• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Mái trường của những "vệ sĩ bốn chân".

KimCuong

Active Member
[imgl="Dũng mãnh tấn công đối tượng."]http://www.qdnd.vn/portal/images/Share/050907vt15.jpg[/imgl]
“Nhìn màu áo của các đồng chí, tôi hiểu các đồng chí rất vất vả và đã có nhiều cống hiến...”. Ba năm trước, khi đến thăm trường 24 (Bộ đội Biên phòng), Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (khi ấy là Thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng) đã xúc động nhận xét như vậy về những người làm công tác đào tạo các “vệ sĩ bốn chân” – “đội quân đặc biệt” với nhiều chiến công đáng khâm phục...


Hơn cả “tên lửa có răng”


“Pằng! Pằng! Pằng…”, “Oàng! Oàng…”. Tiếng súng AK nổ giòn, tiếng lựu đạn đinh tai nhức óc, tiếng còi rú liên tục và khói lửa mù mịt… Một tên “địch” lao từ phía bụi cây về hướng chú chó Ba-gi và chuẩn úy Chu Quang Khương đang “ẩn nấp”. Nhanh như cắt, Ba-gi vọt lên, băng về phía hắn. Nhận ra “quân ta”, tên địch hung hãn chĩa súng về phía Ba-gi bóp cò. Nhưng chẳng mảy may sợ hãi, Ba-gi quả cảm lừng lững chồm tới nhe nanh, giương “vuốt” quật ngã, cắn xé buộc hắn nằm im “đầu hàng”…

Tin khẩn cấp: “Chiếc xe khách biển số XX có vận chuyển ma túy. Chó Rextip và thiếu úy Hoàng Văn Hải nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. “Hành khách” đã được di lý khỏi xe. Đồ đạc, hành lý trên xe ngổn ngang. “Ma túy ở đâu? Trên xe hay dưới gầm xe? Rextip khẩn trương nhảy lên, hít hà, lùng sục. Bọn tội phạm dại gì để ma túy trong túi! Không có, Rextip nhanh chóng tiếp cận gầm xe. Nó thận trọng ngửi cốp xe, bình xăng, từng bánh xe và dừng rất lâu ở bánh trước bên trái. Bỗng chú sủa vang, hai chân cào liên tục. Chỗ này có ma túy! “Khá lắm!” - Hải cười vỗ nhẹ vào ức khen ngợi “học trò” của mình.

Đó chỉ là hai trong hàng loạt bài tập của các chú chó nghiệp vụ tại Trường 24, Bộ đội Biên phòng - một “mái trường đặc biệt” vừa được Nhà nước cho phép “nâng tầm” lên trường trung cấp từ năm học 2007 - 2008.

Trường lên “trung cấp”! Có đáng kể chi trong thời buổi các trường ào ào mở rộng quy mô? Nhưng với Đại tá Đỗ Xuân Thanh, hiệu trưởng nhà trường thì sự kiện này đã khiến anh mừng rơi nước mắt...

Đất nước bước vào thời buổi kinh tế thị trường cũng là lúc chó nghiệp vụ không còn là “của lạ” dành riêng cho quân đội và công an. Dù Trường 24 được thành lập từ năm 1959 và là “lò đào tạo” chó nghiệp vụ đầu tiên nhưng đến năm 2003, đã có thêm nhiều cơ sở đào tạo chó nghiệp vụ. Nhiều cơ sở nhỏ bé, trình độ “ABC” cũng quảng cáo rùm beng! Kiểm lâm, hải quan, thuế, doanh nghiệp, hải cảng, kho tàng, bến bãi, trang trại… đều có nhu cầu sử dụng chó nghiệp vụ. Nhiều nơi làm đơn xin Chính phủ cho phép mở trường...

Ngày 3-4-2003, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đến thăm và làm việc với trường. Nghe anh Thanh báo cáo về chiến công của chó nghiệp vụ mà nhà trường đào tạo, Phó thủ tướng rất mừng. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm chó nghiệp vụ và huấn luyện viên đã tham gia chiến đấu 63 trận, bắt gần 100 biệt kích, thám báo, phá 37 vụ án hình sự lớn. Trong hòa bình, chó nghiệp vụ biên phòng làm được “hàng loạt” việc: tuần tra biên giới, bảo vệ kho tàng, chống buôn lậu, tội phạm ma túy, cướp vũ trang… Tận mắt chứng kiến những màn biểu diễn ngoạn mục của các “vệ sĩ bốn chân” và quy trình đào tạo bài bản của nhà trường, Phó thủ tướng đã kết luận: “Trường 24 có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi, dạy chó nghiệp vụ, cần được đầu tư xây dựng nhà trường thành trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ chủ yếu của cả nước.”

Hai chú chó nêu trên đã tham gia bảo vệ các sự kiện quan trọng của đất nước như: APEC, ASEM…; các chú còn được lên biểu diễn trong chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”. Sau nhiều năm chỉ đào tạo hai loại hình “chó chiến đấu” và chó “phòng, chống tội phạm ma túy”, mới đây, Trường 24 đã xây dựng chương trình đào tạo “chó cứu hộ cứu nạn”. Trong một cuộc diễn tập, các chú chó quả cảm đã hoàn thành xuất sắc tình huống phát hiện và đào bới, tìm kiếm người bị nạn ở độ sâu tới… 5 mét. Nói về chó nghiệp vụ, người ta thường ví von chúng là “tên lửa có răng”. Nhưng các chú chó ở Trường 24 còn làm được nhiều việc mà những quả tên lửa đắt tiền cũng không… làm được.


Đào tạo “vệ sĩ bốn chân” - mồ hôi, nước mắt



Ánh nắng ban trưa làm tôi bỗng thoáng chút ngượng ngùng khi nó làm nổi bật hơn bộ quân phục phẳng phiu, còn thẳng tưng nếp là tôi đang mặc trên người. Chợt nhận ra, trên bãi tập, từ thượng tá Lâm Hồng, phó chủ nhiệm khoa huấn luyện chó nghiệp vụ đến các học viên đều mang trên mình những bộ quân phục úa màu. Nhiều bộ K82 lỗ chỗ rách vì… chó cắn. Tôi đã đến nhiều trường sĩ quan, nhưng có lẽ ở đây, quân phục của những người lính là “cũ” nhất. Thì cũng phải thôi, sáng bãi tập, trưa bãi tập, tối cũng bãi tập… Tập võ, tập bơi, tập luồn rừng, vượt núi, lùng sục, tuần tra, truy vết… - màu áo lính in dấu những gian lao…

Tôi ngạc nhiên khi biết thượng tá Lâm Hồng là người… Hà Nội. Ngày trước, anh cũng thư sinh, trắng trẻo như bao chàng trai Hà Nội khác. Nhưng rồi, về đây, hơn 20 năm gắn bó dãi dầu mưa nắng cùng chó nghiệp vụ, làn da anh đã sạm màu như một… nông dân! Mà, “tớ vừa là thầy, vừa là nông dân thứ thiệt!”. Anh Hồng bảo thế vì khác hẳn với mọi trường học trên cả nước, thầy chỉ có một nhiệm vụ dạy học trò thì ở đây, các anh phải “vừa dạy, vừa nuôi”, “vừa tuyển, vừa chọn” học trò. “Vừa dạy, vừa nuôi” vì ngoài dạy chó phải nuôi chó cho tốt. Còn “vừa tuyển, vừa chọn” vì tạo nguồn chó giống không đơn giản: Chọn cả trăm con mới được một con chó giống sinh sản. Nhân giống rồi, cả trăm con cũng chỉ chọn được 50-70 con đủ tiêu chuẩn huấn luyện. Riêng những chuyên ngành đòi hỏi cao như: chó chống ma túy, chó cứu hộ, lại phải “đốt đuốc tìm… chó tài”, cả trăm con mới kiếm được dăm bảy con “tinh nhuệ” nhất! Để đào tạo được một chú chó nghiệp vụ “ra lò” là muôn vàn công sức, mồ hôi, nước mắt đổ xuống.

Một ngày làm việc của chuẩn úy Nguyễn Vĩnh Khánh bắt đầu bằng tiếng kẻng báo thức lúc 5 giờ sáng. Tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong còn ngậm tăm đã phải chạy vội xuống khu nhà ở “tập thể” của các chú chó, chăm sóc “đồng chí” Lai-ca của mình. Việc đầu tiên là kiểm tra sức khỏe cho Lai-ca, đưa chú đi vệ sinh. Trong khi Lai-ca ra đồi “giải quyết nỗi buồn” thì Khánh lại lọ mọ hót phân, rửa chuồng. Rồi đến màn chải lông, bắt ve, rận cho chú. Xong xuôi, hai “thầy trò” lên đường ra bãi tập luyện tập cùng đội hình. 10 giờ trưa, nghỉ tập là lúc Khánh phải xuống bếp nhận khẩu phần và trực tiếp cho Lai-ca ăn. Chiều, 14 giờ lại ra bãi tập luyện tập. Giờ thứ 9 là công tác tắm rửa, vệ sinh và tiếp tục cho chó ăn tối!

Mỗi con chó phải có một huấn luyện viên riêng. Vì vậy, nhà trường phải đào tạo một lúc cả huấn luyện viên và chó theo quy trình: dạy người trước, dạy chó sau. Nghĩa là dạy về phương pháp huấn luyện chó cho huấn luyện viên trước, sau đó chính huấn luyện viên sẽ lại là “thầy” dạy “trò” là con chó mình được biên chế. Sau khóa học kéo dài từ 6-9-12-24 tháng, cả thầy và trò tốt nghiệp sẽ lên đường về các đơn vị công tác.

“Nghề dạy chó gắn liền với những hiểm nguy. Để thực hiện các bài tập huấn luyện chó chiến đấu, các “thầy” phải thay nhau làm “quân xanh”, mặc dù đã có áo bông, găng tay chuyên dùng nhưng sự cố vẫn xảy ra như cơm bữa. 10 anh dạy chó thì cả 10 mang trên mình rải rác những vết sẹo do chó cắn!”. Đại úy Nguyễn Ngọc Tiếu, người đã có hàng chục năm huấn luyện chó nghiệp vụ “đúc kết”. Nhưng còn một “đúc kết” khác quan trọng hơn: “Chó học chẳng phải vì “điểm”. Chúng chịu học, chịu nghe con người chỉ vì “cái tình” với chủ. Loài chó không bao giờ chê chủ nghèo, cũng không chê cảnh luyện rèn trong quân ngũ giữa rừng xanh núi đỏ. Người ta bảo “khuyển mã tri tình” là vậy. Hơn 10 năm rồi, anh Tiếu chưa một lần biết Tết cũng vì quá gắn bó với “khuyển mã tri tình”!

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân.
 
Top