Chú chó Samurai và HLV trước giờ chiến đấu
Những chú chó nghiệp vụ thông minh và dũng mãnh tưởng như chỉ có trong Lực lượng Công an và quân đội. Nhưng với hàng loạt dịch vụ huấn luyện chó săn chuột, bảo vệ kho tàng, trang trại, tìm người trong đám đông, giúp đỡ người tàn tật, phát hiện tổ mối bảo vệ đê điều, cứu hộ, cứu nạn..., Công ty Kinh doanh chó nghiệp vụ PDS (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) đã trở thành nơi cung cấp chó nghiệp vụ dân sự đầu tiên và duy nhất tại nước ta.
Một nguyên tắc bất di bất dịch đối với các huấn luyện viên (HLV) chó nghiệp vụ (CNV) là phải “dạy như thật”. Vì thế, mới có chuyện HLV của Công ty Kinh doanh chó nghiệp vụ PDS phải thay phiên nhau đóng vai... con mồi. Ngay từ 8 tháng tuổi, những chú chó ở PDS đã làm quen với bài tập chạy, tập bơi, rồi giám biệt nguồn hơi, truy tìm dấu vết... với mức học phí cao (1 triệu đồng/tháng).
Huấn luyện viên đóng vai “con mồi”
“Con mồi” bất đắc dĩ phải mặc một bộ quần áo bảo hộ dày cộp và nặng nề đứng giữa bầy chó cao lớn, chỉ đợi khẩu lệnh là đồng loạt lao vào tấn công. HLV Hà Đạt Hảo, Đội trưởng Đội dịch vụ bảo vệ kể: “Cho dù mình đã mặc quần áo bảo hộ rồi, nhưng hàm CNV rất khỏe, nếu không đeo rọ mõm, nó “nghiến” mình bầm tím người là... chuyện thường. Chưa kể đã có người sơ suất thao tác, chống đỡ không kịp hoặc dây xích bất thần đứt, nên bị chó cắn rách da đầu”. Đó chỉ là một trong vô vàn những chuyện khiến người lạ mới nghe thấy có vẻ hãi hùng, nhưng anh Hảo chỉ cười: “Không sao. Nghề mà! Tuy có lúc hung dữ như vậy, nhưng ngày thường, CNV ngoan ngoãn và hay làm nũng như trẻ con. Có lúc mình ra khẩu lệnh nhảy qua vòng lửa, nó lại nằm lăn ra đất, khua hai chân lên đùa giỡn. Rồi lúc không muốn tập, nó giở đủ trò giả vờ ốm, giả vờ mệt để đòi nghỉ... Nhưng dù thế nào, HLV cũng phải kiên trì, không thể ép chó tập nhiều, tập nhanh được và tuyệt đối không được đánh chó. Hôm nào chó từ bãi tập về mà không dám đi gần HLV, đuôi cụp, mắt nhìn có vẻ lấm lét, sợ sệt, trông rất tội... thì biết ngay hôm đó nó bị đánh. HLV nào đánh chó sẽ bị kỷ luật nặng và phải giao chó cho người khác dạy tiếp”.
Công việc huấn luyện chó khá nặng nhọc và tưởng như là địa hạt chỉ dành riêng cho nam giới. Nhưng kể từ khóa tuyển nữ đầu tiên năm 2002 đến nay, bãi tập của PDS thường xuyên có 6-7 bóng hồng mảnh mai huấn luyện những chú chó bécgiê, ngao, box... cao lớn. Các cô không nề hà việc tắm rửa cho chó, cho chó ăn, quét dọn chuồng trại, chăm sóc chó ốm cả ngày lẫn đêm. Có khi, mấy chú chó hưng phấn tập chạy, tập nhảy hăng say quá, khiến các cô đuổi theo mệt bở hơi tai. Tuy yếu hơn nam giới về thể chất, nhưng bù lại các HLV nữ có sự dịu dàng, biết vỗ về khiến mấy chú chó cao lớn ngoan ngoãn nghe lời.
Các HLV ở PDS đã có tổng kết vui về “tiêu chuẩn vàng” của nghề này. Ngoài kiến thức và lòng kiên trì, muốn làm “thầy” của loài “khuyển mã chí tình”, nhất thiết phải yêu thương chúng, không ngại... bẩn và không sợ đau. Bởi người càng gần gũi, càng tình cảm và chăm sóc chó tận tình thì chúng càng ngoan ngoãn nghe theo.
Đàn chó nghiệp vụ từ “đống da trâu” bỏ đi
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty PDS, bắt đầu nhân giống CNV khi trào lưu nuôi chó Nhật vừa làm cho bao người “khóc dở mếu dở”. Hồi đó, nghe tin có con chó ngao “si-đa” cần bán gấp, ông Hà vội vàng đội trời mưa đến phố Trung Tự hỏi mua. Đến nơi, ông đá vào đống gì đen đen, bùng nhùng, bốc mùi dưới đất. Hóa ra là con ngao. Nó bị liệt, lông rụng trụi hết, nằm bất động một chỗ, hôi hám không khác gì “đống da trâu” vô dụng. Chủ ra giá 1 triệu đồng, ông Hà đã bấm bụng mừng thầm: “Chó quý, 3 triệu cũng mua” nhưng vẫn mặc cả lấy lệ: “250 ngàn bán đi, đủ mấy mâm mộc tồn rồi còn gì”. Không ngờ, ông chủ đồng ý “tống khứ cái của nợ này đi” luôn. Ông Hà đem con Ngao ốm yếu về chăm như chăm con. Chỉ một tháng sau, nó đã trổ lông bóng mượt. Ba tháng sau nó sinh một đàn ngao con béo tròn. Riêng tiền bán chó con đã được 35 triệu đồng, ông Hà bắt tay vào khai thác thị trường CNV còn ở dạng tiềm năng.
Năm 1996, Công ty PDS ra đời từ sự hợp tác giữa ông Nguyễn Mạnh Hà và Trường đại học Nông nghiệp I. Nhưng lần làm ăn lớn này “vốn 1 không lãi 30 lần” như với con ngao “đống da trâu”. Các giống CNV chủ yếu nhập ngoại, lại đem nuôi ồ ạt vào Việt Nam, chúng lăn ra chết la liệt, ông Hà phải bán cả đất cả nhà đi để trả nợ.
Sau bàn thua đậm đó, phải mất 3 năm kiên trì nữa, vào năm 1999, PDS mới có được vị khách hàng đầu tiên. Hồi đó, Công ty TODA của Nhật Bản đang xây dựng tòa nhà Việt – Nhật tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Nguyên vật liệu xây dựng bị rút ruột hàng ngày mà không có cách gì ngăn chặn. Bảo vệ ngày đêm đi tuần, rồi vệ sĩ vòng trong vòng ngoài canh gác vẫn vô ích. Nghe tin Công ty PDS có dịch vụ CNV, phía TODA đã “liều thử một phen”. Chú chó Samurai được ra lệnh nhập cuộc. Từ đó, nạn trộm cắp vật liệu bị chặn đứng.
Cho tới khi PDS đã có những khách hàng lớn như Khu Du lịch và Sân golf Đồng Mô, Hà Tây, Nhà máy hóa dầu Mobil Đồng Nai, Trại giống PIC Ninh Bình, Nhà máy Hóa dầu Dinh Cố – Công ty BP Vũng Tàu, Nhà máy Dệt Chutex Bình Dương do một số công ty của Mỹ, Anh và Singapore đầu tư sản xuất kinh doanh, Samurai vẫn là chú chó đặc biệt thông minh và đầy nghĩa tình. Nó đã cùng các HLV vào Nam ra Bắc khám phá rất nhiều vụ án trước khi lìa đời. Một trong những chuyến đi cuối cùng của Samurai là lần vào Đồng Nai truy tìm chiếc máy tính xách tay chứa nội dung kinh doanh bảo mật. Phía bị hại - Công ty Siemen (Đức) hầu như không có thông tin nào về vụ mất cắp. Khi Samurai tới ngửi nguồn hơi trong văn phòng giám đốc, nó lập tức lao ra cổng, sủa váng lên trước mặt một anh công nhân đang xách chiếc túi du lịch. Nhưng khi mở ra, chiếc túi rỗng không! Samurai lại chạy đi. Chú chó chạy mãi, ra tới tận khu lán tạm của công nhân, nó lao thẳng vào một gian và lôi ra chiếc máy tính xách tay từ trong gầm giường. Ban lãnh đạo công ty người Đức và người Việt ngỡ ngàng thán phục, bởi nếu không có Samurai, họ không thể nghĩ thủ phạm lại là anh công nhân chẳng dính dáng gì tới văn phòng và lại ở tách biệt hẳn khu trung tâm.
Giấc mơ về giống chó Việt thuần chủng
Trong rất nhiều dự định phát triển Công ty PDS, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hà ấp ủ khao khát thành lập một ngân hàng gien chó, trong đó sẽ lưu giữ và nhân lên những giống chó quý của Việt Nam như chó Phú Quốc, chó Bắc Hà, chó Rạch Giá, chó Vàng, chó Mông... Chó ta vốn thể lực yếu, tính tự do cao và đã bị lai tạp nhiều, nhưng lại có ưu điểm vượt hơn so với chó Tây như tính trung thành cực kỳ cao, thích nghi với khí hậu, chịu khổ, dễ nuôi, sinh hoạt sạch sẽ, đặc biệt là trí thông minh không hề thua kém bất kỳ loài chó nào. Đó là chưa kể, theo cảm nhận của các HLV, chó ta tính tình vui vẻ và thân thiện hơn so với những chú chó Tây có phần hơi “nghiêm nghị”.
Trong 10 năm qua, PDS mới chỉ huấn luyện khoảng 20 chú chó Phú Quốc và Bắc Hà, quá ít so với hàng trăm chú chó đến từ những nước ôn đới xa xôi. Cản trở chủ yếu là do một số người cho rằng nuôi CNV giống thuần Việt không sang. Nhưng với tất cả các ưu điểm của chó ta cộng với giá thành rất rẻ, chúng cực kỳ thích hợp với mô hình bảo vệ gia đình. Hơn nữa, nếu được nghiên cứu và phát triển, những nhược điểm của các giống chó ta thuần chủng hoàn toàn có thể khắc phục được. Đầu năm 2006, PDS sẽ bắt đầu dự án nghiên cứu CNV cứu nạn trong các trận lũ lụt, lở đất của Việt Nam.
Để khát khao nhân ái ấy đi vào thực tế, cần lắm một cách nhìn nhận và quan tâm đúng mức đối với sự hữu dụng của loài “khuyển mã chí tình” .
Theo Báo CAND
Amifidele copy từ opera.com/blog của Vân Chi