• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Đi săn "Chiến binh hai sừng''.

KimCuong

Active Member
To khỏe, hiếu chiến và lỳ lợm, giống trâu Sốp Cộp ở ven trời Tây Bắc làm mê mẩn tất cả cánh chơi trâu chọi miền Bắc.

Trước đây, để có một con trâu chọi tốt nhất, các lão niên trong nghề này thường tới Quỳ Hợp (Nghệ An), Yên Bái và tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào...Thế nhưng, những năm gần đây, cánh săn trâu chọi lại quay về huyện Sốp Cộp (Sơn La), mảnh đất từng sản sinh ra những con trâu chọi huyền thoại.

Huyền thoại về trâu Sốp Cộp

Cứ sau Tết âm lịch, các xã Mường Lèo, Mường Lạn, San Quảng…của huyện Sốp Cộp lại rầm rập bước chân của thợ săn trâu, đông nhất là “thợ” Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) và Đồ Sơn (Hải Phòng). Nhà có trâu đẹp thì cả ngày tiếp khách, người lật móng, lật tai, kẻ xem khoang, xem khoáy…như trong cuộc thi tuyển người đẹp.


Với độ dài và rộng đến hơn 1 m, sừng trâu Sốp Cộp là bảo vật của nhiều gia đình nơi đây.

Hội chọi trâu ở Hải Lựu diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, theo sử sách, đây là nơi có lễ hội chọi trâu sớm nhất nước ta, từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên.

Là người rất mê chọi trâu, ông Lê Quý Hùng, Bí thư huyện Lập Thạch cho biết: sử sách của làng có ghi, người Hải Lựu từ xa xưa đã lặn lội đến nhiều vùng đất để săn trâu chọi cho lễ hội, trong đó có ghi danh giống trâu Sốp Cộp. Loại trâu này rất giỏi ứng biến và ra những đòn khá hiểm ác khi lâm trận.

Nổi tiếng trong giới săn trâu chọi ở Hải Lựu, ông Trần Văn Tú (60 tuổi) kể, năm 2002, lễ hội chọi trâu Hải Lựu phục hồi sau 45 năm bị gián đoạn, ông đã “khăn gói quả mướp” lên Sốp Cộp. Vốn là một lái trâu nên vừa nhìn thấy “tướng và dáng” trâu Sốp Cộp, ông Tú đã mê mẩn và mua liền hai con. “Xét hình tướng trâu, trâu chọi phải hội tụ những yếu tố: trường đùi, rộng ức, cổ cò, khu nhọn, da đồng, móng sò, đuôi chai, tai lá mít, *** lồng bàn, mắt he đỏ…Ngay lúc đó, tôi đã chắc hai con này sẽ làm nên chuyện”, ông Tú nhớ lại.

Quản lý vận chuyển trâu bò thời đó khá chặt. Ông Tú phải dắt bộ hai con trâu, ngày nghỉ đêm đi, theo đường tắt qua Mai Sơn, Cò Nòi, đèo Chẹn, Song Pẹ rồi Phù Yên, Thanh Sơn, mất một tuần mới về đến Hải Lựu. Ông bán một con với giá 60 triệu đồng, con còn lại đem đi chọi và giành quán quân hai mùa giải. Năm 2004, ông đã phải dứt ruột bán nó cho một tay chọi trâu ở Đồ Sơn để lấy tiền trang trải thuốc men cho vợ. Về phố biển Đồ Sơn, nó có thêm một mùa giải lẫm liệt rồi sau bị đem ra “hành quyết” để ăn mừng (tất cả trâu chọi ở Đồ Sơn đều bị “làm thịt” ngay sau khi kết thúc giải).


Trâu Sốp Cộp nổi tiếng dễ nuôi, to con và đánh khỏe.

Theo ông Cầm Văn Quang, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Sốp Cộp, trâu Sốp Cộp có những ưu điểm rất quý, không chỉ to con, khỏe, dai sức mà còn rất “húng chiến” và lỳ lợm khi lâm trận. Từng quản lý đàn gia súc lớn trên địa bàn, ông Quang đã chứng kiến rất nhiều cuộc chiến nảy lửa giữa những con trâu đực. “Sấm nổ ngang tai cũng không thể kéo chúng ra ra khỏi cuộc chiến. Nhiều cặp húc nhau cả ngày vẫn bất phân thắng”.

Người dân phải dùng giẻ tẩm dầu quấn vào đầu cây tre để đốt và hơ vào *** trâu, mới lôi được chúng ra khỏi cuộc chiến. Nhưng nhiều con trâu có tật thù dai, thậm chí đang kéo xe hàng nặng cả tấn thấy “kẻ thù cũ” cũng lao vào húc. Gặp những con trâu như vậy, các gia đình đành phải thương thuyết với nhau để mổ thịt một con, bởi để vậy không những sẽ mất cả hai con mà có thể gây tai họa cho dân bản. Huyện Sốp Cộp hiện đứng đầu tỉnh Sơn La về số lượng trâu với 17.000 con.

Những cặp sừng vô giá

Ông Giàng Chứ Măng, một người Mông ở Mường Lèo cho biết, gia đình ông đã du canh, du cư từ Mù Căng Chải (Yên Bái), Tân Kỳ (Nghệ An), rồi Pơ Xi Luông, Nong Phăn, Hủa Phăn của Lào.

Thế nhưng, ông chưa thấy nơi nào có giống trâu dễ nuôi, to con và đánh nhau khỏe như ở Mường Lèo và Mường Lạn (Sốp Cộp). Ngay cả giống trâu Hủa Phăn bên nước bạn Lào, nơi các tay săn trâu Hải Phòng hay tìm đến, cũng kém xa trâu Sốp Cộp. Nhà ông Giàng Chứ Măng lúc nào cũng duy trì đàn trâu lên đến 60 con. Ngoài bán trâu thịt, mỗi năm ông cũng bán được hai, ba con trâu cho các sới chọi.

Ông Đèo Văn Tuận, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lèo cho biết, sở dĩ Mường Lèo có giống trâu chọi tốt vì ở đây còn giữ được nguồn gene chưa bị pha tạp. Thêm nữa, đất này còn có rất nhiều trăn. Theo kinh nghiệm của ông Tuận, đất nào có nhiều trăn sinh sống sẽ hợp với trâu, chỗ cỏ nào có trăn bò qua sẽ để lại một thứ hơi mà trâu ăn vào sẽ lớn như thổi.


Cuộc chiến nảy lửa giữa những chú trâu 'chiến'.

Chưa có căn cứ khoa học nào để xác thực câu chuyện ông Tuận kể. Nhưng tôi chợt nhớ đến cách “hồ” trâu rất đặc biệt ở Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), làng giết mổ trâu, bò khá lớn ở miền Bắc.

Họ buộc 5, 6 con trâu vào một cây gỗ khá to cắm giữa sân nhà. Hằng ngày, người ta bôi mỡ trăn lên cây cột đó, không hiểu sao trâu cứ liếm cột vài ngày là béo tốt lạ thường. Mường Lèo có 391 hộ gia đình, nhưng có đến 2.000 con trâu chăn thả. Theo ông Tuận, rất nhiều hộ dân ở đây giàu lên nhờ bán trâu cho dân chọi của miền xuôi.

Ngoài một số tiêu chí về “dáng, tướng”, con trâu chọi tốt phải có cặp sừng có hình cánh cung, từ mũi sừng này sang mũi sừng kia tối thiểu phải rộng 86 cm. Lần đầu tận mắt chứng kiến cặp sừng trâu ở Sốp Cộp, dân ngoại đạo như chúng tôi thực sự “choáng váng”. Có những con trâu có cặp sừng mà độ dài từ mũi sừng này sang mũi sừng kia lên đến hơn 1 m.

Nhiều hộ gia đình ở đây có những con trâu “lợi chủ”, nghĩa là nuôi nó sẽ đem lại nhiều phúc lộc cho gia đình. Họ không bao giờ bán hay giết thịt con con trâu này mà phải nuôi nó đến chết. Sau khi trâu chết, người ta giữ lại bộ sừng coi như bảo vật của gia đình. Dù được trả giá cao đến mấy, họ cũng không bán đi bộ sừng đồ sộ và quý giá đó. Nhiều cán bộ, công chức ở đây còn lấy sừng để trang trí nơi làm việc như người Tây Nguyên một thời dùng ngà voi vậy.

Tết đến là thời điểm người Sốp Cộp chuẩn bị làm nương. Các gia đình ở nhiều thôn bản thường tổ chức cúng cơm để “gọi trâu” về nhà. Sau khi mùa màng kết thúc, trâu, bò lại được thả tự do vào rừng. Lúc nào cần sức cầy, cần bán thì người dân lại vào rừng “gọi trâu” về mà không lo bị mất hay bị nhà khác giết thịt. Cũng thời gian này, thợ săn trâu chọi bắt đầu nhộn nhịp tìm đến Sốp Cộp, và số tiền bán trâu cũng giúp cho người dân nơi đây một cái Tết tươm tất.

(Nguồn: Báo ĐấtViệt)
 

KimCuong

Active Member
Lên Thâm Sơn, săn trâu chọi.

"Dù ai buôn đâu, bán đâu/Mồng chín, tháng Tám chọi trâu thì về". Câu ca dao nổi tiếng cả nước của người Đồ Sơn - Hải Phòng đã có từ bao đời nay. Nhưng hành trình để có một con trâu chọi góp mặt ở lễ hội chọi trâu không phải ai cũng biết.

Vào thời điểm cuối năm, cả Đồ Sơn đã bắt đầu khởi động cho lễ hội chọi trâu bằng việc các "giáp" cử hoa tiêu lên đường lùng mua trâu. Trước khi đi, "giáp" nào cũng làm lễ tế thần, cầu mong mua được trâu tốt. Đồ Sơn đang háo hức vào mùa. Mùa săn trâu!

Đất trâu vẫn thiếu trâu chọi

Tôi lang thang vào các "giáp" ở đất chọi trâu, tìm hiểu nghề chơi đầy chất thượng võ này mới thấy cũng lắm công phu. Việc tìm và nuôi dưỡng trâu chọi là điều quan trọng bậc nhất, người Đồ Sơn phải chuẩn bị ròng rã suốt 8 tháng trời.

"Người được dân làng uỷ nhiệm đi mua trâu có khi lặn lội hàng tháng trời, đi bộ cả ngày đường, hết vào Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa lại ngược lên Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, sang cả Lào, Thái Lan. Nhưng đó là ngày trước. Bây giờ, "hoa tiêu" nhàn hơn nhiều bởi chỉ cần đến nhà các lái trâu "xem hàng" chứ không phải săn lùng nữa. Việc đó giờ là của lái trâu. Đến mùa săn trâu các lái trâu điện thoại đến rồi đọc các thông số như: số đo, tướng mạo, đặc điểm, xuất xứ…hoa tiêu chỉ việc đến xem. Ưng ý thì mua không thì thôi": Ông Đinh Đắc Xề, một "cao thủ" trong nghề chọi trâu vừa rót chén trà mời khách vừa nói.


Ông Đinh Đắc Xề khoe thành tích chọi trâu chói lọi của mình trong quá khứ.

Tết năm nay ông Xề bước sang tuổi 80, đi lại khó khăn, tay đã run run vì tuổi tác nhưng vẫn minh mẫn. Ông nói về trâu chọi trôi như cháo chảy. Người dân Đình Công 1, Phường Vạn Sơn và cả cái đất Đồ Sơn không ai lạ lẫm gì ông Xề "chọi trâu". Hồi trẻ nổi tiếng là "hoa tiêu" giỏi phiêu bạt tứ xứ săn trâu, hơn 10 năm nay, ông Xề lại được nhắc đến bởi nhiều lần là chủ trâu chọi của "giáp" Vạn Sơn với thành tích đáng nể phục: 2 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải ba. Có một điểm rất thú vị là tất cả những trâu đoạt giải của ông Xề đều được săn tìm từ vùng biên giới Nghệ An (Việt Nam) - Xiêng Khoảng (Lào). Ông Xề tiết lộ kinh nghiệm:" Trâu ở Nghệ An có hai loại, một là trâu bản địa hai là được đưa từ Lào về. Cả hai loại đề rất lỳ lợm, hung, khoẻ và đặc biệt là cực kỳ dai sức".

Giải chọi trâu tháng 8 năm nay, trận đấu được đánh giá kịch tính, đẹp mắt và hùng tráng nhất giải chính, là trận tứ kết 1 giữa trâu số 6 của ông Hoàng Đình Khắc phường Vạn Hương và trâu số 17 của ông Hoàng Đình Hiếu phường Vạn Sơn. Chiến thắng đã thuộc về "giáp" Vạn Hương. Tuy đấu ngưu đại diện của phường bị thua, nhưng ông Xề vẫn cho rằng: "Đó là cuộc đối đầu gay cấn với những miếng đánh cực kỳ đẹp mắt. Trâu nào thắng cũng xứng đáng. Đều là những trâu được mua về từ biên giới Nghệ An. Vào đến tứ kết thì đa phần là trâu được mua về từ vùng quê này".

Ông Xề bảo, trước đây trâu chọi chủ yếu được săn từ vùng núi phía bắc như: Hà Giang, Yên Bái. Mười năm trở lại đây, vùng này khan hiếm dần nên phải ngược vào miền Trung, chủ yếu là Nghệ An bắt mối tìm trâu. Đa số trâu đoạt giải cao đều ở đây mà ra. Ông Xề còn cho biết Đồ Sơn là đất chọi trâu nhưng trâu nơi này chỉ nuôi lấy… thịt thôi. Do phải săn trâu ở tận biên giới nên giá một con trâu chọi về đến Đồ Sơn lên tới 60 thậm chí 70 triệu.

Những "đại gia" lái trâu

Theo thông tin từ ông Xề, chúng tôi lên đường về Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An), nơi có nhiều người nhờ nghề lái trâu mà thành… "đại gia". Đến Diễn Lâm, chẳng cần hỏi thăm nhiều, người dân đã đọc vanh vách tên của các "đại gia" như Đinh Văn Tứ, Nguyễn Văn Ngọ, Hoàng Chí Công… Rất may là chúng tôi đã kịp gặp "đại gia" Ngọ, khi anh đang chuẩn bị lên biên giới săn trâu. Qua câu chuyện ngắn ngủi, anh Ngọ khoe: "Trâu tui năm ngoái tìm cho ông Khắc ở Hải Phòng được vào đến vòng bán kết đấy, sau đó không biết thế nào?". Gạ mãi cuối cùng Ngọ mới đồng ý cho tôi tham gia chuyến săn săn trâu này. Theo Ngọ thì chẳng phải giấu nghề, giấu mối chi cả, chỉ sợ đi đường vất vả, tôi đòi về giữa chừng thôi.


Anh Ngọ "chê" đôi sừng con trâu của Lầu Bá Rề.


Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lên đường. Chuyến đi gồm hai xe tải, một lớn một bé. Chiếc xe nhỏ dùng riêng để chở trâu chọi. Xuất phát từ tinh mơ dọc theo quốc lộ 7, mãi đến xế chiều chúng tôi mới đến được thủ phủ huyện Kỳ Sơn. Tiếp một cuộc hành trình nữa, đến gần cửa khẩu Nậm Cắn, chúng tôi phải cuốc bộ vào bản.

Chẳng biết biết đã đi được bao nhiêu kilomet nơi thâm sơn cùng cốc, mãi đến khi trời nhá nhem tối chúng tôi mới đến được Ca Dưới (Thuộc xã Na Ngoi, Kỳ Sơn). Ở xã biên giới Na Ngoi thời tiết rất kỳ dị, sáng sương mù dày đặc, không thấy đường đi, trưa nắng chang chang, chiều tối lại lạnh run người. Cả ngày đường mệt lử, vào nhà người quen của Ngọ, ngã lưng xuống, tôi đã thiếp đi.

Sáng hôm sau, chưa rõ mặt người đã thấy Ngọ bắt chuyện với một đàn ông người Mông tên là Lầu Bá Rê. Ngọ hỏi người kia: "Chuyến đi Noọng Hét (Lào) tìm được mấy con?". "Không có con mô, phải qua Mường Khăm đến Mường Phẹc mới được 5 con. Lần ni ngặt ngày nên không được nhiều", Lầu Bá Rê trả lời bằng tiếng Kinh thạo lứt. Hoá ra đây là lái trâu bản địa mà Ngọ đã bắt mối được bấy lâu nay.


Con trâu mà Ngọ "tạm ưng ý" trong chuyến đi săn vừa rồi.

Khi Rê ra về, Ngọ giải thích:" Trước đây bọn tui đi các vùng miền tây Nghệ An là có trâu chọi, nhưng chừ hiếm lắm nên phải sang Lào. Kiếm được chú to to là ăn tiền. Nhưng ai cho mình đánh ô tô sang chở trâu người ta về. Phải bằng con đường nhờ người dân tộc chú ạ". Ngọ kể rằng từ Na Ngoi đi sang Lào bằng đường rừng chừng mất 4 tiếng, rồi từ biên giới đi đến bản người Lào sinh sống phải mất 5 tiếng đi bộ nữa. Đó là người Mông đi, còn người kinh mà đi, phải mất gấp đôi thời gian.

"Bọn tui đã mấy lần đi bộ rứa, hết 1 ngày một đêm. Sang Lào thuê xe máy chạy khắp cái tỉnh Xiêng Khoảng săn trâu. Ở cánh đồng Chum, mỗi tháng có 2 phiên chợ trâu, cứ việc đến đó mà tìm. Nhưng đường xa, nếu thuê xe chở trâu thì chết tiền. Một chuyến đi như vậy hết cả tháng trời, do vậy thuê người dân tộc là tốt nhất". Ngọ bảo, người Mông còn đi nhanh hơn cả bộ đội biên phòng.

Đến bãi nhốt trâu của Lầu Bá Rê, một cánh đồng trong thung lũng xanh rờn cây cỏ, xem qua một lượt, Ngọ rút thước đo ngực từng con trâu. Vừa đo Ngọ vừa cho biết, trâu chọi phải có ngực trên 2m15. Đo xong, Ngọ lắc đầu bảo, được 3 con ngực trên 2m nhưng mất 2 chú có nhiều khoang quá. Nhiều khoang thì tống hơi, không dai sức. Lầu Bá Rê cố lèo lái: "Bọn tui chọn cũng kỹ lắm, toàn những con lưng dầy, phẳng cả. Lưng con nào cũng để được bát nước đầy lên không đổ đấy. Sừng vểnh như cánh cung…". Thương lượng một hồi, Ngọ chỉ chọn được một con với giá 25 triệu đồng, những con còn lại được mua với giá trâu thịt.

Thấy vẻ mặt thất vọng của Ngọ, Rê mách nước: "Và Chá Rống mới tìm được 1 trâu nặng hơn 3 tạ ở tận cánh đồng Chum về. Thử lên đó xem". Đang ngồi buồn xo, nghe vậy Ngọ vỗ đùi đánh đét, tròn mắt: " Hơn 3 tạ à? Đi ngay". Vậy là chúng tôi lao đến bản Ca Trên, cũng thuộc Na Ngoi.

Hơn tiếng đi bộ, chúng tôi đến nhà Và Chá Rống. Nhưng thật không may, con trâu ấy chiều qua đã được bán cho lái trâu ở Yên Thành. "Chậm chân hơn Sơn "râu" rồi. Hắn chứ ai vào đây!", Ngọ tiếc ngẩn người, đoán già đoán non. Sơn "râu" là sát thủ săn trâu, mấy lần bị nẫng tay trên, Ngọ vẫn còn ấm ức.

Ở Na Ngoi được 3 ngày, sau khi mua chật cứng một xe tải trâu thịt và duy nhất một chú trâu chọi, chúng tôi lên đường trở về. Ngồi trên xe Ngọ bổ sung thêm cho tôi về kiến thức chọn trâu chọi. Trâu chọi phải là những con đuôi chai, hình cánh cung, chân móng tượng, tròng mắt đỏ, mi mắt dày, sừng rộng từ 50-60cm và phải vênh nhau. Cũng vì trâu chọi phải đạt những tiêu chuẩn như vậy, nên việc chọn mua không mấy dễ dàng. Nghệ thuật chọn trâu cuối cùng được rút gọn trong các chữ: "Cổ cò, *** nhót, đuôi chai, bụng trắm, móng sọ, độc khoáy..."

Kỹ nghệ chăm trâu

Tìm mua trâu đã khó, huấn luyện trâu để "được giá" với chủ trâu Đồ Sơn cũng vất vả và lắm mánh không kém. Về đến nhà, Ngọ không cho đàn bà, con gái bén mảng gần trâu. Trâu được nhốt chuồng riêng, kín đáo, không cho thấy trâu nhà, mục đích để nó khôi phục bản năng hoang dã. Do đi cả ngày đường, về đến nơi, trâu mệt lả, sùi bọt mép, đờ đẫn. Nghỉ ngơi một ngày, Ngọ bước vào việc chăm sóc trâu. Trâu được ăn theo chế độ đặc biệt, thức ăn là tinh bột gạo lứt, ngoài ra còn thịt rắn, thịt bò, thịt gà, gạo nếp, lạc, vừng. Ngạc nhiên hơn là uống cả là trâu còn được uống... bia. Theo Ngọ thì thậm chí người ta còn cho trâu ăn cả cao hổ để tăng cường sức mạnh.


Trâu ông Phạm Đình Khắc và Phạm Đình Hiếu trong trận tứ kết 1 năm 2008 đều được mua từ Nghệ An về.


Sau màn ăn uống là đến tiết mục tập cho trâu chạy. Sới tập là một bãi đất rộng. Ngọ nói, qua luyện trâu, người ta phát hiện sở trường của nó mà liệu vót sừng kiểu múi khế hay mũi đinh. "Nhưng đó là việc của họ, bọn tui chỉ việc vót cho nó nhọn nhọn trông hung hung là được", Ngọ bật mí.

Buổi chiều, 4 lần cho trâu xuống sông, tắm và bơi, cuối ngày, cột trâu ngay con đường liên xã Diễn Lâm để trâu làm quen với tiếng ồn. Tiếp đến Ngọ còn phải nhờ người hò hét đánh chiêng trống cho trâu quen với không khí khi thi đấu. Cơ bản là vậy, còn mỗi người sẽ có những cách thức và phương pháp chăm sóc huấn luyện riêng.

Cả khoá "huấn luyện" trên chỉ gói gọn trong vòng 1 tháng, giáp Tết Nguyên đán, các hoa tiêu ở Đồ Sơn sẽ vào xem hàng. Ngọ tính, tuần sau anh lại lên biên giới tiếp tục săn những con trâu chọi khác!

(Nguồn: giadinh.net.vn)
 

KimCuong

Active Member
Chuyên gia... "săn" trâu chọi.

[imgl="Ông Thạch bên con trâu chọi mới "săn" được."]http://www.kinhtenongthon.com.vn/Uploaded/thanduong/Nam%202009/Thang%2001/Ngay%2013/lao%20san%20trau%20choi.JPG[/imgl]
Chưa từng tham gia giải chọi trâu nào, cũng không phải là người huấn luyện trâu chọi nhưng ông lại nức tiếng khắp vùng nhờ những con trâu ông “săn” được từ chốn “thâm sâu cùng cốc”. Hơn 40 năm trong nghề, ông đã trở thành... chuyên gia “săn” trâu. Ông là Nguyễn Thế Thạch ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà - Hải Dương).


Phiêu lưu nơi vùng cao

Ông ví mỗi chuyến “săn” trâu của mình như cuộc phiêu lưu bởi nó ẩn chứa thành công và cả những khó khăn, vất vả. Mặc dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng ông vẫn tìm đến những vùng xa xôi như Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên... để tìm trâu. Với ông Thạch, “săn” trâu đã trở thành thú vui không thể thiếu.

May mắn cho chúng tôi khi tìm đến nhà ông đúng ngày ông từ Cao Bằng trở về. Lần này, bố con ông “săn” được 6 con trâu thịt và quan trọng hơn là tìm được con trâu chọi. Ông bảo: “Phải ăn chực nằm chờ hơn một tuần mới rình được con trâu chọi tốt”. Ông Thạch cũng được bà con coi là người khai phá nghề buôn trâu ở Tiền Tiến. Từ người buôn trâu thịt, ông dần trở thành thợ “săn” trâu chọi có tiếng. Dân chơi trâu chọi cũng biết đến ông nhiều hơn. Bước vào ngôi nhà khang trang của ông, ai cũng ấn tượng trước cặp sừng trâu và sừng bò đẽo gọt đẹp đẽ được treo trang trọng trên tường. ông Thạch tự hào: “Nhiều người đến chơi, mê mẩn cặp sừng rồi gạ bán nhưng tôi từ chối. Bởi với tôi đó là kỷ vật vô giá của đời “săn” trâu”.

Ông Thạch theo nghề từ ngày được tập thể giao nhiệm vụ mua trâu cày phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi không còn hình thức làm ăn tập thể, ông tiếp tục nghề buôn trâu cho các lò mổ hay bán cho bà con dùng làm sức kéo. Ông kể: “Sau mỗi chuyến lên vùng cao, mọi người lại tập trung ở nhà tôi để mua trâu”. Trước mỗi chuyến đi xa, ông tập hợp 3 - 4 thợ lành nghề, có kinh nghiệm len lỏi khắp các vùng xa xôi, hẻo lánh để lùng trâu. Có lần, ông mua được gần chục con nên thắng đậm, nhưng cũng có chuyến về trắng tay. Cũng vì máu buôn trâu mà có lần ông tưởng mình phải ở lại chốn rừng thiêng. Lần đó, ông lên Sơn La và bị lạc trong rừng không tìm thấy lối ra, phải ở đó gần 2 ngày. May thay, ông gặp được người dân địa phương và nhờ họ chỉ đường. Không những vậy, khi mua được trâu rồi, để đưa được về cũng rất vất vả, vì ngày đó chưa có xe chuyên chở thuận tiện như bây giờ. ông Thạch cùng anh em phải đánh bộ rong ruổi hàng tuần liền. Vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ ông có ý định bỏ cuộc.

Con mắt "thợ săn"

Sau nhiều chuyến buôn trâu thịt, ông phát hiện ra có con tướng trâu chọi. Cái thú “săn” trâu chọi của ông cũng xuất phát từ đó. Đã đôi lần chủ trâu vô địch ở Hội chọi trâu Đồ Sơn - Hải Phòng là do ông tìm được. Khi đã có thương hiệu, ông bàn với các con đầu tư mua xe để buôn bán cho thuận tiện. Biết các lễ hội chọi trâu rất cần những “chiến binh” dũng mãnh, ông Thạch chủ động tìm hiểu, bắt mối và trở thành tay “săn” trâu chọi chuyên nghiệp duy nhất ở Hải Dương. Ông kể: “Để có được con trâu tốt, phải tìm ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Điện Biên...”.

Thế nhưng, không phải ai cũng mua được trâu độc như ông. “Để “săn” được trâu chọi tốt là cả một kỳ công, phải là những lái trâu lâu năm, giàu kinh nghiệm mới cảm nhận được. Bên cạnh đó, phải biết coi tướng sao cho chuẩn”, ông Thạch nhấn mạnh. Nói rồi, ông đưa chúng tôi ra thăm con trâu chọi ông vừa “săn” được ở Cao Bằng. Theo lời ông Thạch, phải chọn trâu chọi khi chúng 10 tuổi, khoẻ mạnh, ức rộng, cổ tròn, dài và hơi thu nhỏ về phía đầu. Lưng dày, càng phẳng càng tốt. Háng phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu. Chỉ nên lấy những con trâu cổ cò (để khi cúi xuống không bị mỏi), tránh trâu cổ vại. Sừng cánh cung, có màu đen như mun, trên đỉnh đầu là xoáy tròn. Mắt đen, tròng đỏ. Răng phải đều, không sứt mẻ.

Ông nói tiếp, muốn tìm được con trâu chọi tốt phải nhờ người dân địa phương. Bởi vậy, đội ngũ thợ săn của ông cắm bản ở nhiều nơi. Mỗi khi có người mách tìm được con trâu tốt là bố con ông lập tức khăn gói lên đường.

Vỗ về con trâu mới “săn” được, ông chia sẻ thêm: “Nhiều khi mua trâu về chưa thể bán được ngay nên việc giữ cho trâu chọi có phong độ ổn định là rất quan trọng. Vì nếu trâu sút cân đồng nghĩa với việc mất đi phần lớn giá trị. Thế nên dù không phải dân chơi, ông vẫn chăm sóc trâu chọi theo một chế độ đặc biệt. Thức ăn, nước uống phải giữ vệ sinh. Cỏ là thức ăn không thể thiếu và phải chọn lựa cỏ ngon. Cột trâu chỗ thoáng mát. Trâu chọi thường có bản tính hoang dã nên việc tiếp xúc rất nguy hiểm, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và bản lĩnh thuần phục trâu.

Cũng bởi kinh nghiệm lâu năm trong nghề buôn trâu, hay tìm được trâu quý nên nhiều người chơi trâu chọi thường không bỏ lỡ cơ hội sau những chuyến ông Thạch đi “săn”.

(Nguồn: Báo Kinh tế nông thôn.)
 
Top