Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do vi khuẩn yersinia pestis gây ra, loại bệnh xảy ra chủ yếu ở thú gặm nhấm hoang dại (như chuột, sóc, nhím,... ) với các thể cấp, bán cấp hay mãn tính và ở vùng đô thị hoặc hoang dã. Ở người, dịch hạch cũng đã gây ra một số trận đại dịch (trong đó có đại dịch hạch thể hạch đã giết chết khoảng 25 triệu người tại Châu Âu thời Trung cổ). Gần đây, dịch hạch xuất hiện ngẫu phát hoặc trong các đợt dịch hạn chế. Dịch hạch thể hạch là dạng thường gặp nhất. PhoiDịch hạch rất dễ lây truyền từ thú gặm nhấm sang người do vết cắn của tác nhân truyền bệnh là bọ chét mang mầm bệnh. Lây truyền từ người sang người do hít phải các giọt chứa vi khuẩn từ dịch ho của bệnh nhân thể hạch hay thể nhiễm khuẩn huyết gây chấn thương ở phổi (dịch hạch thể phổi nguyên phát). Dịch hạch cũng có thể lan truyền do tiếp xúc với thú nuôi trong nhà, nhất là mèo. Lây truyền từ mèo do bị mèo cắn hoặc do hít phải các giọt chứa vi khuẩn ở mèo mắc dịch hạch thể phổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch hạch thể phổi đáng sợ nhất trong số bốn thể dịch hạch (gồm thể hạch, thể phổi, thể nhiễm trùng huyết và thể màng não), dịch hạch thể phổi, có thể gây chết người trong vòng 24 giờ. Vi khuẩn Yersinia pestis gây dịch hạch thể phổi có thể lan truyền trong không khí và lây từ người sang người khi ho.
Dịch hạch thể hạch thường lây lan qua tác nhân truyền bệnh là bọ chét, có thể chữa trị được bằng kháng sinh nếu phát hiện sớm. Tỷ lệ gây chết người của dịch hạch thể hạch khi bệnh nhân không chữa trị là 60%. Trong khi đó, dịch thể phổi rất dễ lây lan và có tỷ lệ tử vong khi không chữa trị là 100%. WHO cho biết, việc phát hiện bệnh sớm sẽ giảm được nguy cơ biến chứng và tử vong.
Các triệu chứng của bệnh dịch hạch thể phổi gồm sốt cao, đau ngực, ho, thở dốc và ho ra chất dịch có lẫn máu hoặc đờm. WHO cho biết, việc phát hiện bệnh sớm sẽ giảm được nguy cơ biến chứng và tử vong.
Trên thế giới, hằng năm có hàng nghìn trường hợp nhiễm dịch hạch thể phổi, chủ yếu ở châu Phi. Từ năm 1998 đến 2008, có gần 24.000 trường hợp nhiễm, trong đó 2.000 người chết ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ và phía Đông châu Âu. Trước đó, Trung Quốc cũng có trường hợp nhiễm dịch năm 2006, hầu hết xuất hiện ở khu vực Tây Bắc khi những người thợ săn bắt các con vật mang vi khuẩn gây bệnh.
Ngày 03/8/2009, các quan chức Y tế Trung Quốc chính thức công bố đại dịch hạch đã xuất hiện tại thị trấn Ziketan - phía tây bắc Trung Quốc, 10 nghìn người dân tại thị trấn này đã bị cách ly cách ly sau khi 2 người dân tại đây chết vì bệnh dịch hạch thể phổi (pneumonic plague) và 11 người khác được xác nhận nhiễm bệnh.
Theo thông báo được đăng trên website chính thức của Sở Y tế tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc ngày 02/8/2009 nạn nhân đầu tiên của dịch bệnh là một người chăn gia súc 32 tuổi. Cuối ngày 02/8, láng giềng của nạn nhân đầu tiên - anh Danzin, 37 tuổi - đã tử vong sau gần hai ngày nhập viện với các triệu chứng ho và sốt. 11 người khác được xác định nhiễm bệnh đều là họ hàng của nạn nhân đầu tiên. Tất cả đều đang được nhập viện để theo dõi. Để nhanh chóng dập dịch, chính quyền địa phương đã tiến hành khử trùng và cách ly Ziketan và khu vực lân cận, đồng thời theo dõi những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm bệnh. Sở Y tế Thanh Hải còn yêu cầu những người đến Ziketan từ ngày 16/7 phải nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra nếu có các dấu hiệu ho hay sốt. Chính phủ Trung Quốc phái ngay một đội chuyên gia y tế tới các khu vực trên để khống chế dịch.
Tại Việt Nam, theo bà Nguyễn Thu Yến, Trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh dịch hạch gần như được loại trừ: "Trước đây ở các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện một số ổ dịch hạch thể hạch nhưng đã được loại từ cách đây mấy năm". Theo bà Thu Yến, hiện dịch hạch thể phổi ở Trung Quốc chưa ảnh hưởng gì tới Việt Nam bởi lâu nay tại các cửa khẩu, công tác kiểm dịch y tế biên giới đã được giám sát chặt chẽ, sát sao.
Để phòng bệnh, bà Thu Yến khuyến cáo cần cảnh giác với thú hoang, chủ yếu là chuột, vì chúng có thể mang vi khuẩn Yersinia pestis. Vi khuẩn này lây từ chuột sang người thường do bọ chét hút máu chuột cắn người. Người mắc dịch hạch cũng có thể truyền bệnh cho người khác khi hô hấp, ho, khạc, bởi vi khuẩn Yersinia pestis có trong đờm dãi, chất tiết đường hô hấp của họ.
Triệu chứng của dịch hạch thể phổi là sốt cao, rét run, đau ngực, khó thở, khạc ra đờm lẫn máu, hạ huyết áp. Khi có những dấu hiệu này, cần nhanh chóng đến các bệnh viện để được khám và điều trị. Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với người bệnh, diệt chuột và bọ chét.