• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Những "trinh sát" 4 chân.

KimCuong

Active Member
[imgl="Kiểm tra."]http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/dinhhuan/332/cho.jpg[/imgl]
Con Bốp oai vệ lao nhanh vào đống vali. Cái mũi ghì sát xuống mặt đất, hơi thở nó gấp, mạnh hơn bình thường. Mắt dán chặt vào những chiếc vali, Bốp tập trung cao độ tìm... ma túy. Phát hiện được "mục tiêu", ngay lập tức nó cắn chặt chiếc vali, đến độ "ông chủ" phải giằng co gần một phút mới giật ra khỏi hàm răng sắc như dao của Bốp.

Một buổi chiều cuối tháng 7/2003, trong khi làm thủ tục cho hành khách xuất cảnh đi Đài Loan, Đội thủ tục hành lý xuất thuộc Chi cục hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện 2 thùng loa trong một lô hàng thiết bị âm thanh có dấu hiệu khác thường. Lập tức, Bốp và Koker được điều đến, hai "nhân viên kiểm tra" này có ngay biểu hiện quẫn lên, mũi sục vào ngửi, chân cứ cào lấy thùng loa. Mở thùng loa ra kiểm tra, trong đó có hơn 2 kg bột trắng. Kết quả giám định đó là heroin. Hơn tháng sau, các chú chó tiếp tục phát hiện một vụ giấu hơn 700 gram heroin trong đôi giày cao gót rất "đặc biệt" của một nữ hành khách.

Tổ chó nghiệp vụ xuất hiện ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từ năm 1998. Hiện nay, "lực lượng" này được "biên chế" ở Đội kiểm soát chống buôn lậu (Cục Hải quan TP.HCM), phạm vi hoạt động ở khắp cửa khẩu trên địa bàn TP.HCM. Tổ chó nghiệp vụ hiện có 8 "chiến sĩ": 4 berger (gốc Đức, Nga), 4 cokeer (gốc Tây Ban Nha), trong đó có 6 con đực, 2 con cái. Trong đám này, con già nhất sinh năm 1997 còn trẻ nhất sinh năm 2001.

Tám con chó thiện chiến này đều có "số" trong giới chó săn hàng trắng. Để có được chỗ làm việc đầy "hãnh diện" như ở đây, chúng phải vượt qua một khóa huấn luyện gian khổ tại Trường huấn luyện đào tạo chó nghiệp vụ (thuộc C32 Bộ Công an) tận phía Bắc. Quá trình đào tạo chó khá công phu. Một nhân viên đi học cùng với chó, sau này trở thành huấn luyện viên và chỉ "ôm" một chú chó duy nhất. Người và chó sẽ sát cánh bên nhau suốt 6 tháng quân trường ở C32. Sau những tháng ngày học tập vất vả, ra trường, chó cũng phải trải qua kỳ kiểm tra sát hạch mới được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. "Giấy chứng nhận tốt nghiệp" của Bốp ghi: "Đã tốt nghiệp chuyên khoa phát hiện các chất ma túy. Xếp loại: Khá. Ngày tốt nghiệp: 11/11/2002. Đơn vị công tác: Cục Hải quan TP.HCM".

Tốt nghiệp xong, các chú chó được C32 bàn giao cho ngành hải quan bao gồm cả bản lý lịch (đến tận đời ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại), giấy chứng nhận tốt nghiệp. Về đơn vị, mỗi chú còn có thêm sổ khám sức khỏe của riêng mình... Nhìn những chú cokeer Tây Ban Nha dáng vẻ nhỏ nhắn như chó kiểng Nhật Bản, không ai nghĩ đó là giống chó "săn hàng trắng" khét tiếng trên thế giới với chiếc mũi cực thính và cái đầu thông minh. Giới chuyên môn cho biết, loại chó này có khả năng phân biệt 10.000 loại mùi khác nhau nên với nó, tìm heroin chỉ là... chuyện nhỏ!

[imgc="Một buổi thực tập phát hiện ma túy."]http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/dinhhuan/332/cho-1.jpg[/imgc]

Bữa ăn hằng ngày của chó cũng còn tùy thuộc vào lịch công tác, để chó đói quá không tốt, no quá cũng không hay vì sẽ lười làm việc. Thường thì trưa các chú chó được ăn ít hơn buổi tối vì buổi chiều còn phải đi làm. Có khi buổi trưa hoặc tối, các huấn luyện viên bỏ vào chuồng một cục xương bò to, chỉ còn dính ít thịt để chó gặm chơi, chủ yếu để chó vận động thường xuyên, không để lười biếng. Thức ăn hằng ngày thường là cơm, thịt bò, thêm rau xanh, bí đỏ, thỉnh thoảng có thêm cá. Lúc bệnh, khẩu phần còn thêm xúc xích. Điều đặc biệt là khi chó ăn, 8 huấn luyện viên cũng trở thành 8 chị nuôi. Đi làm, chó được đưa đón bằng xe Ford Transit gắn máy lạnh.

Mỗi sáng, chó được đưa ra sân rộng để luyện tập. Huấn luyện viên sẽ ném vật ra thật xa để chó chạy nhặt về, quăng trái banh lên cao để chó nhảy lên ngoạm lấy... Còn nội dung phát hiện ma túy thì luôn ôn luyện hằng ngày. "Mẫu vật" là những chiếc khăn tay có tẩm sẵn mùi. Đề bài mà các chú chó phải giải quyết là: chiếc khăn được bỏ trong một vali chứa nhiều đồ vật có mùi khác như xà bông thơm, cà phê... Chiếc vali đặc biệt được để lẫn trong khoảng một chục chiếc vali khác để thử thách chú chó. Khó vậy nhưng chỉ sau một hồi sục sạo, chó phát hiện được ngay.

Cũng như một chiến sĩ thực thụ, các “chiến khuyển” được chia ca đi công tác hằng ngày. Mỗi lần đi bao giờ cũng là 2 "người": một berger và một cokeer. Công tác chính vẫn là tìm kiếm các loại chất ma túy ở các cụm cảng, nhà ga sân bay. Trong thời gian công tác, chó không được cho lai giống. Hải, một huấn luyện viên kể vui: Có lần, khi đang dẫn các “chiến khuyển” đi dã ngoại ở công viên Gia Định, có người đề nghị "xin giống" chiến khuyển, họ sẽ trả 1 triệu đồng. Nhưng đề nghị này bị khước từ ngay.

Người quản lý tổ chó nghiệp vụ Hải quan TP.HCM cho biết, ở Úc, có lần bọn tội phạm treo giá cái đầu con chó săn ma túy khét tiếng nước này đến 1 triệu USD. Những trinh sát... 4 chân rất quý này vẫn đang ngày ngày cần mẫn với công việc, luôn sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào, đến bất kỳ nơi nào mà không một... "lời phàn nàn"!

Nguồn: Thanh Niên Online.
 
Top