• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Hội săn Mỹ Nam (Quảng Nam)

soi_lua

Member
Hồi tui khoảng 15 tuổi ở thôn Mỹ Nam có hội đi săn. Tuy gọi là hội nhưng đơn giản lắm, vì hội không có điều lệ, không phải nộp... hội phí, cũng không có người đứng đầu. Hội chỉ gồm những người thích đi săn. Thỉnh thoảng, khi nông nhàn, họ rủ nhau tổ chức săn một chuyến cho vui. Tui nhớ, hồi đầu thế kỷ, người hay đi săn, giỏi đi săn là ông Đội Thức, một người giàu có”. Ông Nguyễn Tiếu, năm nay đã 84 tuổi, thợ săn kỳ cựu của đất Mỹ Nam, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, kể.
Ngày xưa, để đi săn thì một trong những “công cụ” không thể thiếu là phải có chó săn. Loại chó này phải mua. Với thợ săn Mỹ Nam, họ thường dùng chó “khách”, loại chó chuyên săn thú trong rừng do đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi như Đông Giang, Tây Giang... nhượng lại. Hồi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chó săn “thiện chiến” nhất có giá không hề rẻ: ngang một con trâu to! Mà việc định giá cho chó săn cũng không nhất định, có loại ngang con trâu, rồi ngang con bò, ngang con heo... và thường phải thông qua các thương lái chuyên đi miền núi. Khi được dân làng đặt mua, họ sẽ đi rảo quanh các bản làng, tìm con chó mình cần. Thời bấy giờ, đồng bào các dân tộc cũng dùng chó giỏi đi săn, nên hỏi mua được chó săn giỏi nhiều khi gian nan lắm... Chó săn đắt nên những gia đình nào khá giả mới mua nổi, mua xong còn phải huấn luyện thêm công phu lắm mới có thể điều khiển được cả đàn chó săn ở vùng đồi núi.
Những người cao tuổi đất Mỹ Nam nhớ lại, thường địa điểm săn là những gò đồi tiếp giáp với các làng, xã của Mỹ Nam, Cấm Mùn, Thuận Mỹ. Xa hơn vào tận An Lễ, Tây An, Hữu Niên, Thọ Lâm... ở vùng tây Đại Lộc. Gần thì săn chồn, xa săn mang nai. Săn chồn, rủ chừng sáu người, dắt chó săn, rồi mang theo cây giáo làm vũ khí và phải có lưới bề ngang khoảng mét rưỡi, dài độ 5-6 mét. Giăng lưới xong, xua chó đuổi, chồn sợ, cứ nhè hướng không có người mà chạy rồi tự chui vào lưới. Lắm khi săn chồn nhưng lại bắt được... nhím, heo rừng.
Riêng săn mang, nai không cần lưới, chỉ mang theo cây giáo, chó săn. Vào đến nơi, thợ săn chia mỗi người mỗi ngả rồi xua chó tìm. Khi phát hiện ra thú, cả bầy chó sẽ đuổi theo đến cùng. Mang, nai chạy một, hai tiếng đồng hồ thì mệt, sức yếu dần. Chỉ cần một con chó đuổi kịp, cắn vào đùi, thú chỉ có cách chờ chết... Dù săn chồn hay săn mang, nai, thợ săn vẫn phải chia một ít cho chủ chó săn. Hồi nửa đầu thế kỷ XX, thợ săn giỏi nhất ở Mỹ Nam là ông Xự. Ông này không những nhiều kinh nghiệm mà còn tỏ ra rất dạn dĩ, một mình vào núi sâu mà không sợ cọp. Ông cứ đến các khe núi, nơi mang nai thường xuống uống nước, chọn thời điểm thích hợp để phóng lao đâm. Phóng không trúng thì đã có chó săn yểm trợ, đuổi theo cho kỳ được.
Ông Nguyễn Tiếu là người thường theo cha mình, đi săn và rất mê săn bắn. Ông bảo đi săn có cái thích thú riêng, nhất là khi phát hiện ra thú, rượt đuổi, la hét vang trời. Mới mười mấy tuổi đầu ông Tiếu đã theo cha mình vô rừng mà săn, và cũng là lớp người cuối cùng “rửa tay gác kiếm” của Mỹ Nam. Lý do rất đơn giản vì rừng bị triệt hạ, thú cũng hiếm. Nên đến giờ ông vẫn giữ nhiều kỷ niệm khó quên. “Cái cảm giác bắt được con mồi, chú biết đó, sướng lắm... Nếu không, thì đi săn làm chi cho mệt” - ông Tiếu bộc bạch. Sau ngày giải phóng, ngay tại Mỹ Nam nhiều gia đình bị chồn vào bắt gà, vịt và cả heo con. Trong làng, nhà ông Nẫm bị chồn bắt nhiều gà nên tức quá, mới đi rình. Quả thật, đêm nọ, xuất hiện con chồn rất to đến bắt heo. Giữa đêm tối, ông cứ tưởng con chồn là... cọp nên mặt mày tái mét, không dám ra tay. Con chồn này sau đó đi bắt gia cầm, gia súc ở Phú Hương và người dân ở đó cũng lầm tưởng là cọp và đồn thổi là... cọp rừng về làng bắt heo khiến nhân dân hoang mang, lo sợ. Nhưng đấy chỉ là loại chồn mướp, trông rất giống cọp, nhất là về ban đêm... Chính ông Nguyễn Tiếu đã cùng một số bà con bình tâm, tổ chức vây bắt con chồn mướp “đội lốt” cọp rừng ấy. “Đó là con chồn to nhất tui thấy lần đầu tiên trong đời. Nó to cỡ bằng con chó bẹc-giê chứ không ít, rất mập, da láng bóng, còn thịt thì... thơm không thịt gì bì kịp” - ông Tiếu khoái trá.
Nhưng câu chuyện hội săn của đất Mỹ Nam ngày nào rồi cũng “khép” lại với người thợ săn cuối cùng, khi rừng ngày một vắng bóng thú.
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
 
Top