• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

'Đệ nhất phóng điểu' xứ Đông Ngàn

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Em lên mạng sưu tầm được bài viết này, em mạn phép post lên để các bác cùng đọc tham khảo

Về ngôi làng cổ duy nhất của xứ Đông Ngàn - Kinh Bắc để chiêm ngưỡng thú nuôi chơi chim bồ câu lắm công phu.

Ông Mẫn Bá Duy (70 tuổi) - người nổi tiếng với thành tích “kỳ phùng địch thủ” không ai sánh bằng trong 30 năm qua​

Còn “đệ nhất” là chức danh mà giới chơi “phóng điểu” đặt cho làng Trác Bút thuộc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh để tôn vinh cũng như tỏ lòng ngưỡng mộ trước những đam mê và tài năng huấn luyện chim. Không biết có phải vì thế không mà khi đến Bắc Ninh chúng tôi hỏi thôn Trác Bút có nhiều người ngơ ngác, nhưng khi hỏi đường về làng “đệ nhất phóng điểu” thì họ “à” lên một tiếng rồi như một động tác quen thuộc chỉ ngay vào “con đường đất đỏ đang làm đi thẳng là đến”.

“Nghề chơi cũng lắm công phu…”

Chúng tôi tìm về Trác Bút đúng vào dịp cả làng đang nô nức chuẩn bị cho ngày hội thả chim vào 15/3 âm lịch tới. Dù cả làng “đệ nhất phóng điểu” nay chỉ còn hơn 30 hộ gia đình thường xuyên chăm nuôi các “phi đội” bồ câu để tham dự các lễ hội thả chim được tổ chức vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch hàng năm, ở các vùng khác nhau như: Bắc Ninh, Đông Anh (Hà Nội), Hiệp Hòa (Bắc Giang)…nhưng cứ mỗi độ gần vào hội là người già người trẻ, đàn ông hay đàn bà trong làng ai cũng háo hức mong chờ.

Trong số 30 hộ nuôi chim thì chỉ có khoảng 10 hộ gia đình là có truyền thống chơi “phóng điểu” từ đời ông cha truyền lại. Bởi thế, mỗi nhà lại có những bí quyết riêng trong cách chọn lựa giống và cách huấn luyện để có được những “phi đội bay” nức tiếng gần xa.

Theo chân ông trưởng thôn Trác Bút chúng tôi tìm về nhà ông Mẫn Bá Duy (70 tuổi) - người nổi tiếng nhất làng “đệ nhất phóng điểu” cả về thâm niên chơi chim lẫn những thành tích “kỳ phùng địch thủ” không ai sánh bằng trong 30 năm qua. Cùng với bí quyết gia truyền do ông nội truyền lại và kinh nghiệm hơn 50 năm chơi chim mà ông Duy luôn là người dẫn đầu trong việc chọn chim giống – yếu tố quyết định rất lớn đến sự thành bại của “phi đội bay” trong các hội thi. Với ông Mẫn Bá Duy để có được một “chú phóng điểu” đạt yêu cầu ông phải trải qua một quá trình quan sát, theo dõi rất kỹ từ khi chim mới ra ràng (tức mới nở được khoảng tuần tuổi) cho đến khi chim tham gia hội. Chọn chim đầu tiên phải để ý đến mắt, sau đó đến đôi cánh và cuối cùng là bộ lông.

Ông Duy đã có hơn 50 năm kinh nghiệm chơi chim ở xứ Đông Ngàn

Với bí quyết của mình mỗi khi chọn mắt chim ông Duy phải lấy hạt của một quả cau già, bổ ra làm đôi rồi bắt từng chú chim bồ câu rồi nhìn vào mắt đối sánh. Mắt chim phải đỏ, nhiều tia máu tía lên trong mắt, con ngươi tròn trịa như hạt cau đó là loại chim ưa nắng, nếu chim bay lên gặp trời càng nắng chim bay càng khỏe, càng cao. Tiếp đến ở mặt trước của cánh 10 lông vũ phải trường cào (dài) còn mặt trong 10 lông nhỏ phải coặp lại, ôm sát vào cơ thể thì chim mới sải cánh xa và bay nhanh được. Còn lông phải vừa mượt vừa nhiều mà lại ít thịt ít thì cơ thể dễ vận động và không bị ảnh hưởng bởi lực cản của gió. Những con chim đó mới có thể huấn luyện để trở thành những “phóng điểu tinh nhuệ” giành giải trong các hội thi được.

Còn với ông Lê Văn Tiến (63 tuổi - cũng là một “điểu nhân” có tiếng đứng thứ nhì sau ông Duy) thì lại chọn chim bằng cách quan sát hình dáng của chim. Chim khi cầm lên phải nhẹ cánh để dễ sải, dày lông để dễ chịu nhiệt, khít mũi để không bị gió thốc vào, đầu tròn, mỏ ngắn như chim sẻ, mí dày thì mới không bị chảy nước mắt khi gặp gió, mắt không lồi ra ngoài, đồng tử nhỏ, lòng đen tròn chìm… Đặc biệt, khi thò tay vào chuồng mà chim chỉ đứng yên một chỗ, ban đêm ngủ thì đứng một chân còn một chân co quắp lại đó là loài chim “phóng điểu”. “Loài đó sau một thời gian huấn luyện dù có mang đi lên tận Hà Nội thả thì cũng tự bay về chuồng…” – ông Tiến khẳng định.

Nghệ thuật huấn luyện “phi điểu”

Chọn được giống chim tốt đã khó nhưng huấn luyện được chim bay theo thế “Hạ điểm trung khuyên; Thượng thanh vân bất kiến” (mới thả ra bay tròn, bay cao đứng xới, bay vào mây không thấy nữa) mới thật lắm công phu. Vì bồ câu thường bay theo ánh nắng mặt trời, cho nên khi luyện chim, các “điểu nhân” thường phải chọn đúng ngọ để luyện chim bay theo hình xoắn ốc lên cao và mau chóng trở về. Mỗi một “phi đội bay” thường từ 8 đến 10 chim.

Muốn thế các “điểu nhân” phải dạy chim bay bài bản theo 3 thao tác, bay “tầm hạ” dần sang “tầm trung” thuần thục chuyển tới “tầm thượng”. Khi chim bay ở “tầm hạ” là còn nhìn rõ hình dạng chim, đến “tầm trung” thì không trông thấy đuôi chim nữa (cụt đuôi); rồi đến “tầm thượng” không còn thấy chim vẫy cánh (tắt vẫy), cả đàn chim trông chỉ nhỏ bằng chiếc chén trà giữa bầu trời mênh mông. Cả đàn bay theo xoáy tròn hai vòng lại bay xoáy ngược lại hai vòng, khi bay không được bay chệch ra khỏi vùng tiểu biên và đại biên đã quy định. Để huấn luyện được một “phi đội phóng điểu” thuần thục theo quy trình trên thì ít nhất các “điểu nhân” phải huấn luyện liên tục từ 20 ngày cho đến một tháng trời.

Sở dĩ hội thi thường tổ chức vào đúng tháng 3 (trước đây là tháng 4) và tháng 8 âm lịch vì vào đó là thời điểm chim cắt thay lông không thể bay ra khỏi tổ do đó mà các chú “phóng điểu” bay trên bầu trời sẽ tránh được họa bị chim cắt ăn thịt. Nhưng cũng ở thời điểm này trời bắt đầu nắng nóng hoặc nắng nóng kéo dài, nếu “điểu nhân” nào không có nghệ thuật huấn luyện sẽ khó lòng huấn luyện được chim bay theo ý mình.

Theo ông Duy, chọn chim đầu tiên phải để ý đến mắt, sau đó đến đôi cánh và cuối cùng là bộ lông.​

Theo kinh nghiệm của ông Duy, yếu tố thắng lợi phụ thuộc rất nhiều vào “con tướng” (con chim đầu đàn, thường là loại bố mẹ). Nó đóng vai trò then chốt, dẫn dắt và bảo vệ đường bay xoáy tròn. Con đầu đàn thường bay giữa, bay phía đầu, một cánh trong, một cánh ngoài định phương hướng do đó mà ông rất chú trọng huấn luyện cho “con tướng”.

Khổ luyện là thế những nhiều lúc vẫn không tránh khỏi được những rủi ro đáng tiếc do thời tiết hoặc do bất cẩn gây ra. Ông Duy vẫn còn nhớ vào năm 1989, khi ông đưa “phi đội bay” của mình lên tận cầu Đuống dự hội. Khi thả lên trời chim vẫn bay theo đàn rất đẹp nhưng được một lúc có một tiếng nổ ở gần đó vọng lên thế là cả đàn chim bị xé đàn, bay tứ phương khiến cho 2 chú “phóng điểu” bị lạc đàn không về nhà được.

Theo các bậc cao niên trong làng kể lại: Truyền thống nuôi chim, thi chim ở Trác Bút xuất xứ từ thời nhà Lý. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống bên Phòng tuyến sông Như Nguyệt (1075-1077), triều đình đã giao cho Trác Bút đặc trách huấn luyện chim bồ câu đưa thư tín về Kinh thành Thăng Long và ngược lại. Từ cái trung, cái nghĩa ấy, lớp trai làng nối tiếp nhau say mê huấn luyện chim bồ câu tham dự các hội thi, những mong gửi gắm khát vọng và ước mơ cuộc sống thanh bình, yên vui, đầm ấm.

Hà Tùng Long
 
Top