• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Những bệnh từ chó, mèo lây sang người

Hoangminh

Member
Những bệnh từ chó, mèo lây sang người
17/07/2009 09:00 (GMT +7)
Chó, mèo là hai con vật được nuôi phổ biến trong các gia đình. Chó được xem là loài vật trung thành bảo vệ và sống chết cùng chủ. Mèo là loài vật dễ thương, sạch sẽ và khôn ngoan, là “khắc tinh” của nhiều loại sâu bọ, gặm nhấm có hại cho hoa màu và lương thực. Tuy nhiên, vì chúng là những con vật quá gần gũi với con người nên những bệnh tật của chúng có điều kiện dễ dàng lây sang con người một cách nhanh chóng.
Bệnh lây từ chó sang người
Bệnh chó dại: Đây là bệnh của chó, mèo, bò, ngựa và súc vật hoang dã. Virus dại thuộc họ Rhabdovirus có nhiều trong nước bọt của súc vật cắn người rồi lây bệnh dại cho người. Biểu hiện lâm sàng là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, gây co thắt hầu họng làm ngạt thở. Khi lên cơn, phần lớn là chết, bệnh nhân tỉnh đến lúc chết. Khi người bị chó dại cắn, việc cần tiêm huyết thanh kháng dại hay vaccine dại là phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Không nên quá gần gũi với vật nuôi để tránh bị truyền nhiễm
Bệnh sán chó: Đốt sán già tự bò hay rụng ra ngoài hậu môn hoặc theo phân từng 2-3 đốt. Vật chủ chính là chó, bọ chó, bọ chét nuốt phải trứng sán, ấu trùng sán phát triển trong thành dạ dày bọ chét. Khi tiếp xúc với chó, con người ngẫu nhiên nuốt phải bọ chó (hoặc qua tay bẩn cầm thức ăn). Người mắc sán thường đau bụng, ỉa chảy.
Bệnh sán lá phổi: Sán trưởng thành kí sinh ở phổi người, chó, lợn. Sán đẻ trứng ở đó. Trứng theo đờm ra ngoài hoặc nuốt xuống ruột rồi theo phân ra ngoài. Trứng rơi vào nước, ấu trùng kí sinh ở cua, tôm, ốc. Người, chó, mèo ăn phải tôm cua sống hoặc nấu chưa chín, ấu trùng phát triển thành sán lá phổi. Chó là nguồn gieo rắc bệnh rất phổ biến vì chó hay ăn tôm, cua sống.
Bệnh lây từ mèo sang người
Bệnh móng mèo: Còn gọi là bệnh viêm hạch lành tính, hay gặp do mèo cào hay do gai các cây có mủ như xương rồng. Qua vết xước, virus vào cơ thể, sau hai tuần, bệnh nhân sốt nhẹ, sau xuất hiện hạch toàn thân, nhưng rõ nhất ở khu vực có vết xước. Hạch nhỏ, đau. Bệnh không nguy hiểm, mắc bệnh 2-3 tuần sẽ khỏi.
Toxoplasma: Bệnh do nhiễm phải kí sinh trùng Toxoplasma gondii. Chu kì sống chính của kí sinh trùng là trong ruột mèo. Các giao tử tạo thành bọc trong thành ruột và được bài tiết theo phân ra ngoài. Một con mèo có thể tiết ra 100 triệu kí sinh trùng/ngày. Người mắc phải rất tình cờ như sờ vào lông mèo hoặc đem đổ hộp rác của mèo.
Người nuốt phải các noãn bào, thoa trùng được giải phóng nhiễm vào mô ruột. Toxoplasma không gây các triệu chứng, nhưng nó có thể tạo thành các ổ kén gây bệnh ở các hạch, viêm võng mạc mắt, ổ kén trong cơ tim, gây hoại tử tim, viêm phổi kẽ, kén ở hệ thần kinh trung ương. Đối với phụ nữ có thể truyền cho thai nhi qua bánh rau.
Hắc lào: Do nấm Tinea ciroinata. Chó, mèo bị bệnh hắc lào trên da, lây sang người do tiếp xúc.
Salmonella: Là vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Cũng tìm thấy vi khuẩn này ở phân chó, mèo. Người tiếp xúc với lông của các động vật này, tay bẩn cầm thức ăn đưa vi khuẩn vào ruột, dễ bị lây bệnh thương hàn, ỉa chảy.
Tụ cầu vàng: Staphylococcus aureus) gây các bệnh mụn nhọt ngoài da, viêm phổi, áp xe phổi, nhiễm khuẩn huyết. Bệnh rất nặng, rất dễ gây tử vong.
Theo Kim Chi
 
Những bệnh lây truyền từ vật nuôi


Ngày nay rất nhiều gia đình có nuôi vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, chuột. Không chỉ là những con thú cưng trong nhà, vật nuôi còn trở thành những người bạn thân thiết của trẻ. Cho trẻ chơi với vật nuôi cũng có nhiều mặt tích cực nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng phải biết cách phòng tránh những bệnh lây nhiễm từ vật nuôi. Cũng như con người, thú vật cũng mang những mầm bệnh trên mình và có thể lây truyền mầm bệnh đó cho những người sống chung. Đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới


5 tuổi, vì ở tuổi này hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị nhiễm và khi phát bệnh sẽ nặng hơn ở người lớn. Sau đây chúng ta cùng tham khảo một số bệnh lây nhiễm từ 2 loại thú nuôi phổ biến nhất là chó và mèo.

- Nhiễm Campylobacter: thường gây triệu chứng đau bụng, tiêu chảy và sốt. Vi khuẩn này thường trú ngụ trong đường ruột của chó, mèo, chim. Khi nhiễm thường rất dễ lây lan cho những người trong gia đình và lây nhiễm cho những trẻ cùng học chung ở nhà trẻ, mẫu giáo. Điều trị bệnh bằng cách dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

- Bệnh mèo quào: xảy ra khi đứa trẻ bị mèo nhiễm khuẩn Bartonella henselae quào hoặc cắn vào cơ thể. Triệu chứng bao gồm sưng và đau hạch, sốt, nhức đầu, mệt mỏi. Bệnh thường khỏi mà không cần điều trị, trừ một số trường hợp nặng phải dùng kháng sinh mới khỏi bệnh.

- Bệnh dại: đây là một bệnh rất nguy hiểm. Khi trẻ bị chó hoặc mèo nhiễm bệnh cắn phải, vi rút dại có trong nước bọt của chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ qua vết cắn. Trẻ bị nhiễm vi rút dại có nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp kịp thời. Khi bị chó hoặc mèo nghi ngờ nhiễm dại cắn, nên đưa trẻ đi tiêm ngừa và theo dõi vật nuôi ít nhất 10 ngày sau khi bị cắn.

- Bệnh nấm biểu bì: Trẻ có thể bị nhiễm nấm khi chơi chung với chó, mèo. Bệnh biểu hiện bởi những mảng da đỏ, có bờ gồ ghề và sáng ở trung tâm, vùng da xung quanh khô và đóng vẩy. Bệnh điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm dạng dầu gội, gel hoặc thuốc uống.

- Bệnh nhiễm giun đũa chó mèo: giun trú ngụ trong đường ruột của chó /mèo và theo phân ra ngoài gây nhiễm cho người. Bệnh biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, gan to, nổi ban, sưng hạch. Ấu trùng giun có thể theo máu đến khắp nơi trong cơ thể như gây u hạt ở da, u hạt ở mắt, u trên não…Điều trị bệnh cần theo dõi dài ngày và uống thuốc đầy đủ

Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh từ vật nuôi:


- Luôn rửa sạch tay, đặc biệt là sau khi chơi với vật nuôi, cầm nắm thức ăn của chúng hoặc sau khi cọ rửa chuồng thú nuôi. Khi cọ rửa hoặc dọn chất thải của vật nuôi, nên mang găng kỹ càng

- Hạn chế hôn hít vật nuôi cũng như ăn cùng chúng

- Không cho vật nuôi chơi ở gần khu vực chế biến thức ăn

- Không nhận nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc.

- Nên tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi trong nhà

 
Top