• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Đội bảo tồn rùa Cúc Phương.

KimCuong

Active Member
Khi các 'đại gia' tìm thú vui bên những bữa tiệc rùa thì một người tại Trung tâm bảo tồn rùa vườn Quốc gia Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình) vẫn ngày đêm canh gác, chăm sóc những cá thể rùa quý hiếm còn lại nhằm bảo tồn giống rùa sa nhân.

Nguy cơ tuyệt chủng


Những năm gần đây, rùa trở thành món hàng đắt giá cho các "đại gia" chọn làm món ăn đặc sản hoặc xẻ thịt lấy mai làm đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức. Nạn buôn bán rùa trái phép trở nên thịnh hành ở khu vực Đông Nam Á. Người ta lùng sục khắp nơi để tìm nguồn cung cấp rùa. Cùng với thời gian và sự tàn bạo của con người, rùa đang ngày càng cạn kiệt, một số loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Trước tình hình này, năm 1998, Trung tâm bảo tồn rùa vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập với sự hỗ trợ của Quỹ bảo tồn các loài động thực vật hoang dã thế giới (FFI – Fauna Flora International).

[imgc="Anh Hoàng Văn Thái bên chú rùa Sa nhân."]http://www.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/phanle/20080924/hoang%20van%20thai%20ben%20rua%20sa%20nhan.jpg[/imgc]

Theo anh Bùi Đăng Phong, Phó giám đốc Trung tâm FFI, hiện, Trung tâm có 2 khu cứu hộ chính với diện tích 4.000 m2 gồm gần 10 chuồng nuôi nhốt lớn nhỏ và khu cách ly khoảng 1.000 m2 để kiểm tra, khám chữa và chăm sóc rùa bệnh, yếu. Có 9 cán bộ, nhân viên trong đó có hai nhà nghiên cứu người nước ngoài là Douglas Hendrie (Mỹ), Điều phối viên chương trình rùa châu Á kiêm phụ trách các nguồn tài trợ cho hoạt động của Trung tâm và Tim Mc Tomak (Anh), Trưởng nhóm nghiên cứu phụ trách.

Dẫn chúng tôi băng rừng đi tìm rùa, anh Hoàng Văn Thái, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm cho biết: "Mỗi tuần, các cán bộ phải thay phiên nhau tuần tra ít nhất một lần". Theo anh Thái, Rùa là động vật quý hiếm và chậm phát triển. Chỉ tính riêng rùa cạn phải mất 8 - 15 năm mới có một con rùa trưởng thành, đạt trọng lượng 1,5 - 1,7 kg". Cũng theo anh Thái, hiện nay, nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật quý hiếm ngày càng gia tăng, chỉ tính riêng rùa đã suy giảm nghiêm trọng. Anh Thái kể: “Năm 2003, tại Trung tâm Bảo tồn rùa xảy ra 6 vụ trộm rùa với tổng số 124 con, đều thuộc các loài quý hiếm như rùa núi vàng, rùa đất lớn. Đây là một trong những tổn thất rất lớn vì đến nay, số rùa đó vẫn chưa được tìm thấy”.

Với khẩu hiệu “Nếu bạn nhìn thấy rùa bị đánh bắt hoặc buôn bán, hãy báo cho Sở Thủy sản địa phương hoặc gọi đến: 030.848090” Trung tâm đã nhận được rất nhiều sự đóng góp tích cực của người dân, và khách du lịch. Mỗi khi nhận được điện thoại báo, các anh đều cảm thấy hạnh phúc vô cùng, vì như thế có nghĩa là thêm một chú rùa được bảo vệ khỏi nguy cơ bị hại đang ngày đêm rình rập.

[imgc="Angteen nhận tín hiệu từ rùa."]http://www.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/phanle/20080924/angteen%20nhan%20tin%20hieu%20tu%20rua.jpg[/imgc]

Đến với Trung tâm vì yêu rùa

Hiện, Trung tâm vừa mới có thêm 10 chú rùa sa nhân (một loại rùa quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam) được gắn chíp, còn lại đều được nuôi nhốt và bảo vệ trong chuồng. "Chuồng phải được làm hệt như trong môi trường tự nhiên, có đủ độ ẩm, ánh sáng, hang trú, hồ chứa nước, bãi cát đẻ trứng, nơi tắm nắng", anh Thái cho biết.

Trong khuôn viên Trung tâm, một căn phòng rộng chừng 20 m2 chứa đầy các lồng kính nhỏ với 54 cá thể rùa cạn được đánh số thứ tự trên mai. Đây chính là phòng ấp nở trứng rùa và nuôi dưỡng rùa mới nở. Mỗi lồng kính có một lớp lá cây khô luôn đảm bảo đủ độ ẩm dày khoảng 10 cm, trứng rùa được đặt lên trên kèm theo nhiệt kế để theo dõi nhằm điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với từng thời kỳ của trứng. Khi trứng nở, rùa con được chăm sóc với chế độ đặc biệt cho đến khi chúng được 2 - 3 năm tuổi, đủ cứng cáp sẽ được mang ra nuôi ngoài chuồng. Khi đã quen với môi trường sống, chúng sẽ được trả về tự nhiên.

Công việc của đội ngũ cán bộ Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương là nhận và chăm sóc các chú rùa được mang về. Anh Lập, cán bộ bảo vệ Trung tâm cho biết: "Kiểm tra các loại thức ăn như: chuối, cà chua, khoai lang, đậu phụ, cám tăng trọng, rong, bèo tây hoặc các loại ốc núi, giun… cho rùa và thay nước, lá, bèo, đất, lau rửa bể kính, kiểm tra bể để mực nước chỉ cao hơn mai rùa 2 cm là công việc thường ngày của chúng tôi". Đối với những cá thể rùa đang sống ngoài tự nhiên, anh cho biết, thiết bị định vị và những con chíp gắn trên mai rùa là yếu tố giúp anh xác định được vị trí của chúng. Tuy nhiên, mùa mưa rùa thường bò xa (khoảng 2 km) nên việc kiểm tra, theo dõi cũng khó khăn hơn.

Công việc khó khăn, vất vả nhưng không ai trong Trung tâm nghĩ rằng sẽ rời xa nơi này. Với họ, được ở lại để bảo vệ những chú rùa quý là nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả. Nhưng hơn hết, đó là cả một sự đam mê. "Tình yêu rùa đã gắn chúng tôi lại với rừng, với trung tâm này rồi", anh Lập nói.

Đang nói chuyện, thiết bị định vị trên vai anh Lập phát ra những tiếng bíp từ con chíp gắn trên một cá thể rùa. Càng tiến tới gần vị trí định vị, tiếng bíp phát ra càng mạnh và nhanh hơn. Không phải mất nhiều thời gian, anh Lập đã lôi một chú rùa sa nhân mắt đỏ tía, đuôi dài, nặng khoảng 1,5 kg trong một hốc cây. Chỉ vào con chíp nhỏ gắn trên mai rùa, anh Lập cho biết: “Chíp gồm hai bộ phận chính: thu và phát tín hiệu, mỗi bộ phận dày khoảng 1cm, có gắn ăngten. Mỗi khi bắt được tín hiệu, chúng tôi có thể biết mình đang ở gần con rùa mang số bao nhiêu…”. Nói rồi, anh cúi xuống kiểm tra sức khỏe của rùa "Rùa đang bị ký sinh trùng", anh nói. Sau khi gắp ký sinh trùng ra, anh đưa rùa về Trung tâm để nghiên cứu mức độ gây hại.

Gần 10 năm thành lập nhưng Trung tâm đã cứu sống hàng trăm con rùa và đã cho ấp nở thành công thế hệ F1, trở thành nơi lưu giữ nguồn gen các loài rùa quý cho đất nước. "Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện các phương tiện kỷ thuật để tạo thuận lợi hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ rùa", anh Lập nói.

Hiện, ngoài Trung tâm cứu hộ động vật quý hiếm Sóc Sơn (Hà Nội), Củ Chi (TP HCM), Trung tâm cứu hộ rùa Vườn quốc gia Cúc Phương có quy mô lớn nhất Việt Nam với 1.124 cá thể rùa thuộc 19 loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Trong đó, một số loài đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như rùa hộp trán vàng, rùa sa nhân, rùa Trung Bộ (rùa đặc hữu của Việt Nam), rùa răng (còn gọi là càng đước)… và nhiều loài khác như rùa bốn mắt, rùa tai đỏ, rùa núi vàng, rùa cổ sọc...


Nguồn: baodatviet.vn
 
Top