Đợt mưa lũ hơn 20 năm mới xuất hiện tại Hà Nội chỉ như giọt nước tràn ly. Nói cách khác, nó đã kéo lại gần hơn một vấn đề lớn đang thách thức chính con người, khó mà né tránh. Đó là sự sa sút tinh thần nhân văn.
Có thể hiểu, phẩm chất nhân văn không chỉ là cách ứng xử lương thiện, tử tế giữa người với người, mà xa hơn, còn là cách hành xử có hiểu biết của con người đối với giới tự nhiên và môi trường xung quanh. Đó là văn hóa Con Người - viết hoa.
Hãy gác một bên chuyện con người có đối xử đủ tử tế với nhau chưa, mà thử xem con người đã “chơi” với thế giới quanh ta như thế nào.
Trong bài viết “Trả thú lại cho rừng” đăng trên Báo Người Lao Động mới đây, có hai bức ảnh khiến bất cứ ai quan tâm đến cuộc sống loài thú hoang dã khó mà kìm nén cảm xúc, vừa đau vừa giận. Ảnh thứ nhất là một con trút co quắp đau đớn vì đứt hai chân do sập bẫy thợ săn. Ảnh thứ hai là Simon, chuyên gia của Wildlife at Risk- một trong những tổ chức bảo vệ hoang dã - đang cẩn thận thả một con trăn đất về rừng.
Hai hình ảnh có thể xem như nét khái quát của một trận chiến hoàn toàn không cân sức: một bên là nỗ lực giành giật từng con thú để chữa trị và trả nó về rừng, còn bên kia là những kẻ từng ngày truy sát chúng, phục vụ thú vui ẩm thực của những kẻ lắm của thừa tiền. Phần lớn trong số họ là những người say mê cảm giác mạnh, muốn bồi bổ (?) bằng con đường “ẩm thực hoang dã”. Kiểu ăn khác người này ngày càng trở thành “mốt”- một cách thị uy sức mạnh sau khi đã chiếm hữu những thứ sắc dục khác. Không rõ mỗi ngày chúng ta trả lại cho rừng bao nhiêu con thú, nhưng chắc chắn nó chẳng là gì so với hàng chục tấn thịt rừng đủ loại nằm trong thực đơn ở các nhà hàng khắp nước.
Có lần đến một nhà hàng nhộn nhịp ở quận 3 - TPHCM, người viết bài này đã chứng kiến cảnh khai tiệc ở một bàn lớn bên cạnh. Ấn tượng một cách... rùng rợn: Khách khoảng 10 người, có cả trung niên và thanh niên, nam lẫn nữ. Chủ bàn - một người đứng tuổi - gọi thức ăn, trong đó có món cháo dơi quạ nấu đậu xanh. Theo yêu cầu “nhìn tận mắt” của ông này, một nhân viên mang lên con dơi quạ to đen như con gà cùng với ly rượu đế lớn. Sau vài động tác thuần thục, con dao trên tay người phục vụ lóe sáng, ngay sau đó là tiếng kêu the thé của con vật cùng với máu ồ ạt chảy xuống ly rượu trắng. Một số khách nam hơi nhăn mặt, còn khách nữ thì ré lên giữa những sắc mặt lạnh lùng khác. Chợt nghĩ, đến một ngày nào đó, khi đã quen với cảnh “máu me hoang dã” trên bàn ăn, liệu những người khách kia có còn giữ được loại “kháng thể” vốn bảo vệ tính nhân văn của họ?
Rừng ở đâu trên đất nước ta cũng bị tàn phá. Nhiều loại thú không còn chốn nương thân, lạc lõng và hoảng sợ. Sự cân bằng sinh thái đang từng ngày bị phá vỡ. Không ngăn được những kẻ chơi xấu với rừng xanh và hoang thú, chúng ta ắt phải nhận lãnh sự trừng phạt của giới tự nhiên!
Cao Tuấn
Báo Người Lao Động (05/11/2008)