào gọi là “quái vật” giết người, còn những loài cá lăng, cá chiên khổng lồ dưới lòng sông là những “quái vật” chúng ăn xác động vật và cả xác những người xấu số bị chết đuối.

Tôi cứ ám ảnh mãi với câu chuyện về lão Pàng, sống ở Nậm Cà Nàng, ngay ven sông Đà, vùng đất sơn cùng thủy tận của Quỳnh Nhai, giáp với Sìn Hồ và Than Uyên (Lai Châu). Nơi đây, dòng sông ép lại như cái máng nước, tạo thành thác lớn, nước xối như tên bắn, tạo thành một vũng xoáy khổng lồ.


Lão Pàng chỉ Vũng Pót nuốt người.

Vũng xoáy khổng lồ này được người dân Quỳnh Nhai gọi là Văng Pót. Theo tiếng Thái cổ, văng là vũng, pót là phổi, do đó Văng Pót có nghĩa là “vũng phổi”. Người Thái nơi đây tin rằng, nó là lá phổi của người đẹp, khi nàng tự mổ bụng ném tim gan phèo phổi của mình ra tứ phía để phản đối chuyện cha mẹ, bản làng ép duyên...

Con đường duy nhất từ huyện lỵ Quỳnh Nhai lên xã là đường sông, dài chừng 20 km. Mùa lũ năm nào cũng vậy, thác nước này lại nuốt chửng những chiếc thuyền mỏng manh của những lái đò chưa có nhiều kinh nghiệm, cuốn những mạng người xấu số xuống vụng xoáy, rồi nhấn chìm trong những vách đá, hang ngầm dưới lòng sông.

Hễ có vụ Hà Bá nuốt người nào, người ta lại gọi lão Pàng. Lão Pàng sống một mình, không vợ con. Lão từng có một người vợ trẻ, là người đàn bà chìm sông lạc lối lão vớt được. Do cảm động ơn cứu mạng mà ở lại với lão, nhưng rồi chỉ ở được một năm chị ta đã bỏ lão đi mất.



Cá chiên - "quái vật" sông Đà. (Ảnh sưu tầm).

Lão Pàng có khuôn mặt rám nắng, làn da đỏ màu phù sa. Không cần ống thở, bình hơi, lão đâm đầu thẳng xuống vũng xoáy tìm xác người. Có xác mắc kẹt ở chỗ nông thì lão tìm được, còn mắc kẹt ở hang sâu cả chục mét nước thì lão chịu, phải chờ xác trương thối, nổi lên mới mong tìm thấy. Nhiều xác bị dòng nước xiết cuốn mạnh, cứ lăn dưới đáy sông, trôi xa vài chục km mới nổi lên, bị dòng chảy hất văng lên bãi cát, hoặc mắc vào cành cây, bụi cỏ.

Bao nhiêu năm lao xuống vụng xoáy tìm xác người, lão Pàng đã chôn kín một khoảnh đất ven sông những xác chết vô thừa nhận. Có những xác chết là người miền xuôi, không biết người thân là ai mà báo tin, có những xác chết là người bản địa, không còn nguyên vẹn, nên cũng chẳng thể nhận dạng. Lão cứ chôn đại xuống đất, không bia mộ, cũng chẳng hương khói.



Món ăn khoái khẩu của "quái vật" cá chiên là xác động vật.

Cái chết chìm sông nào ở vùng đầu nguồn sông Đà này cũng đau lòng ghê gớm. Nhưng, những cái chết không vớt được xác ngay thì đau đớn hơn nhiều. Nếu xác chết chìm dưới dòng sông vài ngày, sẽ không còn nguyên vẹn bởi loài cá lăng, cá chiên, loài cá mà đồng bào Thái ven sông Đà gọi là “quái vật”.

Loài cá này, to như cây chuối, nặng vài chục kg, thậm chí có con nặng cả tạ, chuyên sống ở những thác nước lớn, hang đá dưới lòng những con sông chảy xiết này là loài ăn thịt, rất hung dữ và món khoái khẩu của chúng chính là động vật và tất nhiên những xác chết đuối mà chúng tìm thấy cũng bị chúng xâu xé...


Một thanh niên ở Quỳnh Nhai săn được cá chiên sông Đà.

Vậy nên, mỗi khi có người chết đuối, đồng bào Thái dọc ven sông đều đổ ra ven bờ, dùng lưỡi câu giăng ngang sông tầng tầng lớp lớp, rồi lưới bủa vây chặn các luồng nước, để truy tìm xác chết, những mong tìm thấy xác trước khi bị “quái vật” đến xâu xé. Nhưng nhiều lúc lúc tìm được xác, thì người sống đều ngất lên ngất xuống khi chứng kiến cảnh người thân của mình mất tay, mất chân... hoặc rách te tua không còn nhận dạng được nữa.

Chuyện những người săn cá quăng lưới vớt được những bộ xương còn mới, song thịt thì đã bị rỉa mất sạch không còn là lạ ở nơi này. Loài “quái vật” lăng, chiên hung dữ kéo đàn rỉa sạch thịt của nạn nhân chỉ trong chốc lát đã là nỗi kinh hoàng của những người dân sống ven đầu nguồn sông Đà.

Theo Phạm Ngọc Dương
 

Hoangminh

Member
“Quái vật” sông Đà và câu chuyện rùng rợn

Một người đánh cá ở sông Đà, đoạn dòng Nậm Mu đổ ra, khi quăng chài, đã kéo lên một thi thể đang bị phân hủy, không còn ra hình hài một con người nữa. Một số bộ phận trên cơ thể đã bị biến mất...

Khi thủy điện Sơn La khởi công, cũng là lúc các kỹ sư địa chất gói ghém hành lý ngược dòng Nậm Mu làm công việc liên quan đến địa chất để xây dựng thủy điện Huổi Quảng và thủy điện Bản Chát, đặc biệt là thủy điện Nậm Nhùn rất lớn trên đầu nguồn sông Đà.

Tôi đã từng có thời gian suốt nửa tháng lội núi băng rừng, cưỡi thuyền ngược thác dữ theo những người lính địa chất và được chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng, những hi sinh thầm lặng của những người làm địa chất nơi rừng xanh núi đỏ.



Dòng nước dữ sông Đà

Chiếc U-oát cũ rích long sòng sọc như bu gà nhảy chồm chồm trên con đường đá hộc lởm chởm từ xã Ít Ong vượt qua dãy núi đá vôi Pi Toong sừng sững. Đoạn đường chấm dứt ở bản Cun thuộc xã Chiềng Lao (Mường La). Từ đây, muốn đến địa điểm sắp xây dựng thủy điện Huổi Quảng, nơi giáp ranh giữa huyện Mường La và huyện Than Uyên của Lai Châu, phải đi thuyền đến thác Nà Cương, rồi cứ cuốc bộ ngược sông Nậm Mu.


Đứng trên dãy núi Hua Trai cao lừng lững kéo dài từ Trạm Tấu về, nhìn xuống thung lũng, thấy gương mặt dòng Nậm Mu xếp chồng lên nhau những nếp nhăn dài. Nó dềnh lên trong mắt sự hoang vu, mông muội trong cái ánh sáng lấp lánh của những câu chuyện cổ xưa. Doi cát nhô ra, buổi chiều tím lại, trời lạnh cắt da cắt thịt mà các cô gái Thái vẫn khỏa trần dưới sông khoe làn da lên màu men sứ nguyên sơ đến lạ lùng.

Anh Huỳnh Phong, Phó giám đốc Xí nghiệp khảo sát xây dựng điện I, trông qua dễ nhầm là gã sơn tràng cả đời ăn bờ ngủ bụi, bảo: “Sông Nậm Mu đẹp lắm, nhưng thác thì dữ dội, chẳng năm nào nó không nuốt mất vài mạng sống của ông lái đò, của những trẻ nhỏ, kể cả những người lính địa chất đã quá dạn dày với núi sông, rừng thẳm. Kẻ chìm sông lạc suối ở Nậm Mu không tìm thấy xác, trôi ra sông Đà là bị thủy quái ăn thịt ngay”.



Anh Phong và anh Nhân là những người chứng kiến cái chết đau lòng của 1 kỹ sư.

Nói rồi, anh Phong dẫn tôi trượt từ sườn Hua Trai xuống bản Nà Lếch, nằm bên sông Nậm Mu. Ven sông mùa nước cạn, những bãi cát lấp lánh, bãi cỏ gianh rậm rì. Anh vạch bụi cỏ gianh, một nấm đất buồn thảm nhô ra, mấy cọng hương vung vãi, mốc thếch. Lâu lắm rồi không có bàn tay người chăm sóc ngôi mộ. Trên tấm bia gỗ khắc dòng chữ đơn sơ: Phạm Văn B, sinh năm 1978, mất năm 2004, quê quán TP. Hạ Long.

Phạm Văn B là một kỹ sư khoan năng động, xốc vác, có trách nhiệm với công việc, sẵn sàng theo chân lớp kỹ sư già đi hết cánh rừng này đến dòng sông khác để chia sẻ cái nhọc nhằn mà lớp cha chú đã trải qua. Nhớ lại cái chết bi tráng của B ai cũng thương xót, nuối tiếc.

Đó là một buổi chiều tối tháng 5-2004, khi anh em kỹ sư địa chất chuẩn bị dọn cơm trong căn lều bên sông Nậm Mu thì Phạm Văn B, chàng kỹ sư trẻ tuổi, tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất khóa 43, cứ nằng nặc đòi sang bên kia sông kiểm tra lại mũi khoan xem có an toàn, có thành công như mong đợi không. Sớm mai anh được về phép sau mấy tháng xa người vợ mới cưới, nên anh muốn sang sông kiểm tra mũi khoan lần cuối cho an tâm.


Mưu sinh trên sông Đà.

Khi anh em đang ăn cơm, một cô bé gái người Thái nước mắt ngắn dài vào lều báo: “Chú B bị lũ cuốn trôi mất rồi!”.

Mọi người chạy thục mạng ra bờ sông, nhưng chỉ thấy dòng sông đỏ au cuồn cuộn. Những súc gỗ đen ngòm lao vùn vụt trong dòng nước xiết. Nhìn dòng nước ấy, người khóc lóc xót thương, người chỉ biết than trời!


Cô bé người Thái kể rằng, em nhìn thấy chú B cứ đi đi lại lại bên sông để tìm chiếc bè (anh em địa chất phải căng dây cáp qua sông Nậm Mu, rồi chân dẫm vào bè, tay lần dây cáp mới qua được con sông hung dữ này), nhưng chắc nước lớn cuốn bè trôi mất rồi. Không có bè, B liều mạng bám vào sợi dây cáp bơi qua sông.



Một con cá chiên cỡ trung bình.

Thế nhưng, khi ra đến giữa dòng thì lũ bất chợt đổ về. Lũ quật anh như cơn bão quật trái cây trên cành. Sức thanh niên trai tráng cũng đâu địch lại với lũ Nậm Mu. B mất hút trong dòng nước đỏ lòm quái quỷ.

Cả đêm hôm ấy, anh em địa chất chạy dọc hai bên bờ sông, đèn pin soi loang loáng mặt nước, chỉ mong tìm được xác B nguyên vẹn cho đỡ tủi thân, nhưng chạy cả chục cây số, ra đến tận sông Đà mà vẫn không tìm thấy B đâu.

Đồng bào Thái ở ven sông Nậm Mu có bao nhiêu lưới, móc câu đều giăng kín sông, nhưng chẳng câu được gì, xác B vẫn mất tăm, mất tích trong dòng nước.


"Quái vật" vào... nhà hàng đặc sản. (Ảnh sưu tầm).

Hơn nửa tháng sau, một người đánh cá ở sông Đà, đoạn dòng Nậm Mu đổ ra, khi quăng chài, đã kéo lên một thi thể đang phân hủy, không còn ra hình hài một con người nữa.

Người dân dọc sông Đà, phần chảy qua Lai Châu, Sơn La đã quen với việc gặp những xác chết bị cá xâu xé như thế. Loài cá lăng, chiên khổng lồ, lừ đừ như quả bom dưới nước nào có tha thứ gì. Những xác chết, động vật thối rữa là khoái khẩu của chúng.

Anh em địa chất đắng lòng nhận ra chàng kỹ sư B qua chiếc áo đã rách tơi tả, chiếc áo mà vợ mua cho B vẫn giữ gìn, vẫn gối đêm đêm trong giấc ngủ đơn côi giữa rừng già. Quá đau đớn, quá khủng khiếp! Người nhà nhìn thấy thảm cảnh này sao mà chịu được! Nghĩ vậy, anh em địa chất mang B lên bãi cỏ gần nơi làm việc chôn để tiện hương khói. Buổi làm tang ma chôn B cũng chỉ có mấy chén rượu tiễn biệt và chứa chan nước mắt.



Loài "quái vật" này rất phổ biến trên sông Đà.

Sau khi B chết, mấy lần anh em thay nhau về phép tìm gặp vợ B, nhưng không ai đủ can đảm để nói ra sự thật thảm khốc ấy. Cái chết của B quá bi thương, khủng khiếp. Anh Phong và các lãnh đạo Xí nghiệp đều là bậc cha chú, mấy lần định nói sự thật, song khi gặp vợ B ở công ty đều tránh vì không biết phải nói thế nào. Chuyện B chết, lại bị “quái vật” cá lăng, cá chiên sông Đà xâu xé cả cái cơ quan ấy đều sụt sùi kể cho nhau nghe, trong khi phải nửa năm sau vợ B mới biết.

Sau chuyến ngược sông Đà theo những kỹ sư địa chất, tôi tìm gặp vợ B, sống cô độc trong một căn phòng gác hai của một dãy nhà chung cư nằm ở ngoại vi thị xã Hà Đông. Vợ Bình là Phạm Hồng P, công tác cùng cơ quan với chồng.

Căn nhà trọ độ 25m2 mà có cảm giác rộng thênh thang. P ngồi bó gối ở góc phòng với đôi mắt buồn rười rượi. Tôi ngồi bên P mà không dám hỏi nhiều về B, bởi cứ nhắc đến là P không kìm lòng được.

B và P cùng làm ở phòng Kỹ thuật địa chất. Mặc dù làm cùng cơ quan, song cả năm gặp nhau được vài lần. Trước ngày cưới một tuần, B vẫn còn lặn lội ở sông Nậm Mu. Chưa trọn tuần trăng mật đã lại khăn gói lên đường, rồi sự việc không may ập đến.

P nói trong nước mắt: "Cưới xong một tuần thì anh ấy nằng nặc đòi đi. Anh bảo không có ai theo dõi mũi khoan thì không yên tâm. Anh ấy mất hồi tháng 5 mà đến tháng 11 em mới biết".

Suốt nửa năm không thấy tin tức chồng, trong lòng như có lửa đốt. Như có linh tính mách bảo, P bắt xe khách, xe ôm rồi đi bộ vào tận Huổi Quảng. Không giấu được nữa, nên anh em địa chất phải nói thẳng chuyện B chết với P. Lúc tìm thấy chồng thì mộ chồng đã xanh cỏ rồi. 24 tuổi, chưa có mụn con, P trở thành góa phụ.

Còn tiếp…

Theo Phạm Ngọc Dương
 

iuuuui

Member
Hehe, thế mà các Bác nhà ta đua nhau vào nhà hàng đặc sản ăn thịt cá lăng, cá chiên ! Không biết đọc được bài này thì nhu cầu về loại cá sắp tuyệt chủng này có giảm đi không ?
 
Chuyện đau lòng thật, còn chuyện ăn cá thì khỏi phải nói. Không biết sau khi đọc bài này người ta còn đủ tâm trí mà ăn loài cá này đến độ tuyệt chủng nữa không, cứ như ăn thịt người một cách gián tiếp vậy, ghê quá.
 
Đúng là hêt truyện để viết, sông Đà nước chảy mạnh, đá ngầm thì nhiểu xác chết chìm tất nhiên khi vớt lên thì không nguyên vẹn

liên quan gì đến cá lăng chứ, lại còn có cái tên "quái vật sông đà chứ" .
 

Hoangminh

Member
Săn “trâu mộng” dưới đáy sông Đà

Mấy năm nay, cá lăng, chiên có giá rất cao. Một con chiên, lăng có thể có giá bằng cả một con trâu mộng, nên bà con thường gọi loài “quái vật” sông Đà này là “trâu mộng sông Đà”.


Quăng lưới săn cá trên sông Đà.

Đoạn sông Đà chảy qua xã Liệp Tè thuộc huyện Thuận Châu (Sơn La), vùng đất giáp với huyện Quỳnh Nhai được coi là vựa cá chiên, lăng, quất, dầm xanh… toàn những loài cá quý hiếm, sống trong vùng nước dữ. Trong đó, nổi tiếng nhất ở khu vực này là cá chiên, bởi chúng rất lớn và có thân hình hết sức kỳ quái, thịt lại rất ngon.

Như lời ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Liệp Tè Lò Văn Sáy, dưới lòng sông Đà đoạn chảy qua xã, đặc biệt là bản Pá Màng rất sâu, nhiều vụng xoáy, hang động lớn dưới đáy sông, nên là nơi lý tưởng để “quái vật” cá chiên, lăng trú ngụ.



Đi tìm vựa cá.

Đồng bào Thái, Khơmú sống bằng nghề đánh cá dọc sông Đà coi “quái vật” cá chiên là loài cá đặc biệt, nó như loài cá nguyên thủy cổ xưa còn sót lại bởi hình thù kỳ quái, trọng lượng khổng lồ và khôn ranh như quái vật thành tinh.


Đồng bào tin rằng, loài cá này cũng như con người, chúng coi hang động như nhà ở. Chúng cứ sống trong những cái hang sâu nhất, nước chảy dữ nhất, đến khi nào già, chết thì thôi. Mà chả ai lặn xuống được những cái hang dưới dòng nước xiết ấy để bắt, nên tuổi thọ của chúng đến vài chục năm và trọng lượng nặng đến 50-60kg là chuyện bình thường. Thậm chí, nhiều con cụ kỵ nặng đến cả tạ.



Dùng cụp bẫy cá.

Những con cá chiên khổng lồ có hình thù không khác gì “quái vật”. Cái đầu nó to đùng, bè ra, mốc thếch như một phiến đá. Toàn thân da nhẵn không vẩy, nhưng xù xì u mấu như khúc gỗ và màu sắc loang lổ trông phát sợ.


Bà con người Thái ở Liệp Tè là những người có kỹ nghệ săn cá chiên giỏi nhất vùng sông Đà. Đi thuyền dọc sông Đà, có thể thấy những cái đăng khổng lồ giăng kín đoạn sông dùng để bắt cá lớn. Đăng lớn đến nỗi tưởng như có thể nuốt chửng cả con thuyền đuôi én.

Tuy nhiên, những cái đăng lớn đó chỉ săn được loài cá khác, hoặc những con lăng, chiên nhỏ ham chơi, mải nô đùa với dòng nước nên bị lạc vào, chứ khó có thể tóm được những “quái vật” đã “thành tinh”.


Đợi chồng mang cá về.

Để săn được cá chiên lớn, đồng bào nơi đây phải chế tạo ra những bộ cung tên đặc biệt, có thể bắn được dưới nước. Mũi tên bằng đồng, có ngạnh và được nối với một sợi dây rất bền. Những thợ lặn chịu được sức ép lớn sẽ lặn xuống đáy sông, mò vào hang rồi ngắm bắn chính xác vào phần gáy của “quái vật”.

Những cao thủ lặn sâu cũng có thể dùng lao để đâm “quái vật” như thợ săn cá voi, cá mập ngoài biển cả. Tuy nhiên, cách săn này chỉ áp dụng với mùa khô, nước chảy hiền hòa, trong vắt và ở những vùng nước cạn. Với chỗ nước sâu, hang sâu ngoắt ngoéo, là nơi trú ngụ của cá lớn thì không thể lặn xuống được. Trong khi đó, chỉ vào mùa lũ, nước chảy mạnh, mới là mùa săn cá chiên khổng lồ.

Để tóm được “quái vật” khổng lồ, thường chỉ có cách rải lưỡi câu. Lưỡi câu “quái vật” là bí quyết của đồng bào ở Liệp Tè mà không ai tiết lộ. Để kéo được loài cá khổng lồ, hung dữ, rất khỏe này, lưỡi phải vô cùng sắc lẹm và cứng. Người ta kể rất nhiều câu chuyện về bí quyết rèn thép để tạo ra những cái lưỡi săn “quái vật”. Tuy nhiên, theo ông Sáy, người Thái ở đây cũng không rèn nổi loại thép cứng chịu được sức mạnh của cá chiên.



Con cá chiên dài bằng mấy tấm lá chuối ghép lại (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng).

Lưỡi câu cá chiên được làm từ dây cáp neo những con tàu hàng vạn tấn. Những sợi cáp này to bằng nan hoa xe máy và độ cứng thì khủng khiếp. Khi mua được những sợi cáp, thợ rèn sẽ mài dũa, uốn gò thành những chiếc lưỡi câu dài cả gang tay, vô cùng sắc lẹm. Những chiếc lưỡi này cứng đến nỗi treo lủng lẳng cả một con lợn mà không oải.

Lưỡi câu được buộc vào những sợi dù rất chắc, dài cả trăm mét. Mồi câu là những con cá trắm, mè, nặng chừng 1-2kg đã chết thối, bốc mùi tanh, hoặc nguyên một cái gan lợn. Đêm đêm, khi nghe thấy tiếng đớp mồi đôm đốp ngoài sông, là chắc chắn có cá chiên khổng lồ đi kiếm mồi. Đồng bào chỉ việc ném mồi ra giữa sông, nhằm những chỗ sâu nhất, có hang động, rồi vào bờ ngồi. Khi nào thấy dù căng veo véo thì ra sức kéo “quái vật” vào bờ. Giống cá chiên đã đớp mồi thì nuốt chửng nên không sợ tuột, chỉ sợ chúng nghiến đứt dù hoặc lao mạnh làm oải lưỡi mà thôi.


Chợ huyện Quỳnh Nhai, nơi bán món cá chiên muối chua nổi tiếng.

Ông Sáy kể rằng, chục năm trước, mỗi tối, thanh niên bản Pá Màng đều “dô hò” kéo từ lòng sông lên ít nhất một con chiên khổng lồ, con nào con nấy dài đến 2-3m, nặng 50-70kg. Điều đặc biệt là khi săn được cá lớn, thú lớn, người ta xẻ thịt chia đều cho nhau và cùng thưởng thức vui vẻ. Đồng bào ở hoang vu này vẫn giữ được nếp sống thuở xưa.

Ngày đó, cá chiên nhiều đến nỗi, ăn không xuể, bán không ai mua, “xuất khẩu” thì không được vì đường đi rất khó khăn, nên đồng bào Thái nơi đây đã nghĩ ra món cá chiên muối chua, dùng để ăn dần. Sau này, món cá chiên muối chua đã nổi tiếng khắp huyện Quỳnh Nhai. Bản thân tôi đã từng được thưởng thức món này ở chợ huyện Quỳnh Nhai. Tôi rất ngạc nhiên là đồng bào bày bán hàng thùng cá chiên chua giữa chợ với giá rẻ như cá đồng, trong khi ở miền xuôi lại rất đắt.



Một chú cá chiên nhỏ dính lưỡi câu.

Tuy nhiên, đó là chuyện của vài năm trước, giờ đây, loài cá chiên khổng lồ, được gọi là “quái vật” sông Đà đã ngày một cạn kiệt. Ngay cả vùng được gọi là “mó cá” ở Liệp Tè, việc săn được con cá chiên cỡ 50kg là rất khó khăn, có khi cả năm chỉ kiếm được vài con.

Từ ngày đường sá lên Quỳnh Nhai thuận lợi, loài cá này lại là đặc sản ở miền xuôi, lái buôn tìm lên thu mua với giá rất đắt, nên đồng bào đổ xô ra sông thả mồi, cắm đăng, quăng lưới, giăng bẫy...


Góc thanh bình hiếm hoi của sông Đà.

Một con cá chiên còn sống, có thể bán với giá 400 ngàn đồng/kg. Như vậy, một con cá chiên cỡ 40 kg, đã có giá 16 triệu đồng, bằng một con trâu mộng!

Cá lăng tuy nhỏ hơn cá chiên, song nó có giá 500-600 ngàn đồng/kg, nên giá trị của một con cá lăng cỡ 20kg cũng tương đương một con trâu. Thế nên, giờ đây, thay vì gọi loài cá khổng lồ, ăn cả thịt người này là “quái vật”, thì đồng bào gọi nó là “trâu mộng”. Nhiều thợ săn cá đã xây được nhà, sắm được xe, trở nên khá giả vì nghề săn cá chiên, lăng dọc sông Đà.

TheoPhạm Ngọc Dương
 

Hoangminh

Member
Vương quốc” của “quái vật” sông Đà

Có một đoạn sông Đà chảy qua địa phận xã Liệp Tè nhiều cá lăng, cá chiên đến nỗi người dân nơi đây ăn không xuể. Một thời, vùng đất này được dân đánh cá gọi là “vương quốc” của cá lăng, cá chiên.

Trong những chuyến lang thang dọc sông Đà, tôi được nghe giới đánh cá kể những câu chuyện nửa thực nửa hư về một vựa cá chiên, lăng khổng lồ ở sông Đà đoạn chảy qua xã Liệp Tè thuộc huyện Thuận Châu (Sơn La).

Để vào được xã Liệp Tè, phải lên huyện Quỳnh Nhai, rồi từ xã Chiềng Khoang của Quỳnh Nhai đi xe máy vào xã Liệp Muội. Tôi đã từng rong ruổi khắp Tây Bắc, song hiếm thấy con đường nào kỳ lạ như con đường này. Nó dài mấy chục cây số, song chỉ rộng chưa đầy một mét, lúc chênh vênh bên vực thẳm, lúc hun hút trong rừng nguyên sinh. Để xe máy lại trung tâm xã Liệp Muội, cuốc bộ chừng 4 tiếng đồng hồ mới ra đến bến đò Nậm Ét.



Đoạn sông Đà chảy qua huyện Quỳnh Nhai.

Từ đây, phải thuê thuyền xuôi sông Đà gần 2 tiếng đồng hồ nữa mới đến trung tâm xã Liệp Tè. Xã Liệp Tè nằm giữa hai ngọn núi khổng lồ, nên để ra vào Liệp Tè, chỉ có cách duy nhất là đi đường sông.

Trung tâm xã Liệp Tè nằm ngay trên ngọn một quả đồi bên sông Đà, gồm 3 ngôi nhà gỗ, mái gianh. Lúc tôi đến, đã là 4 giờ chiều, mà các cán bộ xã vẫn ngồi bên hiên trụ sở uống rượu suông. Chủ tịch xã Tòng Xuân Sáng bảo: “Hầy dà! Cả ngày trực trụ sở mà chả có việc gì làm nên đành lấy chén rượu làm bạn thôi à! Mười mấy năm nay sống trong cảnh phấp phỏng chờ nước ngập sao mà dài thế, giờ sắp phải đi lại thấy nhớ nhớ cái mảnh đất buồn tẻ này lắm à!”.

Tôi hỏi chuyện về cá lăng, cá chiên, ai cũng hào hứng kể. Ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lò Văn Sáy ép tôi uống cạn mấy chén rượu ngô, rồi đưa dẫn tôi ra mép sông Đà.

Ông Sáy xắn quần lội bì bõm ra giữa dòng nước đỏ ngầu. Ông nhảy loi choi trên đầu những hòn đá đen bóng lấp ló lúc ẩn, lúc hiện giữa những luồng nước. Chúng tôi cũng lội ra theo. Thềm sông thoai thoải, nước lũ còn chưa lên cao nên không nguy hiểm lắm.


Đoạn sông Đà chảy qua xã Liệp Tè, đặc biệt là đoạn ở bản Pá Màng này có rất nhiều cá chiên lớn.

Ông Sáy chỉ tay lên mặt những hòn đá, quan sát kỹ tôi mới thấy đó là những hình vẽ cổ rất lạ. Mùa nước cạn, những hòn đá này nằm phơi mình trên thềm sông. Từ ngày sinh ra, ông Sáy đã thấy những hòn đá này, ông cha, tổ tiên ông cũng bảo rằng, từ khi sinh ra đã thấy nó rồi. Sau này tôi mới biết đó là bãi đá cổ Pá Màng với những hình khắc kỳ lạ có tuổi từ vài trăm đến vài ngàn năm, đã được các nhà khảo cổ học nghiên cứu và sẽ khai quật để bảo tồn. Thầy mo trong các bản đều bảo nó là “vật thiêng” từ trên trời rơi xuống!

Trong các huyền thoại của người Thái nơi đây thì rất nhiều chuyện đề cập đến một vị thần đã xuống bãi Pá Màng tắm rồi để lại những hình vẽ và những hình vẽ sẽ mang lại tốt lành cho người dân quanh vùng nếu biết bảo vệ nó. Đặc biệt, đồng bào ở thung lũng Pá Màng sẽ mãi no ấm vì có nguồn cá lớn dồi dào, không bao giờ cạn kiệt.



Ông Lò Văn Sáy đứng trên hòn đá cổ có hình vẽ gắn với những truyền thuyết liên quan đến sự dồi dào của cá lớn ở sông Đà.

Đồng bào Thái nơi đây rất tin vào huyền thoại này, bởi vì ở đoạn sông chảy qua Liệp Tè, đặc biệt, đoạn thuộc bản Pá Màng, xưa nay người Thái săn được rất nhiều cá. Những loài cá quý ở khúc sông này như nhồng, quất, dầm xanh, lăng, chiên nhiều vô kể. Đặc biệt nhiều và lớn là cá chiên, loài “quái vật” mà con nào con nấy cứ to như thân cây, da mốc thếch như đá cổ, nặng vài chục kg, thậm chí cả tạ.

Đứng trên sườn núi phóng tầm mắt, thấy núi hai bên sông dựng đứng, lòng sông bị bóp lại, khiến nước chảy như tên bắn, tạo nên hàng trăm vũng xoáy khủng khiếp.

Theo lời ông Sáy, lòng sông đoạn này hẹp, nước chảy mạnh, xoáy nhiều nên rất sâu, tạo ra nhiều hang động ngầm dưới lòng sông, hốc đá, là nơi rất hợp với loài cá chiên. Mùa cạn, nước sông trong vắt, chảy êm đềm, song có những hang hốc sâu 20-30 mét, không thể lặn xuống được nếu không có thiết bị hiện đại vì áp lực nước rất lớn.



Người dân ở Liệp Tè đan lưới săn cá lớn.

Vào mùa lũ lớn, nước sông Đà đặc quánh bùn đất, lại chảy như thác, khiến các loài cá yếu cứ trương bụng nổi lều phều vì sặc, thế là người dân Liệp Tè chỉ việc mang vợt ra đón lõng ở bờ sông để xúc. Có ngày đồng bào xúc được cả tấn cá, đổ trắng bãi cát. Tuy nhiên, đồng bào không đem bán, mà chia đều cho các hộ dân để cùng hưởng. Trong tư tưởng của họ, “mó cá” này là của thần thánh ban tặng, nên mọi người cùng được hưởng.


Ngoài ra, dọc ven bờ đoạn Liệp Tè còn có một số mó cá. Mó cá là những khe nứt của núi, có suối nước ngầm trong vắt chảy ra sông Đà. Vào mùa lũ, nước đục, chảy mạnh, các loài cá yếu trốn vào mó nước để chờ hết lũ mới ra. Mùa lũ, đồng bào ở Liệp Tè cũng tổ chức những buổi vớt cá ở mó. Chỉ cần bịt lưới cửa hang, rồi khua khoắng một lúc, đã kéo lên được vài tạ cá. Những mó cá là của chung, nên bắt được bao nhiêu cá cũng chia đều cho cả bản.


Một con cá chiên nặng 9kg do một người ở Mường Chiên (Quỳnh Nhai) săn được.

Tuy nhiên, những con lũ dữ, nước đục như nồi cháo đất chỉ giết được những loài cá bình thường khác, còn với lăng, chiên thì chẳng hề hấn gì. Thậm chí, những ngày lũ lớn còn là bữa tiệc của chúng, vì chúng là những “quái vật” săn mồi dữ tợn. Khi các loài cá khác quay cuồng trong làn nước đục, thì bọn lăng, chiên lại rời hang lao ra đớp mồi ủng oảng cả đêm.



Cuộc sống bên sông Đà.

Nhắc đến chuyện “quái vật” ăn thịt người, ông Sáy kể rằng, từ xưa đến nay, đã có cả trăm xác chết từ Quỳnh Nhai, Lai Châu trôi xuống, thậm chí từ Trung Quốc trôi về, khi qua địa phận Liệp Tè, thì khó có thể còn nguyên vẹn với bọn “quái vật” lăng, chiên. Mùi của xác động vật, đặc biệt là mùi xác người phân hủy rất dễ bị bọn “quái vật” đánh hơi thấy. Những lúc như thế cả đàn cá chiên lao lên mặt nước xâu xé...

Còn tiếp…

Theo Phạm Ngọc Dương
 

Hoangminh

Member
Cụ già 100 tuổi và cuộc chiến với “quái vật” sông Đà

Vào những ngày trái gió trở trời, người dân lại trông thấy một con cá nổi lên với cái đầu mốc thếch, to bè, thân dài ngoằng uốn lượn khiến nước rẽ ra cứ như chiếc thuyền đang bơi ngược dòng nước vậy.

Theo ông Tòng Xuân Sáng, Chủ tịch xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu (Sơn La), cụ của ông Lò Văn Hâu vốn là một thầy cúng, nhưng cha ông là thợ săn cá tài ba, đã truyền lại bí mật nghề nghiệp cho ông. Ông Hâu sở hữu rất nhiều đồ cổ như rìu đá, búa đá, tên đồng, lao đồng… Xưa kia, vùng đất Liệp Tè là nơi người tiền sử cư ngụ, nên dưới lòng đất có rất nhiều đồ cổ.



Ông Sáy (Chủ tịch MTTQ xã Liệp Tè, đứng trên hòn đá) và ông Sáng (Chủ tịch xã Liệp Tè) bên hòn đá cổ có hình khắc.

Ông Hâu thường mổ gà cúng bái những hòn đá cổ có hình khắc ở bãi sông Liệp Tè vào những ngày trọng đại, rồi kể với dân chúng rằng, ông được truyền cho nghề săn cá lớn sông Đà. Cả đời ông Hâu đã lôi lên từ khúc sông hùng vĩ, dữ dằn này không biết bao nhiêu “quái vật”, mà con nào con nấy cứ như khúc gỗ, tảng đá, với hai cái râu to tướng lè phè bên mép.

Thầy cúng Lò Văn Hâu có bí quyết rèn súng kíp tài tình đến nỗi ngâm súng xuống nước cả tiếng đồng hồ vẫn nổ đùng đoàng. Thông thường súng kíp tự chế chỉ cần dính nước, ướt thuốc, là không nổ được nữa.


Một đoạn sông Đà hung dữ chảy qua Liệp Tè. Con thuyền mỏng manh như chiếc lá xoay tròn trong vòng
xoáy. Dưới những vụng xoáy này có rất nhiều cá chiên lớn.

Những mũi tên đồng dùng để săn cá được ông Hâu rèn dũa giống như những mũi tên cổ mà thợ săn thời xưa dùng săn thú lớn. Mũi tên được gắn vào cái nòng dài ngoẵng của chiếc súng kíp bắn dưới nước và được nối với sợi dù chắc chắn.

Cao thủ săn cá Lò Văn Hâu không cần ống thở, vác súng nhảy thẳng xuống dòng nước xiết, lặn xuống độ sâu cả chục mét, lần vào các hang hốc dưới đáy sông, trong vách núi dựng đứng để truy tìm “quái vật”.

Loài “quái vật” cá chiên khổng lồ thực ra được đồng bào Thái dọc sông Đà gọi là cá gỗ, vì ngoài hành động hung dữ khi đớp mồi, khi ở trong hang, chúng hiền như khúc gỗ. Thậm chí, mùa nước cạn, người lội dưới sông dẫm lên mình nó, nó cũng nằm im, không thèm cựa quậy.



Loài "quái vật" có hình dạng ghê gớm này được đồng bào gọi là cá gỗ, vì nó nằm im dưới đáy sông như một khúc gỗ.

Điều đặc biệt là ông Hâu chỉ ăn bộ lòng của cá chiên. Mỗi khi trục được “quái vật” lên bờ, ông chỉ mổ bụng móc lấy bộ lòng, còn nguyên tảng thịt mấy chục kg, ông chia cho dân bản. Những năm 50-60 của thế kỷ trước, ông săn được nhiều cá chiên đến nỗi, dân bản cũng không thèm ăn nữa. Do đó, tóm được con nào, ông móc nguyên bộ lòng, rồi lại thả xác nó xuống sông làm thức ăn cho những con cá chiên khác.

Cuộc vật lộn giữa ông Hâu và “quái vật” cá chiên khổng lồ vào năm 1982, bất cứ người dân nào ở Liệp Tè và thợ săn cá dọc sông Đà thuộc địa phận huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La đều biết và kể như huyền thoại.


Ở khúc sông chảy qua bãi Pá Màng, nơi mà dưới lòng sông có rất nhiều hang động, hang động ăn sâu cả vào vách đá dựng đứng, cứ mỗi năm vài lần xuất hiện một “quái vật” khổng lồ.


Đan lưới cho chồng đi săn cá.

Vào những ngày trái gió trở trời, người dân lại trông thấy một con cá nổi lên với cái đầu mốc thếch, to bè, thân dài ngoằng uốn lượn khiến nước rẽ ra cứ như chiếc thuyền đang bơi ngược dòng nước vậy. Hầu hết người dân đều mê tín cho đó là cá thần, thợ săn cá cũng khiếp sợ không dám truy bắt con cá này.

Mỗi lần nó nổi lên mặt nước chừng vài phút, vào lúc chiều tối, rồi lại mất hút trong dòng nước xiết. Đã có nhiều thuyền bè qua lại đoạn sông này bị chao đảo, thậm chí bị lật chìm khi lao vào con “quái vật” này. Theo ước tính, con “quái vật” cá chiên này có tuổi thọ đến cả thế kỷ và cân nặng của nó phải đến cả tạ.

Mặc dù ai cũng can ngăn, rằng nó là cá thần, song vì máu săn bắn chạy rần rật trong huyết quản, nên ông Lò Văn Hâu vẫn quyết định săn bằng được con cá này.


Ba con cá chiên khổng lồ săn được ở sông Đà, mỗi con nặng trên dưới 40kg (Ảnh Đỗ Doãn Hoàng).

Phía dưới chỗ nó thường xuyên nổi là một hang đá ngầm rất lớn, sâu chừng 20 mét, nước lại chảy rất mạnh, nhiều dòng xoáy, đến thuyền bè qua lại cũng khó khăn chứ đừng nói chuyện lặn xuống đó.

Buổi sáng một ngày mùa thu năm 1982, khi cái lạnh đã ngằn ngặt khắp núi rừng, ông Hâu, lúc đó đã tròn 100 tuổi, song thân thể vẫn cường tráng, vâm váp, vác súng kíp dài ngoằng gắn mũi tên đồng ở nòng nhảy xuống dòng nước xiết.

Sau mấy hơi lặn xuống, nổi lên, mọi người thấy ở tai, mũi ông rỉ ra vài giọt máu. Ông bơi vào bờ và bảo bắn trúng “cụ” cá chiên rồi. Ông Hâu ra sức kéo căng sợi dù, bỗng nhiên con cá lao lên mặt nước quẫy ủng oảng, rồi phóng vun vút về hướng huyện Mường La.

Sợi dù dài cả trăm mét đã được buộc vào chiếc can nhựa 20 lít nắp kín. Lúc chiếc can nhựa nổi dập dìu trên mặt nước, lúc lao vun vút tạo thành sóng mạnh.



Cụ Điêu Văn Sáu, một thợ săn cá chiên nổi tiếng ở Quỳnh Nhai, thọ đến 110 tuổi.

Ông già Lò Văn Hâu lái thuyền chạy theo chiếc can nhựa cả chục km. Đến nhập nhoạng tối, chiếc thuyền đuôi én kéo theo một con “quái vật” khổng lồ, lớn chưa từng có, cập bến Pá Màng. Ông Hâu dùng dây thừng buộc thắt nút vào gáy con “quái vật”, cột thừng vào đuôi thuyền rồi kéo nó chạy ngược sông Đà.

Trong ký ức đồng bào ở Liệp Tè, con “quái vật” này là cá thần, nên khi nhìn thấy hình thù khổng lồ, kỳ dị của nó thì rất sợ hãi. Nhiều người cứ khấn vái con cá như vái Thánh sống.

Con quái vật này dài hơn 3m, đặt lên thuyền khiến thuyền chìm sâu bằng hai thanh niên vạm vỡ đứng lên, nên mọi người ước đoán nó nặng cỡ 1,4 đến 1,5 tạ.

Chuyện con cá chiên nặng đến 1,5 tạ quả là khó tin, vì không có bằng chứng nào xác minh. Tuy nhiên, tôi đã từng được nghe anh em công an Hà Giang kể chuyện, trong một lần truy đuổi nhóm đánh mìn trên sông Gâm, đã chứng kiến đồng bào Mông dìu vào bờ một con cá chiên nặng tới 143 kg. Con cá này do bọn “mìn tặc” đánh trúng, nhưng bị công an truy đuổi nên chúng bỏ cá chạy lấy người. Bữa đó, đồng bào Mông mổ cá như mổ trâu, mỗi hộ được chia một tảng thịt lớn.

Sau khi kéo con cá lên bờ, ông Hâu dùng chiếc dao sắc nhọn phanh thây “quái vật” lấy bộ lòng, rồi xẻ thịt chia cho mọi người. Tuy nhiên, không ai dám ăn thịt con “quái vật” này, vì họ cho nó là cá thần, do đó, ông Hâu thả xác nó xuống sông. Riêng bộ lòng con cá đựng đầy một cái chậu nhỏ, bằng với bộ lòng của một con lợn có trọng lượng tương đương, ông đem về ăn.

Sau khi săn được con “quái vật” đó, không hiểu vì lý do gì, ông Lò Văn Hâu gác súng, không bao giờ săn cá dưới sông Đà nữa. Ông chuyên tâm vào công việc cúng bái. Ông Hâu chết năm 2002, và theo chính quyền xã Liệp Tè, ông thọ đến 120 tuổi (?!).

Người dân Liệp Tè và Quỳnh Nhai đồn rằng, những người chuyên ăn cá chiên, đặc biệt là bộ lòng của loài “quái vật” này thường rất khỏe và sống rất thọ. Người ta dẫn chứng rằng, ông cụ Điêu Văn Sáu, ở xã Cà Nàng (Quỳnh Nhai, Sơn La), là thợ săn cá chiên nổi tiếng, người chuyên ăn lòng của loài “quái vật” này, đã sống đến 110 tuổi.

Tôi không tin chuyện này lắm, nên đã tìm lên tận xã Cà Nàng để tìm hiểu. Tôi đã không tin vào mắt mình khi gặp một cụ già 110 tuổi mà mắt vẫn sáng, giọng nói hào sảng và vẫn lên nương làm việc như thanh niên trai tráng. Theo như tấm giấy khai sinh và thiệp chúc thọ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thì cụ Sáu sinh ngày 12-1-1899.

Cụ Sáu thú nhận rằng, món khoái khẩu suốt đời của cụ là cá chiên, đặc biệt là bộ lòng của nó. Còn cụ thọ như vậy có phải do ăn cá chiên nhiều hay không thì cụ cũng không biết. Nhưng quả thật, loài cá chiên khổng lồ có bộ da dày như da trâu, vừa giòn vừa ngậy, thịt vàng như nghệ, dai như thịt gà mà vừa bùi vừa thơm, khó có thịt loài cá nào sánh được. Đặc biệt, bộ lòng rất dày của nó vừa béo ngậy, vừa giòn, ăn một lần thì khó có thể quên…

Còn tiếp…

Theo Phạm Ngọc Dương
 

Hoangminh

Member
“Quái vật” sắp... biến mất

Với cách săn bắt như hiện nay, loài cá chiên, lăng, quất, dầm xanh, đặc biệt là cá chiên khổng lồ, được mệnh danh là “quái vật” sông Đà đã sắp biến mất khỏi dòng sông này.

Cách đây chục năm, để vào được huyện lỵ Quỳnh Nhai, phải đi từ Sơn La từ sáng sớm đến tối mịt mới vào đến bến phà Bắc Uân, rồi đi thuyền đuôi én ngược sông Đà, vượt 30km ghềnh thác nữa mới đến nơi. Hôm nào trời mưa thì có thể mất 2-3 ngày, thậm chí muốn vào không được, muốn ra không xong.


Giao thông ở các xã dọc đầu nguồn sông Đà chủ yếu là đường thủy.

Từ huyện lỵ vào các xã dọc sông Đà chủ yếu là đi đường sông, nên hôm nào nước lớn thì không đi nổi. Đường đi khó khăn nên lái buôn dưới xuôi chẳng thể tìm lên để thu mua loài đặc sản quý hiếm này. Do đó, cá nhiều nhung nhúc, người dân ven sông ăn nhiều cũng chán.

Từ ngày cá chiên, lăng, loài cá được mệnh danh là “quái vật” sông Đà được các đại gia ưa chuộng, đường sá lên vùng đầu nguồn sông Đà thuận lợi, thì tình trạng săn bắt gia tăng mạnh mẽ, khiến loài cá này ngày một ít đi. Những con “quái vật” lăng, chiên nặng vài chục kg đã "trôi" dần về dĩ vãng.


Đặt bẫy cá chiên.

Nguyên nhân chính khiến loài “quái vật” sông Đà biến mất nhanh chóng là cách khai thác tận diệt của những nhóm thợ săn cá vùng dưới tìm lên.

Từ chục năm nay, dọc đầu nguồn sông Đà chảy bên nước ta xuất hiện hàng trăm đội thợ săn bắt “quái vật” sông Đà. Họ là những thợ lặn, thợ săn cá rất giỏi từ các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ tìm lên. Những đội thợ săn này được trang bị tàu thuyền hiện đại, thiết bị lặn tân tiến, có thể lặn sâu hàng chục mét nước, vài giờ dưới lòng sông trong điều kiện nước chảy mạnh.

Những đội săn bắt cá này cứ dong thuyền ngược sông Đà, tìm những địa điểm có nhiều lăng, chiên, quất, nhồng, dầm xanh và những loài cá lớn khác, rồi đeo bình ôxi hoặc ngậm dây hơi, đeo kính nhìn dưới nước, nhảy xuống lòng sông truy tìm “quái vật”. Loài “quái vật” này khi ở trong hang rất hiền lành nên họ có nhiều cách để tóm sống.

Với những con “quái vật” tinh ranh, lẩn sâu trong hang hốc, họ dùng vợt điện chích thì chỉ có chết đứ đừ. Khi những đội quân săn cá này nhảy xuống sông, chỉ sợ không có cá, chứ đã đối mặt với cá thì chả con nào thoát được.


Thợ lặn săn "quái vật" trên sông Đà.

Những nhóm thợ săn cá này thường dùng máy phát điện 3 pha và củ điện để quét cá từ đáy sông. Xung điện, củ điện có tầm hoạt động trong bán kính 10m, với độ sâu hàng chục mét, khiến cá 40-50kg, sống ở đáy sông cũng phải ngoi lên mặt nước mà “thở dốc”.

Củ điện là máy phát điện của các loại xe xúc, máy ủi, máy cày… cho ra dòng điện 3 pha. Điện được dẫn xuống chân lưới, và hai chiếc thuyền chạy song song sẽ quét những địa điểm có nhiều cá.

Mỗi khi dòng điện 3 pha đưa xuống sông, cá chỉ còn mỗi cách là “nhảy” lên thuyền để không bị điện giật. Với cách săn kiểu tận diệt này, từ tôm tép cho đến các loài cá 40-50kg đều chui tọt vào lưới. Những nhóm thợ săn này đã “quét” sạch cá ở dưới hạ lưu và hiện tại đang tìm lên phía đầu nguồn sông Đà để quét nốt số cá còn lại.


"
Quái vật" cá chiên trên sông Đà mỗi ngày thêm vắng bóng.

Những đội săn cá sống quanh khu vực hồ thủy điện Hòa Bình, đặc biệt là dân chài của hồ Hòa Bình, đều là những thợ săn cá thiện nghệ, cung cấp cá đặc sản cho thành phố Hòa Bình và Hà Nội.

Khi đập thủy điện Hòa Bình xây dựng, lòng hồ rộng mênh mông, xuất hiện nhiều loài cá lớn, như mè, chép, trôi, trắm nặng vài chục kg, rồi cá măng nặng gần tạ, nhưng các loài cá quý hiếm, đặc sản như lăng, chiên, quất, dầm xanh, anh vũ thì biến mất. Những loài cá này chỉ sống ở những vùng nước chảy mạnh, nhiều hang hốc, nên các thợ săn cá lại phải ngược sông hàng trăm km để truy tìm cá quý.



Những phương tiện đánh bắt thô sơ như thế này đã được thay thế bằng những biện pháp hủy diệt.

Ngoài ra, nhóm thợ săn cá ở Việt Trì cũng là những “con rái cá” thực sự. Những đội săn cá ở đây đều có đồ nghề trị giá hàng trăm triệu đồng, để truy tìm cá hiếm ở khu vực Bạch Hạc, đoạn ngã ba sông Hồng và sông Đà. Khi các loài cá hiếm, đặc biệt là cá anh vũ, có giá 4-5 triệu đồng/kg bị tuyệt diệt, thì họ kéo nhau ngược sông Lô, Gâm, đặc biệt là sông Đà để săn cá quý.

Nhiều quán cá ngon ngoài đê sông Hồng ở Hà Nội, Vĩnh Phúc và dọc khu vực Bạch Hạc của TP Việt Trì chủ yếu được cung cấp bởi hàng chục đội thợ săn cá của dân chài Đoàn Kết, Việt Xuân, Châu Hạ, Bạch Hạc… ở Việt Trì. Thợ săn cá ở các làng chài dọc sông Hồng từ Hà Nội lên đến cầu Trung Hà (Ba Vì), cũng là những sát thủ của cá lăng, chiên…



Lái buôn thu mua cá chiên ở miền núi.

Với những khu vực nước sâu, chảy quá mạnh, hang hốc nhỏ, không thể lặn xuống được thì họ thả những quả mìn tự chế chứa cả kg thuốc nổ xuống. Khi mìn nổ, không những “quái vật” sông Đà nặng vài chục kg mà tất cả các loài thủy sinh khác trong bán kính hàng chục mét cũng tan xác.

Tình trạng khai thác vàng ồ ạt cũng góp phần hủy diệt “quái vật” sông Đà. Dọc đầu nguồn sông Đà, đặc biệt là đoạn qua địa phận Quỳnh Nhai, lúc nào cũng có cả trăm chiếc thuyền đào đãi vàng. Mỗi chiếc thuyền có mấy chục gầu xúc, liên tục múc cát, đá dưới lòng sông lên lọc lấy vàng, rồi lại đổ xuống, làm xáo động môi trường sống của các loài cá quý, khiến chúng di chuyển khỏi hang hốc và dính lưới, bẫy giăng mắc kín sông.



Trong tương lai không xa, dòng sông Đà biến thành những hồ nước mênh mông, và các loài cá quý hiếm cũng sẽ biến mất.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, những loài “quái vật” sông Đà sẽ tuyệt diệt trong một tương lai gần, khi đập thủy điện Sơn La hoàn thành. Toàn bộ lòng sông Đà từ Mường La, lên đến Thuận Châu, Quỳnh Nhai, đến tận Điện Biên và thị xã Lai Châu (cũ) sẽ biến thành một hồ nước khổng lồ.


Và trong tương lai không xa, khi thủy điện Nậm Nhùn (Lai Châu), cùng hàng loạt thủy điện nhỏ ở các nhánh sông, suối đổ ra sông Đà hoàn thành, thì con sông Đà hùng vĩ coi như đã biến mất, thay vào đó là những hồ nước tĩnh lặng chứa hàng tỷ mét khối nước. Điều đó cũng có nghĩa, các loài cá quý, đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam, được mệnh danh là “quái vật” sông Đà, sẽ vĩnh viễn biến mất.

Theo Phạm Ngọc Dương
 
Đúng là hêt truyện để viết, sông Đà nước chảy mạnh, đá ngầm thì nhiểu xác chết chìm tất nhiên khi vớt lên thì không nguyên vẹn

liên quan gì đến cá lăng chứ, lại còn có cái tên "quái vật sông đà chứ" .
nếu nói như bạn này thì làm gì có chuyện vớt được bộ xương người còn tươi được chứ. Chẳng lẽ đá làm thịt róc ra à, mà xác chết bị va vào đá thì toàn là gãy xương thôi.
 
Top