• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Tục thờ chó.

KimCuong

Active Member
Từ tục thờ chó, nghĩ đến “Linh Cẩu” Chùa Cầu…
1. Từ tục thờ chó của người Việt:
[imgl="HỘI AN"]http://www.hoian24h.com/images/news/chuacau_small.jpg [/imgl]
Qua nghiên cứu tượng chó đá một số nơi như đền Hai Bà Trưng ( Hát Môn), đình thôn Phù Trung ( xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Tây) và đình làng Địch Vĩ ( xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Tây); qua một số sách như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, sách Tây Hồ chí và cả Đại Việt sử ký toàn thư, cùng nhiều ghi chép của thư tịch Hán Nôm… các nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam đã kết luận rằng: Đó là chẳng những trước đây mà cả hiện nay, người Việt vẫn có tục thờ chó, vẫn có tín ngưỡng dân gian về chó.Theo đó thì tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Một là hình thức chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ trừ tà, cầu phúc. Hai là hình thức đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam xưa.

2. Từ tục thờ chó của một số dân tộc trên thế giới:
Theo nhà dân tộc học Trécsơnốp người Nga thì tục thờ chó là khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, có ở hầu khắp thần thoại các dân tộc ở Đông Nam Á lục địa. Đúng ra, lúc đầu thờ chó là xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi gia súc khu vực Tây Nam Á, với vai trò canh giữ đàn gia súc. Sau đó có thể người Ấn – Âu từ thời đồng thau đã mang vào Đông Á truyền thống chăn nuôi cùng với tín ngưỡng thờ chó.Trong thần thoại vùng Địa Trung Hải và Cận Đông, hình tượng chó, kẻ canh giữ gia súc đã sớm chuyển thành kẻ canh giữ thế giới âm phủ. Trong thần thoại Bàn Hồ ( Nam Trung Quốc), chó lấy công chúa rồi vào núi ở và sinh con đàn cháu đống…trở thành thủy tổ của người Dao…

3. Nghĩ về “ Linh Cẩu” ở Chùa Cầu:
Chùa Cầu, cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều là chiếc cầu gỗ từ bao đời nay được xem là biểu trưng văn hóa của phố cổ Hội An và chính thức được Nhà nước công nhận là biểu trưng ( logo) Đô thị cổ Hội An- Di sản Văn hóa thế giới. Chùa Cầu là một loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật có kiểu dáng độc đáo: thượng gia- hạ kiều, lại gắn với miếu thờ bên trên nên đã vượt ra ngoài chức năng giao thông thông thường. Điều độc đáo, kỳ lạ hơn nữa là hai bên đầu cầu có hai cặp tượng chó ( Linh Cẩu) và khỉ ( Thần Hầu) bằng gỗ được thờ đăng đối hai bên đầu cầu. Lý giải về tượng chó và khỉ, có người cho rằng đó là cách ghi niên đại theo kiểu người Nhật, khởi công vào năm Thân ( con khỉ) và hoàn thành vào năm Tuất ( con chó). Có người cho đó là những con vật trong tô- tem giáo mà người Nhật sùng bái, thờ tự trong nhiều công trình tín ngưỡng từ cổ xưa. Tư liệu về Chùa Cầu hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An có ghi chép cặp đối có liên quan đến Linh Cẩu như sau ( nguyên trước đây được đắp bằng sứ ở mặt phía Đông của Chùa Cầu, hiện nay không còn nữa) :

“Thiên cẩu song tinh an cấn thổ
Tử vi lưỡng tướng định khôn thân”

Tạm dịch: Hai sao thiên cẩu trấn an đất cấn
Hai tướng tử vi định giữ cung khôn

Theo Kinh dịch thì Cấn thổ ( đất Cấn) chỉ hướng Đông Bắc, khôn thân ( cung Khôn) chỉ hướng Tây Nam. Qua câu đối trên, cho ta thấy tín ngưỡng của người xưa thì cặp tượng Linh Cẩu chính là hai vị thần được cử xuống từ trên Trời để canh giữ sự bình yên cho xứ đất này; và còn lý giải về phương hướng cụ thể của Chùa Cầu- đó là cầu bắc qua lạch nước nối hai xã Minh Hương và Cẩm Phô theo hướng Đông Bắc- Tây Nam.

Nhìn cặp Linh Cẩu ( một con đực, một con cái) cao to bằng chó thật, ngồi khoan thai canh gác, chân trước đứng, hai chân sau ngồi trên bệ như chó sắp nhổm lên, xông ra đương đầu với cái ác để bảo vệ sự an lành của nhân dân. Trên bệ thờ, trước mặt Linh Cẩu có đặt bát hương, cặp chân đèn và dĩa để vật cúng. Ngày xưa, Chùa Cầu luôn nghi ngút khói hương, người qua lại phải cúi đầu ngã nón; ngày nay, trong những ngày rằm, mồng một âm lịch mới có khói hương. Cặp tượng chó ở Chùa Cầu, từ lâu được xem là thần trong tâm thức dân gian Hội An, với niềm tin đó là vật trừ tà, canh giữ bình an cho mọi người. Cách thức tạc tượng, bệ thờ, phụng cúng, niềm tin Linh Cẩu ở Chùa Cầu và quan Hoàng Thạch ( chó đá) ở một số nơi có mô típ giống nhau. Khác chăng tượng chó ở Chùa Cầu thì bằng gỗ, cũng là đặc thù, lợi thế về kiến trúc gỗ, vật liệu gỗ ở Đô thị cổ Hội An; nhưng thoạt nhìn, chúng ta tưởng rằng cặp Linh Cẩu được làm bằng đá bởi lớp sơn bên ngoài màu xám, đây là cách thức giả chó đá.

Đã hơn 400 năm nay, người Hội An, du khách khắp nơi qua lại Chùa Cầu, nhìn những pho tượng đầy màu sắc thần bí, lý giải về nhiều điều, thiết nghĩ phải tìm hiểu sâu hơn về tín ngưỡng thờ Linh Cẩu ở Chùa Cầu cũng như các hành vi tín ngưỡng, thực hành tín ngưỡng chó đã có trong lịch sử và hiện vẫn đang tồn tại một cách sống động. Từ tục thờ chó của người Việt và một số dân tộc trên thế giới, nghĩ về cặp Linh Cẩu ở Chùa Cầu, Hội An lại càng thấu hiểu và yêu quý biết bao Đô thị cổ Hội An- Di sản Văn hóa thế giới, nơi chứa đựng các kho tàng phong phú về phong tục, tập quán, truyền thuyết, là cuộc sống ngày nay vẫn còn in bóng cuộc sống ngày xưa…Nhìn cặp Linh Cẩu vừa tôn nghiêm vừa gần gũi như nhìn thấy được cái mảnh hồn quê đau đáu của những người xa xứ khi bước chân đến Lai Viễn Kiều.

Sưu tầm.
******************
 
Top