• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Sự vất vả trong nghề khoan cắt bê tông mà bạn chưa biết

phuonganh1702

New Member
Tôi không hề có những thiện cảm với những người khoan cắt bê tông, nhưng đên khi được chứng kiến những người thợ khoan cắt bê tông tại Hà Nội đang thi công công trình phá dỡ tôi lại có thể hiểu rằng cuộc sống để giúp họ tồn tại cũng rất khó khăn.


Cuộc sống của những người thợ “phá” - họ tự gọi mình như thế - cũng chông chênh như chính công việc của họ vậy.

Nhọc nhằn người thợ khoan cắt bê tông

Khoan cắt bê tông được hình thành từ bao giờ, không người nào biết chính xác. Chỉ biết rằng, nó ra đời cùng với quá trình phát triển đô thị hoá khi nhu cầu cải tạo các công trình kiến trúc hay phá bỏ các ngôi nhà lụp xụp, cũ kỹ để thay bằng những ngôi nhà mới, khang trang ngày càng nhiều. Nghề khoan cắt bê tông tuy nặng nhọc, môi trường độc hại và tai nạn luôn rình rập, song lại là nghề đem thu nhập tương đối cao cho những người nông dân khi quyết định thoát ly đồng ruộng mà chỉ có sức khoẻ “làm vốn”.



Bên bức tường phá dở trên một công trường xây dựng khách sạn tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, anh Minh một thợ khoan cắt bê tông quê ở Khoái Châu (Hưng Yên) đang cặm cụi làm việc. Mặc dù trời nắng hanh, bụi tung mù mịt nhưng anh vẫn để đầu trần, không khẩu trang, chiếc áo cũ thô sờn được phủ trắng lớp bụi. Trên tay anh là chiếc máy khoan đầu lắp mũi đục to như cái xà beng dài hơn hai gang tay, trọng lượng dễ đến gần một nửa cơ thể được anh dùng hết sức dũi vào lớp tường dày hàng chục phân. Thấy tôi, anh ngừng lại giây lát, đưa tay phủi lớp bụi bê tông trắng xoá trên tóc bảo: “Chú ra ngoài kia đợi tôi một lát, tôi đang dở chỗ này. Đứng đây bụi lắm”. Dứt lời, anh lại miệt mài đưa chiếc máy lên mảng tường đang phá trong tiếng gầm rú của động cơ trộn với tiếng va đập chát chúa. Nhìn anh, tôi có cảm giác như tất cả các khớp xương, thớ thịt trên cơ thể đang long ra theo nhịp rung bần bật của chiếc máy.

Ra tiếp chuyện tôi, anh vơ ngay cái điếu cày nhồi thuốc, châm lửa rít, nhả khói vào khoảng không rồi bê bình nước đánh một hơi. Sau đó, anh mới quay sang bảo: “Bọn tôi có gì nhiều chuyện đâu mà kể, đơn giản người ta thì xây còn chúng tôi thì phá…”. Nói thế nhưng rồi, anh vẫn kể về cái nghề đã gắn bó với anh gần 5 năm nay. Anh bảo: “Nghề này tuy vất vả, nhưng là hũ gạo, là miếng cơm, manh áo của vợ, của con tôi. Ai gọi là chúng tôi phải lao vào mà làm, vì có phải lúc nào cũng sẵn việc đâu, bọn tôi tranh thủ những tháng cuối năm, người ta sửa chữa nhà cửa nhiều, cố kiếm cho vợ, cho con cái Tết tử tế”.


Lời kể nhát gừng của anh Minh với tôi bị ngắt quãng bởi tiếng va đập của chiếc máy khoan rơi xuống đất do một người trong đội thợ sơ sẩy làm rơi. Anh này do cố với theo chiếc máy nên chân tay loạng choạng thế nào lại va vào giàn giáo khiến máu từ chỗ vết thương trên tay rỉ ra. Anh Minh ngừng câu chuyện véo mẩu thuốc lào đưa cho anh kia và bảo: “Bịt vào!” rồi lại quay về câu chuyện dang dở với tôi: “Cái nghề này nó thế đấy, suốt ngày tiếp xúc với sắt thép, bê tông, chuyện chảy máu như thế nhằm nhò gì. Làm nghề này nguy hiểm, bởi luôn phải thao tác trên cao, đối mặt với tường đổ, cột rơi. Đã không ít người trượt chân, ngã giáo dẫn đến gãy chân, gãy tay và trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng vì cuộc sống mà, tôi vẫn phải đeo đuổi cái nghề cho là bạc này”.

Nhìn người thợ đang đứng chênh vênh, tay cầm chiếc máy khoan để đục từng tảng bê tông, phá những bức tường, đôi chân cố bám trụ vào bức tường như đang lung lay, chờ đổ ụp xuống cũng đủ khiến tôi lạnh gáy. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn xảy ra.
 
Top