• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Đổi đời cho... gấu

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Bài 1: Nhà tài trợ xếp hàng chờ

TP - Danh sách các nhà bảo trợ gấu cứ dài thêm dù… đã hết gấu để bảo trợ và ít nhất phải bỏ ra 1.000 USD để gấu mang tên mình. 29 con gấu may mắn đầu tiên được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đều đã mang tên người giám hộ riêng.


Bác sỹ thú y Leanne Clark cho gấu ăn. Ảnh: M.H

Lên đời gấu

29 con gấu may mắn đầu tiên được đưa đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo đã có một cuộc đời khác. Trong số 29 con gấu này, khoảng chục con khi tiếp nhận về Trung tâm là gấu con, vẫn còn bú sữa mẹ. Chúng tiếp tục được nuôi tại Trung tâm bằng chế độ dành cho trẻ sơ sinh, với sữa và cháo. Với các gấu lớn, thức ăn được chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, bao gồm hoa quả, mật ong, sôcôla... Trung bình, chi phí cho mỗi gấu ở Trung tâm khoảng 5 USD/ngày.

Không ít khách tham quan xuýt xoa mừng cho gấu được lên đời bởi chứng kiến tình trạng của gấu khi mới được cứu hộ về trung tâm thật bi đát. Hầu hết đều bị bệnh khớp do nuôi nhốt trong chuồng chật hẹp quá lâu. Ngoài ra, chúng còn bị các bệnh ngoài da, bệnh răng miệng và suy kiệt do bị hút mật quá nhiều.

Suốt một thời gian dài bị nuôi trong cũi với thức ăn không khác cám cho lợn, gấu bị suy dinh dưỡng, da và lông khô. Thức ăn không phù hợp và thường được mang ra khi còn rất nóng khiến gấu hầu hết bị rụng răng. Thậm chí, nhiều con đã bị cưa hết răng để việc hút mật được an toàn hơn. Từ những vết thương ở vùng răng bị cưa, vi khuẩn theo đó xâm nhập, phá hủy toàn bộ hàm răng gấu...

Gấu khi mới vào Trung tâm còn bị hoảng loạn về tinh thần. TS Tuấn Bendixsen, Giám đốc trung tâm, kể lại, ban đầu, chỉ cần nhìn thấy một sợi thép hay một vật gì tương tự là gấu gầm thét, nhảy lên trong chuồng. Chúng bị ám ảnh bởi mỗi lần hút mật, người ta thường quăng dây thép, túm chân gấu để lôi gấu lại gần.

Sự hung dữ ban đầu nay đã thay bằng hình ảnh hiền hòa của bầy gấu trong những căn nhà mang cái tên rất đẹp như Nhà Núi, Nhà Sông, Nhà Gấu đôi. Lồng sắt kiên cố, đủ rộng để xếp đồ chơi cho gấu với võng, xích đu, cây để leo trèo. Lồng bên này, chú gấu bị mất một tay đang nằm ngủ ngon lành trên võng. Lồng bên kia, chú khác đang mê chơi xích đu, thấy có khách thì chạy ngay ra ghé mũi nhìn qua chấn song.

Chúng tôi được yêu cầu phải đi đúng làn đường màu vàng ở giữa hai dãy chuồng gấu để đảm bảo an toàn. Lũ gấu trông thân thiện như thế nhưng vẫn giữ bản chất hoang dã. Các nhân viên chăm sóc luôn cố gắng giữ khoảng cách để chúng không quá gần gũi với con người và không trở nên thuần hóa. Sau khi hoàn toàn bình phục, gấu sẽ được chuyển ra khu bán hoang dã để thích nghi dần với cuộc sống tự nhiên.

Anh Lê Đức Chính, cán bộ Trung tâm Cứu hộ gấu, còn rất trẻ, nói tiếng Anh rành rọt và kể về gấu như kể về những người bạn. Anh và các đồng nghiệp tại Trung tâm đã từng chứng kiến một con gấu chết dù đã được cứu chữa bằng mọi cách. Con gấu này bị mất một tay khi bị mắc bẫy. Vết thương lâu ngày lở loét, nhiễm trùng nên gấu đuối dần và chết. “Mất một con gấu với chúng tôi cũng xót xa như mất một người bạn” - Anh Chính trầm ngâm.

Ở đây, người ta đổ mật và sôcôla vào bên trong để gấu theo những lỗ nhỏ lấy thức ăn như kiểu kiếm ăn trong tự nhiên.

Vừa đút hoa quả cho hai baby gấu, chị Leanne Clark vừa rối rít gọi tên từng con. Hỏi ra mới biết mỗi gấu đây đều có một tên riêng, là tên của cha mẹ chúng, tức người bảo trợ. Muốn nhận một gấu ở đây để bảo trợ, phải bỏ ra chừng 1.000 USD. Số tiền này được dùng để bổ sung vào ngân sách hoạt động của Trung tâm.

Lượng gấu có hạn mà danh sách người có nhu cầu bảo trợ vẫn ngày một dài thêm. Hầu hết đều là người nước ngoài. Người bảo trợ gấu đành phải chờ đợi những chú gấu may mắn tiếp theo được mang về Trung tâm.

Gấu mất mật vì... nhiễm trùng!

Trung tâm Cứu hộ Gấu Tam Đảo được xếp vào hàng hiện đại bậc nhất châu Á. Tất cả được xây kiên cố và khá đẹp mắt với hệ thống xử lý nước thải khép kín. Mỗi nhà gấu có hai chuồng gấu dài hơn 20m. Mỗi dãy gồm 12 ô được cách ly với nhau bằng lớp rào sắt và có cửa thông với nhau để gấu qua lại giao lưu.

Hiện nay, Trung tâm có 20 thành viên gồm một bác sĩ thú y người Australia, hai y tá thú y người Anh và người Hà Lan, ba chuyên viên chăm sóc và 17 nhân viên người Việt Nam.

Chúng tôi được chị Leanne Clark, bác sỹ thú y của Trung tâm, đưa đi thăm bệnh viện dành cho gấu. Đó là một phòng nhỏ với đầy đủ các thiết bị hiện đại để tiến hành các cuộc phẫu thuật cho gấu. Chị Leanne cho biết, rất nhiều gấu đã phải mổ bỏ túi mật vì bị nhiễm trùng.

Mỹ Hằng
 
Hôm nay lại thấy được một tin vui:D .Ước gì ngày nào cũng có một tin sáng sủa thế này cho tất cả các con vật tội nghiệp đang bị con người hành hạ nhỉ!!!
 

vqcuong

Member
Các bạn có dịp đi chơi tam đảo thì có thể vào đấy thăm, mở cửa tự do ( xin phép ở cổng ) rồi đi sâu vào trong có 2 chuồng gấu ( gấu ngựa và gấu chó )
 
Top