• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Mafia cầy tơ Thái – Việt

Phu Dung

Moderator
SGTT - Mafia thịt chó là tựa đề của loạt phóng sự của nhà báo Mỹ Patrick Winn được đăng tải trên mạng tin tức Global Post cuối tháng qua. Phóng sự kể lại từ Thái Lan những chú chó được hoá kiếp thành món ngon trong các quán cầy tơ ở Việt Nam như thế nào. Có cả đường dây theo kiểu mafia để đưa chó trót lọt qua biên giới. Sài Gòn Tiếp Thị tóm dịch.



Một buổi trưa nắng gắt trên vỉa hè đầy bụi bặm, người bán rong nhễ nhại mồ hôi vừa thoăn thoắt xẻ thịt thành từng miếng xếp gọn vào thùng kính có đá vừa cất tiếng rao dẻo quánh: “Thịt ngon, thịt ngon giá rẻ đây!” Ngồi nghỉ mệt, chị vui vẻ tiết lộ không chút ngần ngại: “Thịt chó thả rông cả đấy”.

Gần đây, tỉnh lỵ Ta Rae, Thái Lan nổi lên phong trào buôn chó và làm thịt chó. Ta Rae trở thành trung tâm đầu não trong đường dây buôn bán thịt chó tại khu vực Đông Nam Á. Vùng đất vốn thanh bình nay là nguồn cung cấp chó vô tận, cho Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, nơi thịt chó cung không đủ cầu.

Người Việt đem món cầy tơ qua Thái từ thế kỷ 18

Vào thế kỷ thứ 18, một số người Công giáo gốc Việt đến đây lập nghiệp, mang theo món cầy tơ khoái khẩu. Cha xứ Somkiat Pholchangwang, người cai quản giáo xứ lớn nhất ở đây, thở dài: “Chúng tôi tha thứ những ai lỡ ăn thịt chó và cả ngành xuất khẩu chó nữa, vì nếu không dựa vào đấy, dân xứ này biết làm gì mà sống”.

Giờ đây, nghề bắt chó dễ kiếm ăn, hấp dẫn hơn nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhiều. Chẳng trách nhiều giáo dân của cha xứ Pholchangwang cũng tích cực tham gia nghề lái cẩu dù không hề đụng đũa đến món này. Thậm chí nhiều người còn phất lên, đổi đời nhanh chóng nhờ có chân trong tập đoàn lái cẩu. Có người mua được cả chục chiếc xe hơi nhờ nghề lái cẩu.

Vừa có tiền, vừa an toàn cho con cháu

Không dám nói tên thật vì sợ đại ca trừng trị, Wit, ông chủ một bãi chó, thừa nhận đây là nghề béo bở, hái ra tiền dễ dàng. Ở đây, chó lang thang khắp làng mạc, đường sá. Wit và thủ hạ phân tán khắp nơi bắt số chó thả rông này lên xe tải, chở đến biên giới Thái – Lào bên dòng sông Mekong. Ngày ngày, đội quân săn chó rảo khắp hang cùng ngõ hẻm. Nông dân nghèo đổi những chú cẩu vô chủ lấy thau, chậu nhựa hay số tiền nhỏ. Nghe tiếng rao trên loa phóng thanh, nhiều người nhanh nhảu chạy ra mặc cả. Bà Nan Nantagalik, 61 tuổi, cư dân ở Ta Rae: “Đằng nào chúng tôi cũng cần tống khứ mấy con chó hay cắn lũ trẻ”.

Số chó khoẻ mạnh, béo mập nhất sẽ được nhanh chóng đưa sang Việt Nam, nơi một chú cẩu ưng ý có thể được hét giá tới 60 USD. Còn thịt thứ phẩm thì được chế biến ngay tại Thái Lan, không khác gì món thịt bò khô được bày bán ê hề khắp nơi.

Mafia chó

Hàng đêm, chừng 1.000 chú cẩu được bí mật vận chuyển qua Lào rồi đưa về lò mổ ở Hà Nội. Theo nguồn tin từ cảnh sát, quan chức và chính giới buôn lậu, mỗi tháng, số chó xuất khẩu không dưới 30.000 con. Về mùa đông, nhu cầu tiêu thụ còn tăng lên vì người ta tin rằng ăn thịt chó làm ấm người.

Không lệ phí, không thủ tục hải quan, không kiểm tra giấy phép. Mới đây, ông Phumpat Pachonsap, đại biểu tỉnh Nakhon Phanom vừa kiến nghị quốc hội xem xét vấn nạn này: sự tàn bạo với động vật, nguy cơ lan tràn bệnh dại, buôn lậu tràn lan không kiểm soát nổi, thậm chí mùi thiu thối nữa. Song ông toàn vấp phải sự thờ ơ, thậm chí đe doạ của các chính trị gia khác. Phumpat chua chát: “Quan chức địa phương, cảnh sát không ra tay vì nhận hối lộ cả rồi. Họ thật dối trá. Toàn bộ đường dây xuất khẩu chó này của mafia cả đấy”.

Trong cơn say ngà ngà, Wit thố lộ: “Chúng tôi phải biếu tiền để cảnh sát làm ngơ”. Dù bị xã hội rẻ rúng, làm thịt và ăn thịt chó không bị coi là vi phạm pháp luật. Giới buôn lậu chó khi bị bắt chỉ bị kết tội gây ồn ào, vận chuyển động vật chưa tiêm vắcxin, nặng lắm là buôn lậu xuyên biên giới. Thế nhưng mọi tội trạng đều được làm ngơ. Một quan chức giấu tên cho hay địa thế ngôi làng rất lý tưởng cho các “trùm cẩu” vì nằm sát biên giới Lào. Có điều phải chi tiền không ít mới được yên ổn làm ăn. Cứ mỗi con chó chở qua biên giới, cánh buôn lậu phải lót tay 25 baht cho viên chức địa phương để chia chác cho nhiều cấp khác nhau. Cảnh sát hay hải quan đều xem đây chẳng qua là hạt cát bỏ biển so với tội danh khác như buôn thuốc phiện hay nhập cư lậu. Ma tuý huỷ hoại đời sống con người, dân nhập cư cướp công ăn việc làm của người bản địa chứ chó hoang thì ảnh hưởng gì? Thậm chí xã trưởng Baan Pehng còn so sánh nghề xuất khẩu chó với bán rác cho nước ngoài. Buôn chó chẳng mất mát gì.

Tống khứ rác rưởi, bệnh dại qua Việt Nam

Cảnh sát và giới chính trị gia chẳng thích dính vào đây. Nếu ai đó thay họ bắt chó, những con vật vô thừa nhận, thủ phạm làm bệnh dại lan tràn thì càng tốt, càng bớt đi gánh nặng cho mọi người, mọi nhà.

Theo kết quả thăm dò ý kiến tại xứ sở nơi mà phần lớn người dân theo đạo Phật, 90% người Thái cực lực phản đối chuyện ăn thịt chó, xem nghề buôn bán thịt chó (tiếng Thái là Maa Grabong) là tàn ác và cần bị trấn áp.

Nhưng nếu đưa chó hoang vào trại, tiền thức ăn hàng ngày cho chúng không dưới 300 USD/trại, tương đương với một tháng lương công nhân tại vùng Đông Bắc Thái Lan. Chẳng cấp chính quyền hay người dân nào chịu bỏ tiền thuế ra nuôi chó cả.

Và như vậy, các đường dây mafia cẩu tiếp tục hoạt động. Một cách nào đó những đường dây này giúp Thái Lan chuyển dịch bệnh và chó hoang qua Việt Nam.

Thuỵ Yến

Nguồn: sgtt.com.vn
 

Vipz.14

Member
Vấn đề thịt chó tạm thời không bàn. Nhưng cái vấn đề bọn Thái đó coi Việt Nam mình như cái thùng rác của chúng nó để chúng nó đổ bệnh dịch vào là không thể chấp nhận, không thể lọt tai được. Thật là ức chế.
 
Top