• Chào mừng bạn Khách đến với diễn đàn, chúc bạn vui vẻ sinh hoạt cùng cộng đồng Vietpet.
    Diễn đàn đã có sẵn cơ sở dữ liệu tương đối lớn về các vấn đề thường gặp như thú y, huấn luyện, chăm sóc thú cưng..., bạn Khách vui lòng tìm đọc kỹ trước khi gửi câu hỏi.
    Lưu ý: Diễn đàn không chấp nhận ngôn ngữ chat, bài viết không có nội dung ( bài spam).

Học viên khuyển

hchungkt80

Dịch giả Vietpet
Các HLV chó nghiệp vụ bảo, điều thú vị là cùng một chương trình huấn luyện và chăm sóc như nhau, nhưng chỉ cần xem chó là biết được... tính cách người chủ. “Nếu chủ nóng tính, chó cũng hấp tấp vội vàng. Người chủ điềm tĩnh, nghiêm khắc, con chó cũng có kỷ luật khác hẳn…” - HLV Hà tiết lộ.

" Chủ nóng tính, chó cũng vội vàng!"

Tại thao trường huấn luyện chó nghiệp vụ (cơ sở 1 - Ba Vì - Hà Tây), trên bãi tập có hơn 50 chú chó đang tập những động tác cơ bản như chạy vòng, đến vị trí chỉ định, vượt tường, nhảy luồn vòng… Tôi đã làm một phép thử với một chú chó khi giấu đôi găng tay (đã cho chó ngửi mùi trước) vào một bụi cây rậm rạp.

Phòng ở của các chú khuyển nghiệp vụ luôn sạch sẽ và được giữ ấm

Đợt rét vừa qua, vùng núi Ba Vì thường lạnh dưới ngưỡng 10 độ. Mùa đông là mùa khắc nghiệt và khó chịu nhất trong năm với chó nghiệp vụ. Vì giá rét, nhiệt độ xuống thấp thường xuyên khiến chó dễ mắc phải nhiều chứng bệnh về hô hấp. Trời rét căm căm, gió thênh thang lùa vào thao trường, nhưng không vì thế mà những chú chó nghiệp vụ được phép “nghỉ đông”.

4 khu chuồng trại là nơi ở của các chú khuyển đã được xây dựng kiên cố, phân biệt từng dãy cho các loại chó có nghiệp vụ khác nhau. Mỗi chuồng có diện tích 10m2 được lót sàn gỗ và ổ rơm ấm. Phía ngoài có cửa sắt chắn gió sập lên xuống, nên dù ngoài trời đông giá những chú chó ở đây vẫn có thể yên tâm tránh rét.

Trung tá Lâm Hồng, phó khoa Huấn luyện, cho biết thêm, vào những ngày giá rét, nhiệt độ xuống thấp thường rất khó để phát hiện ra mùi của vật. Nhưng với thời tiết rét, chó chuyên ngành ma túy có thể ứng dụng được rất nhiều bài tập và tăng thêm khả năng đánh hơi nhanh nhẹn vốn có. Với chó chiến đấu, bất kể mọi giá rét vẫn phải ra tập đề có thể thích nghi với mọi điều kiện thời tiết. “Thường những hôm nhiệt độ xuống thấp, các chướng ngại vật và sân bãi trơn trượt cũng là điều kiện lý tưởng để những chó chiến đấu tăng khả năng nhanh nhẹn và sát thương” - HLV Hồng nói.

Đợt rét vừa qua, chỉ những ngày nhiệt độ xuống dưới 10 độ thì chó được nghỉ. Nhưng nhiều hôm liền nhiệt độ xuống thấp liên tục dưới 10 độ, các HLV vẫn phải cho chó ra thao trường tập nhẹ, để nhớ lại các bài học.

Chuyện chống rét, tập luyện là vậy, chuyện ăn uống của các học viên khuyển cũng được quan tâm. Để có một sức khỏe đảm bảo cho chó nghiệp vụ, chế độ dinh dưỡng của chó ở đây cũng đặc biệt. Bữa ăn của chó nghiệp vụ "cao sang" hơn chó thường rất nhiều lần. Tiêu chuẩn một ngày ăn của học viên khuyển là 26 nghìn đồng, ngoài ra, còn có đủ các loại thuốc men đặc dược để tiêm phòng định kỳ, cũng như chữa các bệnh tức thời mà chó mắc phải.

Nhưng HLV Hồng bảo, để huấn luyện một chú chó thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào người chủ nó, là HLV. Câu chuyện về môn học tâm lý mà các anh gọi vui là “khuyển ý” cũng được các ông chủ ôn đi ôn lại cho mỗi học viên của mình một cách bài bản.

Anh Hà, HLV chó Buluc chia sẻ: “Phải dỗ dành chó như nuôi con mọn. Yêu thương thật sự thì chó đáp lại tấm lòng của mình. Lông chó càng dày thì khả năng chịu rét càng kém nên hàng sáng, từng huấn luyện viên và bác sỹ thú y trong đơn vị phải dùng cả khăn ấm để rửa mặt và chải lông cho chó”.

Điều thú vị là cùng một chương trình huấn luyện và chăm sóc như nhau, nhưng xem chó là biết được... tính cách người chủ. “Nếu chủ nóng tính, chó cũng hấp tấp vội vàng. Người chủ điềm tĩnh, nghiêm khắc, con chó cũng có kỷ luật khác hẳn…” - Anh Hà tiết lộ.

Nhiều chú chó tại trường 24 được đặt theo tên Tây do có nguồn gốc Tây. Đa số chó ở đây là đời F1, F2 lai giống từ chó Tây, nhưng "sinh ra và lớn lên" ở Việt Nam. Giống khuyển tại trường chủ yếu được nhập từ Đức và Nga, giá mỗi con nhập về sau khi đã qua kiểm định của trường cũng như đầy đủ yêu cầu quốc tế khoảng hơn... 5.000 USD. Có những loại có giống đặc biệt nhiều khi giá lên tới 10.000 USD.

Xoa dịu nỗi đau... cho người

Bây giờ, đã qua sự kiện đau thương sập núi ở Bản Vẽ (Nghệ An) đã mấy tháng trời, nhưng các HLV ở Trường 24 vẫn nhớ như in những ngày đưa chó nghiệp vụ đi tìm xác nạn nhân. Đó là 23h đêm ngày 17-12-2007, hai ngày sau khi vụ tai nạn Bản Vẽ xảy ra, Trung tá Nguyễn Văn Chiến, Trưởng khoa chuyên ngành huấn luyện chó nghiệp vụ cùng 3 huấn luyện viên và 2 chú chó nghiệp vụ... nhiều kinh nghiệm nhận lệnh: Lên đường vào Bản Vẽ. Đây chỉ là một trong những vụ tìm kiếm nạn nhân mà các học viên khuyển đã tham gia tư trước tới nay.

Suốt đêm hành quân, vượt quãng đường hơn 600 km, 6h sáng hôm sau, đội có mặt tại Nghệ An. Hành quân xa, nhưng biết nhiệm vụ đang chờ mình rất nặng nề phía trước, nên hầu như đêm ấy anh em không người nào chợp mắt nổi. Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An khẩn cấp đưa toàn đội tới hiện trường.

Hai chú chó Cô-ma và An-Khôp dưới sự chỉ huy của tổ công tác nhanh chóng làm quen địa hình và bắt đầu công việc tìm kiếm. Đúng 13h20 phút, 7 vị trí đã được xác định có hơi nạn nhân, cờ đánh dấu được cắm lên.

HLV chó nghiệp vụ, Trung úy Đào Duy Hà liên tục sải chân theo Cô-Ma và An-Khốp tại hiện trường núi đá ngổn ngang. Anh Hà kể lại: "Với địa thế cheo leo, mặt bằng chật hẹp, đống sạt lở lại là những khối đá lớn nên việc cứu hộ, cứu nạn vô cùng khó khăn. Rừng núi Tương Dương thời điểm đó lại thường xuyên có mưa... Trong khi đó đá vẫn tiếp tục lở, nguy cơ đá rơi, trượt mái taluy vẫn rình rập những người cứu hộ, cứu nạn”.

Vị trí đầu tiên phải định dạng gây khó khăn, phải xác định tới 2 lần. Lần thứ nhất Cô-ma đã xác định được mùi, nơi đó lực lượng cứu hộ đã từng dùng máy cẩu và máy xúc đào lên nhưng không tìm thấy gì. Để khẳng định thêm nguồn hơi ban đầu, An-khốp vào cuộc. Kết quả vẫn là một. Từng lớp đá mà đội cứu hộ trước đã lấp xuống ngày hôm qua nay lại được đào lên. Cuối cùng, tại vị trí số 01, chỉ đào sâu 5 mét đã thấy có một máy trắc địa, một chiếc ủng và một hòn đá dính máu. Những hy vọng đầu tiên lóe lên và những giọt nước mắt xúc động đến lặng người…

Lúc 9h ngày 19/12, lực lượng cứu hộ phát hiện một thi thể nạn nhân. Đó là Hoàng Anh Vũ, 21 tuổi, công nhân trắc địa, quê ở tỉnh Hòa Bình, đang nằm nghiêng giữa hai tảng đá, toàn thân bị dập nát.

Đến buổi chiều cùng ngày, mùi tử thi bốc mạnh càng khó khăn cho hai chú chó xác định vị trí của các nạn nhân còn lại. Cô-ma và An-khốp không nản chí, tiếp tục tìm kiếm khắp nơi. Đến khi Cô-Ma, An-Khốp lần lượt thay nhau sủa to, đưa chân đào bới cách vị trí thi thể nạn nhân Hoàng Anh Vũ 6m thì lực lượng cứu hộ lại vào cuộc. Đào được 1m, lính biên phòng cho chó kiểm tra tiếp, chó càng sủa mạnh hơn.

Cả chiều hôm đó, lực lượng cứu hộ tiếp tục khai quật, nhưng đến 18h chỉ phát hiện được một ống chân đã bị nghiền nát và một chân trái của nạn nhân nằm sâu hơn 10m, dưới hốc đá cỡ 15m3. Hai ngày sau, toàn bộ thi thể anh Nguyễn Đức Khôi, sinh 1975, công nhân khoan đá, quê tỉnh Hải Dương, mới được lấy lên trọn vẹn. Một lần nữa, Cô-ma và An-khốp đã xác định chính xác.

Anh Hà nhớ lại, trong những giọt mồ hôi rơi quánh đặc quyện vào với mùi hương khói cùng với mùi thi thể nạn nhân bốc lên tạo ra rất nhiều mùi giả hòa trong gió. Đó là một trở ngại của Cô-ma và An-Kốp. Bảy vị trí xác định có thi thể nạn nhân rất rộng, lực lượng cứu hộ đào đến đâu, đưa chó vào để thu hẹp phạm vi đến đấy. Vì thế, Cô-ma và An-khốp hoạt động không ngừng nghỉ.

Đến ngày 6/1/2008, đội chó nghiệp vụ đã kết hợp với lực lượng cứu nạn tìm thấy 11 thi thể nạn nhân còn lại, kết thúc đợt tìm kiếm tại Bản Vẽ.

Còn Cô-ma và An-khốp, với vụ tìm kiếm nạn nhân ở Bản Vẽ, 2 chú khuyển này đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ quan trọng và ý nghĩa nhất trong đời… chó nghiệp vụ của mình!

Bienphongdog
 
Top