Phu Dung
Moderator
Cún và người
Truyện ngắn của LƯƠNG VĂN CHI
Minh họa: Lê Thiết Cương
Bé mở mắt rồi dần tỉnh hẳn. Nó cựa mình, lật người nằm ngửa hẳn ra. Xung quanh vẫn yên lặng, cái im lặng thật sự của đêm sâu.
Vậy là thế nào nhỉ? Bé tự hỏi hay là bé mơ? Không, vừa rồi bé còn nghe rõ tiếng chú cún con ngoài sân kia mà. Chính tiếng cún đánh thức bé dậy bởi sau một hồi í oẳng, cún tru lên một thôi dài như ai oán, như đánh động cho những người trong nhà biết nỗi sợ hãi và cô đơn của nó.
Bé mở to mắt nhìn hẳn ra ngoài giường. Cái chấm nhỏ như đầu que diêm, xanh lét như mắt phù thủy của đèn báo ổ cắm điện trên tường chỉ làm cho đồ vật trong nhà thêm chập chờn, quái dị. Góc tường đối diện với chỗ mẹ con bé nằm là xích lô của bố. Hai cái sảo úp lên đôi quang cùng cái đòn gánh mà mẹ bé ngày ngày gánh rau bán dạo khắp phố để trong thùng xe. Tám cái nan quang cùng cái đòn gánh để phứa lên nhau, loằng ngoằng như đống củi cành mà hồi nhà bé chưa phải di dời để làm khu công nghiệp mẹ bé thường dọn vườn gom lại. Dưới nền nhà, bên cạnh bánh xe xích lô là nửa mảnh giát giường. Trên đó, tiếng bố ngáy váng nhà, tiếng ngáy lúc lúc tắc nghẹn, tựa như cái nút bấc đặt hờ trên cổ chai rượu, liên tục nảy lên, phát ra những tiếng khờ... khậc, khê khê.
Hôm nào chả thế, tiếng ngáy của bố luôn làm cả nhà khó ngủ. Từ ngày xích lô bị cấm vào những đường phố đẹp, cấm chở hàng vào những giờ cao điểm, bố đi làm muộn hơn, đạp những cuốc xe vòng vèo hơn, xa hơn. Mỗi tối về nhà, khi treo chiếc áo bảo hộ lên cái đinh ở tường, bố ngồi thẳng vào mâm cơm. Bố tựa lưng vào tường, tay nâng cốc, tợp một hơi cạn sạch cốc rượu, rồi với tay nhặt mấy hột lạc hoặc gắp tí rau xào. Mắt bố hằn đỏ, dưới ánh đèn vàng vàng mặt bố bóng lên, hai gò má sần sùi nổi u nổi cục. Bố cứ ngồi như thế rất lâu, hai hàng lông mày rậm sụp xuống mu mắt đầy bóng tối. Thỉnh thoảng bố lại thở dài, lẩm bẩm:
- Mẹ kiếp! Kiểu này rồi rau úa cũng không có mà ăn.
Bé không biết cái gì đã làm bố lo sợ, buồn chán thế. Chỉ biết thời gian gần đây mặt bố quắt lại và đen hơn. Bố hay nổi nóng vô cớ, hai anh em bé bị ăn đòn nhiều hơn và không biết mình đã mắc lỗi gì. Cuối cùng cái chai nhựa đựng rượu dốc ngược trên miệng cốc, bố liệng cái chai lông lốc vào góc nhà, lăn kềnh ra ngủ. Khi bố ngủ thì anh em bé đi lại phải rón rén, có nói gì với nhau cũng thì thào, cả mẹ cũng vậy.
Mấy hôm trước, lúc anh Vĩnh ngồi góc nhà nắn bóp mấy chỗ dúm dó của con búp bê nhựa được bố nhặt từ đống rác bên đường, bé hứng chí nhào tới giật con búp bê khỏi tay anh. Vĩnh chồm lên, giữ chặt con búp bê, hét toáng:
- Để tao chữa đã!
Bỗng nhiên Vĩnh nín bặt, đưa vội tay lên bịt mồm, mắt lấm lét nhìn vào chỗ bố đang nằm ngủ. Bố vùng dậy, hai mắt đục ngầu, gầm lên:
- Bắt nạt em hả!
Bố bỏ ra sân, rút soạt một thanh củi trong đống củi cành mà mẹ gom nhặt được khi đi bán rau. Bé nhìn anh Vĩnh đang rúm lại góc nhà, rũ rượi như bọc giẻ rách. Bố xông thẳng đến Vĩnh trong lúc anh chắp hai tay trước ngực, nước mắt giàn giụa, lập bập van xin.
Vút, cái roi tròn lẳn xé không khí, vung lên cùng tiếng thét khản đặc:
- Thích trêu nhau này! Trêu nhau này...!
Vút, vút! Cành củi khô trong tay bố quật xuống vô tội vạ vào lưng, vào vai, vào bắp chân Vĩnh. Hai bàn tay bé xíu của Vĩnh rối rít xoa xoa vào những chỗ mà ngọn roi vừa bứt ra. Cuối cùng Vĩnh ngã xoài ra nền nhà, hai chân giãy đành đạch. Nước mắt, nước mũi cùng rớt dãi Vĩnh thi nhau vãi xuống. Môi miệng Vĩnh ríu vào nhau, thều thào tiếng nấc dồn dập.
Từ ngoài sân mẹ hớt hải xông vào, đầu tóc tơi tả. Giật cái roi trong tay bố, mẹ hét lên:
- Ông không xót con sao? Nó có tội gì?
Bố gào lên, hổn hển:
- Vậy thì ai xót tôi. Tôi có tội gì!
Tiếng “ai”, tiếng “tội” như nứt toác trong cổ họng bố, phụt ra. Bố giật cái áo trên tường, lộn túi rỗng, chiềng vào mặt mẹ.
- Không còn nổi một nghìn... Nhầm đường cấm, bị làm luật. May mà không bị tịch thu xích lô!
Bố ngồi phịch xuống miếng giát giường, mặt méo xệch, rên rỉ:
- Thân tôi khác gì con chó!
Mẹ quẳng cái roi ra sân, nhìn bố:
- Chẳng lẽ ông đem cái khốn nạn ngoài đời trút lên đầu con cái hay sao!
Đuối lý, bố nằm vật ra. Chỉ một lát tiếng khờ... khậc... khậc của bố đã váng nhà.
Vĩnh nín khóc, co hai cái chân đau lổm ngổm bò lết ra sân, ngồi dúi vào bờ râm bụt thút thít một mình. Bé lại gần xoa hai tay mình lên lần áo mỏng, nắn bóp những lằn thịt hằn lên hình cái roi và nóng rát trên lưng anh, trong lúc Vĩnh vừa khóc vừa lắc vai, dằn dỗi hất tay bé xuống.
Nghĩ đến đấy, sợ quá bé nhăm nghiền mắt lại. Trước mắt bé cái roi vẫn tới tấp như múa. Góc nhà, tiếng ngáy khờ... khậc... khậc... của bố vẫn vang đều.
Bỗng ở ngoài tiếng cún con rít lên ăng ẳng. Chân cún cào soàn soạt vào cánh cửa. Cún chõ mõm vào nhà sủa hoắng lên. Bé hoảng hốt nhổm dậy. Chết, sủa ghê thế, bố mà dậy bây giờ thì...
***
Mớ rau muống héo nát nằm trong cái sảo vừa được đặt xuống sàn, một tay tháo cái xô nhựa buộc đầu đòn gánh thường để chứa nước tưới cho rau đỡ héo trong lúc bán dạo, mẹ bé lớn tiếng gọi:
- Vĩnh đâu, bé đâu! Quà của các con này!
Vĩnh đang phồng mồm trợn mắt thổi hơi vào cái lỗ trên đỉnh đầu để nó căng trở lại, nghe tiếng mẹ, cả hai quẳng con búp bê xuống đất, nhào vội ra sân.
Nhìn hai con rón rén bóc lớp vỏ thâm đen vì chín nẫu của hai quả chuối, món quà thường nhật sau mỗi buổi chợ, mẹ bé nghiêng đầu, ánh mắt lấp lánh.
- Còn quà nữa...?
Mẹ chỉ tay vào cái xô nhựa. Bé cúi xuống, suýt nhảy cẫng lên và đánh rớt quả chuối ăn dở vì mừng rỡ. Trong xô, một chú cún con ngồi chồm chỗm, cái mũi đen nhẫy hếch lên, hai cánh mũi bé tí động đậy như đánh hơi và đôi mắt đen như hai cúc áo đong đưa, còn cái đuôi nhỏ như cây bút bi, cong tớn, ngoáy lia lịa.
Mẹ bế cún khỏi lòng xô. Bé ngồi sụp xuống, reo ầm lên:
- Ôi, đẹp quá, mẹ ơi! Thích quá!
Bé đưa tay vuốt nhẹ lên bộ lông vàng mịn của cún.
- Các con chơi với cún đừng để nó ra ao. Chăm cho nó ăn, chóng lớn còn trông nhà. Dạo này trộm cắp với nghiện hút nhiều như rươi - mẹ thở dài, nhặt mớ rau muống trong sảo - Bố chúng mày cũng sắp về rồi!
Được tự do cún chạy nhắng lên, bạ cái gì dưới sân cũng ghé mõm khịt khịt. Thỉnh thoảng cún ngồi thừ ra, thè cái lưỡi hồng hồng bé xíu như cái thìa liếm mép rồi há ngoác miệng ngáp một cái rõ dài.
Bố về. Bé chạy ra đón bố, cún bắng nhắng theo sau. Nhìn cún lăng xăng chạy đón mình, bố trừng mắt:
- Lại rước của nợ về đấy hả? Cơm gạo đâu mà nuôi.
Bé cụt hứng, mặt ỉu xìu. Nhưng cún vẫn hết chạy đón đằng trước lại chạy lùi về phía sau, rít lên mừng rỡ. Vướng chân, bố đá “phốc” một cái. Cún oắng lên một tiếng, lăn lông lốc ra ngoài, nằm im như chết, mắt mở to nhìn, cái đuôi bé xíu văng qua văng lại.
Bố lẳng lặng vào nhà, mở cốp xích lô, vứt xoảng cái xích vẫn dùng để khóa bánh xe ra sân, rồi túm gáy cún, nghiến chú vào cây cột tre ở cửa bếp. Cả buổi chiều cún quanh quẩn bên cây cột ấy, bé cũng không dám lại chơi với cún nữa.
***
Tiếng oăng oẳng ở ngoài sân càng lúc càng dồn dập, cồn cào. Sau một thôi dài, cún lại rít lên ư ứ. Len lén bé ngồi dậy, tụt xuống giường. Dưới đất, trên mảnh giát giường bên cái xích lô bố vẫn ngủ say, tiếng ngáy của bố vẫn thỉnh thoảng váng lên.
Bé đẩy cửa bước ra sân. Ánh đèn cao áp ở phố yếu ớt hắt vào cái xóm trọ nhà bé nhờ nhờ như khói bếp. Cái ôm củi bằng cành cây trông lùm lùm như cái mả ở bên bờ dâm bụt.
Thấy người, cún mừng quýnh, rít lên. Bé giơ tay vuốt lưng cún, bộ lông đã âm ẩm hơi sương. Cún ngoác miệng, thè cái lưỡi khô khốc liếm tay bé. Thôi chết, bé giật mình. Tội nghiệp cún, vừa mới xa mẹ, lại bị bỏ đói bỏ khát từ chiều đến giờ còn gì.
Lẻn vội vào trong bếp, bé khẽ khàng mở vung nồi cơm, cho tay vào khua khoắng. Nồi cơm nhẵn thín. Một thoáng lưỡng lự, bé múc một bát nước đặt trước mặt cún: “Cún ơi, chịu khó nhé. Bé chỉ làm được thế này thôi!”.
Bé trở lại giường trong tiếng tóp, tóp đớp nước của cún con ngoài sân. Bé chìm dần vào giấc ngủ nặng nề, bứt rứt.
Tiếng chó của xóm nghèo lại đột ngột dội lên. Tiếng sủa ngày một dồn dập, báo động. Những gã nghiện đang tổ chức đi trộm đêm. Tiếng chân cún con sợ hãi cào sồn sột vào cột tre luồng. Rồi tiếng cún nhảy, cún lồng, cún giật dây xích. Bé hoảng hốt bừng mắt. Dưới đất, bố trở mình, ồm oàm:
- Khi không lại rước cái loa công cộng về nhà. Mất cả ngủ...
Bố trở dậy. Tiếng chân không thình thịch trên nền nhà.
Bé hé mắt nhìn ra. Cái bóng đen cao lớn của bố khủng khiểng. Tiếng í oẳng vui mừng của cún khi thấy người cùng với tiếng soạt của cành cây được rút ra từ trong đống củi. Bé rùng mình: “Khổ thân cún quá, lại bị đòn như anh Vĩnh thôi”.
- Kêu này!
Bé nhắm nghiền mắt lại.
- Kêu nữa này!
Cành củi quật chí mạng vào cún. Một tiếng oắng kéo dài rồi im bặt. Đêm đen bao trùm, nghe rõ cả tiếng cá đớp dưới mặt bèo.
Bố lẹp kẹp lê dép vào nhà rồi nằm phịch xuống bộ giát giường. Chỉ lát sau tiếng ngáy của bố đã lại khờ khờ khậc khậc...
Sáng hôm sau bé dậy thật sớm, sớm hơn mọi ngày. Bé chạy ngay ra sân với cún. Nhưng ôi thôi, cún nằm sóng soài, hai mắt nhắm nghiền trên nền đất đẫm, bộ lông vàng mượt dính bết sương đêm. Từ khóe mép đen đen một dòng máu thâm đọng lại, nhểu vài giọt tím đen xuống đất. Cún chết bởi cún kêu nhiều. Còn vì sao cún kêu nhiều chắc chỉ mình bé biết.
Bé òa lên khóc nức nở. Anh Vĩnh dậy từ lúc nào, đứng sau lưng bé cũng òa khóc theo.
Từ trong nhà bố vọt ra sân, hai tay dụi hai con mắt đỏ ngầu:
- Có thế mà cũng khóc hở?
Cả hai anh em vội nín bặt. Bố tháo xích, cầm tai cún xách lên ném tõm xuống ao nước trước nhà. Lớp bèo tấm xao động dồn nhau, giãn ra rồi lập tức khép lại. Cún mất tăm như chưa từng có mặt trên đời.
***
Mấy ngày sau xác cún nổi phập phều, to hơn nhiều lúc còn sống. Cái bụng rỗng của cún phồng căng như quả bóng. Mấy đứa trẻ ở dãy nhà trọ bên kia ao lấy cún làm mục tiêu hò nhau ném đất đá tùm tũm xung quanh xác cún. “Bục”, một hòn trúng ngay vào cái bụng căng kềnh ấy. Một đám lông vàng trượt theo hòn đất vừa ném. Mảng bụng trắng hớ của cún vỡ ra mùi hôi thối bập bềnh giữa đám bèo tấm xanh xanh.
- Hoan hô! Hoan hô...
Tiếng hò reo, cổ vũ vang ầm bên kia ao, tán thưởng “viên đạn” bắn trúng mục tiêu. Đất đá lại thi nhau ném vào xác cún. Mặt nước vỡ ra, mùi hôi thối lưu cữu lâu năm dưới đáy bốc lên nồng nặc.
- Khốn kiếp! Thôi ngay.
Từ trong nhà bố xộc ra, đứng chặn trước mặt Vĩnh và bé, hai tay chống mạng sườn, hùng hổ quát đến lạc giọng.
Tiếng quát như một mũi tên phóng thẳng vào đám trẻ bên kia, chúng ngơ ngác dừng lại. Nhưng lập tức, bằng kinh nghiệm tinh ma và sự lì lợm của trẻ con xóm liều, chúng hiểu cái ông người lớn bên kia chẳng có mẽ gì! Chúng cúi xuống nhặt đất đá, tiếp tục trò chơi bạo lực của mình. Mặt ao đầy bèo tấm lại rung lên, xác cún lại dập dềnh, trồi trụt giữa những tiếng “bõm, bõm”, nước bẩn bắn lên tung tóe, vung đầy cả mảnh sân con nhà bé.
Mắt long sòng sọc, bố gạt Vĩnh và bé sang một bên rồi nhảy đến đống củi. Rút soạt một cành to và dài nhất, bố vung lên trong lúc bé hoảng hốt thụt lùi, mở to mắt nhìn anh Vĩnh đang tóp người lại, mắt đờ ra như người thất kinh lạc, toàn thân run rẩy không hiểu mình lại mắc lỗi gì.
Tay nhăm nhăm cành củi, nhảy một bước đến mép nước, bố xồng xộc lội thẳng xuống ao, mặc cho mặt nước đen ngòm òng ọc sủi bọt. Nhất định bố đang muốn sang bờ ao bên kia để cho lũ trẻ con ấy một trận đuổi bắt nên thân. Nhưng hình như không phải vậy, bây giờ thì bé hiểu là bố đang muốn đưa xác cún lên bờ.
Bọn trẻ bên kia cuống quýt trước nguy cơ mất mục tiêu, chúng càng la ó dữ. Đất đá tới tấp phi xuống mặt ao.
- Ối!
Tiếng kêu thất thanh của bố giẫy lên cùng lúc cành củi rơi bẹt xuống mặt nước. Hai tay ôm mặt, bố ngã ngửa đánh oạp xuống mặt ao đen ngòm, hai bàn chân chòi chòi đạp đạp.
Một “viên đạn” quá đà và chệch mục tiêu đã đi thẳng vào giữa trán bố. Bé và Vĩnh ngây người rồi cùng lúc đồng thanh hét lên:
- Bố ơi!
Vĩnh nhào ra ngõ, hai tay chụm lên miệng làm loa kêu cứu.
Bọn trẻ bên ao ù chạy, đứa nào đứa nấy tọt vào trong những vuông nhà trọ của mình, sập cửa lại. Thỉnh thoảng một vài cái đầu bù xù thập thò ló ra, nghiêng ngó.
Mấy chú bác trong xóm gần đó chạy thậm thựt tới bờ ao. Bố của bé yếu ớt quẫy đạp và chìm dần. Vẳng bên tai bé câu rên rỉ của bố hôm nào: “Thân tôi khác gì con chó!”. Bé đưa tay gạt nước mắt, ngồi sụp xuống dưới chân những người hàng xóm, khẩn cầu:
- Cứu bố cháu với, các ông các bà ơi!
Nhiều người lội ào xuống ao. Nước thải của cả xóm đổ ra đây từ lâu đã thành thứ nước cống sền sệt hắc ám. Người ta không thể đi nhanh mà hình như bố của bé cũng không muốn nấn ná thêm trên cái cõi đời này nữa. Chỉ có anh Vĩnh và bé là không biết tại sao một người khỏe ngủ, khỏe vung roi mà lại dễ chìm trong nước cống đặc như vậy.
Nguồn: tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=326054&ChannelID=277Sẽ gặp trong truyện này những chi tiết nhan nhản hằng ngày trên mặt báo: dự án và thân phận người dân; cỗ xích lô độ nhật và những tay cảnh sát “làm luật”; những đứa trẻ không ngày mai và cái ao tù; chú cún mong manh và tiếng đòn roi nghiệt ngã trong đêm... Một bức tranh nhất định không bôi đen hay bóp méo và một gia đình nông dân trôi dạt nhất định không bị phóng đại hay đơn lẻ. Người nông dân đã đi một vòng tròn, người viết cũng đã đi một vòng tròn và rồi hai bên, đối tượng miêu tả và nhà văn, đã lại gặp nhau trong tâm trạng không có gì là tươi sáng cả.
Buồn nhưng vẫn phải viết, đau nhưng nhà văn không cứu sống được nhân vật của mình. Lương Văn Chi là cây bút không trẻ tuổi đời của đất Hải Phòng, xem Nguyên Hồng là một tấm gương và bền bỉ với những truyện ngắn về những con người dưới đáy. Vì vậy, đọc anh thích nhất ở những mẩu thoại có thần, khoa lên vẻ gân guốc, lấm láp đáng nhớ và có sức liên tưởng cao.
DẠ NGÂN