• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Phản xạ trong huấn luyện chó

Status
Không mở trả lời sau này.

TaiVenh

Active Member
Tác giả: hungvuong1

Trong công tác đào tạo Huấn luyện thú nói chung và Huấn luyện viên chó nghiệp vụ nói riêng, người ta thường nhắc nhiều đến 2 từ "Phản xạ" vậy phản xạ là gì? và tại sao phản xạ lại giữ một vai trò quan trọng đến như vậy trong công tác huấn luyện?

Hôm nay tôi xin mạn phép được trao đổi cùng các bạn một chút lý thuyết về vấn đề này. Trước hết xin định nghĩa phản xạ là gì? Phản xạ là sự phản ứng đáp lại của cơ thể động vật đối với các kích thích từ bên trong và bên ngoài đến với cơ thể của chúng.

Phản xạ được thực hiện nhờ chức năng hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương. Căn cứ vào sự phân tích rất nhiều yếu tố mà các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: "Công việc của não có tính chất phản xạ". Phản xạ là dạng cơ bản của sự hoạt động của hệ thần kinh và sự liên hệ của cơ thể với môi trường xung quanh, mỗi một phản xạ được xảy ra do một nguyên nhân nhất định. Phản xạ bao gồm 2 khâu: Khâu vào (cảm giác) và Khâu ra: (thực hiện).

Phản xạ được chia thành 2 loại khác nhau:

1/ Phản xạ không điều kiện: Là những phản ứng đáp lại mang tính bẩm sinh và thường xuyên của cơ thể động vật đối với sự tác động nhất định của các kích thích, hoạt động thông qua hệ thần kinh. Đặc trưng nổi bật của phản xạ không điều kiện là tính bẩm sinh và khả năng di truyền. Ngay từ khi mới sinh ra ở động vật đã có sẵn hàng loạt các phản xạ theo di truyền đặc trưng của nòi, giống, bộ, nhóm...như gà ấp trứng, lợn đẻ con, vịt biết bơi...Các phản xạ không điều kiện mang tính đăc trưng của mỗi loài rất rõ nét. Các phản xạ không điều kiện bao gồm như hít thở, đói thèm ăn, khát thèm uống, mệt buồn ngủ, đại tiểu tiện vv...

2/ Phản xạ có điều kiện: Phản xạ có điều kiện là phản ứng đáp lại của cơ thể động vật đối với các kích thích (tín hiệu) có điều kiện, nó được hình thành trong quá trình trải nghiệm cuộc sống và quá trình luyện tập, học hành mới có thể có được. Phản xạ có điều kiện là mối liên hệ tạm thời giữa phản xạ không điều kiện với 1 kích thích trung tính bất kỳ trước đó (ban đầu có thể chỉ là dửng dưng, vô nghĩa). Kích thích này đối với phản ứng trên có ý nghĩa tín hiệu trong cơ thể. VÍ dụ như khi sấm chớp thường có mưa rơi, nhiều lần gặp sấm chớp đều có mưa rơi, sau này mỗi khi thấy sấm chớp bạn tự chạy vào nhà vì sợ mưa bị ướt. Trên thực tế phản xạ có điều kiện có thể được hình thành với mọi kích thích, nhưng chỉ trong những điều kiện nhất định.

Như bài viết trước tôi đã đề cập đến việc huấn luyện chó (hay còn gọi là dạy chó) là thành lập cho chó có được một phản xạ có điều kiện. Vậy muốn thành lập cho chó 1 phản xạ có điều kiện thì cần phải có những điều kiện cần thiết gì?

1- Sự có mặt của 2 kích thích, kích thích trung tính (dửng dưng), kích thích này dần dần sau đó sẽ trở thành (kích thích có điều kiện) và kích thích không có điều kiện, kích thích này tác động vào hệ thần kinh và sẽ gây nên (phản ứng) hành động đáp lại của cơ thể chó. Ví dụ tập cho chó động tác "ngồi". Trước hết bạn hô khẩu lệnh "ngồi", sau đó bạn dùng tay ấn mông con chó xuống. Ban đầu khẩu lệnh "ngồi" chính là kích thích trung tính dửng dưng đối với chó. Việc dùng tay bạn ấn mông cho chó ngồi xuống chính là kích thích có điều kiện, nhưng khi chó đã thành lập được "phản xạ ngồi có điều kiện" rồi, thì bạn không cần dùng tay ấn mông chó nữa, mà bạn chỉ cần hô "ngồi" là tự khắc chó sẽ thực hiện động tác. Tiến tới bạn hô khẩu lệnh "ngồi" và sử dụng cả hiệu lệnh tay nữa, (lúc này hiệu lệnh tay của bạn lại trở thành kích thích trung tính dửng dưng) khi chó đã thuần thục rồi, bạn không cần hô "ngồi" mà chỉ cần dùng hiệu lệnh tay lúc đó chó cũng tự khắc ngồi theo ý bạn.

2- Việc sử dụng (kết hợp) 2 kích thích này phải tiến hành đồng thời trong khoảng thời gian từ 0,5 đến 2 giây.

3- Tác động của kích thích tín hiệu cũng phải đi trước tác động của kích thích không điều kiện từ 0,5 đến 2 giây.

4- Lắp đi lặp lại nhiều lần sự kết hợp giữa kích thích có điều kiện và kích thích không điều kiện theo một cường độ và thời gian nhất định.

5- Các trung tâm thần kinh của vỏ não vào thời điểm thành lập phản xạ có điều kiện phải được giải phóng khỏi mọi hoạt động thần kinh khác và phải ở trong trạng thái thần kinh hưng phấn tích cực. Có nghĩa là con chó hoàn toàn không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố (kể cả nội và ngoại) ví dụ như chân chó bị đau, chó bị ốm...đó là yếu tố nội tại ảnh hưởng trực tiếp đến việc tập luyện, mỗi lần ngồi chó bị đau chân, nên nó chỉ tập trung đến việc tránh cái chân đau, không còn đầu óc đau mà chú ý đến việc học nữa. Nếu tập ở những nơi ồn ào nhiều người và xe cộ qua lại, đó là yếu tố ngoại cảnh tác động làm cho chó bị phân tán mất khả năng tập chung vào bài học, chất lượng tiếp thu bài sẽ kém.

6- Cường độ hưng phấn đối với kích thích không điều kiện phải mạnh hơn so với kích thích có điều kiện, nhưng không được gây nên ức chế cho phản xạ.

7- Trong quá trình thành lập phản xạ nên tránh các kích thích lạ gây nên phản ứng định hướng làm phân tán sự tập trung của chó (tạo ra những phản xạ phụ). Ví dụ mỗi lần hô chó "ngồi", người Huấn luyện viên lại dậm gót giầy gây nên tiếng động, sau này chính động tác dậm gót giầy đó của người Huấn luyện viên vô tình đã trở thành 1 tín hiệu phụ đối với chó. Nếu hô chó ngồi mà không dậm gót giầy thì chó sẽ không làm.

8- Đối với chó phải âu yếm, gần gũi và thân thiện. Cần phải làm tốt công tác thân hòa và hiểu biết cặn kẽ tâm tính của từng con chó trước khi đưa vào huấn luyện. Động viên khích lệ sẽ hiệu quả hơn việc nóng nảy và dùng bạo lực đối với chó.

9- Thành lập phản xạ có điều kiện sẽ được thúc đẩy nhanh chóng và có hiệu quả nếu chúng ta sử dụng các yếu tố (phương pháp) như bắt trước, làm mẫu... Rất mong nhận được ý kiến đóng góp chân tình của các chuyên gia và anh em Vietpet về vấn đề này.
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top