• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Trường của những “học viên đặc biệt”

Hoangminh

Member
Trường của những “học viên đặc biệt”

QĐND - Thứ Hai, 14/12/2009, 23:22 (GMT+7)
Có một ngôi trường đào tạo huấn luyện viên, để rồi các anh lại đào tạo những “học viên đặc biệt”-chó nghiệp vụ. Đó là Trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ (Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng).
Luyện tập phương án tấn công tội phạm, bảo vệ biên giới.
Trong những năm chiến tranh, có một “lực lượng” đặc biệt, góp phần tích cực đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, bảo vệ căn cứ Trung ương Đảng, canh gác các trại giam, bắt giặc lái máy bay Mỹ… đó là Đội Cảnh khuyển biên phòng (Tiểu đoàn 24).
Sau giải phóng, qua nhiều lần biến động về tổ chức, Trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ được thành lập với các nhiệm vụ: Chăn nuôi sinh sản chó nghiệp vụ, đào tạo huấn luyện viên và chó nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học về chó nghiệp vụ, quản lý các đội cơ động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Để nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, nhà trường đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, biên soạn hệ thống giáo trình, tập bài giảng phù hợp, sát thực tế đơn vị; cải tiến mô hình, đồ dùng huấn luyện, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Nhà trường mạnh dạn áp dụng các mô hình chăn nuôi phát triển chó nghiệp vụ, chủ động phòng bệnh, cải tiến nội dung, phương pháp huấn luyện, mở rộng hợp tác với các cơ quan khoa học, viện nghiên cứu… trong và ngoài quân đội thực hiện nhân thuần và lai tạo giống, nuôi dưỡng, điều chế vắc-xin phục vụ nuôi dạy chó nghiệp vụ.
Từ chỗ mỗi năm chỉ huấn luyện một khóa với gần 50 huấn luyện viên và chó nghiệp vụ, đến nay mỗi năm nhà trường đào tạo, huấn luyện 3 khóa huấn luyện viên và các chuyên ngành huấn luyện chó chiến đấu, chó phát hiện các chất ma túy... Nhà trường đang tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm chương trình huấn luyện chó tìm kiếm-cứu nạn tại các công trình sập đổ, sạt lở đất do thiên tai. Để bảo đảm đủ số lượng chó choai đưa vào huấn luyện, nhà trường chủ động thử nghiệm đề tài: Nuôi chó phân tán, nuôi chó vệ tinh tới các hộ gia đình cán bộ của nhà trường, nhằm chống dịch bệnh cho đàn chó, giảm chi phí đầu tư.
Trong thường trực SSCĐ, thực hiện nhiệm vụ đột xuất trên giao, nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo các cụm cơ động làm tốt nhiệm vụ tăng cường bảo vệ biên giới các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; phối hợp cùng BĐBP các tỉnh tổ chức tuần tra mật phục hàng trăm lần; ngăn chặn, bắt giữ nhiều đối tượng vượt biên trái phép; tham gia bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu về quốc phòng-an ninh ở địa bàn chiến lược.
Trường tổ chức nhiều đội chó nghiệp vụ cơ động phối hợp với lực lượng đặc nhiệm của Cục Phòng, chống tội phạm ma túy BĐBP luyện tập các tình huống chiến đấu và thực hành chiến đấu đánh bắt tội phạm ma túy tại các tỉnh biên giới. Đội ĐC05 của nhà trường đã sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện, hỗ trợ xử lý nhiều vụ, bắt nhiều đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; tham gia tìm kiếm-cứu nạn do lũ quét, sạt lở đất tại Tùng Chỉn, Trịnh Tường, Bát Xát (Lào Cai); Pa Tý, Yên Tĩnh, Tương Dương (Nghệ An); Pác Nậm (Bắc Kạn). Từ những chú chó hung dữ, các huấn luyện viên của trường với sự tâm huyết, yêu nghề đã dạy và huấn luyện chúng trở thành một loại “vũ khí đặc biệt” thực hiện được các nhiệm vụ bảo vệ an ninh-quốc phòng. Ra bãi tập chúng tôi thật sự cảm phục sự kiên trì, vượt khó của các giáo viên ở đây. Chính qua huấn luyện vất vả, mà rất nhiều cặp “thầy-trò” đã lập chiến công, gần đây nhất là vụ bắt 24 bánh hê-rô-in, 2 khẩu súng quân dụng và hai đối tượng buôn bán ma túy tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Đại tá Đỗ Xuân Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trải qua nửa thế kỷ xây dựng, cán bộ, giáo viên, học viên và những chú khuyển của nhà trường đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Là công tác đặc thù (lao động đặc biệt nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm) nên còn nhiều chính sách cần được nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp, như chế độ quân trang, kinh phí chuyên ngành cho “quân xanh”, bảo đảm điện, nước riêng cho chó…
Nhà trường mong muốn được đầu tư các trang, thiết bị chuyên dùng bảo đảm sức khỏe cho cả người và chó để thường xuyên luyện tập sát thực tế, chất lượng. Đội ngũ giáo viên tâm huyết, yêu nghề của nhà trường cần được quan tâm cử đi đào tạo ở các trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bài và ảnh: PHẠM ĐỆM-MINH HOÀI
 
Top