• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Phương pháp huấn luyện của một tay đua thành công ở Nam Phi

Đào tạo một chiến binh vô địch
Viết bởi Thys van Emmenis

Các cấp độ cạnh tranh cao hơn, số lượng các đối thủ cạnh tranh lớn hơn và số lượng thành tích đạt được nhiều hơn là những yếu tố đánh giá một chức Vô địch.

Vô địch là khi một ai đó hoặc một điều gì đó được thực hiện vượt trên các chỉ tiêu thông thường, đạt được tiêu chuẩn cao hơn, thiết lập một xu hướng mới và tạo ra những thành tích để những người khác phải cố gắng cải thiện.

Chỉ dựa vào bản năng tự nhiên là không đủ đảm bảo rằng những chiến binh sẽ hoặc có thể trở thành nhà Vô định trong lĩnh vực hoặc thể loại thi đấu được chúng ta định hướng cho chúng.

Hầu hết các chiến binh vô địch trong thời gian gần đây được tạo ra bởi các nhà nuôi chim chuyên nghiệp, những người mà kiến thức của họ đã đạt đến trình độ rất cao và trải rộng từ khâu tuyển chọn, nhân giống, huấn luyện, dinh dưỡng, sinh lý học và tâm lý học.

Những chiến binh có tiềm năng trở thành nhà Vô địch được kiểm tra và xác định bởi các chuyên gia từ khi còn là những con chim non thông qua các cuộc tập huấn, các cuộc đua và cách chúng cạnh tranh vị trí với bầy đàn. Những chiến binh này sau đó được đưa vào chương trình đào tạo phù hợp nhất để đảm bảo tiến độ phát triển thể chất cũng như khả năng của chiến binh đó ở mức cao nhất có thể đạt được, và duy trì suốt một thời gian dài.

Trong môn chơi chim đua, trong một cuộc đua chúng ta sẽ xác định được nhiều nhà Vô địch như: vô địch căn cứ, vô địch câu lạc bộ, vô địch vùng, vô địch hiệp hội, vô địch liên đoàn, vô địch quốc gia, và vô địch quốc tế, khi mà tất cả những chiến binh được thả vào cùng một ngày, cùng một thời gian và cùng một điểm thả.

Chim bồ câu, giống như phần lớn các loài chim khác là do bản chất thích giao du bầy đàn và không muốn được sống một mình. Bầy đàn đem đến cho chúng sự an toàn và bảo vệ chúng khỏi những mối nguy hiểm như các giống chim ăn thịt, sự căng thẳng, lo lắng và cô đơn. Bởi tập tính này, chim bồ câu đua thường bay về nhà theo đàn cho tới khi chúng bay về tới không phận quen thuộc có căn cứ của chúng. Rất nhiều chiến binh sau khi được thả thì bay theo những con chim khác trong bầy hoặc theo đàn chim của các căn cứ khác bởi chúng quá sợ hãi khi phải bay một mình, và thông thường chúng không tìm được đường về căn cứ của mình bởi hoặc là quá mệt mỏi, hoặc thể chất kém cỏi, hoặc đào tạo không đúng cách, hoặc chỉ đơn giản là chúng quá ngu ngốc để có thể tìm được đường về căn cứ một lần nữa.

Một con chim vô địch thực sự phải là con chim có khả năng bay độc lập, có hay không có bầy đàn bay cùng. Điều này có nghĩa rằng nó phải thoát khỏi sự ảnh hưởng của hiệu ứng bầy đàn để tự đưa ra quyết định cho bản thân. Những con chim vô địch thường hoạt động như một cá nhân, là những con chim nổi bật nhất trong tất cả những con chim dự đua, và chúng sẽ mạnh dạn tách bầy khi cần thiết theo khả năng của chúng chứ không bay theo bầy.

Ý kiến và kinh nghiệm cá nhân của tôi (người viết) cho rằng chỉ có một cách để tạo ra những chiến binh Vô địch, là phải tăng số lượng những cuộc tập huấn độc lập (solo) từ khi chúng còn là những con chim non. Có một câu nói thế này: 'Bạn không thể dạy con chó già những mánh khoé mới'. Tập huấn là phương pháp duy nhất có thể giúp con chim bồ câu đua vượt qua được những thử thách và sợ hãi khi không có bầy đàn bên cạnh. Nhiều nhà nuôi chim tin rằng những chuyến tập huấn độc lập sẽ dạy cho lũ chim ghi nhớ tuyến đường bay về căn cứ. Điều này là rất xa thực tế bởi cách tìm đường về nhà của chim bồ câu chưa được khoa học chứng minh nhưng vẫn là một cách thức tập luyện rất tốt bởi nó buộc các con chim bồ câu phải thay đổi thái độ tâm lý của chúng và vượt qua những sợ hãi khi phải bay một mình trong bầu trời xanh rộng lớn.

Đa phần các con chim khi được thả sẽ bay chung với bầy cho đến khi chúng bay vào không phận quen thuộc gần căn cứ của chúng, sau đó sẽ tách bầy và bay những dặm cuối cùng để về nhà. Thói quen này sẽ không làm cho chúng trở thành nhà Vô địch trong bất kỳ cuộc đua nào, hay không giúp chúng trở thành những con chim có khả năng bay độc lập. Phương pháp huấn luyện bay độc lập sẽ giúp cho con chim bồ câu quen với việc phải bay và ra quyết định một mình dựa trên khả năng tìm đường của chính nó, bởi nó đã quen thuộc và có đủ sự tự tin để vượt qua những sợ hãi khi phải bay một mình.

Nhiều con chim đã chứng minh được khả năng bay độc lập của chúng ngay từ khi chúng còn rất nhỏ, và thường làm cho chúng tôi ngạc nhiên khi dành giải nhất trong cuộc đua đầu tiên mà chúng tham dự. Tuy nhiên, để có thể khẳng định chắc chắn, chúng cần chứng minh khả năng này thông qua vài cuộc đua nữa trước khi được ghi nhận rằng nó thực sự là con chim có khả năng bay độc lập và là nhà Vô địch tiềm năng.

Một trong những lợi thế quan trọng nhất của phương pháp huấn luyện này là bạn có thể xác định được nhà Vô địch tiềm năng trong căn cứ của mình ngay từ rất sớm, trước khi mùa đua bắt đầu chứ không phải thông qua kết quả sau khi mùa đua kết thúc. Điều này tuy nhiên không có nghĩa rằng tất cả những con chim được huấn luyện bay độc lập sẽ vượt qua sự sợ hãi đã thành tiềm thức của chúng, và do vậy sẽ bị đào thải. Nó chỉ giúp bạn xác định được nhà Vô địch tiềm năng của mình vào giai đoạn rất sớm, đem đến cho bạn nhiều lợi thế hơn khi tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức và cả những sự thất vọng sau này khi tham gia đua.

Sau vài cuộc tập huấn, bạn đã có thể dành nhiều thời gian và công sức của mình cho những con chim mà bạn nhận ra khả năng bay độc lập của chúng, hơn là phải chăm lo hết cả bầy để cầu may. Điều này sẽ làm bạn tiết kiệm được nhiều thứ như thực phẩm, khoáng chất, vitamins, tập huấn, vệ sinh, thời gian và công sức. Chúng ta sẽ có đủ thời gian và hy vọng để tạo ra những chiến binh Vô địch cho riêng mình. Chắc chắn rằng những con chim non phải được nhân giống từ những con chim Cha Mẹ có chất lượng, có thành tích tốt, và bạn với tư cách là nhà nuôi chim hoặc nhân giống, nên ghi nhận rõ ràng những cặp chim giống nào có thể sản sinh ra những con chim non có tiềm năng giành giải nhất. Chúng ta không có được sự tư vấn hay giúp đỡ của những nhà nuôi chim khác trong việc chọn lựa những con chim có tiềm năng, hay có thể nhờ cậy ai đó trong việc huấn luyện. Chúng ta phải tự mình quyết định và thực hiện mọi việc, đó chính là lý do tại sao đua chim bồ câu là môn thể thao lôi cuốn được rất nhiều người.

Vào những năm 50/60 trước kia, những con chim bồ câu tốt và có tiềm năng thường rất hiếm và những nhà nuôi chim may mắn có được những con chim này thì rất miễn cưỡng mua bán hay trao đổi chúng. Những người mới tham gia đã phải bắt đầu thành lập căn cứ với những con chim có chất lượng kém hơn bởi những con chim tốt thì hiếm và đắt đỏ.

Frans Putterie, một người hành nghề mài cắt kim cương người Bỉ, nhập cư đến Nam Phi cùng gia đình vào năm 1929 nhưng sau đó quay lại Bỉ vào năm 1930. Năm 1932, Frans trở lại Nam Phi và định cư tại Kimberley. Frans yêu cầu vợ ông bán tất cả mọi thứ tại Bỉ và đoàn tụ với mình tại Nam Phi. Ông ta cũng viết thư cho người bạn tên Frans Cools và yêu cầu bạn ông mua và gửi giúp cho ông những con chim mà ông ưa thích từ Bỉ. Mười hai con chim bồ câu được gửi đến trong tháng 9 năm 1937. Những thế hệ sau của bầy chim này đã làm nên lịch sử và thay đổi cách họ chơi chim bồ câu đua ở Nam Phi, và hiện vẫn sản sinh ra những nhà Vô địch cho đến ngày nay.

Bà Louise Putterie đến Nam Phi vào tháng 12 năm 1938 và ở lại với gia đình tại Cape Town cho đến năm 1939 khi họ chuyển đến Johannesburg. Ngày 13 tháng 3 năm 1943 Frans và Louise chuyển vào nhà riêng của họ tại 52 Urania Street, nơi đây họ cho xây dựng một căn cứ xinh đẹp với đài quan sát bằng gạch theo yêu cầu riêng của Frans. Đây cũng là nơi đầu tiên và là thời điểm mà lịch sử môn chơi bồ câu đua tại Nam Phi được viết lại. Theo nhiều người kể lại, các thành viên trong câu lạc bộ đã cười nhạo khi thấy loại chim bồ câu mà ông đem đến dự đua lần đầu tiên. Họ đã sớm phải thay đổi thái độ của mình khi thực tế chứng minh những con chim của Frans thì tốt hơn khi đánh bại họ từ tuần này sang tuần khác. Frans đã đem vào Nam Phi những con chim bồ câu tốt nhất thế giới tại thời điểm đó trước khi Thế chiến II bắt đầu.

Và đây là cách mà Frans đã huấn luyện cho lũ chim của mình.

Huấn luyện tất cả lũ chim non liên tục tại cự ly 25 dặm cho đến khi chúng thoả mãn các yêu cầu của bạn về thời gian bay, cách bay. Qua đó, những con chim không đạt yêu cầu sẽ bị đào thải.

Thực hiện điều này sẽ làm bạn mất rất nhiều thời gian, nhưng sự thật là rất ít người có chim đoạt chức Vô địch mà không phải bỏ nhiều nỗ lực, thời gian và mồ hôi. Tiếp tục thả chim tại cự ly 25 dặm, bắt đầu thả từng nhóm 5 con. Ghi lại thời gian thả và thời gian bay của từng con. Luôn dành đủ thời gian giữa 2 lần thả, để đảm bảo rằng nhóm sau không thể bắt kịp nhóm trước. Sau 5 lần như vậy, hãy chuyển sang thả từng nhóm 2 con, và phải đảm bảo rằng nhóm sau không bắt kịp và nhập bầy với nhóm trước. Ghi nhận từng cặp chim thả cùng lần, và hoán đổi vị trí của từng con chim trong những lần thả sau để phát hiện ra con chim nào là con bay dẫn đường (con về căn cứ trước) và con nào là con chim bay theo con kia để về nhà. Tiếp tục huấn luyện lũ chim ở cự ly này cho đến khi bạn hài lòng với kết quả nhận được.

Để tiết kiệm thời gian, hãy tìm một con đường chạy dọc theo căn cứ của bạn, và cách căn cứ của bạn khoảng ± 25 đến ± 30 dặm, và thả từng cặp chim khi di chuyển dọc theo con đường này, mỗi lần cách nhau khoảng 6 đến 10 dặm. Sẽ là thuận lợi hơn rất nhiều nếu bạn có thể tìm được một con đường nằm dọc theo hướng bay của các cuộc đua để huấn luyện chim. Từ mốc 25 dặm, thả chim tại các điểm cách mốc này khoảng 10 dặm để cho lũ chim thích nghi với việc lệch hướng bay do gió thổi.

Bằng cách thay đổi vị trí các cặp chim trong những lần tập huấn, bạn sẽ sớm xác định được con nào là người lái và con nào là hành khách. Sau khi chọn ra được những con ‘hành khách’, tôi lại cho chúng bay thành từng cặp để chính thức loại ra con về sau. Tôi tin rằng với những cơ hội để tự thể hiện tố chất của bản thân, những con chim không đạt yêu cầu nên bị loại bỏ để dành thời gian cho các con chim có nhiều tiềm năng hơn. Hãy nhớ rằng chúng ta đang tìm kiếm các con chim có tiềm năng dành chức Vô địch và bất kỳ thành viên không thể hiện sự thăng tiến trong huấn luyện nên được mạnh dạn bỏ đi khi chúng chỉ làm chậm tiến độ, tăng thời gian và chi phí của quá trình đào tạo. Sau bước đào thải này, lũ chim sẽ được tiếp tục chương trình huấn luyện bay độc lập, cũng với cự ly 25 dặm.

Sau khi đạt được kết quả khả quan (thời gian bay hay kết quả như thế nào gọi là khả quan, bài viết kg đề cập tới) với cự ly 25 dặm, tôi chuyển sang cự ly 50 dặm, sau đó là cự ly 75 dặm, sau đó nữa là cự ly 100 dặm và sau cùng là cự ly 125 dặm. Trong 2 lần tập huấn sau cùng trước mùa đua, lũ chim sẽ được thả tất cả cùng lúc để xác định những con chim bay nhanh nhất trong căn cứ, điều này là rất cần thiết để đưa ra quyết định những con chim nào sẽ tham dự đua cự ly nào và đua với tần suất ra sao trong suốt mùa giải. Sẽ rất đơn giản nếu bạn có trang bị đồng hồ điện tử tại căn cứ, tuy nhiên cũng cần lường trước sự mất mát có thể của vòng chân điện tử trong quá trình huấn luyện.

Tôi dừng việc huấn luyện tại mốc 125 dặm, và loại bỏ tất cả những con chim còn lại hoặc những con bị sự cố nào đó làm gián đoạn quá trình đào tạo. Cha mẹ của lũ chim non trong đội đua được xem xét, phối ghép lại hoặc đào thải nếu cần thiết.

Sau mùa đua, lũ chim non khi này đã được 1 tuổi và sẽ được huấn luyện cùng với bầy chim lớn, tại các cự ly 50 dặm, 75 dặm và 100 dặm, mỗi cự ly 2 lần bay chung cả bầy và 2 lần bay độc lập. Điều này nhằm đảm bảo những tiềm năng bay độc lập chúng nhận được trong quá trình huấn luyện từ mùa trước sẽ không bị mai một. Hãy nhớ rằng, nếu con chim của bạn không thể tự bay về chuồng của chúng một cách độc lập, chúng sẽ không bao giờ trở thành nhà Vô địch.

(Lược dịch từ tạp chí Pigeon Digest)
 
Top