Câu lạc bộ Saigon Pony (Quận 2)
Bạn có thể tập cưỡi ngựa tại Sài Gòn…
2 chị em Wathy (đeo kính-9t) và Kelly (7t) cưỡi ngựa thuần thục sau hơn 4 năm luyện tập
Tháng 6/2007, CLB Saigon Pony chính thức đi vào hoạt động tại số 42 Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Đông, Q.2. Trên mảnh đất có diện tích hơn 4.000m2, doanh nhân Amaury Le Blan (người Pháp) đã thiết kế 2 sân tập cưỡi ngựa có diện tích 20x30m, một dãy chuồng nuôi ngựa và một nhà mái tranh để mọi người có thể ngồi xem cưỡi ngựa. Hiện tại, do CLB nằm sát khu vực dân cư, tiếng ồn của các quán cà phê, nhà dân liên tục vọng sang nên đàn ngựa bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì thế, Amaury đang có kế hoạch tìm kiếm mặt bằng mới rộng hơn và xây dựng thêm sân tennis, hồ bơi để phụ huynh có thể tập luyện thể thao trong lúc con cái tập cưỡi ngựa.
HLV Amaury tại CLB SG Pony Club
Từ một niềm đam mê mãnh liệt
Sinh trưởng tại Lille (Pháp) trong một gia đình có CLB dạy cưỡi ngựa, tuổi thơ của Amaury gắn liền với đàn ngựa và niềm đam mê cưỡi ngựa từ lâu đã ngấm sâu vào máu thịt ông. Hơn 20 năm tập luyện cưỡi ngựa và biểu diễn ngựa vượt chướng ngại vật, Amaury đã từng đoạt khá nhiều giải thưởng tại các cuộc thi cưỡi ngựa của vùng Lille. Tuy nhiên, do ba mẹ không muốn ông trở thành VĐV chuyên nghiệp nên Amaury phải theo học ngành nông nghiệp của trường đại học Lille và chỉ tranh thủ ghé về nhà để chăm sóc đàn ngựa vào những ngày cuối tuần.
Năm 1994, Amaury đến Việt Nam làm việc cho công ty thương mại Franco Pacific và sau đó lập gia đình với một phụ nữ Việt Nam. Vợ ông kinh doanh lĩnh vực may mặc, nhãn hiệu thời trang United colors of Benetton (Ý). Sau hơn 12 năm làm việc tại Franco Pacific, Amaury xin nghỉ việc và chuyển sang làm huấn luyện viên cưỡi ngựa. Sau một thời gian tham gia huấn luyện, Amaury quyết định mua lại CLB dạy cưỡi ngựa Saigon Pony. Khi đó, bạn bè đều cho rằng Amaury quá liều lĩnh, vì cưỡi ngựa là môn thể thao còn rất mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, Amaury cho biết ông rất yêu hình ảnh các cô bé, cậu bé với gương mặt rạng rỡ, niềm hạnh phúc dâng tràn sau khi tập luyện cưỡi ngựa. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt trẻ thơ là nguồn động viên để Amaury chọn kinh doanh môn cưỡi ngựa thể thao. Amaury cũng tiết lộ khi con gái Helen lên 3 tuổi, ông sẽ cho cô làm quen với môn thể thao này.
Kết quả hoạt động của Saigon Pony Club đã thể hiện quyết định đúng đắn của Amaury. Từ con số 80 học viên ban đầu, sau 9 tháng, hiện CLB đã có trên 100 người thường xuyên đến tập luyện. CLB hiện đang nuôi 19 con ngựa được mua từ Long An, Hóc Môn, Gò Vấp. Hàng ngày, đàn ngựa tiêu thụ khoảng 150kg cỏ và lúa, đậu nành (đậu nành là một thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng cho ngựa). Thứ Tư hàng tuần, CLB đều nhờ bác sĩ thú y đến kiểm tra sức khỏe cho đàn ngựa và chỉ những chú ngựa hoàn toàn khỏe mạnh mới được ra sân cho học viên cưỡi.
Kiểm tra yên ngựa - Ảnh: BÁ PHÚC
Sân chơi cho trẻ em nước ngoài
Trong số hơn 100 học viên hiện tại của CLB thì trẻ em từ 5-11 tuổi chiếm đa số và có đến 90% là người nước ngoài. Hàng ngày, sau giờ học phụ huynh đưa các em đến đây học cưỡi ngựa (4 đến 6 em/lớp) do HLV người nước ngoài trực tiếp giảng dạy.
Bé Chiêu Dương (8t) đang tập giữ thăng bằng trên lưng ngựa
Quy định bắt buộc trước khi bước vào sân tập là học viên phải đội nón bảo hiểm, mang giày cổ cao hoặc giày thể thao. Sau khi được HLV kiểm tra kỹ lưỡng các trang thiết bị bảo hộ, học viên được phép vào mã trường. (hai sân tập cưỡi ngựa được bao bọc bằng hàng rào gỗ, bên trong là khu vực cưỡi ngựa được phủ cát). Lúc này, các nhân viên của CLB sẽ dẫn những chú ngựa được thắng yên chắc chắn vào sân và họ sẽ ở cạnh học viên trong suốt buổi học để giữ cương và giữ thăng bằng cho các em.
Sau khi học các cách thức kiểm tra dây cương, tư thế lên ngựa, tư thế ngồi đúng trên lưng ngựa, học viên sẽ được dạy các bài tập khởi động trên yên ngựa và trực tiếp thực hiện các động tác khởi động trên lưng ngựa để tránh trường hợp bị vọp bẻ. Trong lúc các nhân viên dắt ngựa đi vòng quanh sân, học viên thực hiện các động tác như xoay tay, xoay vai, đầu, cổ, làm dẻo lưng, hông ngay trên lưng ngựa theo hướng dẫn của HLV.
Sau phần khởi động, học viên sẽ học tiếp các động tác kỹ thuật giữ thăng bằng trên lưng ngựa. Lúc này, do các chú ngựa đã di chuyển nhanh hơn nên việc giữ thăng bằng sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có lẽ động tác xoay người 360 độ trên yên ngựa là kỹ thuật khó nhất đối với người học. Dù được sự giúp sức của các nhân viên phục vụ, nhưng các học viên nhí vẫn rất lúng túng khi thực hiện động tác này. Sau hơn 20 phút tập luyện, đàn ngựa được tập trung về lại khu vực giữa sân để HLV hướng dẫn học viên cách dùng dây cương rẽ trái, rẽ phải, dừng lại... Từng học viên thực hiện động tác này, sau khi thuần thục thì chuyển qua phần điều khiển ngựa di chuyển và rẽ hướng, dừng cương theo đội hình. Sau 30 phút tập luyện, buổi tập kết thúc và các chú ngựa được dẫn vào chuồng nghỉ ngơi.
Để có thể tự điều khiển ngựa một cách thuần thục, học viên phải tập luyện 2 buổi/tuần trong thời gian tối thiểu là 6 tháng. Với kỹ thuật cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật, học viên phải có thời gian tập luyện hơn một năm mới đủ điều kiện theo học do kỹ thuật này có độ khó rất cao.
Học viên Việt Nam và ước mơ trở thành kỵ sĩ
Chị Liên Thành, mẹ của bé Chiêu Dương (8 tuổi), cho biết một hôm đi học về, cháu kể với mẹ về việc bạn bè trong lớp đều học cưỡi ngựa tại Saigon Pony Club. Thấy con thích, chị đưa cháu đến đây và đề nghị ông Amaury cho con gái được thử cưỡi ngựa vài vòng quanh sân để làm quen. Sự phấn khích thể hiện rõ trên khuôn mặt cô bé khiến chị quyết định cho con theo học. Sau hơn 1 tháng tập luyện, bé Chiêu Dương đã trở nên dạn dĩ và thực hiện khá tốt các kỹ thuật cơ bản của môn cưỡi ngựa.
Đối với hai chị em Kathy (9 tuổi) và Kelly (7 tuổi), cưỡi ngựa là môn thể thao không thể thiếu vào những dịp cuối tuần. Nhà ở quận 10, suốt 4 năm nay hai chị em đều có mặt ở CLB vào dịp cuối tuần để tập luyện. Giờ đây, hai bé đã điều khiển ngựa một cách thuần thục và đang tập thêm kỹ thuật cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật. Chị Dung, mẹ của 2 bé, cho biết: “Ông xã tôi rất mê nuôi ngựa, nhà tôi có nuôi ngựa đua tại CLB Phú Thọ. Khi được biết tại TPHCM có CLB dạy cưỡi ngựa, chồng tôi liền quyết định cho 2 cháu theo học cho tới nay”.
Hiện tại, số lượng học viên Việt Nam tham gia CLB chiếm khoảng 10%, một con số khả quan đối với môn thể thao còn mới mẻ này. Khi được hỏi vì sao lại theo học cưỡi ngựa, các em cho biết chúng cảm thấy rất hạnh phúc khi điều khiển được chú ngựa theo ý muốn của mình. Để chú ngựa thực hiện được ý đồ của người cưỡi, học viên phải sử dụng tất cả những kiến thức mà HLV đã trang bị. Khó có thể tả nỗi niềm phấn khích khi một học viên có trọng lượng 30kg lại điều khiển thành công một chú ngựa có trọng lượng trên 300kg. Ngoài ra, môn thể thao cưỡi ngựa cũng tạo cho học viên sự tự tin, bình tĩnh, khéo léo để xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra.
Cưỡi ngựa là một môn thể thao còn khá mới mẻ, tuy nhiên Saigon Pony Club đã chứng tỏ sự thành công bước đầu trong việc giới thiệu môn thể thao mới này tại Việt Nam. Từ một môn thể thao giải trí của người nước ngoài, đến nay cưỡi ngựa dần dần đã lôi cuốn không ít người Việt Nam tham gia nhờ một chương trình huấn luyện rất bài bản nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho học viên của Saigon Pony Club. Từ nền tảng này, biết đâu trong thời gian tới chúng ta sẽ thấy bóng dáng 1 kỵ sĩ Việt Nam trong các cuộc thi cưỡi ngựa quốc tế….
([SIZE=-10]Cập nhật 16-04-2008)[/SIZE]
THIÊN NGÂN
theo Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh