• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Voi khóc

Phu Dung

Moderator
Các “ông tượng” hùng dũng của Tây Nguyên bây giờ xuất hiện trước các lễ hội với dáng điệu thiểu não: ốm nhom, cụt cả đuôi và mất hết ngà!

So với các loài động vật hoang dã khác, voi dù to xác, nhưng không thuộc loại động vật ăn thịt và lại rất hữu ích trong nhiều hoạt động của con người từ cổ chí kim, nên voi luôn được xem là con vật hiền lành, thông minh, ít mang lại rủi ro cho con người khi nuôi dưỡng. Thế nhưng, có một nghịch lý ở Tây Nguyên hiện nay, trong khi con người cố tìm mọi cách để “gần” với voi thì mối quan hệ người - voi càng trở nên mâu thuẫn nặng nề. Có không ít vụ voi giết người, người giết voi và hậu quả là voi đang dần bị tuyệt chủng. Số phận của nhiều con voi thật bất hạnh, bi đát khiến chúng dường như đã phải âm thầm khóc hận mỗi khi hướng ánh mắt về phía đại ngàn.

NUÔI VOI HAY “BÓC LỘT” VOI?

Buôn Đôn thuộc xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn - Đăk Lăk), cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 50km là nơi săn bắt và thuần dưỡng voi có một không hai của vùng Đông Nam Á. Đây chính là cái nôi đã đưa voi rừng về làm voi nhà, phục vụ cho ngành nông nghiệp và du lịch (thồ hàng, chở người, kéo gỗ, lấy nước...) ở Đăk Lăk - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung; làm đa dạng hóa bức tranh sinh động, độc đáo về loài vật sống chung với con người.

Thế nhưng, ở Tây Nguyên bây giờ, chuyện voi bị sát hại, voi bị chết, voi về phá rẫy, phá nhà của dân đã như “cơm bữa”. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2010, ở Đăk Lăk có thêm hai con voi bị chết (gồm một con voi nhà chết do phục vụ du khách quá sức, một con voi rừng bị sát hại để lấy ngà, lông đuôi làm đồ trang sức). Con voi nhà xấu số nói trên bị chết tại Khu du lịch sinh thái Spa Bản Đôn. Còn con voi rừng được phát hiện đã thối rữa tại Tiểu khu 200 thuộc xã Ia R,vê (huyện Ea Sup). Trước đó, trong năm 2009, 3 con voi nhà cũng đã chết ở huyện Buôn Đôn và huyện Lăk, một con voi rừng bị sát hại tại Tiểu khu 160, thuộc Công ty Lâm nghiệp Ea H,Mơ (huyện Ea Sup). Sau khi giết voi, thủ phạm đã cắt đầu, đuôi, cặp mông voi, còn lại bỏ xác voi giữa rừng.

Giáp tỉnh Lâm Đồng, về phía Nam Tây Nguyên thuộc hai huyện Vĩnh Cửu, Định Quán (Đồng Nai), trong năm 2009 cũng có đến năm con voi bị chết. Tại Tiểu khu 2A thuộc Công ty lâm nghiệp La Ngà quản lý, xác ba con voi nằm một chỗ (gồm 1 voi mẹ, 2 voi con). Tất cả chúng đều được phát hiện đã chết trong tình trạng bị thối rữa và do người dân phát hiện chứ không phải do những người có nhiệm vụ bảo vệ, canh giữ rừng ngày đêm. Số voi này đuợc xác định là bị thủ phạm dùng hung khí tấn công để lấy những vật có giá trị như ngà, răng, đuôi và bàn chân.

Đối với những vụ án người sát hại voi, những năm gần đây xảy ra liên tục, nhưng thủ phạm quá tinh vi hay vì những người có trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ động vật quý hiếm ít chịu đi tuần tra nên chẳng bắt được ai để xử lý. Đáng nhớ, năm 1983, nhóm săn voi lấy ngà gồm ba đối tượng sát hại một con voi đực cũng ở cánh rừng Ea Sup đã bị phạt mỗi người hai năm tù. Lợi nhuận từ giá trị của ngà voi mang lại (khoảng 200 triệu đồng/cặp), lông đuôi voi cũng đắt đỏ (từ 100 ngàn đến 500 ngàn đồng/sợi)... khiến những kẻ giết voi bất chấp luật pháp.



Voi chở khách du lịch tham quan dòng sông Sêrêpôk


SỢ TRỘM NÊN VOI MẤT PHONG ĐỘ

Trong Tuần lễ văn hóa du lịch Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk diễn ra tháng 12-2009 và mới đây nhất là Lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng Buôn Ma Thuột, mừng thành phố trở thành đô thị loại 1 (trực thuộc tỉnh), từng đoàn voi nhà được trưng dụng để phục vụ lễ hội truyền thống, diễu hành trên các con đường trung tâm của thành phố không ít người đã phải nghẹn ngào đến ứa nước mắt khi nhìn thấy những chú voi bị cắt cụt mất cặp ngà; cả voi đực lẫn voi cái nhiều con đuôi bị trụi hết lông, phần da bụng nhăn nheo, teo tóp vì ăn không đủ no, cặp mắt cụp xuống vô thần và buồn thảng thốt. Chao ôi! Còn đâu những dáng vẻ oai phong, lẫm liệt của những “gã khổng lồ”. Ông Yang Đô - một chủ voi cho biết, ông đã phải đau xót tự tay cưa lưng chừng cặp ngà của con Big Beo để tránh cho nó thảm kịch bị những tay săn voi giết lấy ngà trong những lần một mình nó vào rừng nghỉ ngơi, dưỡng sức. Còn cái đuôi trụi lủi của con Khăm Bun của một chủ voi khác lại được xem là “may mắn” hơn các bạn của nó không bị bọn xấu, tham tiền chặt mất khúc đuôi mà chỉ bị nhổ trộm dần, mòn đến hết sạch các sợi lông lớn nhỏ. Với những mất mát ấy, những con voi trông thật tội nghiệp, mất hết cả thần khí!

Đến các khu du lịch ở hồ Lăk (huyện Lăk), Buôn Đôn, tình cảnh các “anh chị, ông bà” voi trông mới thảm thương làm sao! Chúng có đặc điểm chung giống nhau là đều rệu rã, bơ phờ, mệt mỏi, khó mà phân biệt độ tuổi, dù con thì rất to nặng, con thì ốm nhỏ. Một cái chung nữa mà người viết không khỏi cảm thấy xót xa đó là chúng đều không có ngà và sở hữu những chiếc đuôi trơ trụi. Những phần thiêng khí ấy lại được bày bán ở các cửa hàng lưu niệm với những chiếc vòng tay ngà voi, nhẫn lông đuôi voi (hoặc chỉ riêng sợi lông) rồi được người ta níu kéo, chào mời khách mua với giá cả... trên trời. Có chỗ còn trưng nguyên khúc đuôi voi teo tóp, xám xịt để chứng minh lông đuôi voi là hàng thật. Một chủ cửa hàng cho biết, những thứ đó được mua lén lút từ bọn săn trộm.

Một trong những người gắn bó với voi, nói giọng xót xa: Đó thật là cơn ác mộng vì khúc đuôi gắn với xương sống; ngà voi gắn với xương đầu thần kinh và bộ não. Bị cắt, chặt đi, voi sẽ đau đớn nhiều ngày, sức khỏe, tuổi thọ (của voi) cũng vì thế mà giảm hẳn. Vì bảo vệ con vật, hầu hết các chủ voi đã phải tự mình cưa ngà, cắt trụi lông đuôi chúng, dù biết cái đuôi sẽ không còn tác dụng phe phẩy làm duyên hay để đập đuổi ruồi muỗi, côn trùng đeo bám.

Đó là những con voi thuộc hàng “tuyển” để tham gia lễ hội và làm du lịch. Còn những con voi vẫn đang hàng ngày (lẫn đêm) cần mẫn gánh vác hết sức khối lượng công việc trong những gia đình có truyền thống phá rừng, buôn gỗ lậu bị tận dụng vừa làm du lịch ban ngày, ban đêm đi kéo gỗ, trông bộ dạng chúng thảm thiết hơn nhiều. Hầu hết các chủ nuôi voi này là đồng bào dân tộc thiểu số. Mấy anh em trong một dòng tộc giành nhau một con voi rồi bắt voi làm việc cật lực để kiếm tiền. Thế nên, chuyện ăn, chuyện nghỉ của nó cũng thường bị đùn đẩy. Dù làm vất vả quanh năm suốt tháng như vậy, nhưng chúng cũng chỉ được ăn uống cầm chừng. Sức voi mỗi ngày ăn hết cả tạ lúa, cỏ, mía; bình quân cũng phải trên 100.000 đồng/ngày. Nhưng chúng thường chỉ được ăn lưng lưng bụng; ngủ cũng chẳng được đẫy giấc, thoải mái.

Minh chứng cho việc này, già Y Te Ông ở buôn Mliêng, huyện Lăk nói giọng buồn buồn: “Việc dùng voi nhà chở gỗ thuê, làm du lịch kiếm được nhiều tiền đã làm mờ mắt nhiều người, trong đó có con cháu của già. Buồn lắm, anh em nó đánh chửi, giành giật nhau cũng vì con voi của ông bà để lại. Già phải phân chia cho ba người con và cháu mỗi đứa lần lượt giữ voi mười ngày. Thế mà chúng vẫn còn hậm họe nhau cơ đấy. Đứa nào đến lượt cũng “tranh thủ” bắt voi làm việc khiến con Khọi Vạc tội nghiệp kia cứ ngày một xuống sức vì cứ mãi xoay vòng...”.

VOI GIẬN

Cũng vì chuyện người bắt voi lao động cật lực như thế, cuối năm 2006, con voi Khăm Ngoan (35 tuổi) của nhà ông Y Thên Êban ở xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn) đã kiệt sức và chết. Chính ông Y Thên Êban kết luận: “Nó chết vì không được ăn no và ngủ không được đẫy con mắt”. Y Thế (con trai già Y Thên), người trực tiếp chăn dắt con voi trên suốt bao nhiêu năm, buồn bã nói rằng: “Suốt từ tháng 6 đến ngày con Khăm Ngoan nằm xuống (ngày 12-11 voi chết) là thời điểm rất đông khách du lịch. Hầu như Khăm Ngoan không có ngày nào được nghỉ ngơi. Nó phải gồng mình làm việc cả ngày lẫn đêm để kiếm đuợc mỗi giờ 100.000 đồng. Tiền này phải chia đôi theo hợp đồng thỏa thuận với chủ khu du lịch và chủ xưởng gỗ”.

Tình trạng voi bị khai thác quá sức lao động nhưng không được cho ăn uống đầy đủ, suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng đang diễn ra phổ biến ở Đăk Lăk. Bên cạnh việc con người giết voi, bóc lột sức lao động của voi, trộm cắp lông đuôi voi đã làm cho loài vật này trở nên hung dữ, bức xúc tấn công lại con người. Người dân ở Buôn Đôn đến giờ vẫn chưa quên vụ voi giết hại chủ xảy ra ngày 1-3-2007 ở buôn Tul, xã Ea Wel, Buôn Đôn. Ama Nưa (58 tuổi) đưa voi về nhà thuần dưỡng đã hơn 40 năm. Buổi sáng hôm ấy, hai cha con Ama Nưa cùng đưa voi Khăm Thăn vào rừng để thả cho voi tự do ăn, nghỉ. Bỗng không hiểu sao chú voi đã dùng vòi quật chết chủ. Con rể Ama Nưa nhanh chân chạy thoát. Phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ, lực lượng thanh niên trong buôn được huy động mới bắt được Khăm Thăn. Gần một tháng sau đó, sáng 23-1-2007, tại khu du lịch Hồ Lắc, huyện Lăk một du khách nam (quê Lâm Đồng) đang cầm máy chụp ảnh voi thì bị con voi chuyên làm du lịch đưa vòi quật xuống đất và dùng chân đá chết.

Cũng trong tháng 1-2007, nhiều ngày con voi đực tên Ben Khăm, trên 50 tuổi, nặng khoảng 4,5 tấn ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk liên tục quậy phá làm nhiều người khiếp vía. Con Ben Khăm vốn rất hiền lành, nhưng nó bỗng bứt dây, sổng chuồng đi phá nhà, phá vườn cây của bà con trong thị trấn. Gần 100 bộ đội, dân quân, công an và chủ của nó phải bao vây, dỗ dành nó trở về. Bữa đó, PV Báo CATP suýt bị đập máy ảnh, “đánh cho một trận” vì chụp ảnh con Ben Khăm. Những con voi phản chủ ấy bức bách một phần cũng vì nó không được thỏa mãn chuyện “yêu đương”. Loài voi cần “không gian yêu” khá phức tạp. Đó phải là tảng đá chênh vênh trên núi, không có bóng dáng con người. Nhưng, con người đã đang tâm “quên” mất nhu cầu tất yếu của nó.

Giai thoại về lông đuôi voi mang lại may mắn chỉ là hư truyền, nhưng một số người đã lợi dụng lòng tin đó để trục lợi. Cũng vì lợi mà con người sẵn sàng giết voi để lấy ngà, lấy lông đuôi bất chấp luật pháp và luật lệ của buôn làng. Rồi, cũng vì lợi nhuận mà voi bị bóc lột sức lao động quá mức nên dẫn đến kiệt sức, nhanh già và chết. Chính những lý do đó đã khiến những con voi nhà Tây Nguyên ngày càng bị tận diệt.


Cả ba chú voi đều không có ngà

NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG


Nhiều năm qua, những con voi nhà ở Tây Nguyên không sinh đẻ được. Một số chết dần, chết mòn bởi kiệt sức vì lao động, già yếu hoặc nạn săn bắn trái phép; rừng Tây Nguyên bị tàn phá và thu hẹp diện tích khiến những con voi không còn đất sống. Tất cả những điều đó đang là hồi chuông báo tử về sự tuyệt chủng của loài voi trên đất Tây Nguyên.

Voi vốn được xem là loài động vật quý hiếm, linh thiêng, hữu ích, gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ nước từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Voi từng cùng các anh hùng lịch sử như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... xông pha trận mạc, chống kẻ thù xâm lược. Trong kháng khiến chống Pháp, Mỹ, voi trở thành những “dân công tiếp vận”, là tài sản lớn của các gia đình giàu có, quyền quý trong các buôn làng Tây Nguyên.

Vào những năm 1960-1980, tại các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk - thủ phủ Tây Nguyên, voi thực sự phong phú về số lượng với khoảng 500 con. Việc săn bắt và thuần dưỡng voi ở vùng đất Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi của những Gru (thợ săn voi) nổi tiếng như: Y Thu Klun, Ama Công. Tương truyền rằng ông Y Thu (cha vợ của Ama Công), gốc người Lào thu phục voi rừng dễ như gọi gà vào chuồng. Ông săn được một con bạch tượng tặng vua Thái Lan và được vua Thái phong là vua săn voi. Được cha vợ truyền nghề, Ama Công trở thành người săn được nhiều voi nhất Tây Nguyên với gần 300 con, trong đó có con bạch tượng tặng vua Bảo Đại. Nhờ nghề săn bắt và thuần dưỡng voi, họ sống cuộc đời dư dả vật chất và niềm tự hào. Những con voi sống năm tháng ấy cũng được đối xử vô cùng tử tế. Chúng được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo tại các vườn quốc gia, trong các gia đình giàu có, là niềm tự hào của gia tộc và của người dân buôn làng Tây Nguyên. Còn nhớ, con voi Thoong Khăm của bà Thao Thông Chanh ở buôn làng Plei Kia, xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê - Gia Lai được gia đình bà mua từ Buôn Đôn (Đăk Lăk) có giá trị đánh đổi bằng 80 con bò. Nhiều gia đình giàu có ở xã Nhơn Hòa đã mua voi về khiến số voi của riêng xã này lên tới 50 con. Voi Nhơn Hòa nổi tiếng là nhờ người dân ở đây biết thuần dưỡng, chăm sóc voi một cách kỹ lưỡng. Ai đến Bắc Tây Nguyên cũng đều muốn cưỡi voi Nhơn Hoà. Chính nghề nuôi voi, cho khách chiêm ngưỡng và cưỡi voi đã vực dậy ngành du lịch Gia Lai. Nhưng đến năm 2009 thì hết sạch không còn con nào, xóa sổ luôn “làng voi Nhơn Hòa”.

Voi nhà ở các tỉnh Tây Nguyên thuộc loài voi châu Á, chỉ con đực mới có ngà và không cao to như voi châu Phi. Voi được ghi trong sách đỏ Việt Nam năm 1992 ở cấp độ bảo vệ cao nhất. Đăk Lăk là tỉnh có nhiều voi nhất cả nước, nhiều năm trước vào dịp “tháng ba - mùa con ong đi lấy mật - mùa lễ hội”, nhiều địa phương ở Đăk Lăk mở hội đua voi. Tại lễ hội này, các chú voi tranh tài ở nhiều nội dung. Thế nhưng lâu lắm rồi, người Tây Nguyên đã dần “quên” mất lễ hội độc đáo này.
Từ năm 2000 đến nay, ý tưởng (hay nhu cầu) du lịch sinh thái bùng nổ khắp nơi, như thể con người đang vội vã tìm mọi cách “bù đắp” cho những “mất mát” bấy lâu nay phải chịu đựng vì môi trường ô nhiễm. Rồi Festival, hội chợ, xiếc thú cũng nở rộ. Những chú voi trở thành vật trao đổi, mua bán, di chuyển từ Tây Nguyên đến những vùng đất xa lạ, lấy sức lao động để “làm du lịch” nuôi con người. Những con voi ấy đã được chăm sóc một cách “thiếu hiểu biết” hoặc làm việc quá sức. Không ít chú voi đã “tử nạn” trên đường đi hoặc đang tham gia diễn xiếc, lao động.
Ông Phan Đức Nhã - Trưởng phòng kinh tế huyện Krông Ana (Đăk Lăk) kể câu chuyên về cái chết của một con voi... cười ra nước mắt. Năm 2006, ở buôn Krông, xã Du Kmăl (Krông Ana), một chú voi đi kéo gỗ thuê đã bị chủ xích ở ngoài rừng ba ngày ba đêm để đi... nhậu, đến khi ra thăm thì nó đã chết đói từ lúc nào (!).

Số đàn voi nhà còn lại ở tỉnh Đăk Lăk, tính đến tháng 3-2010 vừa được Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đưa ra khiến không ít người giật mình. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 62 con, gồm 19 voi đực và 43 voi cái. So với số lượng năm 1997, trên địa bàn có 120 con thì lượng voi đã giảm một nửa.

Hiện voi nhà của Đăk Lăk chỉ còn phân bố ở 5 huyện: Buôn Đôn, Lăk, Ea Sup, Krông Ana, Krông Bông. Nguồn gốc số voi này là do người dân tộc thiểu số tại hai huyện Buôn Đôn và Ea Sup săn bắt và thuần dưỡng từ lâu đời theo nghề truyền thống. Trong số này có những “cụ” voi trên dưới 80 tuổi như: voi Bak Ku và Beng ở Ea Sup, voi Khăm Phanh ở Lăk... Còn lại hầu hết đã ở lứa “tuổi” U40 đến 60. Tuổi thọ của voi thường chỉ từ 60 đến 80 tuổi. Nếu chăm sóc tốt thì tuổi thọ của voi mới cao hơn. Viễn cảnh đàn voi nhà đang dần mất đi đang trở thành hiện thực. Nạn đốt rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng khiến những đàn voi rừng bỏ xứ đi qua bên kia biên giới. Nhiều cán bộ bảo vệ rừng cho biết, các anh thường xuyên phải đi tuần tra trong rừng nhưng cả năm chẳng hề gặp được con voi nào.

20 năm qua, nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu của các nhà động vật học cũng cho thấy tốc độ suy giảm nghiêm trọng của quần thể voi ở Đăk Lăk - Tây Nguyên cùng nhiều tỉnh khác như Bình Phước, Đồng Nai, Phú Yên. Năm 1979, số lượng voi nhà trên toàn tỉnh (cũ) là 502 con, nhưng đến năm 2000 chỉ còn 114 con (giảm 86%). Vào thời điểm hưng thịnh của đàn voi nhà, huyện Buôn Đôn có đến 120 con voi. Nhưng nay, nơi nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi này chỉ còn hơn 20 con. Đáng nói là voi nhà giảm, voi rừng cũng giảm mạnh. Cũng theo Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk, năm 1979, toàn tỉnh có khoảng 400 - 500 voi rừng, năm 2000 giảm còn khoảng 40 - 50 con (giảm 90%). Đàn voi rừng hiện có khoảng 87 đến 120 cá thể hiện đang di chuyển trong các cánh rừng giáp ranh Đăk Lăk, Gia Lai với biên giới Lào, Campuchia.

Ông Lê Cước - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk cho rằng: “Sự bùng nổ dân số, mở rộng diện tích đất canh tác đã làm thu hẹp môi trường sinh sống của loài voi. Tình trạng săn bắn bừa bãi để lấy ngà của voi đực đã làm cho bầy voi cái còn lại không sinh sản được dẫn đến giảm sút nghiêm trọng số lượng loài voi rừng. Trong khi đó, tỷ lệ sinh sản voi nhà rất thấp, bình quân chỉ 0,6%/năm”. Nhưng đó chỉ là những con số. Thực tế thì: “Gần hai chục năm nay, dân có nghề voi chẳng hề nghe thấy voi con nào chào đời; chỉ toàn voi già, yếu. Khoảng hai chục năm nữa, khi những nghệ nhân voi (Gru của các buôn làng) khuất núi, những con voi nhà cuối cùng chết đi, khi ấy, voi trên Tây Nguyên sẽ hết. Tây Nguyên mà không còn voi thì mất một phần hồn thiêng của Tây Nguyên”. Ông Y Hem - một người nuôi voi ở Buôn Đôn nói.


Xác một con voi bị giết trong rừng

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ CỨU LOÀI VOI?

Nghịch lý kinh tế hiện nay cũng là nguyên nhân làm suy tàn nghề voi ở Đăk Lăk. Thu nhập do một con voi mang lại cho chủ của nó hiện chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm, bằng 1/2 so với thu nhập từ 1ha cà phê mang lại. Đa số chủ voi ở các buôn làng Đăk Lăk hiện nay xem việc nuôi voi là để khai thác sức lao động của voi, kiếm tiền nuôi sống gia đình. Nhiều người trong số đó thuộc diện nghèo, không đủ tiền mua thức ăn cho voi nên đã phải nuốt nước mắt bán voi. Số tiền từ 150 triệu đến 300 triệu đồng từ việc bán voi có thể đủ cho họ chuyển sang làm công việc khác dễ sống hơn. Trong số 62 con voi nhà ở Đăk Lăk hiện nay, gần một nửa trong số đó thuộc về các công ty, doanh nghiệp làm du lịch. Những người hầu như không hiểu gì về voi. Với thực trạng này, chỉ vài năm nữa, người bản địa sẽ không còn sở hữu một con voi nào. Lúc đó, voi Tây Nguyên sẽ chỉ còn là hoài niệm.
Nhằm bảo tồn và phát triển đàn voi ở Việt Nam (cả voi nhà và voi rừng), tháng 5-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 733 phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn trương đến năm 2010. Quyết định này đã yêu cầu các tỉnh quan tâm đến số phận đàn voi quý đang có. Thế nhưng, kế hoạch đã đi gần hết chặng đường mà vẫn không có một đề án bảo tồn voi nào của các tỉnh đi vào hiện thực.

Năm 2007, tỉnh Đăk Lăk đã lập đề án bảo tồn voi với sự tham gia của nhiều sở, ngành, nhưng rồi không thấy triển khai. Ngày 15-12-2009, Sở NNPTNN Đăk Lăk đã tổ chức một hội thảo mà kết quả thu được khiến nhiều người quan tâm đến việc bảo tồn voi rất kỳ vọng. Đó là đề xuất thành lập Trung tâm bảo tồn voi quy mô 200ha tại Vườn quốc gia Yoók Đôn, xây dựng hẳn một bệnh viện dành cho voi, có chính sách hỗ trợ người nuôi, giúp voi sinh sản, giảm thiểu xung đột người - voi... Toàn bộ kinh phí dành cho dự án là 58 tỷ đồng. Thế nhưng, cho đến nay, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ.

Tại tỉnh Đồng Nai, năm 2008, đề án Bảo tồn đàn voi rừng cũng bắt đầu được tính đến. Nhưng sau đó vấp phải việc các ngành đùn đẩy nhau nguồn kinh phí, đề án vì thế cũng bị lãng quên.

Đàn voi nhà và nghề voi đang đứng bên bờ vực diệt vong. Hy vọng các tỉnh sớm có các đề án khả thi trong việc bảo tồn, phát triển để giữ đàn voi nhà không bị tuyệt chủng, nhằm phát huy có hiệu quả lợi ích của loài động vật quý hiếm này trong việc bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc về voi.

Vua voi Ama Kông khi được “thỉnh thị ý kiến” về nguy cơ tận diệt loài voi trên đất Tây Nguyên, đã nói bằng giọng trầm buồn: “Tây Nguyên mà không có voi thì thật là trống rỗng!”.

NGỌC HÀ

Nguồn: http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=702&p=&id=55177
 

kemkẹo

Member
Hôm nay đi lễ chùa cùng mẹ,trụ trì chùa Quán Thánh có giảng 9 kiếp 10 đời trong kinh phật ấy là 9 kiếp làm cây cỏ muôn loài để đời sinh ra làm người 10 lần,sống ác kiếp này thì nhân quả kiếp sau thôi
 
Top