• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Kinh hoàng chó dại

Hoangminh

Member
Kinh hoàng chó dại
02/07/2009 17:19 (GMT +7)
Chừng hơn 2 tháng nay, có một việc hi hữu đang gây xôn xao trong dư luận nhân dân tỉnh Lai Châu, nhất là nhân dân địa bàn thị xã Lai Châu, đó là nỗi ám ảnh ra đường bị… chó cắn!

Thị xã trẻ vốn dĩ yên bình và đẹp như bông hoa mới nở, giờ mỗi khi tham gia giao thông ai nấy mắt đảo quanh nơm nớp đề cao cảnh giác. Sợ “hung thần” công nông, sợ xe máy chạy ẩu… nhưng những nỗi sợ ấy không là gì so với hiểm hoạ bị chó tấn công.
Những cái chết thương tâm
Tại tổ dân phố 6, phường Đoàn Kết, TX Lai Châu, ông L. cho biết: Một ngày đầu tháng 4.2009, chú vện vốn hiền như đất nhà ông bỗng nổi máu cuồng khợp chết liền lúc 2 con gà của gia đình. Tiếp theo, nó nhảy bổ sang nhà hàng xóm tấn công một em bé, khiến em này phải nhập viện với 9 mũi khâu. Trước những dấu hiệu nguy hiểm dị thường, ông L. bắt con chó để xích lại thì thật không ngờ, lần này chính ông bị nó “đả” một miếng chí tử; vài ngày sau, con chó đang khoẻ tự nhiên lăn ra chết mà không rõ nguyên nhân.
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Bát ở tổ dân phố 9, phường Quyết Thắng cũng là một nạn nhân của giống “phản chủ”: Chỉ trong một ngày, con chó nhà ông cắn cả hai vợ chồng ông và cô con gái rượu! Tại tổ dân phố 10, phường Đoàn Kết, cháu Hoàng Thị Thanh Huyền bị chính con chó của nhà cắn gẫy 2 răng cửa và rách vòm họng. Cả ngày hôm đó con chó vật vã, bọt sùi trắng hai bên mép như ăn phải xà phòng, đến tối thì nó co rúm người lại, tru lên mấy tiếng ghê rợn rồi chết.
Ảnh NB&CL
Song đau lòng nhất là trường hợp cháu Hoàng Trung Kiên, 4 tuổi, nhà ở phố Tân Phong 1, phường Tân Phong. Gần 2 tháng trước, cháu Kiên bị chính con chó của gia đình cắn, nhưng do không được tư vấn đầy đủ nên gia đình không đem cháu đi tiêm phòng. Cuối tháng 5.2009, thấy cháu sốt cao kèm theo lên cơn co giật, gia đình vội vàng đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Qua hội chẩn, các bác sĩ kết luận cháu Kiên bị mắc bệnh dại thể hung dữ, mỗi khi lên cơn cháu cào cắn bất cứ ai đang ở gần đấy. Cháu Kiên được chuyển gấp về Bệnh viện Nhi Hà Nội, nhưng mọi chuyện đã quá muộn, cháu qua đời lúc chưa kịp làm thủ tục nhập viện.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cháu Hoàng Trung Kiên là trường hợp đầu tiên tử vong năm 2009 do chó dại cắn. Trường hợp xấu số tiếp theo là một phụ nữ dân tộc Dao ở xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, chết sau hơn 2 tháng bị chó cắn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Huấn Giám đốc Sở Y tế Lai Châu số người bị tử vong do chó dại cắn không dừng lại vì có nhiều người vẫn đang trong thời kỳ ủ bệnh.
Xử lý rất khó khăn
Để có thể đối phó với tình hình, ngày 24/5/2009, UBND Thị xã Lai Châu ra Thông báo số 48/TB-UBND, về việc phòng chống bệnh chó dại trên địa bàn thị xã. Theo tinh thần thông báo này: Kể từ ngày 25/5/2009, nếu phát hiện chó, mèo thả rông vô chủ, công an các xã, phường và các đội quản lý trật tự đô thị, tổ trưởng dân phố, trưởng bản… có quyền bắt và có hình thức xử lý theo pháp luật.
Chợt nghe quan điểm chỉ đạo có vẻ “nghiêm tắp lự” lắm, nhưng dư luận nhiều người cho rằng đã “vô chủ” thì biết “chủ” là ai mà xử lý? Hơn nữa, đã là chó điên thì con nào cũng bỏ nhà đi biệt tăm biệt tích và tất nhiên không thể biết lối quay về. Ví thử có mang con chó đến, chủ nhà kiên quyết không thừa nhận chó của nhà mình, thì xử lý ai đây?
Chi cục Thú y Lai Châu đã thành lập 9 tổ tiêm phòng tại 5 xã, phường trong thị xã Lai Châu. Đến nay, đã có hơn 10.000 con chó trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng, riêng thị xã có hơn 3.000 con. Dự kiến cuối tháng 6.2009, ít nhất 95% đàn chó trong toàn tỉnh sẽ được tiêm vắcxin phòng dại.
Mặc dầu cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng hiện ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì chó cắn. Cũng bởi từ trước tới nay, vùng sơn cùng thuỷ tận này, tỉnh Lai Châu chưa bao giờ có hiện tượng chó dại cắn người. Ngay cơ quan Chi cục Thú y tỉnh cũng đánh giá đây là một hiện tượng bất thường, lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Đặng Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Lai Châu: Bước đầu, cơ quan này sơ bộ thống kê được “danh tính” mấy chục con chó với những triệu chứng giống nhau.
Con nào cũng dữ tợn và hung hăng, chúng lồng lộn khắp nơi và cắn bất cứ thứ gì chúng gặp, từ gia súc, gia cầm cho đến con người ngay cả đó là “ân chủ” của mình. Điều đáng lưu ý là chỉ sau ít ngày “tác oai tác quái”, toàn bộ số chó dại đã tự chết mà không thể kết luận chính xác nguyên nhân.
Nguy hiểm hơn nữa là có những gia đình tiếc rẻ, đã mổ thịt những con chó chết để ăn, thay vì đào sâu chôn chặt như lời khuyến cáo bởi cơ quan chuyên môn. Ông Hào y cho biết Chi cục Thú y tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm của một số con chó chết, gửi về Hà Nội nhờ Cục Thú y Trung ương xét nghiệm giúp.
Khó khăn mong được sẻ chia
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vấn đề đem chó đến cơ sở thú y tiêm phòng dịch đã và đang từng bước được người dân tự giác chấp hành; bởi mỗi mũi tiêm phòng (ứng với 1 con chó), người chủ chỉ phải trả 20 nghìn đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với cơ quan chức năng cũng như với người dân, đó là vấn đề tiêm phòng cho chính con người – Đặc biệt là những người nghèo thuộc khu vực 135/CP. Với thời giá hiện tại là 700.000 đồng/liều tiêm phòng cho người (gồm 5 mũi, tiêm liên tục trong 5 tuần), nhiều người bị chó cắn nhưng không đủ tiền tiêm phòng nên đành phó mặc số phận vào sự may rủi.
Chẳng hạn như trường hợp cháu Hoàng Thị Thanh Huyền mà chúng tôi nêu trên là một ví dụ. Mặc dù vết thương của cháu khá nặng, nhưng gia đình không dám đưa cháu đi tiêm phòng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tận khi kíp trực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm một việc gần như “cưỡng chế”, thì bố mẹ cháu mới buộc lòng đem con đến cơ sở y tế tiêm phòng.
Mặt khác, cả tỉnh Lai Châu hiện nay chỉ có duy nhất Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có chức năng tiêm phòng bệnh dại; cơ quan này thuộc Sở Y tế và đóng trụ sở tại thị xã Lai Châu. Giả sử bà con vùng sâu, biên giới bị chó dại cắn có nhu cầu tiêm phòng, thì việc bỏ công bỏ buổi mang theo ít nhất 700.000 đồng để đi hàng ngày đường về thị xã, là điều nằm ngoài khả năng tài chính của hầu hết các gia đình dân tộc thiểu số.
Vả lại, đâu chỉ tiêm 1 lần là xong mà phải tiêm đủ 5 mũi trong vòng 5 tuần. Trong khoảng thời gian hơn 1 tháng ấy, những “bệnh nhân ra tỉnh” với mức thu nhập vài chục nghìn đồng mỗi tháng sẽ lấy gì để ăn và ngủ, nghỉ ở đâu?
Theo báo cáo mới nhất của ngành Y tế Lai Châu, tính đến cuối tháng 6/2009, đã có tối thiểu gần 600 người bị chó cắn phải đến tiêm phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ngoài ra, ước tính còn hàng trăm người hoặc do kinh tế khó khăn nên không đi tiêm phòng, hoặc về các bệnh viện trung ương điều trị cho “chắc ăn” hơn so với điều trị tại địa phương.
Tuy nhiên, 600 người bị chó cắn chỉ là con số mà cơ quan chức năng có thể thống kê được, con số thực tế là không thể kiểm soát và chắc sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều đáng lo ngại là dịch đã lan lên các huyện Tân Uyên, Tam Đường và huyện biên giới Phong Thổ – một huyện có tên trong danh sách 61 huyện nghèo nhất nước.
Trước tình hình trên, mới đây Sở Y tế Lai Châu đã có cuộc họp khẩn cấp và công bố dịch dại trên toàn tỉnh. Ông Huỳnh Nguyên (tổ dân phố 5, phường Đoàn Kết, TX Lai Châu), một cựu giáo chức từng mấy chục năm dạy học ở huyện Phong Thổ, bày tỏ nỗi băn khoăn: “Nếu Nhà nước hoặc chính quyền địa phương không có cơ chế hỗ trợ đồng bào vùng cao, một khi bị chó dại cắn, đa số người dân dù muốn cũng không thể tiếp cận dịch vụ tiêm phòng”. Và khi ấy, hậu quả thế nào chắc chẳng nói thì ai cũng biết.
Theo
 

greenvet-hanoi

Chuyên gia thú y
Sẽ không chỉ có 1 tỉnh Lai Châu công bố dịch Chó Dại nếu như chúng ta không tuân thủ Pháp Lệnh Thú Y" bắt buộc tất cả đàn chó nuôi phải tiêm vaccine phòng bệnh Dại định kỳ hằng năm", không thả rông chó nơi công cộng, chó ra đường cần có rọ mõm... Đặc biệt nguồn chó nhập lậu qua các tỉnh biên giới phí Bắc, phíaTây-Bắc, Tây-Nam nước ta lẩn trốn kiểm dịch Thú Y- một nguy cơ tiềm tàng bùng phát các ổ dịch chó Dại gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người.

Không may bị chó cắn, duy nhất chỉ có đi tiêm vaccine phòng bệnh Dại và tuân thủ tư vấn của các Bác sỹ Dịch Tễ. Không được chủ quan không tiêm phòng hoặc nghe theo những tư vấn chạy chữa, "thử bệnh Dại" của các thày lang phản khoa học.
 
có bác nào biết chỗ chích ngừa dại cho chó ở gò vấp không ạ? xin chỉ cho em với
 

Hoangminh

Member
Chống bệnh dại chỉ với một mũi vaccine

Chống bệnh dại chỉ với một mũi vaccine
09/07/2009 11:31 (GMT +7)
Chỉ bằng một mũi tiêm, loại vaccine mới có thể đẩy lùi bệnh dại ở chuột. Điều này mở ra hy vọng về một biện pháp rẻ tiền mà hiểu quả trong việc ngăn ngừa căn bệnh chết người này.
Một khi con người bị mắc bệnh dại - phần lớn là do bị chó cắn, phải nhanh chóng trải qua một đợt điều trị kéo dài một tháng với 5 mũi tiêm. Quá trình này tuy rất hiệu quả, nhưng tốn kém và càng khó chấp nhận tại các quốc gia đang phát triển, nơi mỗi năm có hơn 99% trong hơn 55.000 ca tử vong vì bệnh dại xảy ra.

Ngoài ra, vaccine phòng dại chứa virus dại bất hoạt (đã chết hay không còn khả năng gây bệnh) gây ra các phản ứng có hại, không an toàn cho người sử dụng và có cả những biến chứng nguy hiểm.

Một nhóm nhà khoa học thuộc trường Đại học Thomas Jefferson (Mỹ), dưới sự dẫn dắt của Berhard Dietzschold, đã tạo ra một vaccine mới trên cơ sở dùng chính virus gây bệnh dại còn sống ở thể trạng yếu.



Họ chèn vào mã di truyền của virus 3 bản sao của gene bề mặt đã được mã hóa protein có khả năng tạo ra các phản ứng miễn dịch trong cơ thể người.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn thay đổi 2 axit amin trong chuỗi protein. Nhờ sự thay đổi này, hoạt động của các protein trong cơ thể thoát khỏi tình trạng tổn thương, nhưng khả năng và tốc độ phát triển của các phản ứng miễn dịch ở chỗ nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tăng.

Các thí nghiệm trên chuột đã xác nhận độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine (tiêm trong vòng 3 ngày sau khi tiếp xúc có thể ngăn ngừa được sự phát triển của bệnh dại).

Ngoài ra, trong vòng 3 tuần sau khi tiêm thuốc, ở chuột còn xuất hiện khả năng kháng nhiễm trùng. Chích trực tiếp vào não hay bắp thịt của chuột đều cho kết quả tốt. Tiêm cho chuột 3 ngày tuổi và chuột trưởng thành không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh.

Điều này nghĩa là nó an toàn hơn nhiều so với các loại vaccine đang được sử dụng.

Theo Dietzschold, khám phá trên cho phép điều trị bệnh dại ngay cả sau khi xuất hiện các triệu trứng đầu tiên của bệnh.


Các nhà khoa học dự định tiếp tục tiến hành thử nghiệm trên các động vật hoang dã và chó, hy vọng có thể tạo ra loại thuốc tiêm phòng dại hiệu quả hơn, an toàn hơn,giá rẻ hơn thay thế những loại thuốc hiện đang có. Các nhà phát triển cho rằng có thể đơn giản hóa việc tiêm chủng toàn dân chỉ bằng một mũi tiêm.
Theo
 
Top