• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Nuôi chó nghiệp vụ.

KimCuong

Active Member
Tiếng súng AK bắn phát một chắc nịch, lựu đạn xì khói màu xám đen mù mịt, còi ủ rú lên nhức óc “làm nền” cho những chú chó nghiệp vụ biên phòng cao lừng lững, nhe răng lăn xả vào quật ngã đối tượng theo hiệu lệnh của huấn luyện viên đeo quân hàm xanh...

[imgc="Hành quân"]http://ngoisao.net/News/Thoi-cuoc/2004/05/3B9AD00F/cho-nghiep-vu.jpg [/imgc]
Một ngày mới đã bắt đầu như vậy trên sân huấn luyện của Trường Nuôi dạy chó nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - chiếc nôi của những “huyền thoại” trong ngành chó nghiệp vụ Việt Nam

8h sáng, phóng viên báo Đầu Tư được thượng tá Luyện (Phó hiệu trưởng Trường nuôi dạy chó nghiệp vụ biên phòng) nhắc nhở: “Chó cơ động sắp vào bài tập!”. Bốn phía toàn gốc cây to đùng, ken dày như hàng rào khổng lồ, bóng áo cảnh vệ thấp thoáng bên trong hàng rào dây thép gai. Sau 5 phút yên lặng, sĩ quan chỉ huy khoác tay: “Bắt đầu!”.

Một hồi còi vang lên, khởi đầu cho dàn hợp xướng đủ các bè cao thấp tiếng... chó sủa. Những chú khuyển chững chạc đi bên huấn luyện viên (HLV) gọn gàng trong bộ rằn ri, túi dết khoác chéo vai. Màn “khởi động” bắt đầu bằng động tác huấn luyện kỷ luật: đội chó răm rắp dàn hàng bò cao, bò thấp, lăn vòng và đứng thẳng trên 2 chân sau... chào theo tiếng tiếng hô dứt khoát của HLV.

Đến động tác chiến đấu cơ bản - một đại úy đẩy tôi: “Đứng xa, chó cởi rọ mõm, thực hành trong tình huống thật. Rất nguy hiểm!”. Đội chó chiến đấu lúc này đã được cởi rọ mõm, thè cái lưỡi đỏ lòm ra khỏi hàm răng trắng ởn, thở hồng hộc, đầu cúi gằm dưới bàn tay kiên quyết của HLV. Tốp chiến sĩ phục vụ châm lửa vào thiết bị chuyên dụng, lửa bùng lên rừng rực trên các vòng tròn sắt tẩm dầu. Còi rít lên lanh lảnh, các HLV thì thầm vào tai học trò của mình và buông tay, chú khuyển hồng hộc lao đến đám khói lửa, co người nhảy gọn qua những vòng lửa rừng rực, ép bụng bò dưới 10 mét rào sắt, phía trên cũng nghi ngút lửa khói. Qua khỏi cửa ải lửa, đám khuyển lao vụt qua hàng rào chướng ngại vật cao gần 2 m, thoăn thoắt leo lên, bò xuống vệt cầu thang nhà cao tầng...

Chứng kiến bài huấn luyện chó giải tán đám đông, tôi tròn mắt khi thấy tốp chiến sĩ phục vụ bưng ra thùng... lựu đạn, rồi roàn roạt lên đạn súng AK. Một giảng viên giải thích: “Tình huống phải y như thật, chó mới thích ứng!”. Thì ra đối với chó giải tán đám đông, chất “xúc tác” phải là khói, là tiếng nổ thực sự. Giữa không gian đậm đặc chất... gây rối với súng nổ, lựu đạn khói mù mịt, lựu đạn cay sặc sụa, rít lên tiếng còi ủ, một chiến sĩ lọt thỏm trong bộ quần áo phục vụ to đùng như rô-bốt lừ lừ tiến ra giữa sân. HLV chỉ tay quát khẽ, chú chó X lao ra như tia chớp quật ngã “rô-bốt” trong tích tắc và phập cả hàm răng nhọn hoắt giằng xé khiến rô-bốt quằn quại. Cảnh tượng này chỉ chấm dứt khi HLV ra lệnh dừng, kéo chó ra và rô-bốt nằm im phục tùng.

Theo các giảng viên kể, bài tập này rất nguy hiểm bởi với những chú chó ung dữ thì bộ quần áo bảo hộ nhập từ nước ngoài gồm 3 lớp bông, 4 lớp vải bạt và lớp cao su dày 5 cm chỉ là... muỗi, không ít chiến sĩ phục vụ đã đi viện vì chó cắn. Nhiều HLV “siêu” đến mức có thể “chỉ đạo” chó tấn công vào những bộ phận cụ thể trên cơ thể, thế mới có những chú chó “sở trường” phần mặt, có chú lại chuyên vô hiệu hóa tay đối tượng.

Trong nội dung huấn luyện chó giải tán đám đông, khoa mục canh gác được xem như thú vị nhất. Khi đã bắt giữ đối tượng nhưng chưa có điều kiện khóa, trói tay hoặc đang còn phải thực hiện nhiệm vụ khác HLV ra lệnh cho chó canh giữ. Rơi vào tình thế này, đối tượng chỉ có cách... đứng im như phỗng, mọi cử động dù là rất nhỏ sẽ bị “cảnh cáo”, nếu bỏ chạy hoặc thay đổi tư thế, chú chó ngay lập tức nhảy vào... “khừ”.

Đến bài tập chó phát hiện ma túy, đại úy Việt cẩn thận bọc gói ma túy trong 5 lần giấy báo, ni lông, khăn vải và cho tôi thực hiện công đoạn... giấu tùy ý vào một trong những chiếc túi xếp thành dãy ngoài sân.

Chú chó vừa được thả ra khỏi chuồng, sau một phút quay ngang quay ngửa cho đỡ cuồng chân đã hùng hục chạy đến bên dãy túi, rà mũi chăm chú ngửi, hít. Không lâu sau, cậu chàng dừng lại bên chiếc túi mà tôi vừa giấu gói ma túy, bíu chặt hai chân trước vào chiếc túi, ngẩng đầu sủa ông ổng. Không chỉ thực tập tìm ma túy, heroin theo kiểu “cổ truyền” này, chó nghiệp vụ BP còn thực hiện tìm kiếm trên ô tô và trong tình huống khác.

Tuy nhiên, hạn chế trong công tác này hiện nay là không có mẫu chất gây nghiện khác (hồng phiến, bạch phiến...) cho chó tập luyện. Thực tế, ma túy thường chỉ giấu trên xe dân sự, nhưng nhà trường không có loại xe này nên đành “chữa cháy” bằng cách mang xe U-oat, thậm chí cả xe cứu thương chuyên dụng ra làm “học cụ” cho chó tập luyện.

Đại tá Đỗ Xuân Thanh, Hiệu trưởng Trường nuôi dạy chó nghiệp vụ biên phòng, nói: “So với một số quốc gia trên thế giới, ngành chó nghiệp vụ của Việt Nam ra đời tuy có muộn, nhưng hiệu quả cũng “một chín, một mười”. Ngày đầu thành lập (tháng 12/1959) lớp huấn luyện chó nghiệp vụ đầu tiên “đóng đô” tại C500 (Bộ Công an), sau đó chuyển lên vùng đồi Ba Vì (Hà Tây). Năm 1975, cơ sở đào tạo chó nghiệp vụ thứ 2 được thành lập tại TP HCM. Năm 1982, cả hai cơ sở sáp nhập thành Trường nuôi dạy chó nghiệp vụ (Trường 24) thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng”.

Với 4 nhiệm vụ chính: Tổ chức chăn nuôi sinh sản phát triển đàn chó; đào tạo HLV và chó nghiệp vụ; nghiên cứu khoa học về chăn nuôi, huấn luyện chó nghiệp vụ và đặc biệt là quản lý các đội chó cơ động; sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cấp trên yêu cầu..., nhà trường đã đi lên từ “vốn liếng” ít ỏi là đàn chó giống “sưu tầm” được trong dân và số chó do Liên Xô (cũ) viện trợ trong những năm 1982-1986. Đối tượng được học tại đây gồm HLV sử dụng chó và học trò của họ - các chú chó nghiệp vụ. Bình quân mỗi khóa huấn luyện có khoảng 30 - 50 học viên HLV và cũng khoảng chừng ấy chú học trò khuyển. Sau 9-12 tháng “dùi mài kinh sử”, các học viên được điều chuyển về 31 tỉnh, thành biên phòng và một số quân binh chủng, thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới; phục kích, truy bất các đối tượng xâm nhập, gián điệp, biệt kích...; canh gác bảo vệ mục tiêu; chống cướp có vũ trang, truy bắt buôn lậu, buôn bán ma túy ở biên giới...

Cho đến nay, chưa có ai tỉ mẩn thống kê được hết thành tích của chó nghiệp vụ biên phòng, nhưng tính sơ sơ những “đầu vụ”, tiêu biểu, chó nghiệp vụ đã bắt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, phản động, giặc lái trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bên cạnh đó, chó nghiệp vụ biên phòng còn góp phần phá thành công 35 vụ án hình sự, hàng trăm vụ buôn lậu, truy bắt thổ phỉ, hàng chục tên cướp có vũ trang và hàng trăm phạm nhân trốn trại...

Đến “trường chó”, mặc dù đã năn nỉ đến... gãy lưỡi nhưng tôi vẫn không được biết tên một chú chó nào. Các giảng viên bảo: Tên của chó được liệt vào “danh mục mật” chỉ HLV và người quản lý mới biết. Sự bí mật này là một trong những “chìa khóa” hiệu quả trong hoạt động huấn luyện.

Sưu tầm.
***************
 
Top